Dịch sốt xuất huyết khiến hơn 1.000 người chết ở quốc gia Nam Á

Từ đầu năm đến nay, quốc gia ở Nam Á này ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ năm 2000. 

Dịch sốt xuất huyết khiến hơn 1.000 người chết ở quốc gia Nam Á - 1

Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm ở hành lang một bệnh viện ở thủ đô Dhaka của Bangladesh ngày 1/8. Ảnh: BenarNews

Al Jazeera ngày 2/10 đưa tin, dữ liệu chính thức từ đầu năm đến nay cho thấy, hơn 1.000 người đã thiệt mạng ở Bangladesh vì sốt xuất huyết. Con số này gấp gần 4 lần so với số liệu của cả năm 2022. Trong số những người thiệt mạng có 112 trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh. 

Hơn 200.000 người khác bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất do muỗi gây ra ở quốc gia Nam Á này kể từ năm 2000. 

Các bệnh viện ở Bangladesh đang bị quá tải khi dịch bệnh lây lan nhanh ở quốc gia đông dân này. 

Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở các vùng nhiệt đới, gây sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ. Các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. 

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo rằng, sốt xuất huyết cùng các bệnh khác do muỗi là trung gian truyền bệnh như sốt vàng da, zika... đang lây lan nhanh hơn do biến đổi khí hậu. 

Không có vắc xin hoặc thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết, căn bệnh thường gặp ở Nam Á trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, các bệnh viện ở Bangladesh cũng bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết trong các tháng mùa đông. Những người bị tái nhiễm có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn. 

Mohammad Rafiqul Islam, bác sĩ tại Bệnh viện Cao đẳng Y dược Shaheed Suhrawardy ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, cho biết, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện thuộc dạng tái nhiễm lần 2 hoặc lần 3.

"Khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lần 2, 3 hoặc 4, mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Số người chết cũng cao hơn", ông Islam nói. "Nhiều người đến với chúng tôi khi bệnh đã chuyển nặng, khiến việc điều trị trở nên phức tạp". 

Bangladesh ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết từ thập niên 60, nhưng ghi nhận đợt bùng phát dịch lần đầu tiên vào năm 2000. 

Nguyễn Thái - Al Jazeera

Tin liên quan

Tin mới nhất