Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn

Bằng cách luôn liên hệ với nơi thân thuộc, ấm áp với trái tim mình, qua những dòng tản văn “Than đỏ dưới tro tàn”, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã đưa độc giả chạm đến những cung bậc cảm xúc chân thật, tinh tế, tựa như than đỏ luôn ấm nóng, luôn có cơ hội để làm bùng lên một ngọn lửa.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 1

"Than đỏ dưới tro tàn" là tập tản văn thứ 5 và là cuốn sách thứ 23 của nhà văn Đỗ Bích Thuý.

Ở tập sách này, như thường thấy, Đỗ Bích Thuý vẫn dành phần lớn số trang cho các bài viết về miền núi với những kí ức trong trẻo gắn liền với cái thung lũng mà chị được sinh ra, lớn lên.

Trong số những nhà văn thuộc thế hệ 7x, Đỗ Bích Thúy được xem là người lao động bền bỉ, kiên định và quyết liệt trên một lối đi riêng mà chị tự cho rằng mình rất may mắn, đó là gắn bó với một đề tài "ruột" - dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi khi viết về đề tài này chị lại có cảm giác như được “về nhà”. Với nhà văn, rừng núi là một đề tài luôn khơi gợi cho chị nhiều cảm xúc mãnh liệt nhất, tựa một thôi thúc ngầm, càng rời xa thì tình yêu lại càng trở nên mãnh liệt.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 2

Nhà văn Đỗ Bích Thuý và tác phẩm “Than đỏ dưới tro tàn” của chị. (Ảnh: FBNV)

Bên cạnh đó, độ chín của một người đã có hơn ba mươi năm cầm bút, đi nhiều và luôn chăm chú quan sát cuộc sống, đã khiến cho tản văn của chị đằm sâu hơn, day dứt hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn. Có thể thấy, Đỗ Bích Thuý ngày càng đi sâu vào trái tim và tâm hồn của những người đọc tinh tế bằng tản văn.

Tản văn, như Đỗ Bích Thuý nói, là thể loại mà càng viết chị càng thấy rất khó, rất mất sức. Sau khi viết xong cuốn tản văn này, nhà văn cảm thấy những gì đã làm được chưa thấm vào đâu và chị bắt đầu dấn thân vào một chặng đường sáng tác còn khó khăn hơn, nhưng có thể thấy Đỗ Bích Thúy cứ quay đi quay lại chính là chốn rừng núi, dù có đi đến đâu, sau cùng ngòi bút của chị cũng sẽ xuôi về nguồn.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 3

"Than đỏ dưới tro tàn" được ra mắt vào ngày 13/4 tại Hà Nội.

Chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn tản văn này, nhà văn Đỗ Bích Thuý cho biết, chị đã trăn trở và chịu áp lực với việc phải viết làm sao cho bạn đọc cũ vẫn nhận ra chất Đỗ Bích Thúy nhưng đồng thời vẫn tìm ra điều mới mẻ trong lần trở lại này. Vì vậy, chị quyết định thử nghiệm “métaphysique” - những cái "vô lý", những cái "siêu hình" đặc biệt trong tác phẩm.

Viết bằng tình yêu mến của bản thân dành cho cuộc đời, nhà văn Đỗ Bích Thuý tâm sự: “Tôi đi qua mỗi ngày, vui buồn đều có cả. Tôi có những ước mơ nhỏ, có những niềm vui nhỏ, có những yêu thương lớn, có những run rẩy tận tâm can, có những bí mật để giấu kín, có những say mê để đắm chìm, cũng có cả những món tài sản mà tôi trân quý, có đầy lòng biết ơn nữa. Sống một cuộc đời, như thế này, chẳng phải đáng lắm sao. Và tôi thích, mình là viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa”.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 4

Qua những dòng tản văn “Than đỏ dưới tro tàn”, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã đưa độc giả chạm đến những cung bậc cảm xúc chân thật, tinh tế, tựa như than đỏ luôn ấm nóng, luôn có cơ hội để làm bùng lên một ngọn lửa.

Cuốn sách được tác giả, các cộng sự và nhà xuất bản chăm chút từng chút một, từ nội dung, minh hoạ, bìa sách cho đến cả tấm postcard đi kèm sách được thiết kế rất tinh tế với dòng chữ: "Sách của bạn, lòng biết ơn của tôi" – đó như lời tri ân mà Đỗ Bích Thuý muốn gửi tới bạn đọc, những người đã lặng lẽ âm thầm đồng hành cùng chị trong suốt những năm tháng qua.

Cuốn sách được hoàn thiện với sự góp sức rất lớn của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, 15 bức minh hoạ trong “Than đỏ dưới tro tàn” đã giúp độc giả hình dung rõ nét hơn những điều mà nhà văn Đỗ Bích Thuý muốn gửi gắm, đồng thời góp phần gợi mở những liên tưởng thú vị từ cuốn sách theo phong cách độc đáo của hoạ sĩ Lê Thiết Cương.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 5

Cuốn sách có 15 bức minh hoạ của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, một số bức được in trên giấy dó.

Chia sẻ về quá trình phụ trách phần mỹ thuật cho cuốn sách, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho biết, ở “Than đỏ dưới tro tàn”, Đỗ Bích Thuý đã bắt đầu có những “điều vô lý”, “phi lý”, “siêu hình” khác với những tác phẩm trước. Và điều này lại trùng hợp với thẩm mỹ hội hoạ của anh - “hội hoạ là vô lý, là phi lý là siêu hình”, sự gặp gỡ giữa hai suy tư thẩm mỹ ấy đã tạo nên những bức minh hoạ độc đáo, đầy cảm xúc nghệ thuật.

Chia sẻ thêm về quan điểm vẽ minh hoạ của mình, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh: “Với tôi, minh hoạ xuất phát từ tác phẩm ấy nhưng mà đích đến của nó phải là minh hoạ, nó phải là tác phẩm hội hoạ độc lập, cho dù âm nhạc, thi ca, văn chương, hội hoạ nó có phản chiếu vào nhau thì dứt khoát nó không cần tầm gửi vào trong tác phẩm mà nó vẫn sống được”.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 6

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Là tập tản văn thứ 5 và là cuốn sách thứ 23 của Đỗ Bích Thuý, lại được ra mắt vào đúng dịp sinh nhật của tác giả nên sự xuất hiện của “Than đỏ dưới tro tàn” có ý nghĩa rất lớn với nhà văn, đó là món quà chị dành cho mình trong ngày đặc biệt. Đối với bạn đọc, “Than đỏ dưới tro tàn” là một cuốn sách mà họ có thể cầm lên đọc bất cứ lúc nào. Qua tản văn này, Đỗ Bích Thuý Việc cũng đã cất lên tiếng nói tâm tình với các nhà văn rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời một người viết là viết về miền đất quê hương của mình.

Những trải lòng của viên than đỏ dưới lớp tro tàn - 7

Buổi ra mắt sách diễn ra trong không khí ấm áp, thân mật với sự tham gia của đông đảo bạn bè, độc giả yêu mến nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1976 tại Hà Giang. Chị ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng các tác phẩm viết về dân tộc thiểu số và miền núi.

Chị từ Hà Giang chuyển công tác về Hà Nội năm 2000 sau khi chị đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội. 22 năm sống và làm việc tại Hà Nội, chị đã in 23 cuốn sách. Chị nói, đó là một nỗ lực hết sức để đạt được “chỉ tiêu” do bản thân tự đặt ra: Mỗi năm 1 cuốn sách.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đến hôm nay, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ các dân tộc Sơn La. Chất bi hùng của chiến cuộc đã thấm đẫm trong đất và con người miền Tây Bắc của Tổ Quốc. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc nhiều nhà văn, nhà thơ vừa cầm bút vừa làm cách

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Tối 28/4/2024, tại KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng, Công ty CP Shinec phối hợp với Hội Cựu chiến Binh thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình “Khát Vọng Truyền Nhân” với chuỗi các sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Shinec gồm Lễ Công bố báo cáo phát triển bền vững - Báo cáo ESG; Lễ trao chứng nhận kỷ lục thế giới; Lễ trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Công ty CP Shinec và Do