Chuyên gia khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước sau lũ
(Arttimes) – Miền Trung đang trải qua đợt lũ kéo dài và lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Sau lũ, vấn đề lương thực, sức khỏe cho người dân là vấn đề được quan tâm hàng đầu với ngành y tế. Vậy làm thế nào để đảm bảo sức khỏe cho người dân hạn chế dịch bệnh sau lũ.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. Việc phòng chống dịch bệnh là điều mà người dân vùng ảnh hưởng bão lũ cũng cần đặc biệt quan tâm, bên cạnh việc đảm bảo nơi trú ẩn và nhu yếu phẩm cần thiết.
PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế)“Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn. cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ vê dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Các chuyên gia dịch tễ cho hay, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt.
Không chỉ vậy, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác. Đây đều là những bệnh người dân dễ mắc phải khi ở nơi có lũ lụt.
“Trong thời điểm hiện nay, tôi đặc biệt lưu ý người dân phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhất là những người dân ở miền Trung, sống trong vùng rừng núi cần chủ động phòng dịch bệnh” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
“Người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, nguồn thực phẩm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bên cạnh đó, nước ăn chân hoặc các bệnh lý da liễu khác; cảm lạnh; cúm; đau mắt cũng là những vấn đề thường gặp”.
3 giai đoạn dịch bệnh sau lũCác dịch bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện sau vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí nhiều tháng sau thảm họa. Dịch bệnh sau lũ diễn biến thành 3 pha. Trong đó, giai đoạn tác động kéo dài 4 ngày. Đây là thời điểm người dân được cứu thoát và cần được điều trị các tổn thương liên quan thảm họa.
Sau lũ người miền Trung phải đối mặt với nhiều dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.Giai đoạn hậu tác động (4 ngày - 4 tuần) xảy ra khi các đợt dịch bệnh đầu tiên xuất hiện. Bác sĩ Đạt nhấn mạnh chúng ta có thể phải đối mặt nhiều đợt dịch khác tiến triển sau đó.
Cuối cùng là giai đoạn hồi phục (sau 4 tuần). Lúc này, các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm có thời gian ủ bệnh dài hoặc tiềm tàng bắt đầu xuất hiện. Các bệnh gần như trở thành dịch tại địa phương. Vì vậy, cần chủ động đối phó với các dịch bệnh có thể bùng phát sau lũ, bao gồm:
Bệnh lây truyền qua nguồn nướcCác bệnh lây truyền qua nguồn nước có khả năng thành dịch như: tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, Leptospira, viêm gan A và E, Campylobacter enteritis, Rotavirus. Các bệnh nhiễm trùng vết thương, tai mũi họng, viêm da, kết mạc có thể bùng phát mạnh nhưng không có xu hướng gây thành dịch lớn.
Các bệnh lý liên quan đám đôngĐây chủ yếu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi cứu hộ, cứu nạn. Bệnh lý cần đặc biệt quan tâm sàng lọc là sởi. Nguy cơ lây nhiễm của sởi phụ thuộc tỷ lệ bao phủ vaccine ở cộng đồng bị thảm họa, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi.
Đặc biệt, trong thời gian này bệnh viêm màng não do não mô cầu (Neisseria meningitides) lây truyền từ người sang người cũng tiềm ẩn nguy cơ gây dịch.
Sau lũ, người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế, kháng sinh nên dễ bị nhiễm trùng hô hấp cấp. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong cao ở người di trú, tiếp xúc khói trong nhà.
Bệnh lây truyền qua vector (sốt rét, sốt xuất huyết)
Thảm họa tự nhiên, đặc biệt là lũ có thể thay đổi vị trí sinh sống của vector truyền bệnh. Ban đầu lũ lụt quét sạch các vị trí muỗi sinh sống, nhưng sau đó, mưa lớn gây nước tù đọng có thể tạo ổ muỗi mới gây sốt rét, xuất huyết.
Tuy nhiên, trong giai đoạn lũ chưa rút, chúng ta phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy, có thể làm giảm tác dụng bởi nó sẽ bị trôi theo dòng nước. Uốn ván, lao, dại, các bệnh liên quan thi thể, xác động vật (bò điên) cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, bao cao su, thuốc tránh thai cũng là sản phẩm mà người dân cần để đảm bảo cả về sức khỏe sinh sản.
Nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm sau lũ là rất cao. Việc chuẩn bị ứng phó dịch bệnh cần cân nhắc nguy cơ các bệnh chính thường gặp để chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, vật tư y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc và điều trị.
Ngoài ra, hai bệnh lý quan trọng nhất cần đề phòng là tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp. Việc xác định căn nguyên rất quan trọng bởi việc xử trí hoàn toàn khác nhau.
Các biện pháp phòng tránhĐể chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Hướng dẫn người dân làm sạch nước sau lũ.Bên cạnh 8 nguyên tắc vừa nêu, PGS Phu khuyến cáo người dân vùng lũ vẫn cần lưu ý việc đeo khẩu trang, để phòng dịch Covid-19, nhằm tránh tình trạng “dịch chồng dịch”.
Hướng dẫn người dân cách xử lý nước sinh hoạt khi mưa lũ.
Trong trường hợp giếng nước bị ngập mà không có nước mưa để sử dụng thì phải lấy nước ngập để xử lý. Trước hết, người dân cần làm trong nước bằng cách:
- Dùng phèn chua với liều lượng 1 g phèn chua (một miếng khoảng bằng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa tan lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào chum, vại hay thùng nước và khuấy đều.
- Chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua, có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
Sau khi làm trong nước cần tiến hành khử khuẩn nước:
- Khử khuẩn bằng viên Cloramin T hoặc B: Cloramin B hoặc T được sản xuất dưới dạng viên hàm lượng 0,25 g. Loại này rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nhỏ như chum, vại, bể chứa nhỏ. Một viên cloramin B hoặc T dùng để khử khuẩn 25 lít nước.
- Khử khuẩn bằng Cloramin bột: Tính lượng Cloramin cần thiết để khử khuẩn dựa trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10 mg/lít. Ví dụ: Một thùng nước 30 lít thì lượng Cloramin B cần để khử khuẩn là 300 mg. Có thể dùng thìa canh để đong bột Cloramin, mỗi thìa canh đầy tương đương với 10 g. Như vậy, để khử khuẩn 300 lít nước cần khoảng 1/3 thìa bột Cloramin B. Trong trường hợp khẩn cấp mà không có phèn chua để làm trong nước thì có thể dùng biện pháp tạm thời là tăng lượng Cloramin lên.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh ở các tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã phân công 3 Viện đầu ngành hỗ trợ:
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
- Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường hỗ trợ cho các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế;
- Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Nguyễn Thủy (TH) NoneBình luận