Chốt phương án xả rác bao nhiêu, trả bấy nhiêu tiền

Chiều 17/11, với 91,91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Đáng chú ý, Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Chốt phương án xả rác bao nhiêu, trả bấy nhiêu tiền - 1

Chốt phương án xả rác bao nhiêu, trả bấy nhiêu tiền. Ảnh VTV

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định tại Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách 10 quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất vào năm 2050 do môi trường thiên nhiên bị suy thoái, tính theo tỷ lệ % sụt giảm GDP hằng năm, theo nghiên cứu mới nhất mang tựa đề "Tương lai toàn cầu" (Global Futures) của quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên  (WWF).

Cụ thể, Việt Nam có thể mất tới 2,8% GDP mỗi năm nếu tiếp tục kịch bản phát triển như hiện tại. Việt Nam cũng đang phải đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, và nổi bật gần đây là ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. 

Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra trên toàn cầu. WWF đã suy xét sự phụ thuộc của các nền kinh tế vào sáu "dịch vụ sinh thái", bao gồm nguồn cung nước, gỗ, hải sản, carbon, sự thụ phấn của hoa màu và sự hiện diện của các vùng bờ biển giúp bảo vệ con người khỏi lũ lụt và xói mòn đất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu con người tiếp tục giữ nguyên tình trạng phát triển hiện tại, kinh tế toàn cầu sẽ gánh chịu thiệt hại 0,67% GDP, tương đương 479 tỉ USD vào năm 2050, nếu quy mô và cấu trúc kinh tế vẫn giữ nguyên như năm 2011. Cộng gộp cả giai đoạn từ 2011-2050, ước tính thiệt hại có thể lên tới 9.870 tỉ USD.

WWF nhấn mạnh một khi thiệt hại môi trường xảy ra, các nước có kinh tế kém phát triển tại các khu vực Tây Phi, Trung Mỹ, Đông Nam Á sẽ là những quốc gia chịu thiệt nhiều hơn cả.

Báo cáo cũng cho biết nếu các nguồn cung sinh thái kể trên rơi vào tình trạng khan hiếm, nhiều mặt hàng phục vụ cho đời sống con người sẽ bị đẩy giá lên cao, trong đó có gỗ (8%), vải bông (6%), dầu hạt các loại (4%), trái cây và rau củ (3%)...

Chốt phương án xả rác bao nhiêu, trả bấy nhiêu tiền - 2

Ảnh sưu tầm

Tuy vậy nếu thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường trên toàn cầu, GDP toàn cầu có thể tăng 0,02%, tương đương 11 tỉ USD vào năm 2050. Trong đó ngành đánh bắt hải sản sẽ hưởng lợi với nguồn cung tăng 3%, dẫn tới mức giá giảm 22%.  

Báo cáo cơ hội đến 2030: Bản đồ đầu tư theo các mục tiêu phát triển bền vững do Standard Chartered phát hành mới đây chỉ ra rằng khu vực tư nhân đang đứng trước cơ hội đầu tư gần 10.000 tỉ USD vào các thị trường mới nổi nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, trong đó Việt Nam mang đến cơ hội đầu tư 45,8 tỉ USD cho khu vực tư nhân.  

“Những quyết định mang tính bền vững cần phải trở thành một thông lệ khi lên kế hoạch, phát triển và đầu tư kinh tế toàn cầu,” báo cáo của WWF nhận định. “Quan trọng nhất các chính phủ cần chịu trách nhiệm cho những tác động của quốc gia mình lên chuỗi cung toàn cầu và môi trường tự nhiên,” WWF kết luận.

Lê Vũ Anh None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.