Chuyện xưa giờ mới kể về nhà thơ Phạm Tiến Duật
Ngày tôi còn đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam, lúc đó Chủ tịch Hội là Đạo diễn, NSND Lê Huệ. Hội Văn học nghệ thuật là một hội mới thành lập sau ngày tái lập tỉnh mới năm 1997, Hội thường mời các văn nghệ sĩ có uy tín ở trung ương về nói chuyện, tập huấn về thơ, văn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… để nâng cao trình độ học thuật cho anh em… Sau những buổi gặp gỡ, tiếp giao đó đều để trong tôi những kỷ niệm. Nhưng có một kỷ niệm sâu sắc nhất đó là cuộc gặp mặt nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Một hôm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam mời nhà thơ Phạm Tiến Duật về nói chuyện với anh em trong Hội. Xe ô tô vào tới cổng, tôi ra đón anh giữa sân trụ sở Hội. Thay vào cái bắt tay ấm áp và nồng nhiệt, anh ôm hôn tôi hệt như phong cách của người Tây làm cho tôi hơi bối rối và ngượng. Nếu không biết nhiều người tưởng anh là “ông Tây” thật. Với dáng người cao dong dỏng cùng khuôn mặt và cái mũi ấy làm nhiều người dễ lầm tưởng.
Anh vui vẻ nắm tay tôi đi vào hội trường. Anh em văn nghệ sĩ của tỉnh ít khi được gặp các nhà thơ nổi tiếng nên anh em mừng lắm. Khi được gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, mọi người ai cũng xúm xít muốn được nói chuyện hay chào hỏi nhà thơ một câu.
Tập trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” của nhà thơ Phạm Tiến Duật tặng đến giờ vẫn được tác giả bài viết trân trọng, giữ gìn như mới.
Buổi nói chuyện về thơ của anh khiến cho mọi người thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn hẳn lên như được tiếp thêm năng lượng. Trong buổi nói chuyện ấy, anh có kể lại chuyến đi thực tế sáng tác trong thời kỳ đánh Mỹ. Anh đi trên những xe ô tô vận tải và chứng kiến những cảnh bom rơi, đạn nổ và những cảnh khốc liệt trên tuyến đường đi. Rồi những chuyện lái xe thức suốt đêm vất vả như thế nào để đưa hàng vào tiền tuyến. Có chứng kiến những cảnh ở chiến trường mới thấy các chiến sĩ lái xe dũng cảm vượt qua bom đạn bằng tính mạng và xương máu để mang đạn dược, thực phẩm cung cấp cho chiến trường đánh thắng giặc Mỹ. Chính họ đã đưa anh đến với những bài thơ Tiểu đội xe không kính, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Những bài thơ đã làm rung động lòng người.
Cuối buổi nói chuyện, trong bữa cơm trưa. Anh thủng thẳng hỏi tôi:
- Mình muốn tìm một người bạn ở đây, em giúp anh.
Tôi hỏi anh:
- Vậy anh muốn tìm ai, em giúp cho.
Anh mỉm cười bảo tôi:
- Đó là một người lính, một chiến sĩ lái xe Trường Sơn tên là Lũy. Mình có lỗi là không kịp hỏi địa chỉ gia đình. Chỉ biết quê anh ở Phủ Lý. Vì đi trên xe chỉ hỏi sơ sơ vậy thôi. Chứ bom đạn như vậy. Anh lái xe đã căng thẳng trên đường nên mình không tiện hỏi kỹ.
Tôi trầm ngâm một lát rồi nói:
- Ở Phủ Lý em biết có hai người tên Lũy. Anh thử tả hình dáng người anh quen xem có đúng người em biết không?
Anh tả hình dáng xong. Tôi mỉm cười nói:
- Anh hỏi em là đúng người rồi. Em sẽ đưa anh đến tận nơi. Em biết anh Lũy lái xe rồi.
Từ lúc nhà thơ hỏi. Thật sự tôi vừa mừng, vừa lo. Không hiểu nhà thơ tìm ông lái xe này làm gì.
Và rồi tôi cũng đưa nhà thơ đến tận nhà. Vừa tới nhà, tôi gọi với vào trong:
- Anh Lũy ơi! Có khách quý vào thăm anh đây này.
Nhà thơ ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:
- Sao em biết nhà anh Lũy rành rẽ vậy?
Tôi chỉ cười rồi đưa anh vào nhà. Vừa lúc ông xã tôi chạy ra. Anh ngập ngừng, chăm chăm nhìn người khách đứng trước mặt. Một lát chừng như đã nhận ra nhau. Cả hai người ôm chầm lấy nhau. Chồng tôi reo lên:
- Đúng là khách quý rồi! Nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Thấy tôi rót nước tiếp anh. Lúc ấy anh mới vỡ lẽ cười to:
- Thì ra tôi đi bên cạnh vợ ông lái xe mà không biết.
Tôi cũng cười nói:
- Thì anh cũng phải cho em cái kịch tính như viết chuyện chứ. Nếu em khai ra sớm thì còn gì là bí mật nữa.
Thế rồi hai anh ngồi chuyện trò vui như Tết sau nhiều năm gặp lại. Có ở chiến trường mới thấy thật quí dù chỉ một phút được ở bên nhau bởi cái chết lúc nào cũng lơ lửng trên đầu. Vậy mà chả ai màng tới bom đạn bên mình khi cái chết luôn kề bên. Chỉ biết đăm đăm nhìn về phía trước, lái xe băng băng đi. Vậy thôi!
Chồng tôi hỏi anh Phạm Tiến Duật:
- Ngày anh đi trên xe tôi. Anh thấy có sợ không?
Anh cười to, vỗ vào vai chồng tôi :
- Ối giời! Ai mà chả sợ! Mà tôi là văn nghệ sĩ. Đi trên xe anh mà tôi cứ thắt cả ruột đấy chứ. Bom đạn cứ rình rình bên tai. Xe thì chao đảo, đi đến dốc Con Mèo. Tôi thấy anh cũng vất vả. Tôi phục anh! Dốc như thế mà anh lái cứ như không. Anh em lái xe phải cõng anh lên dốc để lái xe xuống dốc thay cho một số anh em. Ngồi trên xe cảm giác chỉ chệch tay lái một chút thôi là cả xe lẫn người bay xuống vực thẳm luôn. Mà sao lúc ấy ông cứ bình tĩnh như không. Đúng là tay lái lụa. Cái tâm trạng ấy cho đến bây giờ tôi vẫn không quên. Đúng là chiến trường khốc liệt thật!
Rồi nhà thơ nhìn ông bạn lái xe trong chiến trường với vẻ khâm phục. Nhà thơ nói:
- Thật tình khi vào mới vào đến chiến trường. Tôi được đồng chí Vũ Văn Khoáng tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 55. Anh ấy bảo tôi: “Nhà thơ cứ yên tâm ngồi trên xe của đồng chí Lũy đi. Đồng chí tổng tư lệnh đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên đã ngồi trên xe của đồng chí Lũy vào chiến trường rồi nên nhà thơ không phải lo đâu”. Từ lúc ngồi trên xe của anh là tôi đoán tay lái của anh ra sao rồi. Vì thế mặc dù bom đạn ác liệt vậy, tôi cứ giao cái thân xác này cho anh mà. Giờ chúng ta đều đã trở về an toàn. Tôi mừng lắm!
Nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Chồng tôi cười nói:
- Còn tôi được giới thiệu trở ông khách đặc biệt lại là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Một nhà thơ nổi tiếng tôi cũng khoái lắm chứ. Vinh dự lắm chứ!
Nhà thơ khua tay:
- Thôi! Thôi! Tôi cũng bình thường như các nhà thơ khác thôi mà, để tôi đọc một đoạn trong tập thơ của tôi cho ông nghe nhé!
Rồi bằng một giọng đọc trầm ấm. Anh ngồi đọc cho chúng tôi cùng nghe đoạn thơ về chiến sĩ lái xe:
Ôi những đoàn xe đi trong chớp bom
Những chiếc AC.130 rượt đuổi suốt đêm
Mỗi trọng điểm một nghĩa địa ô tô
Xác xe cháy ngang lưng đèo, đỉnh núi.
Lính cũ hy sinh lại bổ sung lính mới
Những đoàn xe lầm lì
Nhằm cái chết mà băng
Không thấy ở đâu như ở Trường Sơn
Những lính lái diệu kỳ đến thế.
Chiến tranh không đồng nghĩa
Với sự tầm thường
Chiến tranh không đồng nghĩa
với sự phản bội
Họ chung nhau cơn sốt, chung nhau cơn đói
San sẻ nỗi nhớ nhà
Và bao nỗi đau riêng.
(Trích trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa)
Nhà thơ đọc đến đây, giọng anh như nghẹn lại. Những kỷ niệm trong cuộc chiến tranh đang ứ đọng trong trái tim anh. Chiến tranh đã kết thúc, trong lòng nhà thơ vẫn còn đau đáu nỗi đau của các cô gái thanh niên xung phong, những nữ chiến sĩ nay đã trở về với đời thường. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau: Đau đớn về thể xác với những vết thương. Đau đớn khi mất đi khả năng làm mẹ, làm vợ. Đau đớn khi trở về gia đình không còn một ai. Đau đớn khi trở về với lời hẹn ước thì người yêu đã vĩnh viễn ra đi… Và rồi một số người đã tìm đến cửa Phật để tĩnh tâm cống hiến nốt phần đời còn lại của mình. Còn nữa những đứa trẻ sinh ra của những người cha bị nhiễm chất độc hóa học đã mang những hình hài quái dị cùng với những bệnh tật trong người. Ôi chiến tranh!
Hai người chuyện trò rôm rả. Có lúc cả hai người như lặng đi khá lâu trong căn nhà tĩnh mịch… Đã đến lúc nhà thơ phải về Hà Nội. Trước khi chia tay, anh tặng cho chúng tôi tập trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa làm kỷ niệm.
Tính ra tập thơ đó tôi đã giữ gần 30 năm. Nhà tôi đã xây nhà, chuyển nhà đến mấy lần. Và đặc biệt năm 2019, chúng tôi chuyển vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để sinh sống. Đi một chặng đường dài gần 2000km nên đồ đạc cũng thật gọn nhẹ, vậy mà tôi vẫn chọn một số tập thơ văn của bạn bè tặng để mang theo, trong đó có tập thơ Tiếng bom và tiếng chuông chùa của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và tập thơ đó đến giờ vẫn còn được giữ gìn như mới, không sờn hay có một vết lem nào. Đó cũng là sự trân trọng và quý mến của chúng tôi với cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Và rồi kỷ niệm chiến trường xưa đã xa mờ. Một ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ra đi mãi mãi. Anh đã để lại những bài thơ còn thấm đậm nỗi vất vả, đau thương trong chiến tranh. Sự hy sinh của những anh hùng dân tộc, sự đau đớn, thiếu hụt, mất mát trong mỗi chiến sĩ đã xây nên một đất nước Việt Nam, thanh bình, giàu đẹp và đang đà phát triển mới.
Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật một nhà thơ tài hoa. trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc và cũng trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ấy bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây ra đời. Bài thơ vừa là bản quân ca hùng tráng, vừa là khúc tình ca lãng mạn còn vang vọng mãi cho suốt đời sau.

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, kịch, họa... ông được đánh giá là nhà...
Bình luận