Nhà văn và văn đàn
Nhà thơ nhà văn thuở nhỏ cũng được sinh ra như mọi người. Lớn lên được đi học hoặc phải kiếm sống như mọi người. Ngày xưa, chưa có các cơ quan báo chí và văn học thì những người làm thơ viết văn thường tự mình viết ra những cảm xúc và suy nghĩ bằng hình tượng để tự mình chiêm ngưỡng. Khi ấy các nhà thơ nhà văn rất ít được gặp nhau, hãn hữu mới có những tình bạn văn chương. Cuộc sống của nhà thơ nhà văn chủ yếu sống với mọi người xung quanh mình không làm thơ viết văn gì cả. Vậy làm sao họ có thể nuôi dưỡng hồn thơ hồn văn của mình?
1. Nhà thơ nhà văn vừa phải sống cuộc đời bình thường của một con người, vừa phải nuôi dưỡng hồn thơ hồn văn của mình khác với mọi người. Nhưng làm sao để anh không khác người không lập dị là một thách thức lớn. Nhà thơ Pêtôpi (Hunggari), nhà thơ Cao Bá Quát còn là lãnh tụ của nghĩa quân nữa. Tất nhiên họ phải hòa nước sông chén rượu ngọt ngào như mọi người thì mới động viên được mọi người theo mình chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, Người bình dị đến mức hơn cả người dân thường. Tôi đặc biệt xúc động khi xem những hình ảnh Bác trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người xách nước tưới rau, tắm suối, tự giặt quần áo, vác sào phơi áo đi về lán cho mau khô, rồi Người đánh bóng chuyền, cũng lúng túng vụng về... Thế mà lại là vị tổng chỉ huy cuộc kháng chiến với một đế quốc to và là thi sĩ hơn mọi thi sĩ: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Vì vậy, thấy những người viết văn làm thơ lập dị là tôi rất ác cảm và tự đặt câu hỏi: đấy là phong cách tự nhiên hay anh ta cố tình tạo ra?
Lớp nhà thơ chống Mỹ thì mỗi người ở một binh chủng. Phạm Tiến Duật sống ở đoàn vận tải đường 559 Trường Sơn. Hữu Thỉnh ở đơn vị tăng thiết giáp. Nguyễn Duy, Anh Ngọc là lính thông tin. Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu là lính bộ binh... Các anh cũng sống như mọi chiến sỹ, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao để chiến thắng quân thù. Hồn thơ thì tự mình nuôi, tự mình giữ. Thơ hay mà không hoàn thành nhiệm vụ thì vẫn bị kiểm điểm, khiển trách. Điều đó là tất nhiên. Kỷ luật quân đội là kỷ luật thép, phải quân lệnh như sơn. Có thế mới chiến thắng được quân thù.
Ảnh minh họa.
Sau này, một số người khi viết về Lưu Quang Vũ và Vũ Đình Văn thường thổi phồng mâu thuẫn giữa kỷ luật quân đội và tính tự do nghệ sĩ của các anh, không hiểu với mục đích gì? Trường hợp Lưu Quang Vũ thì tôi không biết. Riêng ở Vũ Đình Văn, tôi ở cùng trung đội với anh thì tôi biết rõ. Tết Nguyên đán Nhâm Tý năm 1972, cô L. bạn gái của anh, có đến thăm anh. Khi ấy đơn vị của tôi và Văn đang đóng ở Hà Thái, Hà Trung, Thanh Hóa. Cả chỉ huy và đồng đội chúng tôi đều đón tiếp tử tế, trân trọng tình cảm yêu quý của cô đối với người chiến sỹ. Nào có ai kiểm điểm, khiển trách gì Văn đâu, mà những người viết về anh sau này cứ vống lên?
Các nhà văn nhà thơ khác thì cũng mỗi người một công việc: Hoàng Trung Thông làm Viện trưởng Viện Văn học, Chu Văn là Giám đốc Sở Văn hóa Nam Định, Đào Vũ là Quyền Tổng biên tập báo Văn nghệ, Xuân Quỳnh làm diễn viên múa, Nguyễn Thị Ngọc Tú là giáo viên... Nghĩa là ai có việc của người ấy, có cuộc sống bình thường như mọi người. Từ cuộc sống bình thường của mình, cộng với sự quan sát cuộc sống những người khác mà họ có một vốn sống phong phú làm nguyên liệu để xây dựng các tác phẩm.
Bây giờ thời hiện đại các nhà thơ nhà văn được thường xuyên gặp gỡ giao lưu với nhau. Tất nhiên đó là một điều hay, để chia sẻ, động viên nhau sáng tạo. Nhưng cũng đừng để sự giao lưu ấy làm loãng đi sự tự nuôi dưỡng hồn thơ hồn văn. Nói gì thì nói, nhà thơ nhà văn là phải tự vượt cạn, độc lập sáng tạo. Cuộc sống ồn ào của giao lưu hiện đại có thể lại là kẻ thù của sáng tạo văn chương.
2. Mỗi nhà văn nhà thơ bước vào nghiệp văn một cách khác nhau. Chỉ tính về mặt hình thức là đến với văn đàn thì cũng mỗi người xuất hiện một khác. Có người được đưa đến một cách dễ dàng, có người phải tự tìm đến một cách vất vả. Sớm hay muộn cũng khác nhau. Tuy nhiên, sự xuất hiện sớm hay muộn, khó khăn hay dễ dàng không phải là tiêu chí để đánh giá tầm vóc sự nghiệp của họ.
Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký, nhà văn Nguyên Hồng với tiểu thuyết Bỉ vỏ trình làng ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Các nhà thơ thì còn sớm hơn, Chế Lan Viên với tập Điêu tàn khi mới 17 tuổi. Trần Đăng Khoa nổi tiếng trước tuổi lên mười. Nhưng Đặng Thai Mai bước vào làng văn với Văn học khái luận khi đã 42 tuổi. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện bằng một số truyện ngắn trên báo Văn nghệ thời kỳ đầu Đổi mới khi anh cũng đã gần bốn mươi. Đó là những người đến với văn đàn và được đón nhận ngay.
Còn có một số nhà thơ nhà văn đến được với văn đàn vô cùng vất vả. Nhà thơ Nguyễn Duy kể khi anh làm bộ đội thông tin đã sáng tác đến mấy chục bài thơ gửi các báo, nhưng không được đăng bài nào. Tuy nhiên, anh vẫn tin tưởng vào hồn thơ của mình. Anh đã viết những câu thơ tự động viên mình, tự tin ở thơ mình: “Cò bay bằng cánh trắng tinh/ Lúa thơm bằng phấn hương lành ai ơi/ Mây trôi bằng gió của trời/ Còn ta, ta hát những lời của ta”. Thế rồi, cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1972 – 1973 đã phát hiện ra anh. Nhà phê bình Hoài Thanh đã giới thiệu thơ anh một cách nồng nhiệt. Anh đã đoạt giải nhất cuộc thi này cùng với ba người khác. Và cứ thế trên thi đàn đã có một Nguyễn Duy.
Nhà thơ Thanh Thảo bước vào thi đàn cũng có số phận tương tự. Lúc đầu, anh cũng gửi thơ cho các báo mà không được đăng là vào những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước. Rồi một lần đọc các bản thảo cũ đã bị loại của tạp chí Tác phẩm mới (nay là tạp chí Nhà văn và Tác phẩm), nhà thơ Chế Lan Viên đã phát hiện ra thơ Thanh Thảo hay và lạ. Ông liền chọn lọc giới thiệu hơn một chục bài trên tạp chí này là điều chưa từng có trước đó, trong đó có bài Dấu chân qua trảng cỏ nổi tiếng mà sau được lấy tên đặt cho một tập thơ của Thanh Thảo. Từ đấy, thi đàn mới có ngôi sao mới Thanh Thảo và tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1979.
Còn nhà văn Lê Lựu thì vất vả hơn nhiều. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước anh là bộ đội của quân khu Tả Ngạn. Anh viết nhiều tin gửi cho báo của quân khu mà không được đăng. Rồi một lần anh được đăng tin chiến dịch diệt ruồi của đơn vị có mấy chục chữ mà anh cảm động đến phát khóc. Từ đó mới dám viết báo tiếp, rồi dần dần chuyển sang viết văn và đạt đến đỉnh cao với tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) khi ở tuổi 44...
Mỗi nhà văn đến với văn đàn bằng một con đường riêng cũng giống như mỗi nhà văn có một khuôn mặt riêng vậy. Đời văn được đến đâu thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, còn do trời cho. Nhưng động lực của mỗi nhà văn cũng vô cùng quan trọng. Đã đành, năng khiếu văn chương là do trời phú. Nhưng nếu không có ý chí và nghị lực để nuôi dưỡng nó thì Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Lê Lựu và bao người khác sau thất bại ban đầu có thể sẽ bỏ cuộc. Một số người đã có những thành công ban đầu mà còn bỏ cuộc nữa là, như Trần Quán Anh với kịch bản Tiền tuyến gọi, Lý Phương Liên với chùm thơ trong đó có bài Ca bình minh, Hoàng Hiếu Nhân làm thơ thiếu nhi lúc đầu cũng chỉ đứng sau Trần Đăng Khoa...
Vinh quang dễ dàng đến với một số người rất ít. Còn phần lớn đều phải nhờ vào nghị lực và quá trình phấn đấu. Và nếu không có quá trình tích lũy và nuôi dưỡng thì độ bền của đời văn cũng thường không được dài. Bồi dưỡng tài năng là một việc vô cùng khó. Con người có thể lập phương trình, nhưng kết quả thì không thể biết trước. Nhưng dẫu vậy, chúng ta vẫn phải chọn phương án tích cực nhất. Đó là chủ động nạp nhiên liệu cho mình, chủ động đốt cháy nhiên liệu thành năng lượng. Khi đã có năng lượng rồi thì tự nó sẽ phát sáng. Hội Nhà văn có làm thì cũng là làm những công việc ấy, chứ đừng thấy chưa có tác phẩm đỉnh cao liền quy trách nhiệm. Mùa gặt văn chương có khi phải gieo trồng hàng mấy chục năm.

Ngày tôi còn đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam, lúc đó Chủ tịch Hội là Đạo diễn, NSND Lê Huệ....
Bình luận