Người cầm nhiều trái cam trên một bàn tay

Mỗi khi nghĩ về Nguyễn Đình Thi, tôi lại nhớ tới lời Raxun Gamzatốp nói với Eptusenko (hai nhà thơ nước Nga): "Đừng cầm ba quả cam trên một bàn tay, tất cả sẽ rơi xuống đấy!". Tuy nhiên, tôi không đồng tình với Raxun, mặc dù đấy là chân lý hiển nhiên của cuộc sống, nhưng lại không phải bao giờ cũng đúng trong văn học nghệ thuật.

Nguyễn Đình Thi viết nhiều thể loại, và ở thể loại nào anh cũng thành công. Về âm nhạc, anh có Diệt phát xítNgười Hà Nội nổi tiếng. Về kịch, anh có Con nai đen, Giấc mơ, Tiếng sóngNguyễn Trãi ở Đông Quan có tiếng vang. Về tiểu luận phê bình, ngay từ khi hai mươi tuổi anh đã được ghi nhận với Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích, rồi đến tập Công việc của người viết tiểu thuyết có giá trị. Anh có tập truyện ngắn Bên bờ sông Lô và truyện viết cho thiếu nhi Cái Tết của mèo con cũng còn lưu dấu ấn trong tâm trí mọi người...

Nhưng đôi cánh đưa anh bay trên bầu trời nghệ thuật cao rộng một cách vững vàng, đó là thơ và tiểu thuyết. Đôi cánh này của anh khá thăng bằng. Có giai đoạn hàng chục năm mọi người cứ ngỡ cánh tiểu thuyết của anh là cánh chính. Nhưng càng ngày thời gian đã giúp chúng ta xác định một cách rõ ràng cánh phải của anh là cánh thơ.

Thật ra thành công của anh ở từng thể loại đã là niềm mơ ước của nhiều người cả đời viết về thể loại đó. Nhưng khi đánh giá về sự nghiệp của một người không nên tách riêng từng phần rồi cộng lại. Cách làm như thế sẽ không nhìn thấy tầm cao của ngôi nhà. Mỗi nghệ sĩ chỉ có một ngôi nhà duy nhất do tất cả các tác phẩm về mọi thể loại của họ tạo nên. Có người các tác phẩm cứ tách nhau rời rạc. Song có người các tác phẩm ở nhiều thể loại lại kết hợp một cách đặc biệt, tôn nhau lên tạo thành một tầm vóc khác hẳn. Tác phẩm của Nguyễn Đình Thi thuộc dạng thứ hai này.

Có người lấy làm tiếc là Nguyễn Đình Thi đã trải tài năng của mình ra nhiều lĩnh vực, nếu anh chỉ dồn vào một lĩnh vực thì anh sẽ trở thành một tài năng lớn về lĩnh vực đó. Đó là một cách nhìn không biện chứng. Tài năng tự nó không thể dồn, không thể đẩy được. Không thể bảo Nguyễn Đình Thi đừng viết nhạc, đừng viết kịch và tiểu thuyết thì thơ sẽ hay hơn! Những nghệ sĩ đích thực mỗi tác phẩm thường ra đời một cách tự nhiên do trái tim thôi thúc, những tư duy, tình cảm khi đã chín sẽ hình thành hệ thống hình tượng và mượn thể loại thích hợp để trú ngụ.

*

Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951 - 1952, đã trao Giải Nhì cho tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay, khơi nguồn cho mạch tiểu thuyết của anh. Ghi nhận của Hội Văn nghệ đã thúc đẩy cảm hứng sáng tạo của anh ở thể loại này. Mặc dù thật sự Xung kích chưa phải là một tiểu thuyết hay. Giá trị chủ yếu của nó là giá trị phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến chống Pháp về đề tài người chiến sĩ cầm súng. Mà như chúng ta biết, một tác phẩm lớn phải có tư tưởng nghệ thuật vượt lên trên hoàn cảnh hiện thực và phải có một giá trị nghệ thuật đặc biệt. Xu hướng phản ánh kịp thời cuộc sống hiện thực này cũng cho Nguyễn Đình Thi thành công ở hai tập tiểu thuyết nữa là Vào lửa Mặt trận trên cao trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là ba tập tiểu thuyết có độ dày vừa phải, viết về ba binh chủng: Bộ binh, pháo binh và không quân. Nó mang tư tưởng toàn dân toàn diện kháng chiến và phục vụ kịp thời của tác giả, chưa có được hình tượng nghệ thuật ám ảnh và lay động người đọc.

Tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi và cũng ghi nhận thành tựu trên lĩnh vực tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi là bộ Vỡ bờ. Vượt qua tất cả những lời bình, các nhân vật: hoạ sỹ Tư, chiến sĩ cộng sản Khắc, nhạc sĩ Toàn, các nhân vật nữ là An và Phượng... vẫn sống trong tâm trí bạn đọc. Đặc biệt là nhân vật Khắc và nhân vật Phượng.

Khắc là hình ảnh một chiến sĩ cách mạng khá tiêu biểu của thời kỳ hoạt động bí mật. Với lý tưởng đẹp đẽ, tâm hồn trong sáng, với nghị lực và bản lĩnh kiên cường, anh đã được quần chúng tin yêu và che chở, gây dựng được phong trào cách mạng. Trước “Vỡ bờ”, và cho đến nay cũng chưa có hình tượng chiến sỹ cộng sản nào thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám trong văn xuôi chân thực hơn nhân vật Khắc.

Nhân vật Phượng là một hình tượng nghệ thuật sống động đã có được cuộc sống riêng bước ra khỏi trang sách. Tài năng và bản lĩnh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi thể hiện qua việc miêu tả nhân vật này cả vẻ đẹp hình thức, tâm trạng và hành động. Bởi vì thông qua nhân vật nữ tiểu tư sản quý tộc này, người đọc hiểu nhiều mặt của đất nước, của cách mạng và hoàn cảnh thời đại. Hình tượng cô Phượng trong tiểu thuyết Vỡ bờ bác bỏ mọi nhận xét cho rằng văn học mấy chục năm qua của chúng ta chỉ là nền văn học minh họa. Nhân vật Phượng là một hình tượng nghệ thuật ám ảnh người đọc. Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, những hình tượng văn học thành công như nhân vật Phượng đâu phải có nhiều.

Và phải đặt tiểu thuyết Vỡ bờ (tập I) ra đời từ năm 1960 mới thấy hết được tầm cỡ của nó. Không thể đánh giá một giá trị thoát khỏi hoàn cảnh cụ thể. Sự ra đời của Vỡ bờ (tập I) báo hiệu văn học đương đại Việt Nam bắt đầu có những tác phẩm bề thế, bắt đầu hình thành một nền văn học lớn. Và cả giá trị này nữa, khi nói về Chế Lan Viên nhà thơ Tố Hữu đã viết một câu sâu sắc, cho chúng ta một cách nhìn cách đánh giá về một tác giả, một tác phẩm: "Mai sau những cánh đồng thơ lớn / Chắc có tro Anh bón sắc hồng". Vui mừng với những thành tựu của văn học đổi mới hôm nay, chúng ta cũng phải nhìn đóng góp của tiểu thuyết Vỡ bờ như thế.

Thơ Nguyễn Đình Thi có số phận khác hẳn. Nó ra đời sớm hơn tiểu thuyết của anh, nhưng không được đón chào nồng nhiệt như thế. Hội thảo thơ Nguyễn Đình Thi năm 1948 có nhiều ý kiến chê, chủ yếu là thơ anh khó hiểu, không gần gũi quần chúng. Mặc dù vậy, anh vẫn thầm lặng sáng tác và giữ nguyên phong cách của mình. Bản lĩnh đó phải chăng đã giúp thơ anh từng bước khẳng định mình, tuy chậm chạp nhưng vững chắc.

Người cầm nhiều trái cam trên một bàn tay - 1

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi

Thơ Nguyễn Đình Thi có một phong cách riêng, đó là sự sâu nặng trong nghĩa tình, sâu nặng trong tư tưởng, sâu nặng trong triết lý qua hình thức thơ gân guốc khoẻ khoắn. Anh không chú ý nhiều ở từ ngữ mà tập trung vào cách diễn đạt, làm cho những câu thơ nổi hẳn lên, không còn ở dạng bình thường. Sự sâu nặng của ý tưởng kết hợp cách diễn đạt ấn tượng đến mức đủ lay động người đọc. Sự sâu nặng đến nhức nhối được thể hiện từ trong việc miêu tả:

"Mỗi tấc đất ngày đêm bỏng giẫy

Mỗi lòng người như nước suối trong"

(Quê hương Việt Bắc)

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều"

(Đất nước)

Sâu nặng đến dằn vặt, đến tràn đầy khi nói về tình yêu thương con người:

"Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn"

(Nhớ)

"Mây hồng chim vút cánh bay

Sông xa một dải dâng đầy nhớ thương"

(Mùa thu nhớ Bác Hồ)

Sự sâu nặng ấy thấm vào ngay tư tưởng yêu nước, khi thể hiện về cách mạng, thành bức tranh hoành tráng:

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

(Đất nước)

Càng về sau thơ Nguyễn Đình Thi càng có một triết lý sâu nặng, nhưng là sự sâu nặng đến rưng rưng của cây đời:

"Cái hy vọng

Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác"

(Một niềm vui một nỗi buồn)

"Cái không mất thường ở trong nước mắt

Giọt mồ hôi người đẫm luống xanh"

(Nhìn xem)

Nguyễn Đình Thi giữ được hồn thơ của mình khoẻ đều hơn nửa thế kỷ. Đó là một điều khó. Hồn thơ phản ánh hồn người. Cái gốc của hồn thơ là hồn người, nó cho chúng ta thấy một tình yêu cuộc sống bền bỉ, thiết tha và mãnh liệt của Nguyễn Đình Thi.

Đọc thơ Nguyễn Đình Thi, thấy hình tượng dòng sông theo suốt hồn thơ của tác giả. Cũng có thể ví hồn thơ Nguyễn Đình Thi như một dòng sông liên tục chảy, lúc náo nức khi êm đềm, nhưng luôn chuyển động dào dạt ở trong lòng.

Dòng sông ấy có tên của riêng mình, ai nghe cũng biết. Tuy chưa phải là Hồng Hà hay Cửu Long Giang, nhưng cũng là cỡ sông Đà, sông Lô, sông Mã, Hương Giang, Thu Bồn của thơ Việt Nam. Dòng sông ấy có dáng hình vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa mang trên dòng những ca nô, tầu thuỷ, vừa in bóng trời mây, và những cánh buồm.

*

Thế mới hay người nghệ sĩ phải tự nghe được tiếng đập của trái tim mình, mà nhiều khi các nhà phê bình không có đôi mắt xanh dễ lầm tưởng. Lúc đầu đến với thơ, Nguyễn Đình Thi không được chào đón như khi anh đến với tiểu thuyết, nhưng "thức lâu mới biết đêm dài...". Nếu không có bản lĩnh để thức lâu, và nghĩ sâu, lắng nghe tiếng con tim mình thao thức thì có khi chệch hướng và tuột mất. Nhưng những nghệ sĩ lớn thường có tài nghe được đúng tiếng đập của tim mình, đủ bản lĩnh để đi theo và đủ tài năng thể hiện nó. Cái tài này ở họ cũng rất tự nhiên. Nguyễn Đình Thi đã là một người như thế.

Mọi người thường nói: Đóng góp của nhà văn là ở tác phẩm của họ. Điều ấy đúng nhưng chưa đầy đủ. Còn cả sự tác động của họ vào nền văn học ấy, vào cuộc đời, vào thời đại nữa chứ! Ba mốt năm Nguyễn Đình Thi là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, và ở tuổi ngoại bảy mươi cho đến khi mất ông lại đứng ra đảm nhận trọng trách Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chẳng lẽ lại không phải là sự đóng góp cho văn, cho đời?

Ngôi nhà văn chương mà Nguyễn Đình Thi xây trong cuộc đời mình khá đồ sộ. Điều quý hơn là ngôi  nhà ấy tuy sang trọng nhưng cũng rất đời thường, không hề cao đạo. Những người yêu văn chương ra vào cảm thấy khá thoải mái.

Đinh Quang Tốn

Tin liên quan

Tin mới nhất