Hoàng Tuệ với vấn đề “trong” và “sáng” của tiếng Việt

GS. Hoàng Tuệ (1922 - 1999), nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học là một nhà sư phạm, nhà khoa học xã hội có tầm nhìn rộng, uyên bác và sâu sắc. Ông có đóng góp lớn về ngữ pháp học, ngôn ngữ học xã hội và giáo dục ngôn ngữ. GS. Hoàng Tuệ còn có nhiều đóng góp lớn về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. GS. Hoàng Tuệ cũng thuộc số ít những nhà ngôn ngữ học nghiên cứu về ngôn ngữ văn học - văn chương một cách công phu và tinh tế, tài hoa, có nhiều phát hiện độc đáo, được xem như một trong những người mở đầu làm "cầu nối" giữa giới ngôn ngữ học và giới văn học - văn chương.

GS. Hoàng Tuệ đã công bố khoảng vài trăm công trình nghiên cứu. Nhiều công trình đã in ở các báo, tạp chí và đưa vào một số quyển sách.

Hoàng Tuệ với vấn đề “trong” và “sáng” của tiếng Việt - 1

GS. Hoàng Tuệ

Giáo sư Hoàng Tuệ với điểm xuất phát từ tư duy về bản sắc của tiếng Việt

Có lẽ mệnh đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" bắt đầu được xã hội miền Bắc Việt Nam chú ý và ghi nhớ nhất là từ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một số cuộc nói chuyện, một số bài viết quan trọng về vấn đề này, mở ra một phong trào thảo luận sôi nổi từ khoảng cuối những năm sáu mươi đến thập niên bảy mươi thế kỷ XX.

GS. Hoàng Tuệ là một trong số những nhà khoa học đầu tiên bàn sâu và liên tục về chủ trương đúng đắn và sáng suốt này. Nói đến sự trong sáng của tiếng Việt tức là tìm ra, gìn giữ và phát huy bản sắc tiếng Việt ta, đó là điều cốt lõi của vấn đề mà GS. Hoàng Tuệ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hướng đến từ nhiều góc cạnh. Tại chuyên luận “Tìm hiểu bản sắc và những đức tính của ngôn ngữ”, ông cho biết: “Trong lịch sử ngôn ngữ học [Việt Nam], có cả một quá trình tiến triển trong quan niệm về sự trong sáng của ngôn ngữ, hiểu một cách tổng hợp là “bản sắc” của nó và trong quan niệm về những đức tính của ngôn ngữ, hiểu một cách phân tích, theo các chức năng của nó (…)”

Hoàng Tuệ với vấn đề “trong” và “sáng” của tiếng Việt - 2

Các thế kỷ XVII và XVIII cũng chưa tách khỏi nó, trong sự đề cao cái thuần lý của trí tuệ con người, coi như nguồn gốc và đồng thời bản sắc của ngôn ngữ. Phải đến cuối thế kỷ XIX, bản sắc ấy mới được xác định là có quan hệ với cuộc sống và tính cách riêng của từng dân tộc (...) Cho nên, thế kỷ XIX chủ yếu là thế kỷ của sự so sánh để tìm đến các họ ngôn ngữ của những dân tộc khác nhau. Tuy vậy, vấn đề về sự trong sáng của một ngôn ngữ riêng, hiểu là bản sắc riêng của nó, cái bản sắc phản ánh lịch sử với nền văn hóa của một dân tộc, vẫn cứ tồn tại cho tới nay (...).

Bản sắc của một ngôn ngữ biểu hiện không những ý chí mà cả trí tuệ, với cái lý riêng của trí tuệ đó, trong cuộc sống đấu tranh, sáng tạo của một dân tộc để tồn tại, phát triển và tự bảo vệ".  Tại chuyên luận “Nói chuyện ngôn ngữ học”, GS. Hoàng Tuệ nêu rõ: "Chiều sâu và tầm cỡ rộng lớn của công cuộc này [Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt] lại còn ở chính cái khái niệm mà trên đó nó hình thành khái niệm "sự trong sáng" của tiếng Việt, về giá trị tổng hợp của các mặt ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp và ngữ nghĩa, cái giá trị đã tạo nên bản sắc và sức sống của tiếng Việt, đồng thời cũng tạo nên sức thấm sâu mầu nhiệm của nó đối với tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam chúng ta trong cuộc sống từ xưa đến nay".

Đi vào cụ thể, GS. Hoàng Tuệ nói đến cốt lõi của bản sắc tiếng Việt là trong và sáng. "Sự trong sáng của ngôn ngữ, hiểu là bản sắc riêng tạo nên ngôn ngữ những đức tính mà tổng hợp lại là sức thấm sâu của nó đối với người bản ngữ, và sức sống của nó trong quá trình phát triển. Đức tính rất quan trọng là tính sáng tỏ (...) Ngày trước, khi mới tiếp xúc với tiếng Pháp, có người chủ trương nên nói một cách sáng tỏ, chẳng hạn: "Em có bao nhiêu tuổi ?". Vậy là chất "sáng" của ngôn ngữ, nó luôn luôn gắn bó với chất "trong" (...)

Vả lại, còn có điều nên chú ý là tính sáng tỏ, dù sao cũng là tương đối trong bất kỳ ngôn ngữ nào (...) Trong tiếng Việt, cũng có tình hình đó (...) Bởi vì, nếu có lối diễn đạt sao cho thật sáng tỏ, thì cũng có lối diễn đạt với dụng ý mập mờ, lấp lửng, nước đôi, được khai thác trong nhiều phong cách, kể cả phong cách thơ. Bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà có lẽ là một trường hợp như vậy" (Về sự trong sáng của ngôn ngữ và của tiếng Việt, báo Văn nghệ, khoảng tháng 7 - 1978).

Như vậy, có thể tạm diễn giải thế này chăng: Trong là giản dị, dễ hiểu, thiên về ý nghĩa gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc - quốc gia. Sáng là tươi đẹp, khai mở, hướng nhiều đến tầm văn hóa vươn xa, đáp ứng đòi hỏi của ngôn ngữ nghệ thuật. Đó chỉ là cách phân biệt tương đối, bởi trong có sáng và sáng cũng là trong. Công cuộc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" đặt ra yêu cầu trước tiên là chuẩn mực hóa tiếng Việt. Chuẩn mực hóa tiếng Việt góp phần lớn vào sự nghiệp văn hóa, khoa học của đất nước ta.

Giáo sư Hoàng Tuệ - nhà sư phạm mẫu mực về giáo dục ngôn ngữ

“Ý thức về bản ngữ không phải là đồng đều ở mọi thành viên của xã hội. Đáng chú ý là nó có thể bị xáo động trong giai đoạn phát triển nhanh của ngôn ngữ, thậm chí nó có thể bị sai lệch vì những lý do nhất định trong những hoàn cảnh nhất định. Cho nên, trau dồi ý thức đúng đắn, sâu sắc về tiếng Việt là một yêu cầu cơ bản trong nền giáo dục quốc dân, và nó là phần cơ bản của công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trong tính chất thường xuyên, lâu dài, chiến lược của công cuộc này”. Đó là ý kiến của GS. Hoàng Tuệ khi ông nói đến “Một vài nhận thức chung quanh vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (1984).

Vốn là cán bộ giảng dạy Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS. Hoàng Tuệ vẫn giữ tác phong và ý thức sư phạm khi đã chuyển sang Viện Ngôn ngữ học. Những công trình khoa học về ngôn ngữ trong trường học chiếm phần lớn di sản của Giáo sư. Ông quan tâm nhiều đến giáo dục ngôn ngữ trong xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng. Ông luôn luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục ngôn ngữ.

Như đã biết, GS. Hoàng Tuệ là một nhà ngữ pháp học có đóng góp lớn. Ông có những ý kiến sắc sảo về người dạy và người học, chẳng hạn: "Hệ thống bản ngữ đã hình thành dần dần từ lứa tuổi ấu thơ. Đó là sự hình thành qua con đường kinh nghiệm thực tiễn...Tuy vậy, sẽ là sai lầm, nếu làm cho việc giảng dạy về hệ thống, bản ngữ tách rời khỏi thực tiễn hành ngôn. Thực tiễn hành ngôn mà người học sinh cần tiếp xúc thường xuyên là hành ngôn văn hóa, văn chương".

Trong tiểu luận “Khái quát về sự phát triển của ngôn ngữ” (1994), GS. Hoàng Tuệ viết: “Một nhiệm vụ lớn của trường học là hướng dẫn tốt sự tiếp nhận, sự thụ đắc không chỉ hệ thống ngôn ngữ mà còn cái hay, cái đẹp và cái đúng trong thực tiễn sáng tạo văn chương của các thế hệ nhà thơ, nhà văn”.

Như đã biết, ông có nhiều sách in ở Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong và ngoài những quyển đó, có nhiều tiểu luận khoa học rất cần thiết cho người dạy và người học (xem “Tuyển tập” Hoàng Tuệ, phần “Tiếng Việt trong trường học”). Số tiểu luận đậm tính sư phạm - hướng trực tiếp đến người dạy và người học - khoảng hai mươi đơn vị bài, choán khá nhiều trong sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ học của ông. Tư tưởng, tinh thần của những tiểu luận ấy cũng vẫn là giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, đề cao bản sắc dân tộc và giá trị của tiếng Việt

GS. Hoàng Tuệ cũng là một trong số những nhà khoa học đầu tiên mở đường và có rất nhiều đóng góp về việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam với tư cách một nhà nghiên cứu có tầm nhìn xa và nhân văn, cũng nhằm thực hiện tốt chính sách ngôn ngữ do Nhà nước đề ra. PGS. TS. Tạ Văn Thông - chuyên gia về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cho biết: "GS. Hoàng Tuệ là người am hiểu và có không ít đóng góp trong nghiên cứu lí luận cũng như ứng dụng đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là người có công khởi xướng và đẩy mạnh các chương trình hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức và quốc gia (...) trong thời gian ông công tác tại Viện Ngôn ngữ học ở cương vị Viện trưởng và Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ". GS. Hoàng Tuệ chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa, sách ngữ pháp, từ điển phục vụ đồng bào thiểu số học tiếng dân tộc của mình song song với học tiếng Việt.

Công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có thể cũng giúp ông cùng cộng sự có nhiều kinh nghiệm khi tiếp cận các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, và như thế, việc dạy và học của các dân tộc có kết quả hơn.

Hoàng Tuệ với vấn đề “trong” và “sáng” của tiếng Việt - 3

Giáo sư Hoàng Tuệ với ngôn ngữ văn học - văn chương

GS. Hoàng Tuệ là một trong số ít những nhà khoa học ngôn ngữ mở đầu và tham gia vào nghiên cứu ngôn ngữ văn học - văn chương một cách sâu sắc. Ông được ghi nhận là nhà khoa học thâm hậu, tinh tế và tài hoa và đạt được thành quả đáng kính nể, có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực này. Là người ngoại giới nhưng ông lại không thua kém các nhà nghiên cứu, phê bình văn học - văn chương chính hiệu.

GS. Hoàng Tuệ say mê nghiên cứu sáng tác văn chương của một số nhà văn tên tuổi hàng đầu của Việt Nam. Ông có các tiểu luận công phu, sâu sắc như về Thơ văn Hồ Chí Minh (phong cách hai tác phẩm “Nhật ký trong tù” và “Tuyên ngôn độc lập”), “Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng Việt”, “Ngữ pháp Truyện Kiều”, Bài thơ “Thề Non Nước” của Tản Đà, thơ Tú Xương…

Hoàng Tuệ am hiểu sâu sắc văn chương, ngôn ngữ văn chương và bàn luận một cách say mê, khiến những trang viết vừa mang tính khoa học thâm hậu vừa thấm đượm chất nghệ sĩ tài hoa, khoáng đạt, tinh tế, có duyên. Có thể nói ông là một tác giả bình văn có đẳng cấp. Ông giải bình, luận bàn cái đẹp của văn chương, cũng tức là tiếp cận cái trong và nhất là cái sáng của văn chương thông qua ngôn ngữ.

Ông rất hiểu tâm lý, hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ. Chúng ta hãy đồng cảm với tác giả những dòng này: "Nghĩa biến hóa phát sinh ra từ những hoàn cảnh vận dụng nghĩa cơ bản trong một lời cụ thể. Nhưng thường thường, nghĩa biến hóa ấy chịu sự chi phối rất rõ của cơ cấu nghĩa cơ bản, chứ không phải rằng đã muốn biến hóa thì thế nào cũng được. Cái tài của nghệ sĩ trong việc dùng từ chính là ở sự biến hóa này (...). Ngẫm cho cùng, khi dùng một từ trong văn thơ của mình là nhà nghệ sĩ đã động chạm tới những cảm xúc, những suy nghĩ của bao nhiêu người đời trước nhằm gây được cảm xúc, suy nghĩ cho bao nhiêu người đời nay và đời sau".

Tương đương với văn học - văn chương về lí luận - phê bình, những trang viết của GS. ngôn ngữ học Hoàng Tuệ lại thuộc khu vực nghiên cứu lí luận - phê bình về ngôn ngữ học. Ông giải bình xen kẽ lí luận. Thí dụ, sau khi giải bình cái hay của ngữ pháp “Truyện Kiều” (ở câu “Trăm năm trong cõi người ta”), GS. chốt lại bằng lý luận ngôn ngữ: “Thực ra nghĩa của từ có thể biến hóa.

Và nghĩa của "cõi" đã có biến hóa rồi, từ phạm vi cụ thể sang phạm vi trừu tượng đều có những trường nghĩa khác nhau và nghĩa của từ có thể lan dần từ trường nghĩa này sang trường nghĩa khác: chẳng hạn trường nghĩa không gian có thể mở rộng sang trường nghĩa thời gian hay ngược lại. Tuy vậy, trong trường hợp chữ "cõi" thì thực tế chưa có phép xác nhận rằng nó đã chuyển sang trường nghĩa thời gian".

Hoàng Tuệ với vấn đề “trong” và “sáng” của tiếng Việt - 4

Ông được ghi nhận là nhà khoa học thâm hậu, tinh tế và tài hoa và đạt được thành quả đáng kính nể, có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ văn học - văn chương.

Bước sang lĩnh vực ngôn ngữ văn học - văn chương, GS. Hoàng Tuệ nói nhiều đến phong cách. Ông viết: "Bàn đến nghệ thuật sáng tác văn chương là đi vào một địa hạt rộng lớn. Nhưng sự quan tâm của nhà ngôn ngữ học chủ yếu vẫn là những vấn đề về quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ - hệ thống với thực tiễn hành ngôn trong văn bản.

Cụ thể, đối với nhà nghệ sĩ, đó là vấn đề phong cách. Có người nói phong cách là "một sự tạo nghĩa" (Granger; 1968), nhưng cần nhấn mạnh rằng đó là một sự tạo nghĩa đặc biệt, trong sự giao tiếp xã hội bằng nghệ thuật, nhằm tạo nên một tác động đặc biệt. Nên nhất thiết nó phải là kết quả của một sự lựa chọn rất có ý nghĩa về hình thức: “Mallarmé” để lại một câu được truyền tụng: "Người ta làm thơ không phải chỉ bằng ý" (Dubois; 1973), nghĩa là trong nghệ thuật, còn phải có hình thức. Và hình thức phải là một sự cấu trúc hóa, kết quả của những giải pháp cá nhân nghệ sĩ về các đối lập giữa hình thức với nội dung, giữa hiển ngôn và hàm ngôn (trong nghệ thuật, lượng hàm ngôn có thể rất nhiều), giữa thời đại với lịch sử (có phong cách thời đại, mà cũng có phong cách mang màu sắc lịch sử). Và, giữa nhà nghệ sĩ với độc giả trong quan hệ đối thoại".

“Phong cách” mà GS. Hoàng Tuệ nói ở đây là phong cách ngôn ngữ văn học - văn chương. Ông nêu rõ: "Nhìn chung, trong nền văn học cách mạng của đất nước ta ngày nay, mặt thành công trong phong cách ngôn ngữ của các nhà văn, nhà thơ là sự tôn trọng những cái đặc sắc trong tiếng nói của quần chúng; những cái đặc sắc này bao hàm không những vốn cũ tốt đẹp của truyền thống tiếng Việt mà đồng thời, cả những sáng tạo mới, sinh động, của nhân dân, những sáng tạo phù hợp với quy luật phát triển nội tại của ngôn ngữ và phản ánh những suy nghĩ, những cảm xúc của nhân dân trong cuộc sống phong phú, cuộc đấu tranh vĩ đại".

