Các nhà bán lẻ Mỹ ráo riết mua gom hàng Trung Quốc

Các nhà bán lẻ Mỹ như Walmart gấp rút nhập hàng từ Trung Quốc, tranh thủ thuế quan giảm mạnh từ 145% xuống 30%, chuẩn bị cho mùa mua sắm hè sôi động khởi đầu từ cuối tháng 5.

Các nhà bán lẻ Mỹ tất bật chuẩn bị cho mùa mua sắm hè

Các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ như Walmart cùng nhiều thương hiệu thời trang đang chạy đua nhập hàng từ Trung Quốc để kịp mùa mua sắm hè sôi động, bắt đầu từ cuối tháng 5. Động thái này diễn ra sau khi Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế quan vào hôm thứ Hai (12/5).

Theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh từ 145% xuống còn 30% trong ba tháng tới. Ngay lập tức, các đơn hàng váy hè, đồ bơi, dép và kem chống nắng từ các nhà máy Trung Quốc được kích hoạt trở lại, theo thông tin từ Portless, công ty logistics hỗ trợ các thương hiệu thương mại điện tử Mỹ nhập hàng qua đường hàng không.

“Khi thông tin cắt giảm thuế được công bố, khách hàng của chúng tôi lập tức chuyển sang chế độ ‘khẩn trương’,” ông Izzy Rosenzweig, CEO Portless, chia sẻ. Các thương hiệu như Hapari (đồ bơi) và NatPat (thuốc chống côn trùng) đã nhanh chóng yêu cầu nối lại sản xuất và vận chuyển.

Các nhà bán lẻ Mỹ ráo riết mua gom hàng Trung Quốc - 1

Một người mua sắm đang tìm quần áo tại một cửa hàng Walmart ở Flagstaff, Arizona, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters

Thông thường, các nhà bán lẻ Mỹ dựa vào vận tải biển, mất 30-60 ngày để hàng từ Trung Quốc đến Mỹ. Vì vậy, đơn hàng cho mùa hè thường được đặt từ cuối đông hoặc đầu xuân để có thời gian sản xuất các thiết kế mới, theo ông John Harmon, Giám đốc nghiên cứu công nghệ tại Coresight Research. Các lô hàng thường được vận chuyển từ Trung Quốc 2-3 tháng trước Ngày Tưởng niệm (26/5 năm nay), đánh dấu khởi đầu mùa hè.

Tuy nhiên, đầu tháng 4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 145% nhằm đáp trả và kiểm soát fentanyl, nhiều công ty đã tạm dừng đặt hàng. Số lượng container từ Trung Quốc đến Mỹ giảm gần 50% trong tuần cuối tháng 4, theo dữ liệu từ Vizion cung cấp cho TD Cowen. Tình hình đảo ngược từ thứ Hai, nhưng việc khởi động lại chuỗi cung ứng sau thời gian gián đoạn sẽ cần thời gian, ông Harmon nhận định.

Tại Đông Quan, trung tâm xuất khẩu phía Nam Trung Quốc, bà Liu, một nhà sản xuất đồ chơi, cho biết: “Hai ngày qua cực kỳ bận rộn. Chúng tôi đang đặt container, và một số hàng đã trên đường đến cảng Thâm Quyến. Gần đây, xe tải chở hàng thưa thớt, nhưng hôm nay đường ra cảng đã ùn tắc.” Là nhà cung cấp cho Walmart – nhà nhập khẩu container lớn nhất Mỹ, bà Liu từ chối tiết lộ danh tính đầy đủ vì lý do riêng tư.

Newell Brands, một nhà cung cấp khác của Walmart, hôm thứ Năm (15/5) thông báo đã nối lại vận chuyển xe đẩy và ghế trẻ em Graco từ kho ở Trung Quốc.

