Những bài học nông thôn và triển vọng của văn chương về “tam nông” nhìn từ văn hóa
“Những bài học nông thôn” là một trong những thiên truyện ngắn đặc sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Mặc dầu gốc gác là cư dân chốn thị thành Kinh kỳ nhưng nhà văn luôn thắc thỏm “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn”, “Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê”,... Phải có một nguyên cớ sâu xa nào đó nhà văn mới tạo ra những diễn ngôn đầy ngụ ý như thế vì “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”, “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng”, “Tác phẩm văn học là một diễn ngôn”.
Nhìn thấu bản chất cội rễ của nông thôn trong tiến trình xã hội Việt Nam truyền thống đang đứng trước nguy cơ tan rã, xét về văn hóa và tiến hóa, nhà văn đã mượn lời nhân vật Triệu để thể hiện mối lo âu thường trực hiện thực: “Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang tội trọng. Chúng ta phá tàn phá nát họ ra bằng những những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ, lừa bịp bằng tình cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh” (Nguyễn Huy Thiệp – Như những ngọn gió, truyện ngắn, Nxb Văn học, 1999).
Tuy nhiên, từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được hiện thực hóa, tình hình đã lạc quan hơn, song vẫn còn những khúc mắc và “điểm nghẽn” nhất định cần được tháo gỡ trên con đường thiên lý của nó. Nhà văn cần phải “đeo bám” bền bỉ hơn nữa không gian “tam nông”. Nhà văn liệu khi nào có được tâm cảm với “Tam nông” như nhân vật cô gái Quyên từ Mỹ về thăm quê. Gặp người trong làng ra đón ở ga xe lửa thì câu đầu tiên hỏi han là “Nhà anh cấy bao nhiêu sào? Mỗi sào bao nhiêu thóc? Được bao nhiêu tiền? Tôi bảo “Mỗi sào được hơn ba nồi, khoảng gần tạ, mỗi cân thóc một nghìn tư”. Quyên nhẩm “Hai mươi triệu tấn thóc cho sáu mươi triệu người”. Tôi bảo “Có ai chỉ nghĩ đến ăn” (Thương nhớ đồng quê). Tôi gọi đó là tinh thần, tình cảm “cố hương” và “cố cư” đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người trở thành một đại lượng của căn tính Việt.
Ảnh minh họa
Chúng ta cùng nhau hình dung qua các con số: đến năm 2025, dân số Việt Nam cán đích 100 triệu (chưa kể hơn 5 triệu người Việt định cư ở nước ngoài tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau). Về dân số, có thể nói Việt Nam cũng là một “cường quốc”. Có đến 70% cư dân Việt sống ở nông thôn gắn bó với “tam nông”. Nông nghiệp là “trụ đỡ của nền kinh tế”.
Văn hóa truyền thống Việt Nam dựa trên nền tảng văn minh lúa nước, văn hóa cộng đồng làng xã, trọng tình nghĩa, duy tình nên người dân ngàn đời mới hay nói “Lệnh vua thua lệ làng”, “Tình làng nghĩa xóm”, “Đất lề quê thói”, “ Đất có thổ công, sông có hà bá”, “Tấc đất tấc vàng”, “Người ta là hoa đất”, “Cố hương”, “Cố cư”, “Thung thổ”... Song văn hóa Việt bề nổi hôm nay là nhập cảng từ phương Tây đang dần dần lôi kéo nhiều người, nhất là lớp trẻ, đặc biệt từ khi (1997) internet vào Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng XHCN), đã tạo nên thế giới phẳng và mở thì tính hỗn dung, hòa tan văn hóa là rõ nét. Chúng ta đang dần đánh mất bản sắc Việt là rõ như dưới thanh thiên bạch nhật. Đáng suy nghĩ từ thực trạng này. Bởi văn hóa là sự khác biệt xét theo các bậc thang giá trị, bản sắc, ứng xử.
Triển vọng về đề tài tam nông – một cái nhìn lạc quan
Dường như nhận ra sự thiếu hụt nghiêm trọng của một đề tài căn cốt của văn chương Việt đương đại nên Báo Nông thôn ngày nay và Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, được tài trợ bởi Tập đoàn THACO, tổ chức cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” (2019-2021). Kết quả không thể nói là không khả quan, nhưng chỉ mới mấy năm trôi qua mà không còn dư âm. Vì sao? Đây là một câu chuyện dài tốn giấy mực của văn giới xin được hầu chuyện quý độc giả (Thượng đế) sau, khi có điều kiện thời gian và sức lực.
