Vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh dưới thời Đông Dương thuộc Pháp

Sau Bắc Kỳ với “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”; “Tiểu luận về dân Bắc Kỳ”; và Nam Kỳ với bộ sách “Nam Kỳ và cư dân”; Omega Plus tiếp tục cho ra mắt cuốn sách về vùng đất tiêu biểu của Trung Kỳ (Nghệ An - Hà Tĩnh): “An Tĩnh Xưa” do Hippolyte Le Breton – từng là hiệu trưởng trường Quốc học Vinh (nay là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng – Nghệ An) viết vào những năm 20 của thế kỉ 19.

“An Tĩnh Xưa” được Le Breton soạn thảo trong thời gian giảng dạy và làm hiệu trưởng ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, 1924-1928), thành quả xứng đáng từ những lớp tham quan dã ngoại được tổ chức thường xuyên, kết hợp với sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, học trò và đặc biệt nhất là nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp, phân tích tư liệu của ông.

 Đây thực sự là một công trình đồ sộ về tư liệu; khoa học về phương pháp nghiên cứu, diễn giải, và nhất là về tâm huyết, trí tuệ, như ông đã tự dẫn câu của chính mình làm đề từ: “Hiểu tức là yêu thương; yêu thương tức là hiểu. Hai lời lẽ này dựa vào nhau, cần biết gắn lại với nhau bằng một bàn tay khỏe mạnh và khéo léo”. Khi tiếp xúc với tác phẩm này, nhiều người đã khẳng định ngay giá trị không thể chối cãi của nó.

Vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh dưới thời Đông Dương thuộc Pháp - 1

Giáo sư Le Breton đã để lại cho chúng ta một công trình đồ sộ về An Tịnh có tính khóa học cao, dày 372 trang, kèm theo gần 200 bức ảnh, trong đó có một số chụp bằng máy bay. Tác giả được đào tạo ở Pháp, có phương pháp làm việc tốt, lại có phương tiện hiện đại như máy chụp ảnh, có máy bay giúp sức, có địa đồ chính xác, có các ngành khoa học khác hỗ trợ như: địa chất, địa động học, địa lý khảo cổ...

Qua 4 năm dạy học ở Vinh, kết hợp với môn sử học, giáo sư có hàng trăm học trò đi theo để khảo sát nhiều nơi, để sưu tầm, ghi chép dưới hình thức lớp học du ngoạn. Ông cũng biết tổ chức và sử dụng nhiều cộng tác viên là học giả nho học như cụ Nguyễn Đức Tánh (Tú Tánh, người làng Hoành Sơn), cụ nghè Nguyễn Mai (tiến sĩ, quê xã Tiên Điền); lại còn một đội ngũ trí thức tân học giúp sức giáo sư như Nguyễn Văn Tố (Viện Viễn đông Bác cổ-Hà Nội), Lê Thước (giáo sư Quốc học Vinh)...

Lại có hai cơ quan chuyên môn khuyến khích, cung cấp tư liệu là: Viện Viễn đông Bác cổ (Ecole Franỗaise de L’extreme Orient), hội những bạn xứ Huế xưa (Societé des Amis du Vieux Huế). Hai cơ quan này có tạp chí chuyên ngành nên có điều kiện công bố kịp thời những công trình nghiên cứu của giáo sư. Từ những bài báo ấy về sau giáo sư sưu tập và biên soạn lại để in thành “An Tĩnh xưa” (Le Lieux An Tinh) vào năm 1936.

Vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh dưới thời Đông Dương thuộc Pháp - 2

Tuy vậy Le Breton cũng gặp rất nhiều khó khăn. Là người nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng, thời gian cư trú ở Vinh rất ngắn ngủi (chỉ 4 năm). Những thư tịch Hán Nôm phải nhờ người khác thông dịch qua tiếng Việt, rồi mới dịch sang tiếng Pháp. Mỗi khi về các làng xã, tuy có học trò đi theo, lý hương, chức sắc sở tại thường mặc cảm, không cởi mở, vì dù sao họ vẫn nhìn giáo sư với con mắt “đó là một ông Tây thực sự”, một ông Tây đang phục vụ chế độ thực dân.

“An Tĩnh Xưa” được dịch giả Nguyễn Bân dịch trong những thập niên 1970, 1980; chủ yếu dùng làm tư liệu cho bản thân và bè bạn, đến bản dịch khá đầy đủ năm 1991 được chép tay trong một cuốn vở học sinh và bản hoàn thiện năm 1997. 

Ông Võ Hồng Hải - Tiến sĩ Văn hóa học, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh đánh giá đây là bản dịch rất đảm bảo nguyên tắc dịch thuật các công trình khoa học - chính xác, sát ý, trung thành với nguyên tác… Bởi ngoài trình độ Pháp ngữ, dịch giả Nguyễn Bân còn là một nhà Địa phương học am tường về địa lý, lịch sử, văn hóa xứ Nghệ, một người luôn sống và làm việc nghiêm cẩn, cầu thị, và hơn nữa, là một người trọn đời gắn bó, yêu quý, khát khao dâng hiến tâm sức cho mảnh đất Hồng Lĩnh - Lam Giang, quê hương thứ hai của ông. 

“An Tĩnh Xưa” được các học giả, nhà nghiên cứu đánh giá cao, là tuyệt tác chuyên khảo lịch sử, không chỉ để lại kho tư liệu phong phú, quý giá về xứ Nghệ mà còn hướng đến phương pháp khảo cứu biên soạn đa dạng dựa trên tri thức của nhiều bộ môn, nhiều tài liệu liên quan.   Cuốn sách nằm trong tủ sách “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ” của Omega Plus.

Vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh dưới thời Đông Dương thuộc Pháp - 3

Hippolyte Le Breton sinh năm 1881 ở Le Havre (Normandie). Ông từng học ở trường Sư phạm Rouen, trường Sư phạm thuộc địa Jules Ferry, qua Đông Dương vào ngày 25/10/1908 bằng đường biển (thời đó đi mất khoảng 25 ngày); giảng dạy và làm hiệu trưởng ở nhiều trường học khác nhau trên xứ Đông Dương; nơi cuối cùng ông phụ trách là trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. Ông nghỉ hưu vào ngày 12/6/1936, sau đó trở về Pháp; rất tiếc là đến nay vẫn chưa xác định được năm ông qua đời.

Hai mươi tám năm ở Việt Nam, ngoài việc dạy học và làm quản lý, ông còn miệt mài đi và viết, đã công bố đến 29 công trình nghiên cứu trên các tạp chí như Đông Dương (Revue Indochinoise), Nam Phong, Thái Bình Dương (Revue du Pacifique), và Tập san Những người bạn cố đô Huế; ngoài ra, còn chuẩn bị 9 di cảo...

Hầu hết các công trình của ông đều thuộc về lĩnh vực khảo cứu địa chí, lịch sử, văn hóa; nhiều nhất là về tỉnh Thanh Hóa, mà ông thường ưa dùng là xứ (le pays) với 9 tác phẩm và xứ An - Tĩnh, có 8 công trình đã xuất bản.

TRÍCH ĐOẠN HAY

1, Ở An Tĩnh có câu tục ngữ phổ biến: “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”. Ý muốn nói rằng: “Thanh Hóa dựa vào sự ưu ái của nhà vua, thì xứ Nghệ được các vị quan đại thần chiếu cố”.

Thật vậy, mãi cho đến ngày nay, Thanh Hóa vẫn là xứ hưởng được nhiều đặc ân vì tỉnh này là cái nôi của triều đại đương kim trị vì.

Nhưng An Tĩnh không vì thế mà ganh tị vì mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều bậc đại trí thức giàu lòng độ lượng sẵn sàng che chở, và những vị đại thần này đã được ngưỡng mộ tột cùng, không gì so sánh nổi. Nghệ An được cái vinh quang là có những ngôi đền đẹp nhất nước An Nam.

Một phương ngôn khác đã nhắc tới tên các ngôi đền này:

Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.

An Tĩnh không những giàu về truyền thuyết mà còn giàu cả cái vinh quang của mình nữa. Tôi có thể chắc chắn rằng không có tỉnh nào khác lại có được một vai trò lớn lao như thế trong lịch sử của quốc gia Đại Việt (tức Nam Việt), ít nhất cũng đến thế kỷ XV.

(trích Lời mở đầu)

2, Người An Nam rất kiêng gọi tên húy của mình. Gọi họ bằng tên húy tức là làm nhục họ. Vì thế họ giữ kín tên húy của mình mà chỉ dung tên mượn mà thôi. Ví như lấy tên con để gọi cha, lấy chức vụ, hàm tước, nghề nghiệp... để gọi tên. Gọi kẻ bề trên, kẻ ngang hàng bằng tên của họ là chửi bới họ. Vả lại, ở châu Âu, cũng có cái na ná như vậy?

Vì thế chúng ta không lấy làm lạ rằng một điều tuyệt đối cấm kỵ là không được gọi hoặc viết tên húy của một hoàng đế. Nhưng để hiểu rõ hơn điều cấm kỵ này, chúng ta cần biết rằng mỗi ông vua có ít nhất năm tên hoặc hiệu:

1. Niên hiệu: hiệu về những năm nhà vua ấy trị vì.

2. Tên riêng: tên của nhà vua trước khi lên ngôi. Gọi là tên tự.

3. Tên riêng khi đang ở ngôi vua: gọi là ngự danh.

4. Tên ghi trên bài vị thờ trong miếu, gọi là miếu hiệu, đó là tên được đặt sau khi nhà vua chết mà trong các biên niên sử hay dùng.

5. Tên thụy (tên hèm): là tên đặt cho người đã mất, cầu phúc cho người qua đời. Tên này hay được ghi ở trang đầu của biên niên sử.

Chỉ hai loại tên riêng (2 và 3) mới phải kiêng kỵ. Những thí sinh trong các kỳ thi theo chế độ giáo dục truyền thống đã bị bãi bỏ ở Bắc kỳ vào năm 1915, ở Trung kỳ vào năm 1919, nhất thiết phải tránh việc đưa những tên ấy vào các bài thi của mình; nếu không họ sẽ bị trừng phạt: không được dự thi, hoặc bị bỏ tù.

(trích Chương V. Lưu vực sông Lam)

T.Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất