Hình ảnh kinh ngạc chưa từng thấy về hành tinh lạnh nhất Hệ Mặt trời
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây công bố hình ảnh rõ nét nhất từ trước đến nay về sao Thiên Vương trong Hệ Mặt trời, hé lộ một cách rõ ràng các vành đai, vệ tinh và thậm chí là một cơn bão trên bề mặt sao này với độ chi tiết rất cao.
NASA công bố hình ảnh chi tiết nhất về sao Thiên Vương vào ngày 18/12.
"Với độ nhạy rất cao, kính viễn vọng James Webb đã chụp lại hình ảnh vành đai vòng bên trong và bên ngoài sao Thiên Vương, kể cả những vành đai mờ nhất mà kính viễn vọng thông thường không nắm bắt được", NASA thông báo, theo Daily Mail. "Bức ảnh cũng cho thấy một vài trong tổng cộng 27 vệ tinh của sao Thiên Vương".
Sao Thiên Vương nằm cách Trái đất 2,8 tỷ km và là một trong những hành tinh ít được khám phá nhất trong Hệ Mặt trời. Sao Thiên Vương được coi là lạnh nhất trong tất cả các hành tinh trong Hệ Mặt trời với mức nhiệt độ khí quyển có thể xuống tới âm 224 độ C.
Hành tinh này từng được tàu vũ trụ Voyager 2 chụp lại hình ảnh vào những năm 1980 nhưng không được chi tiết như ngày nay.
Sở dĩ kính viễn vọng Webb Space của NASA có thể chụp ảnh chi tiết về sao Thiên Vương là nhờ khả năng chụp ảnh ở bước sóng hồng ngoại.
Hình ảnh do kính viễn vọng không gian James Webb chụp lại.
Điều này giúp tiết lộ những đặc điểm khí quyển thú vị xung quanh hành tinh băng giá, bao gồm một đốm trắng (chỏm băng cực) - vùng băng bao quanh cực của hành tinh ở cực bắc.
Chỏm băng cực này chỉ có ở sao Thiên Vương. Nó dường như xuất hiện khi vùng cực của hành tinh đi vào nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp vào mùa hè và biến mất vào mùa thu.
“Chỏm băng cực dường như trở nên nổi bật hơn khi cực của hành tinh bắt đầu hướng về phía Mặt trời và nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn”, NASA cho biết.
Lần tiếp theo sao Thiên Vương có những sự thay đổi trong đặc điểm nhận biết là vào năm 2028 và các nhà thiên văn học đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt.
Hình ảnh mới cũng hé lộ một cơn bão nằm bên dưới ranh giới phía nam của chỏm băng cực. NASA tin rằng, cơn bão hình thành do sự kết hợp giữa các hiệu ứng theo mùa và hiệu ứng khí tượng.
Hình ảnh cũng hé lộ một số vệ tinh quay xung quanh sao Thiên Vương.
"Kính viễn vọng James Webb sẽ giúp làm rõ hơn các tác động theo mùa và khí tượng có ảnh hưởng tới những cơn bão ở sao Thiên Vương. Điều này cũng giúp các nhà thiên văn làm rõ hơn bầu khí quyển phức tạp của hành tinh này", NASA cho biết thêm.
Trục nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo của Sao Thiên Vương là khoảng 98 độ. Độ nghiêng bất thường khiến hành tinh này trải qua các mùa một cách khắc nghiệt nhất trong số các hành tinh của Hệ Mặt trời.
Sao Thiên Vương cần 84 năm Trái đất để hoàn thành một chu kỳ quay quanh Mặt trời. Do đó, hành tinh này có 21 năm Mặt trời chỉ chiếu sáng một cực và nửa còn lại chìm trong mùa đông lạnh lẽo suốt 21 năm.
NASA hi vọng hình ảnh mới không chỉ giúp lập kế hoạch cho các sứ mệnh khám phá sao Thiên Vương trong tương lai, mà còn giúp tìm hiểu các hành tinh khác có kích thước tương tự nằm ngoài Hệ Mặt trời.
‘Điều này có thể giúp hiểu thêm về Hệ Mặt trời bằng cách đặt nó vào một bối cảnh lớn hơn", NASA cho biết.
Bình luận