Gần đây, trên văn đàn xuất hiện một số tác phẩm có tiếng vang như Động rừng (2021) của Tống Ngọc Hân, Chuyện làng (tiểu thuyết 2020) và Mùa rươi (tiểu thuyết, 2022), của Phạm Quang Long, Phù sa máu (2023) của Nguyễn Trọng Tân, Gió rừng thăm thẳm (2024) của Đặng Bá Canh, Nước mắt làng quê (2023) của Hoàng Dự, Mùi rơm rạ (2025) của Đào Quốc Vịnh,... Trong đó xuất hiện những biểu tượng “làng quê”, “mồ hôi của đất”, “những mảnh hồn làng”, “ngày mùa”, “phận đất, phận người”, “mùi rơm rạ”, “phù sa máu”,... gắn mật thiết với đề tài “tam nông”. Đó là những tín hiệu tốt lành báo tin vui về sự tái xuất hiện và khởi sắc của đề tài “tam nông” trên văn đàn Việt Nam đương đại theo tâm thế và động hướng viết “thương nhớ đồng quê”.
Quan sát thực tiễn văn chương Việt Nam đương đại (đặc biệt sau Đổi mới, 1986) sẽ nhận thấy rõ hơn thành tựu chủ yếu tập trung trong đề tài truyền thống (lịch sử, chiến tranh cách mạng). Đề tài đương đại, thế sự đời tư trương nở còn các lĩnh vực sản xuất tinh thần và vật chất, về cơ bản vẫn còn là “vùng trũng”, nhất là đề tài “tam nông”. Vì thế, giới nghiên cứu và độc giả yêu văn chương thực sự vui mừng chào đón những tác phẩm phát ra tín hiệu phục hưng một đề tài vào những năm 60-70 của thế kỷ trước hết sức phong phú và đa dạng qua sáng tác của các nhà văn Chu Văn, Đào Vũ, Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Khải, Vũ Thị Thường, Nguyễn Hữu Nhàn, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Kiên,… Gần chúng ta hơn là các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư,... Nhưng Cánh đồng bất tận (2005) của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện như một hiện tượng văn chương độc đáo cũng đã cách chúng ta hai thập kỷ.
Trong thời gian dằng dặc đó, đôi khi văn giới và độc giả bỗng thảng thốt “Đâu rồi làng quê, cánh đồng và người nông dân một nắng hai sương?”. Nhà văn Việt hiện nay hễ có cơ hội là “thiên di” ra chốn thị thành với điều kiện sống tiện nghi, tiện dụng, tiện ích. Theo thời gian lãng quên dần không gian, không khí “Tam nông”. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là nguyên cớ lôi kéo hàng triệu người rời nơi chôn nhau cắt rốn để chen chúc vào những không gian sống ngày càng trở nên chật hẹp và ô nhiễm, nhất là các thành phố lớn (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) đều lọt “top” ô nhiễm không khí nhất nhì thế giới!? “Tam nông” ngày càng trở nên mơ hồ, nhạt nhòa trong ký ức con người trong cuộc mưu sinh vĩ đại và nhọc nhằn của kiếp người.
Chúng tôi muốn dừng lại lâu hơn và kỹ hơn khi viết về Nước mắt làng quê (tiểu thuyết, 2023; Giải khuyến khích cuộc thi viết về công nhân, công đoàn 2021-2023 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) của nhà văn Hoàng Dự. Về nội dung và những điểm sáng của tác phẩm thành công này chúng tôi đã đăng bài viết trên Thời báo Văn học nghệ thuật (2024) với nhan đề Hoa hồng có gai – hay là vẫn tin vào nước mắt. Lần này, chúng tôi muốn bàn thêm về vấn đề “tâm thế”, “vốn sống”, “cảm hứng”, “cách viết” của nhà văn. Tác phẩm này tôi ví như một trò chơi domino, nghĩa là khi tác động vào con cờ đầu tiên nó sẽ kích hoạt cả chuỗi hệ thống, trong cờ thì rõ là sụp đổ, nhưng trong văn chương thì trái lại, dựng dậy, tái chế, phục sinh một suối nguồn chữ nghĩa, cấu tứ thú vị, có ý nghĩa “hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, theo cách nói bây giờ.
Trước hết, nói về cảm hứng và tâm thế viết, nhà văn Hoàng Dự đã từng chạm bút vào nhiều đề tài (chiến tranh, thế sự - đời tư) và đều thu hoạch hiệu quả. Nhưng tôi suy đoán rằng, ông vẫn muốn viết một tác phẩm tiểu thuyết ra tấm ra món, thể hiện cái sở trường, thế mạnh, ưu trội của ngòi bút.
