Giữ vững vai trò dòng chủ lưu của Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Hội thảo “Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” đã khẳng định văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng, là một trong những giá trị tiêu biểu, nền tảng của văn hóa Việt Nam.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật của ba địa phương tổ chức, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Giữ vững vai trò dòng chủ lưu của Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh - 1

Hội thảo “Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” được tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, các thành phố Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh đều xây dựng và tạo nên gương mặt Văn học nghệ thuật riêng, bản sắc riêng, đa dạng, muôn vẻ trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam. Chính từ những bản sắc riêng, đặc điểm riêng đã tạo nên bức tranh tổng thể của văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đời sống văn học, nghệ thuật 3 thành phố diễn ra ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện. Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, nhất là các vấn đề lớn, phức tạp, nóng bỏng của đời sống xã hội được phản ánh chân thực, sinh động hơn trong các loại hình văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới đã ra đời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần hình thành nên nguồn lực và động lực nội sinh để phát triển đất nước.

“Có thể nói trong dòng chảy của Văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung thì Văn học nghệ thuật 3 thành phố luôn giữ và phát huy vai trò của mình là dòng chủ lưu trong tồn tại và phát triển. Điều này được minh chứng bằng những đóng góp qua các sản phẩm sáng tạo Văn học nghệ thuật từng giai đoạn lịch sử, mang ý nghĩa văn hóa cũng như ý nghĩa xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước”, NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Giữ vững vai trò dòng chủ lưu của Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh - 2

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu.

Nhìn lại những thành tựu của Văn học nghệ thuật nước nhà trong chặng đường 50 năm qua, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng 3 thành phố như là trụ cột, là điểm sáng của Văn học nghệ thuật. Theo PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thời gian tới, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn, quảng bá giá trị tinh hoa văn hóa của Văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cần nỗ lực hơn để có những tác phẩm có chất lượng cao, có giá trị để đời.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Trong hoạt động văn học nghệ thuật, việc kích thích, nuôi dưỡng sự hứng thú, niềm say mê sáng tạo là rất quan trọng. Do đó, Hội thảo là cơ hội để các văn nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm phương thức sáng tác hiệu quả. Kết quả Hội thảo còn là cơ sở khoa học để Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển Văn học nghệ thuật trong tình hình mới”.

Giữ vững vai trò dòng chủ lưu của Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh - 3

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tổ chức hội thảo.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật 3 tỉnh, thành phố nói riêng và cả nước nói chung tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới. Đời sống văn học, nghệ thuật 3 địa phương ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện.

Tại Hội thảo, những vấn đề về văn học, sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật… của Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất; sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế thị trường; những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển văn học, nghệ thuật ba địa phương; sự trao đổi, chia sẻ, kết nối, hợp tác hoạt động văn học, nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Văn học nghệ thuật 3 địa phương… đã được các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra thảo luận, trao đổi.

Giữ vững vai trò dòng chủ lưu của Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh - 4

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu đều nhận định, sau ngày đất nước thống nhất, văn học, nghệ thuật của Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh đều chung cảm hứng về ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển địa phương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh việc khẳng định các ưu điểm, thành tựu, các ý kiến, tham luận cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập của VHNT 3 thành phố 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ việc sưu tầm nghiên cứu, phát triển văn nghệ dân gian, định hướng phát triển âm nhạc, nâng cao chất lượng văn chương, đặc biệt là văn học trẻ, rồi hoạt động mỹ thuật, sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế thị trường...

Trước những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị... các đại biểu cho rằng văn học nghệ thuật 3 thành phố càng phải phát huy vai trò hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả lao động sáng tạo nghệ thuật. Đề tài văn học, nghệ thuật mà văn nghệ sĩ ba địa phương cần hướng tới sáng tác; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ các địa phương giao lưu, cùng sáng tạo.

Các ý kiến cũng khẳng định, bên cạnh nỗ lực của văn nghệ sĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội đoàn thể cần tạo điều kiện và chăm lo phát triển văn học, nghệ thuật địa phương; đầu tư nguồn lực để văn nghệ sĩ Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh chung tay, góp sức sáng tạo, tạo sự bứt phá cho văn học, nghệ thuật nước nhà, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Giữ vững vai trò dòng chủ lưu của Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh - 5

Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh nghệ thuật “Chung một cơ đồ Việt Nam”

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu, trưng bày ảnh nghệ thuật “Chung một cơ đồ Việt Nam” đã được tổ chức tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội). Cuộc trưng bày quy tụ 90 tác phẩm, đây đều là những tác phẩm được sáng tác mới, phản ánh những thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của 3 trung tâm văn hóa chính trị lớn của đất nước. Các tác phẩm ảnh nghệ thuật đem đến cho người xem cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân, các làng quê vào xuân, những ngày tết ở khắp mọi miền, những con rồng biểu tượng của xuân Giáp Thìn ở 3 địa phương… Bên cạnh đó có những tác phẩm thể hiện nét đẹp của di sản và nét thanh lịch của con người từng vùng đất.

Bạch Dương (tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất