Nhiều điểm mới tại Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” lần thứ Ba
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” lần thứ Ba nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam.
Sáng 24/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” lần thứ Ba (sau đây gọi tắt là Giải) đã tổ chức họp báo công bố Thể lệ Giải.
Họp báo công bố Thể lệ Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” lần thứ Ba. Ảnh: Trần Huấn
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải cho biết, qua 2 lần tổ chức, Giải thưởng năm nay có nhiều điểm mới.
Về tên gọi, Giải đã đổi tên thành “Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, trên cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thêm chức năng, nhiệm vụ mới, tiếp nhận thêm lĩnh vực quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, nếu giữ tên Giải như trước thì thiếu lĩnh vực quản lý của Bộ, tuy nhiên, nếu bổ sung đủ thì tên Giải khá dài. Sau cuộc họp Ban Tổ chức nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, vì vậy, Lãnh đạo Bộ đã quyết định đổi tên gọi là Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam”.
Tên gọi gọn hơn nhưng tầm vóc và quy mô Giải được nâng cao hơn, mở rộng hơn, bao trùm mọi lĩnh vực đời sống xã hội, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải phát biểu tại họp báo. Ảnh: Trần Huấn
Trong mùa giải năm nay, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã phân công Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy tham gia Ban Tổ chức Giải. Như vậy, Giải có 3 cơ quan tham gia Ban Tổ chức gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam.
Một điểm mới nữa là Giải lần này có bổ sung thêm các nội dung liên quan đến các lĩnh vực như: báo chí, xuất bản, môi trường văn hóa trên không gian mạng, sách và văn hoá đọc… thuộc lĩnh vực quản lý mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Vũ cũng cho hay, Lễ tổng kết và trao giải năm 2024 được trao vào cuối tháng 8. Năm nay, do trùng với nhiều sự kiện lớn của đất nước trong dịp này đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh 2/9, Ban Tổ chức Giải quyết định sẽ lùi tổ chức lễ tổng kết và trao Giải vào thời điểm phù hợp.
Thông tin về thể lệ Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” lần thứ Ba, ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, thành viên Ban tổ chức Giải khẳng định, Giải nhằm thông tin, giới thiệu những kết quả, thành tựu của công tác văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao và du lịch. Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao và du lịch; cổ vũ, động viên cán bộ trong toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam.
Tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao và du lịch.
Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, thành viên Ban tổ chức Giải thông tin về thể lệ. Ảnh: Trần Huấn
Đối tượng tham dự Giải là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao và du lịch được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan báo chí được cấp phép (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, báo ảnh) trong thời gian quy định. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) phù hợp với quy định của thể lệ Giải có quyền gửi bài tham dự Giải.
Giải được tuyển chọn và trao cho các tác giả hoặc nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh về người thật, việc thật, có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời về những tập thể, cá nhân, hành động tích cực, điển hình tiên tiến, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội… với một trong các nội dung trọng tâm:
Việc triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; hiện thực hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp; vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các bài viết chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn với sự đổi mới, nỗ lực của ngành Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch, tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các sự kiện trọng tâm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các sự kiện văn hóa, thông tin, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch nổi bật trên phạm vi cả nước.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng “kiến tạo”, “khơi thông” nguồn lực phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập; Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Công tác bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa; Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, gia đình, nhà trường và xã hội; Báo chí với trách nhiệm lan tỏa thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng; Lan toả giá trị của sách và văn hoá đọc; Thành tích cũng như bài học để thể thao Việt Nam vươn tầm; Những dấu ấn nổi bật của du lịch Việt Nam; Công tác giáo dục, xây dựng văn hóa gia đình trong thời kỳ hiện đại; Những mô hình mới, cách làm hay, những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Khuyến khích các tác phẩm dự thi nêu rõ thực trạng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao, du lịch và giải pháp hoàn thiện. Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch từ Trung ương đến địa phương.
Giải nhận được sự quan tâm của đông đảo các phóng viên, nhà báo. Ảnh: Trần Huấn
Các tác phẩm báo chí phải đảm bảo tính chân thực, có sức thuyết phục, lan tỏa trong dư luận và được nhân dân đồng tình, đánh giá cao; phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền vì sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam được đăng, phát trên các cơ quan báo chí được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Thể loại báo chí được xét trao Giải là các tác phẩm báo chí thuộc bài phản ánh, phóng sự, điều tra, phim tài liệu, bút ký, chương trình toạ đàm (trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp)... về văn hóa, thông tin, gia đình, thể thao và du lịch được đăng, phát lần đầu trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo ảnh kể từ ngày 16/6/2024 đến hết ngày 30/6/2025.
Ban Tổ chức sẽ trao 3 Giải tập thể cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự đạt kết quả cao. Giải cá nhân gồm: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì; 5 giải Ba; 10 giải Khuyến khích cho mỗi loại hình báo chí.
Lễ Tổng kết và trao Giải dự kiến được tổ chức tại Hà Nội ngày 20/10/2025.
Hồ sơ tham dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Việt Nam” lần thứ Ba nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về cơ quan Thường trực Giải đến hết ngày 31/7/2025 (theo dấu bưu điện). Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi tại địa chỉ: Báo Văn hóa, số 33 ngõ 294/2 phố Kim Mã, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 024.38220036 (máy lẻ 110; 111). |

Chào mừng Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9-1945 - 2/9/2025), góp phần khẳng định...
Bình luận