Mộng mị
Nó bỏ nhà đi đã tròn hai tuần và một ngày.
Ngày thứ hai nó không về nhà, bố nó hỏi: “Bà có biết thằng con quý tử của bà đi đâu không?”. “Thế nó không phải là con ông à?”. Mẹ nó đã trả lời bằng một câu hỏi. “Bà đi tìm xem nó trốn ở đâu. Nó vẫn cờ bạc, lại nợ nần và cắm xe máy rồi đấy”. Giọng bố nó khô khốc như vãi sỏi lên tấm bê tông.
Mẹ nó kiểm tra ngăn tủ đựng đồ của nó. Thằng giặc non đã bỏ đi thật rồi. Một ý nghĩ thoáng đến trong cái đầu đang căng như dây đàn, người mẹ lẩm bẩm: “Có biến được luôn thì biến mẹ mày đi cho nhẹ nợ”.
Nó đã hơn hai mươi tuổi, đủ trưởng thành để sống tự lập. Mẹ nó mồ côi cha từ khi lên năm, mất mẹ lúc mới mười ba tuổi. Chưa đủ mười tám tuổi mẹ nó đã xung phong đi bộ đội, rồi xuất ngũ, đi học, đi làm, bươn bả có sao đâu.
Thằng nghịch tử đã từ chối mọi con đường sáng sủa mà bố mẹ nó mở ra cho nó. Tiêu tốn cả một cái nhà, tài sản duy nhất của mẹ nó cho việc học hành của nó. Đến nay nó vẫn không qua được trường lớp nào. Càng ngày nó càng lặn ngụp sâu hơn trong cái bể đỏ đen, người sát phạt người. Phàm ai sa chân vào đó thì cửa nhà đều sạch bách.
Nó không biết rằng, cứ mỗi lần nhắc đến căn nhà cũ đã phải bán đi là mẹ nó và em nó lại khóc. Một lần, đang nằm xem tivi thì em nó tự nhiên bật khóc to, mếu máo bắt đền: “Thế là mất nhà rồi, thế là con chẳng bao giờ được về nhà cũ nữa. Nhà của con đâu rồi mẹ ơi! Tại sao mẹ lại bán đi?”. Con bé khóc hu hu. Thoạt đầu, mẹ nó tưởng đùa. Nhưng đúng là con em của nó đang khóc thật. Khóc nức nở. Khóc tức tưởi. Mẹ nó ôm em gái nó vào lòng. Rồi hai mẹ con cùng khóc.
Không phải chỉ khi thấy em gái nó khóc mẹ nó mới khóc, mà mẹ nó đã khóc rất nhiều ngay từ khi quyết định bán nhà. Đúng vào thời kỳ giá nhà đất tụt xuống rất thấp nên không có người hỏi mua. Mẹ nó phải nhờ thầy cúng làm lễ bán nhà. Lễ cúng là tiền âm phủ đúng bằng tiền căn nhà muốn bán. Thầy cúng bảo phải đốt tiền địa phủ dâng cho ông bà tiền chủ và quan thần linh thì mới bán được. Người mẹ đi mua một tỷ bảy tiền âm phủ mất một triệu hai trăm tiền thật, chở đến nhà thầy làm lễ cùng với hoa tươi, trái cây và lễ mặn. Sau đó, người mẹ chở 2 bao tải tiền địa phủ về nhà cúng tiếp theo như lời dặn. Cầm tờ giấy ghi những lời phải khấn ông thầy đưa, mẹ nó vừa đọc vừa khóc.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi
Ngoài những gì thầy cúng ghi, mẹ nó còn lẩm bẩm những suy nghĩ riêng: “Con xin sám hối. Thật ra con chẳng muốn bán nhà. Ở đây đã lưu giữ tất cả những kỷ niệm buồn vui của gia đình con mấy chục năm qua. Nhưng vì gia đình con rơi vào hoàn cảnh túng bí, không còn cách nào khác là phải bán nhà đi thì mới trang trải được nợ nần do thằng con cờ bạc”.
Người mẹ khóc còn với một ẩn ức khác. Bán nhà là mất đi vĩnh viễn một tài sản có được sau khi người mẹ phải đánh đổi bằng rất nhiều đau đớn tủi hờn của những năm tháng bỏ nó từ lúc nó chưa đầy hai tuổi để đi “cứu nhà” ở nơi đất khách quê người. Mẹ nó muốn giữ lại căn nhà ấy còn vì một nhẽ khác. Nếu bán nhà đi thì sẽ phi tang mất bằng chứng duy nhất ghi nhận công sức và sự đóng góp của người mẹ cho cái gia đình nhỏ này. Một tổ ấm luôn thiếu hơi người, nguy cơ nguội lạnh. Nơi mà niềm vui thì mỏng manh nhưng nỗi phiền muộn thì lúc nào cũng ăm ắp đầy như nước sông mùa mưa lũ.
***
Bố nó rất hay nổi “cơn điên”. Khi lên cơn, bố nó hung hãn như con thú bị thương, đập phá tất cả những gì trong tầm tay, rồi quát mắng chửi bới không tiếc lời. Ngôn từ chợ búa bất ngờ, khó ai tin là được phát ra từ một người có học, chữ nghĩa chứa đầy một bụng.
Những lúc người chồng lên cơn thì người vợ chỉ lặng im như người câm điếc. Những lời muốn đối đáp rất nhiều nhưng chỉ nằm chết trong cái đầu lúc nào cũng muốn nổ tung ra của người mẹ. Chỉ cần người vợ lên tiếng thì chắc chắn sẽ là một cuộc khẩu chiến ác liệt. Kết thúc là sự đập phá và những lời chửi bới hết sức tục tĩu của người chồng.
Nhiều khi người mẹ tự vấn, không biết kiếp trước đã phạm phải tội lỗi gì để kiếp này phải chịu nghiệp chướng? Ừ, mà nếu không có nó thì cuộc đời của mẹ nó có khác đi không nhỉ? Nếu ngày ấy mẹ nó đủ can đảm đẻ và nuôi nó mà không cần chồng thì liệu nó có thành như thế này không? Chỉ vì để cho bố mẹ khỏi bị mang tiếng xấu là có đứa con gái chửa hoang nên mẹ nó đã cắm mặt ký vào tờ hôn thú. Thời ấy, chưa xa lắm nhưng nếu gái không chồng mà chửa, mà đẻ con thì không có gì xấu xa hơn. Trên tất cả, muốn để cho đứa con sinh ra có một người cha nên mẹ nó đã phải làm đám cưới dù biết rằng sống với một người chồng như bố nó thì cuộc đời của người mẹ niềm vui sẽ chỉ thưa thớt mà thôi.
Chừng ấy năm làm vợ, làm mẹ là chừng ấy năm mẹ nó đã nuốt nước mắt vào trong mà sống. Mẹ nó chấp nhận thua thiệt không chỉ ngoài xã hội mà ngay cả trong nhà vì cái thiên chức trời trao cho phụ nữ. Mẹ nó tự an ủi rằng, thành đạt của người đàn ông trong nhà mới là quan trọng. Thành đạt của người chồng là đủ cho cả nhà vui.
Nó vốn là đứa trẻ rất thông minh, tình cảm và tinh tế. Lần nó mới học lớp ba hay lớp bốn gì đó, vì không có thói quen ghi nhật ký nên mẹ nó không nhớ được chính xác thời gian nhưng sự việc thì mẹ nó nhớ như in trong đầu. Một chiều, khi lấy rá để vo gạo nấu cơm. Ngày đó, gạo bao cấp nhiều sạn chứ không như bây giờ. Mỗi lần nấu cơm phải nhặt sạn và đãi gạo bằng rá để lọc bỏ sạn nhỏ và sạn có màu giống màu của gạo mà mắt thường không phân biệt được. Mẹ nó thấy cái rá để ngửa trên nóc chạn bát chứ không ở chỗ vẫn được cất hàng ngày. Thật bất ngờ, trong lòng cái rá là tấm thiếp chúc mừng ngày tám tháng ba. Nét chữ học trò tiểu học của thằng con chân phương nhưng cứng cáp rất đàn ông: “Con yêu mẹ rất nhiều”. Mẹ nó đã lâng lâng sung sướng. Nếu không có tấm thiếp đó thì mẹ nó cũng chẳng nhớ ra hôm đó là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Vậy mà, càng lớn nó chẳng còn là nó của ngày xưa.
Tất cả những thói hư tật xấu của nó đều được quy về lỗi của người mẹ. Rằng mẹ nó không biết cách dạy con. Rằng mẹ nó đã chiều chuộng nó quá nên mới ra nông nỗi. Đúng quá rồi còn gì. Bố nó thì bận. Công việc cuốn người bố hãnh tiến, ham công danh đi suốt cả ngày dài tới tận đêm thâu. Khuya bố nó mới về nhà thì còn thời gian đâu mà chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái.
Mẹ nó cay đắng tự trách mình kém cỏi. Cứ mỗi lần nó gây ra sự gì là mẹ nó lĩnh đủ. Đôi khi cả con em đang độ tuổi ăn tuổi lớn cũng phải cùng chịu trận vì sự quậy phá của thằng anh hư.
Càng lớn nó càng như cây gỗ cong không thể uốn. Hằng ngày nó đi bạt tử. Hỏi đi đâu thì nó trả lời: “Con lớn rồi. Trẻ con đâu mà mẹ cứ phải giám sát”. Ngày nào cũng như ngày nào, đêm khuya nó vẫn chưa có mặt ở nhà. Hầu như đêm nào mẹ nó cũng phải nhắn tin bảo nó nên về sớm.
Nó đã bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên nhủ của mẹ. Cách đây mấy tháng mẹ nó thấy nó bơ phờ, mắt thâm quầng cũng đã đoán nó đang gặp sự cố gì. Hỏi nó thì chỉ như vạch đầu gối ra mà hỏi vậy.
Chủ nhật trước, thấy nó vật vờ nằm cả buổi sáng không dậy mẹ nó đã dựng nó lên, tống ra khỏi nhà. Kinh doanh gì mà ngủ suốt ngày như này? Lấy gì trả tiền thuê nhà. Lấy gì trả tiền điện, tiền nước. Tiền đâu để nuôi và trả công cho cô em họ nó đang phụ giúp ở cửa hàng. Mẹ nó quát tháo đến khản tiếng nhưng chỉ như nước đổ lá khoai. Nó lì lợm, dắt xe đi khỏi nhà.
***
Không khí trong nhà nó mấy ngày nay thật ảm đạm, như đang có đám tang. Ngày nào cũng như ngày nào, mẹ nó lặng lẽ, âm thầm tìm nó bằng cách gửi email cho nó, vào mạng xem nick của nó có sáng không. Đêm cũng như ngày, bất kỳ lúc nào mẹ nó vào mạng thì đều thấy nick của nó tối om. Thường ngày mẹ nó vẫn thấy nó vào mạng thâu đêm, rồi ngủ đến nửa ngày hôm sau. Sao mấy tuần nay nó không vào mạng nhỉ? Chắc là nó cố tình không muốn gặp mọi người. Hay nó phải trốn nợ? Nó đang lang bạt ở đâu? Liệu nó có bị rơi vào vòng xoáy của tệ nạn không?
Hằng ngày mẹ nó vẫn sống đấy, vẫn ăn đấy, vẫn làm đấy nhưng chỉ như một cỗ máy được lập trình. Người mẹ rất mệt mỏi nhưng không được phép ốm. Nó đang ở đâu chứ? Nó có biết chiều nay bố nó lại gây sự với mẹ nó chỉ vì thằng con lang bạt kỳ hồ, không đoái hoài đến nhà cửa cả tuần nay. Mẹ nó chuyển động như một cái bóng, lặng lẽ dọn dẹp, vào ra vô hồn.
Buổi tối. Khi người mẹ đang thu dọn bếp núc thì một lũ thanh niên, bảy tám đứa, vừa choai choai, vừa thanh niên kéo đến tìm nó. Trông đứa nào cũng ngổ ngáo. Đầu húi cua. Tóc dựng đứng đủ màu sắc. Chúng bảo là bạn của thằng con. Bà bảo chúng chưa thấy nó về nhà. Cả bọn khẳng định là thằng bạn của chúng đã về nhà rồi. Bà mẹ đuổi khéo mãi đám khách không mời mới chịu rút đi.
Xong việc ở bếp người mẹ lên nhà. Thật bất ngờ, thằng con bất trị đang ở trong nhà. Đúng là nó đã về. Mà nó về lúc nào nhỉ? Nó đấy nhưng chẳng giống nó một chút nào. Nó đang cởi trần ngồi trên giường chăm chú với cái máy trò chơi điện tử Play Stasion. Nó ngẩng cái mặt lên. Đôi mắt bạc phếch, vô hồn nhìn bà mẹ. Im lặng.
Trời ơi! Nó đây sao? Không thể tưởng tượng nổi. Chỉ trong vòng nửa tháng bỏ nhà đi mà thằng con của bà thành ra nông nỗi này ư? Tóc nó cụt ngủn, dựng ngược. Gầy tong teo. Da xanh bủng. Mặt nó tóp lại y hệt một thằng nghiện ma tuý. Nó đã thay đổi hoàn toàn cả thể xác lẫn tinh thần. Chưa bao giờ nhìn thấy mẹ mà nó không chào. Nó đấy. Nó đang nhìn người mẹ như nhìn người lạ. Nó nghiện thật rồi.
Người mẹ oà khóc. Vừa khóc, vừa kêu, bà ôm chặt lấy thằng con. Còn nó thì cứ trơ ra, như khúc gỗ hình thằng người, mặc cho người mẹ kêu gào thảm thiết: “Ới con ơi là con ơi! Ới trời ơi là trời ơi! Sao ra nông nỗi này? Ới con ơi là con ơi! Hu hu! Hờ hờ!…..”. Người mẹ kêu gào như thể trong tay bà là xác đứa con. Người mẹ lăn lộn, kêu gào tưởng như sắp đứt hơi, nghẹt thở.
Tai nghe được tiếng ú ớ, người mẹ giật mình, bừng tỉnh. Hoá ra bà đã ngủ mơ ngay khi đặt mình xuống giường. Người mẹ lên giường khoảng mười rưỡi tối. Bà đã có một ngày họp hành kịch liệt ở cơ quan. Liên tục từ tám giờ sáng đến sáu giờ chiều có tới ba cuộc họp. Về nhà, sau khi xong hết việc bếp núc người mẹ rũ ra như bánh đa nhúng nước. Người mẹ khốn khổ quyết định tự thưởng cho mình một tối đi ngủ sớm.
Người mẹ đã tỉnh ngủ hẳn. Con tim héo mòn nhiều tổn thương vẫn đang đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Mới hơn mười một giờ đêm. Thì ra, bà mới chợp mắt được vài chục phút. Thấy phòng con gái vẫn sáng đèn, bà sang. Cô bé con vẫn đang ngồi học bài. Người mẹ bảo: “Mẹ mượn máy tính một lúc”. Đứa con hỏi lại: “Mẹ làm việc à? Sao mẹ bảo hôm nay sẽ ngủ sớm?”. Người mẹ kể cho em nó về giấc mơ kinh hoàng trước đó. Cô bé an ủi: “Đấy chỉ là mơ thôi. Anh ấy không sao đâu. Thôi đừng kể nữa, mẹ lại khóc rồi kìa”.
Người mẹ bất hạnh bật máy tính, tiếp tục tìm nick của con trai. Chỉ trong vòng một ngày người mẹ lên mạng tìm con ba lần. Lần thứ nhất, lúc năm giờ sáng, ngay sau khi người mẹ thức dậy. Lần thứ hai, lúc gần bảy giờ tối, ngay trước khi bà mẹ rời nhiệm sở sau một ngày làm việc mẫn cán. Lần thứ ba là lúc này, ngay sau khi bà mẹ bị cơn ác mộng đánh thức.
Người mẹ tội nghiệp thêm một đêm mất ngủ. Bà ngồi ôm máy tính gõ linh tinh, thi thoảng lại nhòm nick chat của thằng con xem có tín hiệu gì không. Ngay bây giờ, người mẹ sẽ post những dòng chữ tìm con lên địa chỉ email của nó. Bà hy vọng thằng con sẽ đọc những lời từ gan ruột nhàu héo như xát muối của người mẹ. Bà muốn hỏi thằng con rằng bà phải làm gì bây giờ để nó xa rời tệ nạn, để nó không tiếp tục lạc mãi vào con đường tăm tối? Bà muốn nhắn nó rằng bà rất yêu nó và cầu mong cho nó được bình an.
Đâu đó tiếng gà đã gáy sáng. Một ngày mới sắp bắt đầu.

Chị mải miết đi như thế, dưới nắng xanh trong của trời Quảng Trị. Những mảng mây rất nhẹ, trôi trên đầu, không đủ...
Bình luận