Tôi đã một lần về thăm quê nhà văn ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ở đó ông có một bà mẹ vĩ đại. Một không gian văn hóa – sinh tồn đặc thù quê kiểng. Có cố cư, cố hương, nơi chôn nhau cắt rốn; có một quãng đời rất quan trọng trước khi bước ra xã hội, trường đời rộng lớn, kể từ khi vào quân ngũ, trải qua chiến tranh lửa đỏ và nước lạnh, qua thời thị trường bụi bặm và nhọc nhằn, qua nghề báo nguy hiểm với bao nhiêu là khổ nạn đích lịch trình.
Nếu như vì những hoàn cảnh khách quan mà nhà văn cắt lìa với cái nhau cái rốn của mình thì ra một đằng. Đó gọi là “vong bản”. Nhưng nhà văn Hoàng Dự mãi mãi có một cõi, một nơi chốn máu thịt đi về suốt cuộc đời. Về già, ông nhận ra (tôi phỏng đoán thế), những vấn đề căn bản và máu thịt của đời sống tinh thần của người Việt là ở không gian “Tam nông”, tuyệt nhiên không phải trong không gian đô thị, dẫu có phát triển đến mười mươi. Ấy là tôi chỉ nói ở Việt Nam.
Tâm thế, cảm hứng là giá đỡ rất quan trọng, có tính tiên quyết, nhưng phải “có bột mới gột nên hồ”. Vốn sống thực tế thì khỏi phải nói. Nhà văn Hoàng Dự lúc nào cũng có một kho dự trữ đầy ăm ắp. Ở đây, tôi muốn nói đến vốn văn hóa tạo nên trải nghiệm văn hóa. Đó là chân tủy của văn học nghệ thuật, căn đế của người sáng tác văn chương. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm một lần nữa, xuất thân là người làm nghề báo nhưng với Hoàng Dự thì “báo không báo hại văn” (?!). Khi viết văn, Hoàng Dự đã hài hòa được thời sự (cập thời vũ của báo chí, nên cần sống nhanh) và tính lâu bền của văn chương (nên cần sống chậm, suy nghiệm).
Người ta vẫn thường nói, với nhà văn quan trọng xem anh ta viết cái gì, song quan trọng hơn là viết như thế nào. Lối viết của Hoàng Dự trong Nước mắt làng quê ảnh hưởng rõ ràng các thủ pháp của nghệ thuật thứ bảy -điện ảnh. Toàn cảnh và cận cảnh, đồng hiện và tái hiện, phương pháp biểu hiện, ngoại hình và nội tâm, hành động và tâm lý. Nên trong bài viết của mình, đã đăng Thời báo Văn học nghệ thuật, tôi có nói các nhà điện ảnh sẽ có cơ hội khai thác triệt để khi làm phim (phim truyện hay phim truyền hình), được chuyển thể từ tiểu thuyết Nước mắt làng quê.
Gần như cùng lúc với nhà văn Hoàng Dự, xuất hiện một cây bút “trẻ” Phạm Quang Long (1953) chuyên viết về “tam nông”: Chuyện làng (2019), Mùa rươi (2021) và Trưởng tộc (sẽ in, tôi đọc bản thảo). Nhà văn quê lúa Thái Bình ra Hà Nội sống với phố thị, lấy vợ người gốc Kinh kỳ, ở thủ đô hơn nửa thế kỷ nhưng lúc nào cũng đau đáu với làng quê, cánh lúa, bãi bờ, khoai sắn, sông ngòi, tôm cá, mùa rươi, dòng tộc,... Vì lẽ gì? Đôi lúc tôi tự hỏi mình rồi hỏi bạn văn nhưng chưng chưa có câu trả lời thấu suốt ngay từ chính chủ (tác giả). Cũng không đến nỗi quá bí ẩn nhưng cũng chẳng có gì thật rõ ràng. Hay là, đôi khi tôi nghĩ, nói như nhà văn Hoài Thanh thì “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”?! Như thi nhân Nguyễn Bính viết “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”?!
Một số cuốn tiểu thuyết xuất hiện gần đây cũng chiếm được cảm tình của độc giả như Động rừng (2021) của Tống Ngọc Hân, Phù sa máu (2023) của Nguyễn Trọng Tân, Gió rừng thăm thẳm (2024) của Đặng Bá Canh, Mùi rơm rạ (2025) của Đào Quốc Vịnh,... Và tính cả những bản thảo tốt sắp xuất bản như Ba người cùng làng (tiểu thuyết) của Hữu Đạt. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đó là những “cánh én báo mùa xuân”. Vả lại, trong nghệ thuật thì “quý hồ tinh bất quý hồ đa” như là một quy luật bất di bất dịch./.

Đã từ lâu người ta gọi huyện Thường Tín - Hà Nội là miền đất Danh Hương. Cái tên Danh Hương được khởi nguồn từ...
Bình luận