Lo ngại chi phí vận chuyển tăng vọt

Dù các doanh nghiệp đang gấp rút vận chuyển hàng sang Mỹ, giá cước chưa tăng đột biến. Theo Freightos, giá giao ngay cho container 40 feet từ Trung Quốc đến bờ Tây Mỹ tăng 3% lên 2.395 USD vào thứ Hai, chỉ bằng nửa so với tháng 2, khi các công ty lớn tích trữ hàng để tránh thuế dự kiến.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như Bogg Bag lo ngại chi phí container sẽ sớm tăng mạnh. Bà Kim Vaccarella, CEO Bogg Bag – có sản phẩm bán tại Target, cho biết đã đẩy nhanh sản xuất túi xách tại Trung Quốc để kịp vận chuyển đến New Jersey trước tháng 8. Công ty tập trung vào các sản phẩm bán chạy thay vì ra nhiều mẫu mới để đảm bảo tốc độ.

Mặc dù thuế quan được giảm, mức thuế 30% vẫn khiến các nhà bán lẻ lớn nhỏ chịu áp lực. Walmart cảnh báo có thể tăng giá từ cuối tháng 5, trong khi Birkenstock thông báo điều chỉnh giá toàn cầu. Theo nhà phân tích Arun Sundaram từ CFRA, các “ông lớn” như Walmart, Costco và Target đã đặt hàng sớm từ đầu năm. Tồn kho của Walmart tăng 3% trong quý kết thúc ngày 31/1, lần tăng đầu tiên trong gần hai năm. Costco ghi nhận tồn kho tăng gần 10%, Zumiez tăng 14% và Target tăng 7% trong cùng kỳ.

Nguy cơ tắc nghẽn chuỗi cung ứng

Việc giảm thuế là cơ hội để các thương hiệu Mỹ dự trữ hàng hè, nhưng làn sóng nhập hàng hiện tại có thể gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng, dù ít nghiêm trọng hơn giai đoạn đại dịch 2021-2022, ông Sundaram dự báo. Một số nhà sản xuất đồ trang trí Halloween cho biết họ phải chạy nước rút để sản xuất và vận chuyển bộ xương treo, đạo cụ trang phục đến Mỹ trong 90 ngày tới.

Ông Gene Seroka, Giám đốc cảng Los Angeles, nhận định các doanh nghiệp khó chuẩn bị kịp cho cả mùa hè và mùa tựu trường tháng 7 – một giai đoạn bán lẻ quan trọng khác. Ông Stephen Lamar từ Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ cảnh báo nguy cơ ùn tắc cảng nếu hàng trăm công ty đồng loạt nhập hàng. “Cuộc chiến thuế quan đã làm chậm vận chuyển mùa tựu trường một tháng, nhưng các trường học không thể hoãn khai giảng,” ông Lamar nhấn mạnh.

Bảo Bình (Theo Reuters)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giọt nắng mồ côi (truyện ngắn)

Giọt nắng mồ côi (truyện ngắn)

Cảm ơn mọi người đến viếng và đưa tiễn cụ Vân xong, ông chủ tịch phường lấy trong túi một cái khăn tang. Ông nhẹ nhàng quấn lên đầu, bên dưới mấy chục người cũng bắt đầu quấn khăn. Họ tự nguyện vậy dù không là con cháu, họ hàng. Họ hiểu tất cả họ đang thành kính trước một con người còn xứng đáng được tôn trọng hơn thế...

“Chăm sóc vun trồng cây Bụt Mọc từ vườn Bác”, ca khúc mới nhất của doanh nhân Phạm Hồng Điệp

“Chăm sóc vun trồng cây Bụt Mọc từ vườn Bác”, ca khúc mới nhất của doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Doanh nhân, luật sư, tiến sỹ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch công ty cổ phần Shinec- Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng không chỉ là doanh nhân đi tiên phong xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển bền vững, gắn kinh tế với văn hóa mà còn có nhiều bài thơ, ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, về đất và người Việt Nam, đặc biệt là những bài hát về Bác