GS. Hoàng Tuệ cũng phân biệt hai loại phong cách một cách lí thú khoa học: "Quan hệ với thế giới có thể được hiện ra ở hai mức về khoảng cách giữa người nói với thế giới.

Có thể có mức tối đa về khoảng cách; trong phát ngôn, thế giới hiện ra như là hoàn toàn tách biệt, chẳng có quan hệ gì với người nói; ngược lại, có thể có mức tối thiểu của khoảng cách: thế giới hiện ra trong phát ngôn là hoàn toàn thông qua chủ quan của người nói.

Người ta thường nghĩ rằng phong cách khoa học thuộc trường hợp thứ nhất; phong cách nghệ thuật thuộc trường hợp thứ hai. Nhưng cũng không hẳn thế. Trong phong cách nghệ thuật, cũng có thể thấy hai mức nói trên. Nhà nghệ sĩ có thể làm nhòa cái tôi của mình đi, dường như chẳng còn nó nữa; nhà nghệ sĩ cũng có thể làm cho cái tôi của mình luôn luôn đậm nét.

Quan hệ với thế giới còn có thể được hiện ra ở hai mức về sự thông tỏ của thế giới trong nhận thức của người nói.

Có thể có mức tối đa của sự thông tỏ trong phát ngôn, thế giới hiện ra minh bạch; có thể có mức tối thiểu của sự thông tỏ: trong phát ngôn, thế giới hiện ra khác nhau khi tỏ, khi mờ, khi được tô đậm, khi được làm cho nhạt đi.

Phong cách khoa học thường được coi là thuộc trường hợp thứ nhất, đặc biệt là phong cách của sách giáo khoa. “Phong cách nghệ thuật” được coi là thuộc trường hợp thứ hai, song cũng không thể hiểu yêu cầu này là tuyệt đối trong nghệ thuật, ngay cả trong thơ".

Tuy nhiên, trên thực tế, sáng tạo của người nghệ sĩ có thể vượt qua chuẩn mực, khi ấy yêu cầu về chuẩn mực hóa hoặc nói khác là yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt sẽ bị xâm phạm phần nào. Bằng cách nhìn uyển chuyển, GS. Hoàng Tuệ đã viết trong tiểu luận “Hiểu nhau” (báo Văn nghệ, 1-1-1983) rằng: "Về chuẩn mực, cái khó là ở chỗ: trong những phạm vi nhất định, chuẩn mực có thể được xác định rõ nhưng có những phạm vi thì chuẩn mực trong quan hệ với phong cách lại có tính chất linh hoạt".

Phong cách đây là phong cách chức năng, phân thành phong cách nói và phong cách viết. Phong cách nói còn bao gồm các phong cách đối thoại, đơn thoại, diễn xuất...và phong cách viết thì bao gồm các phong cách văn học (nghệ thuật, khoa học, báo chí...), hành chính, tài liệu thư tín…

Các loại phong cách thể hiện thành những trạng thái ngôn từ, hoặc "ngôn thái" khác nhau. Nói khác viết và ngược lại, viết khác nói. Nói đối thoại là khi có hai người, nói qua nói lại, thì khác với nói đơn thoại khi người giáo viên giảng bài, hay người cán bộ phát biểu trong một cuộc họp… Viết lại càng đa dạng: viết truyện khác với viết luận văn khoa học hay viết thư riêng.

Đáng chú ý là các ngôn thái biến đổi trong quá trình phát triển của xã hội". Khi bàn về “Câu sai, câu đúng” (1996), ông viết: “Nhà văn suy nghĩ và chọn lựa sao cho thành phong cách. Đúng thế, phong cách gắn với chuẩn mực. Và phong cách khoa học, phong cách nghệ thuật và phong cách cá nhân, là kết quả của một sự lựa chọn mà sự lựa chọn có giá nhất là sự chọn [mà] nhà văn đã làm trong câu [văn] của mình”.

Tác giả bài viết này là một người sáng tác và nghiên cứu về Văn học, tức là “ngoại đạo” về chuyên môn Ngôn ngữ học. Nhưng, Văn học và Ngôn ngữ học là hai lĩnh vực không thể tách rời. Tôi đã tiếp xúc với GS. Hoàng Tuệ từ rất lâu, qua những trang viết của ông. Nhân dịp này, xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ và biết ơn ông.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất