Phiếu bầu tân Giáo hoàng được đốt như thế nào để tạo ra khói đen, khói trắng?

Khi một đám khói đen hoặc trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine (một công trình nổi tiếng ở Vatican), điều này báo hiệu thế giới đã có Giáo hoàng mới hoặc chưa. Trong quá khứ, ít nhất 2 lần sự cố đã xảy ra liên quan đến việc dùng khói để báo hiệu.

Phiếu bầu tân Giáo hoàng được đốt như thế nào để tạo ra khói đen, khói trắng? - 1

Khói trắng (tích cực) là tín hiệu cho thấy đã bầu được Giáo hoàng mới. Ảnh: India Today

Vào lúc 18h08 ngày 8/5 (23h08 giờ Việt Nam), một làn khói trắng đã bốc lên từ ống khói phía trên Nhà nguyện Sistine ở Vatican.

Đó là dấu hiệu Mật nghị Hồng y đã bầu được người lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo, kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

Theo CBS News, việc dùng khói để thông báo cho công chúng biết liệu đã chọn được Giáo hoàng hay chưa là một truyền thống tương đối "mới" của Giáo hội Công giáo. Những Hồng y tham gia mật nghị (conclave – xuất phát từ tiếng Latin cum clave, nghĩa là “khóa kín”) sẽ bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nên họ sử dụng một trong những hình thức truyền tin cổ xưa nhất: tín hiệu khói.

Khói đen và khói trắng có nghĩa gì?

Khói đen: Chưa chọn được Giáo hoàng mới.

Khói trắng: Đã có Giáo hoàng mới cho 1,4 tỷ tín đồ Công giáo toàn cầu.

Vì sao Vatican dùng khói để thông báo?

Theo Giáo sư Clare Johnson tại Đại học Công giáo Úc, tín hiệu khói đã được loài người dùng từ hàng ngàn năm trước để cảnh báo, triệu tập hay truyền tin - nhiều tộc người bản địa còn có kỹ thuật riêng để gửi các thông điệp cụ thể.

Bà Clare giải thích: người ta có thể thay đổi vị trí đốt lửa (như giữa đồi hay trên đỉnh), điều chỉnh màu khói (nhờ lá cây ướt, khô hay các loại khác nhau), hoặc tạo nhịp khói để truyền tải các thông tin khác nhau.

Từ năm 1417, sau mỗi vòng bỏ phiếu, các Hồng y sẽ đốt toàn bộ phiếu bầu – việc này ban đầu nhằm bảo mật tuyệt đối, đảm bảo rằng thông tin bỏ phiếu không bị rò rỉ hay sử dụng sai mục đích. Đây là cách để giữ cho tiến trình bầu chọn Giáo hoàng diễn ra nghiêm ngặt, không bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài hay dư luận. Về sau, Vatican bắt đầu tận dụng làn khói từ việc đốt phiếu như một hình thức truyền tin ra bên ngoài.

Tới thế kỷ 18, Nhà nguyện Sistine mới có ống khói. Khi đó, màu sắc khói chưa được tính đến. Việc có khói đồng nghĩa chưa chọn được Giáo hoàng, còn nếu không có khói thì tức là đã bầu xong, theo giáo sư Clare.

Đến năm 1914, Vatican lần đầu dùng khói trắng để báo tin có tân Giáo hoàng. Trước đó, Giáo hoàng Pius X yêu cầu từ năm 1904 rằng không chỉ phiếu bầu mà toàn bộ giấy tờ liên quan đến cuộc bầu cử cũng phải bị đốt – điều này tạo ra lượng khói trắng lớn, rõ ràng hơn sau vòng bầu cuối.

Nhà sử học Frederic J. Baumgartner viết trong cuốn "Behind Locked Doors" (tạm dịch: Sau cánh cửa khóa chặt) rằng sự đối lập giữa màu trắng (tích cực) và màu đen (tiêu cực) chính là cơ sở cho việc chọn hai màu khói này.

Cách Vatican tạo ra khói trắng và đen từ việc đốt phiếu bầu

Phiếu bầu tân Giáo hoàng được đốt như thế nào để tạo ra khói đen, khói trắng? - 2

Khói đen báo hiệu chưa bầu được Giáo hoàng mới. Ảnh: Getty

Qua các năm, Vatican đã cải tiến cách tạo khói để tránh nhầm lẫn. Ít nhất 2 lần, sự cố đã xảy ra trong quá trình bầu Giáo hoàng mới.

Theo New York Times, trước đây, người ta thêm rơm ướt vào bếp để tạo khói trắng - nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng cho ra khói trắng.

Trong mật nghị năm 1958, khói trắng dường như đã xuất hiện hai lần trong ngày thứ hai của việc bầu chọn, khiến nhiều người hiểu nhầm là đã có Giáo hoàng mới. 

Theo tờ New York Times, hàng chục nhà báo lao đi tìm điện thoại để đưa tin, trong khi khách mời tại một đám cưới trong thánh đường bỏ dở lễ cưới, ùa ra ngoài xem. Nhưng hóa ra đó chỉ là sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này - trong mật nghị đã bầu ông John XXIII -  còn dẫn đến các thuyết âm mưu cho rằng một vị Hồng y khác mới là người thực sự được chọn.

Đến năm 1978, lần đầu tiên người ta dùng các ống khói màu để tạo ra khói đen hay trắng rõ ràng hơn. Cách này được áp dụng trong mật nghị bầu Giáo hoàng John Paul I - người qua đời chỉ sau 33 ngày được bầu - và sau đó tiếp tục dùng để bầu người kế nhiệm, Giáo hoàng John Paul II. 

Tuy nhiên, một lần nữa sự cố đã xảy ra. Một đoạn video cho thấy phóng viên hoang mang khi khói trắng bất ngờ chuyển sang màu đen, khiến họ không biết nên hiểu nội dung mà Vatican muốn thông báo là gì. Sau đó Vatican mới chính thức thông báo đã bầu được Giáo hoàng.

Kể từ 2 sự cố đó, Vatican bắt đầu dùng hóa chất để tạo màu khói chính xác hơn.

Theo cựu phát ngôn viên Tòa thánh Vatican Federico Lombardi, trong mật nghị năm 2013, khói đen được tạo ra bằng cách đốt phiếu cùng với các chất như: potassium perchlorate (chất oxy hóa mạnh), anthracene (hợp chất có trong nhựa than đá) và lưu huỳnh. Còn khói trắng được tạo từ hỗn hợp potassium chlorate, lactose và nhựa chloroform.

Để tránh mọi nhầm lẫn như trước kia, nay mỗi khi khói trắng tỏa ra, chuông từ đại giáo đường Thánh Peter sẽ vang lên, và các nhà thờ khác ở Rome cũng sẽ đồng loạt đổ chuông — chính thức báo hiệu với thế giới rằng một vị Giáo hoàng mới đã được chọn.

Lâm Nhã Du - NYT, CBS News

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một tiểu thuyết sinh động, hấp dẫn về ngày 30/4

Một tiểu thuyết sinh động, hấp dẫn về ngày 30/4

Nguyễn Đình San vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Sụp đổ” do NXB Hội Nhà văn ấn hành đang được bạn đọc đón nhận. Sách mới ra nhưng lượng phát hành đã rất khả quan. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn tác giả về sự ra đời cuốn tiểu thuyết này.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam - thử thách và giải pháp

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam - thử thách và giải pháp

Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là hệ thống quan điểm và tư tưởng khoa học, cách mạng và nhân văn, là kim chỉ nam cho hành động và quyết sách của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, nền tảng tư tưởng của Đảng đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ, do đó cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nghĩa là b

Ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Cuốn sách Hoang dã” của nhà văn Mexico Juan Villoro

Ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Cuốn sách Hoang dã” của nhà văn Mexico Juan Villoro

“Cuốn sách Hoang dã” của tác giả Juan Villoro là một tác phẩm dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên đạt thành công vang dội trên thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mexico (19/5/1975-19/5/2025), Nhã Nam cùng Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam và Khoa tiếng Tây Ban Nha – Trường Đại học Hà Nội tổ chức sự kiện ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Cuốn sách Ho