Bàn về văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật

Sáng 7/9, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển”. Hội thảo là diễn đàn đóng góp những kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan có thẩm quyền quản lý văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng; từ đó góp phần tạo ra chuyển biến, tiến bộ mới, hiệu quả cao hơn nữa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bàn về văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật - 1

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Hội thảo có sự tham dự của các vị đại biểu: TSKH Phan Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; Ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng Ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; Ông Vũ Thanh Mai, Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Trần Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; NSND Lê Tiến Thọ, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam;… Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu, đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đối tác của Viện.

Về phía Viện Phát triển văn hóa dân tộc có TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Phát triển văn hóa dân tộc; Ông Trần Văn Nam, Viện trưởng Viện Phát triển văn hóa dân tộc; Ông Lạc Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Phát triển văn hóa dân tộc; GS.TS Bùi Quang Thanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Phát triển văn hóa dân tộc; cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Viện Phát triển văn hóa dân tộc.

Làm sáng rõ vấn đề văn hóa quản lý cả về mặt cơ sở lý luận lẫn thực tiễn

Hội thảo được tổ chức với mục đích tập trung làm sáng rõ vấn đề văn hóa quản lý cả về mặt cơ sở lý luận lẫn thực tiễn, hướng tới nhận thức khoa học về ứng xử với di sản, tiếp thu kinh nghiệm trong văn hóa quản lý di sản từ các nền văn hóa tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để ứng dụng sáng tạo vào Việt Nam.

Bàn về văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật - 2

Tham gia tham luận tại Hội thảo là những nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về di sản văn hóa. (Ảnh: Huyền Thương)

Hội thảo là nơi các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa bàn luận, chia sẻ ý kiến đóng góp của mình về những vấn đề nhận thức khoa học và thực tiễn liên quan đến văn hóa quản lý đối với di sản trong hội nhập và phát triển.

Bàn về văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật - 3

Hội thảo tập trung làm sáng rõ vấn đề văn hóa quản lý cả về mặt cơ sở lý luận lẫn thực tiễn. (Ảnh: Huyền Thương)

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Cơ sở lý luận, các khái niệm về vấn đề văn hóa quản lý di sản văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế; Thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về văn hóa quản lý trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời kỳ hội nhập quốc tế (từ 1991 đến nay); Tiếp biến văn hóa quản lý trong hội nhập quốc tế đối với văn hóa quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam; Kinh nghiệm thực tiễn về văn hóa quản lý và phát huy di sản nổi bật ở Việt Nam và quốc tế; Văn hóa quản lý di sản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số ở Việt Nam; Các giải pháp xây dựng văn hóa quản lý ở Việt Nam trước mắt và lâu dài.

Xây dựng văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật

Lĩnh vực Văn học nghệ thuật đã được Đảng ta nhận định là một bộ phận rất tinh tế của văn hóa, quản lý văn học nghệ thuật vừa mang tính khoa học và cũng mang tính nghệ thuật, nhân văn. Vì vậy một số nhà nghiên cứu đã xếp lĩnh vực này vào một dạng quản lý mang tính đặc thù bởi nó liên quan rất nhiều đến các hệ giá trị tư tưởng. Xây dựng văn hóa quản lý đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật như thế nào để văn học nghệ thuật phát triển là vấn đề được đưa ra thảo luận tại “Hội thảo văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển”.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã đưa ra những ý kiến tham luận của mình về vấn đề này.

Bàn về văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật - 4

NSND Lê Tiến Thọ tham luận về vấn đề xây dựng văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu tại Hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ đã thẳng thắn nêu lên một số bất cập trong vấn đề quản lý văn hóa hiện nay và nhìn nhận thực trạng nhiều nghị quyết ra đời mà không đi vào đời sống. Theo ông, một nguyên nhân quan trọng dẫn tới những bất cập đó nằm ở vấn đề quản lý, về công tác cán bộ.

Trong báo cáo tham luận, NSND Lê Tiến Thọ trăn trở: “phải chăng đó là, do nhận thức chưa cao, do coi thường văn hóa, do tư duy nhiệm kỳ, do tư duy bàn giấy của các cơ quan chức năng, chỉ cần xây dựng các văn bản, đóng dấu xong, chuyển đi là hoàn thành nhiệm vụ. Còn những văn bản đó ai thực hiện, kinh phí lấy từ đâu, thời gian nào hoàn thành, cơ quan nào kiểm tra đôn đốc,… đã rơi vào quên lãng”.

Từ việc nhìn nhận được các tồn tại và nguyên nhân của nó, NSND Lê Tiến Thọ đã đề xuất một số nội dung về công tác về xây dựng văn hóa quản lý đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật để góp phần xây dựng văn hóa phát triển, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật - một lĩnh vực tinh túy của văn hóa nước nhà.

Trước tiên, theo NSND Lê Tiến Thọ chúng ta phải rà soát lại các chương trình hành động, chiến lược phát triển văn hóa mà Chính phủ, các Bộ, Ngành đã đề ra để có đánh giá tổng kết, những mặt được và mặt chưa được, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục để đưa nghị quyết của Đảng về văn hóa đi vào đời sống.

Cần thiết phải xây dựng tiêu chí cán bộ quản lý văn hóa thông qua trình độ đào tạo cả về chuyên môn và kiến thực trước khi giữ các vị trí lãnh đạo.

Cần xem xét, đánh giá những vấn đề chính sách cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, biểu diễn để nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề, nhất là những nghệ sĩ đang hoạt động trên lĩnh vực sân khấu truyền thống.

Bàn về văn hóa quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật - 5

Cần thiết xem xét, đánh giá những vấn đề chính sách cho các văn nghệ sĩ (Ảnh minh họa).

Tại Hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ cũng đề xuất xây dựng luật bảo vệ văn hóa: “Theo tôi, Nhà nước cần xây dựng một luật bảo vệ văn hóa để đưa văn hóa ngang tầm với kinh tế và có chính sách bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất