Thơ Khuất Bình Nguyên

Thời báo Văn học nghệ thuật trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 5 bài thơ trong tập “Người Tha hương” của nhà thơ Khuất Bình Nguyên, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đây là tập thơ thứ 6 và là tác phẩm văn chương thứ 11 của tác giả, người đã hai lần được nhận giải thưởng trong hai lần thi thơ của báo Văn nghệ (2010 và 2020).

Thơ Khuất Bình Nguyên - 1

"người tha hương" - NXB Hội Nhà văn, 2024

NGƯỜI THA HƯƠNG

Lên Ba Vì không gặp mùa Thu

Năm cũ đi tìm mình chưa tới

Bao nhiêu tha hương nhuộm cũ mái đình làng

Mùa thu lợp ngói vàng trên lá.

Ngựa xe ải bắc người đi sứ

Sông Đà mang giọng nước đi theo

Mất dấu huyền đến tận Bắc Kinh

Sang sảng Đằng giang tự cổ huyết do hồng*.

Thế giới phẳng đưa người đi tha hương

Ngọn gió di dân lênh đênh trái đất,

Người quê xứ Đoài

Thật như đếm vú bò vắt sữa

Sửa sang lại mái đình xưa cũ

Không có mái đình thì sao có

Chuyện thương mình để ngói tha phương.

Gió mưa cát bụi đầy trời

Người dưng mếu máo gọi người tha hương.

                                                          2018

(*): Sông Bạch Đằng tự ngàn xưa máu vẫn còn đỏ là câu trả lời của sứ giả Giang Văn Minh người Sơn Tây trước vua Minh năm 1637.

Thơ Khuất Bình Nguyên - 2

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên

XA HƠN CẢ THỜI XƯA

Cổng làng xưa

Xa hơn cả thời xưa

Xưa như người già áo tơi nón lá

Đứng ở đầu làng đợi mưa bốn mùa

Đợi kẻ tha hương.

Trẻ con làng tôi khóc ba tiếng chào đời

Bên trong cổng làng vọng ra ba tiếng nữa.

Tuổi thơ thia lia trên mặt nước

Vẩn vơ đi tìm lại mình

Dọc bờ sông Đà, sông Tích ngập đầy mây.

Chỉ thấy trăng xứ Đoài

Lặn sâu xuống các dòng sông ấy.

               *

Bước qua cổng làng tôi thành người lớn

Tha hương học cách làm người

Xa rồi đồng đất Sơn Tây

Dọc ngang chưa đủ đường cày

Trở ra gặp sông trở vào gặp núi.

Một đời ngô lúa siêng năng

Sắn khoai chín bỏ làm trăng lên mười

Nhà quê nhẫn nhịn một đời

Củ nâu xấu xí nhuộm người nâu non.

Lá đa rơi kín mùa hè ngày mẹ ra đi

Trăng xứ Đoài xa hơn cả thời xưa.

Bao nhiêu người đi ra

Bao nhiêu người không trở về

Áo tơi nón lá

Âm thầm tử biệt sinh ly,

                      .

Trăng quê hương tròn khuyết theo câu hát

Xứ Đoài dừng lại mà trông

Kìa núi ba ngọn, kìa sông hai dòng

Qua cổng làng xưa

Tôi mơ thành đứa trẻ

Trở về với mẹ

Khao khát làm người nhà quê

Về làng mở cổng làng ra

Bao nhiêu xưa cũ nhà nhà trăng trăng.

                      .

Tôi về nhà

Không gặp được mẹ cha anh chị

Những người làng cùng thế hệ với mẹ cha tôi

Tất cả họ nằm sâu dưới đất

Mảnh đất cưu mang chật chội xứ Đoài

Sông Đà, sông Tích còn ngập đầy mây

Lá đa vun mùa hè nhỏ lại

Vốc nắm đất quê nhà bỏ vào túi áo

Tôi không phải là người nhà quê

Đội mưa bốn mùa

Áo tơi nón lá

Đâu rồi người của ngày xưa.

                             2019 - 2023

LÁ BỒ ĐỀ

                  

Tổng thống mỉm cười gửi súng ra đại dương

Cùng với sáp ong những học thuyết chiến trường từ thời trung cổ

Ra lệnh bóng đêm lên quy lát bất ngờ

Người lính nhắm mắt bóp cò súng nổ

Quả đất nặng hơn vì đeo thêm súng đạn

Quả đất nhỏ nhoi như số phận con người,

Quả đất mù lòa vì lửa bom nguyên tử.

Tổng thống lắc đầu cười

Không tìm thấy đâu bệnh nhân số không Covid

Mấy triệu người chết oan

Mù mịt khói thiêu người.

Biển vô tâm nhấn chìm thành phố

Người AI rủ rê loài người.

Các thi sỹ viết mười câu thơ

Cả mười câu đều thiếu chữ.

Khuôn mặt lo âu người bán hàng rong

Người nông dân đầm đìa mồ hôi

Quả đất xoay trần nứt nẻ.

Tổng thống mãn nhiệm cười

Một kẻ vô danh lại mỉm cười nhạt thếch.

Thi sỹ, người bán hàng rong, người nông dân, người lính

Những đại lượng vô thường lặn lội chốn vô minh.

Đi qua những năm hai nghìn hai mươi chưa hiểu hết mình

Mỗi sớm mai gọi nhau thức dậy

Bằng nụ cười cha mẹ ban cho

Những nụ cười chẳng thể ngủ yên từ thuở bé

Hình trái tim những chiếc lá bồ đề

Không phải thế kỷ không còn huyền thoại nữa

Lá bồ đề nghiêng ngả nắng rồi mưa

Những chiếc lá bồ đề không rụng.

                                          2023

CỔ TÍCH NGÀY MƯA

Mưa như là không mưa

Nắng như là không nắng

Vô tư làn mây mỏng

Xa xưa trong bốn mùa.

Hoa bằng lăng nhạt màu

Để chiều loang lổ tím

Mây chẳng còn hình dáng

Cho một ngày sang Thu.

Không biết về đâu mưa

Không biết về đâu nắng

Áo phong trần bạc trắng

Thêm một lần cũ xưa.

Đời người như hạt mưa

Đi tìm hình trong nắng

Chỉ thấy vầng mây trắng

Nhu mì còn sau mưa.

                                      15/7/2016

TỰ KHÚC THÁNG NGÀY

Rừng Ba Vì biết tôi còn nông nổi

Nên bao la in dấu chân người

Cây nảy lộc vào miền gió thổi

Băn khoăn gì mà cởi áo ra phơi?

Tôi lên Tản Viên mây trời nhiều thế kỷ

Tháng thì vơi ngày lại đong đầy

Hoa biêng biếc thu mình năm cánh nhỏ

Rầm rì thơm không rõ ở đâu đây.

Lặng lẽ quá xuân một mình bước tới

Vừa đi vừa gỡ rối tuổi đôi mươi

Đà Giang lang thang có khi nào vội

Tháng chưa đầy ngày lại chợt vơi?

Có một lần tôi lên Ba Vì

Thấy một bông hoa năm cánh tím

Ẩn dụ mùa xuân sương mù giữ kín

Không biết ngày vơi hay tháng đã đầy.

                                          Thu 2022

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi