Hiệp định khung kinh tế số ASEAN sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam
Hiệp định khung về kinh tế số khu vực ASEAN (DEFA), hiệp định khu vực đầu tiên về kinh tế số đã khởi động đàm phán. Dự kiến nếu DEFA được ký kết và đi vào thực thi sẽ có tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số trong những năm gần đây. Báo cáo của Google, Temasek và Bain công bố đầu tháng 11-2024 cho thấy tổng giá trị hàng hóa kinh tế số của Việt Nam ước đạt 36 tỉ USD trong năm 2024 tăng 16% so với năm 2023 và dự kiến có thể đạt từ 90-200 tỉ USD vào năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số với tổng giá trị hàng hóa đạt 22 tỉ USD năm 2024, tăng 18% so với năm 2023.
Đối với Việt Nam, Hiệp định DEFA sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, theo đó thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Trước hết, DEFA là một hiệp định có tính chất toàn diện, bao trùm đối với nhiều lĩnh vực. Một số nội dung trọng tâm của DEFA liên quan tới các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ người tiêu đùng trực tuyến, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, thuế hải quan, hợp tác về chính sách cạnh tranh... Các nội dung này được đề xuất nhằm tạo ra một môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, DEFA có một số nội dung mang tính chất thúc đẩy hợp tác như: Trí tuệ nhân tạo, thanh toán điện tử, hợp tác về chính sách cạnh tranh, hợp tác về xây dựng tài năng. Theo đó, các hoạt động về chia sẻ thông lệ tốt, hoạt động nâng cao năng lực cũng được đề cập tới.
DEFA còn xem xét một số nội dung mang tính chất hỗ trợ trực tiếp cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số như các cam kết về đơn giản hóa thủ tục đối với ứng dụng điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số.
Tham gia DEFA, Việt Nam có cơ hội để thúc đẩy kinh tế số dựa trên nền tảng vững chắc khi là thị trường năng động và người tiêu dùng có sự linh hoạt cao, mức độ thâm nhập internet cao, kết nối hạ tầng ICT tương đối tốt.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải giải quyết một số vấn đề liên quan tới thanh toán số yếu kém, kỹ năng số của lực lượng lao động nói riêng và người dân nói chung còn hạn chế, mức độ ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp ở mức độ thấp.
Ngoài ra, thách thức đối với Việt Nam trong DEFA là các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư. Trụ cột này tập trung các điều khoản nhạy cảm, mang tính mở cửa thị trường cao như mã nguồn, đặt hệ thống máy chủ, lưu chuyển thông tin xuyên biên giới, do đó, yêu cầu các bên cần có khung pháp lý, đầy đủ, chặt chẽ.
Mặc dù khung chính sách của Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được một số nội dung chính tại trụ cột này, tuy nhiên, trong quá trình đàm phán vẫn cần phải xem xét kỹ nhằm hài hòa, nhất quán với các chính sách hiện hành, tránh tạo ra gánh nặng trong việc thực thi.
Bình luận