Lần đầu đi săn

Tháng ba Tây Nguyên trời nắng như đổ lửa, thỉnh thoảng một cơn gió hiếm hoi từ phía đông nhè nhẹ thổi về. Cơn gió như mệt mỏi vì nắng nên nó cũng nóng hừng hực, chầm chậm lướt. Bầy chim rừng đông là vậy mà thỉnh thoảng mới nghe tiếng đôi chim “bắt cô trói cột” vọng về não nùng.

Tôi vùi đầu vào đống bài kiểm tra của học sinh, mồ hôi thánh thót nhỏ uống mặt bàn, cố chấm cho xong mấy bài cuối cùng.

Thưa thầy!

Tôi giật mình quay lại, thấy Y Leng – học trò lớp chín thập thò ngoài cửa, hai tay ôm quả dưa hấu to bự đang lúng túng, chưa dám bước vào.

- Vào đi em!

- Dạ thưa thấy, amí (má) gửi cho thầy.

- Thầy cảm ơn nhé! Nhà có nhiều không mà cho thầy quả lớn thế?

- Nhiều, nhiều lắm, nhiều như đá sỏi sông Krông Năng luôn.

Tôi bật cười vì cách trả lời của Y Leng, bảo:

Em ngồi xuống đây.

Xếp chồng bài đang chấm qua một bên, lấy dao bổ dưa, tôi nói:

Dưa ngon quá, em ăn cùng thầy cho vui.

Y Leng cầm ngay một miếng ăn ngon lành, rồi nói:

Mùa này chỉ có cây dưa là sống được, còn các loại cây khác đi ngủ hết. Amí, ama (ba) đi dọn cái rẫy chờ đón cơn mưa đầu mùa của Yang (Thần linh) cũng sắp xong rồi. Ngày mai buôn tổ chức đi săn, thầy có đi không? Nếu ưng bụng thì đi cùng, vui lắm.

Tôi quê xứ Thanh, cái huyện được mệnh danh là “thủ đô”, vùng đất “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn”, tò mò muốn theo đi cho biết, nên trả lời ngay:

- Mai chủ nhật, thầy đi được. Mấy giờ ta đi?

- Chiều nay thầy về buôn với em, sáng mai đi. Thấy đến chắc mọi người vui lắm. Nhà còn ché rượu cần lâu năm, ama nói đợi thầy về sẽ buộc ché luôn đấy.

- Rồi, nhất trí cao!

***

Khi con gà chưa kịp dẫn con xuống chuồng chào đón một ngày mới, dân trong buôn đã dậy ăn sáng, chuẩn bị cho một ngày đi săn. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng sàn nhà kêu lên rin rít theo bước chân người bước – vì sàn nhà làm bằng tre đập mắt rồi dàn ra nên đi lại phát ra tiếng kêu; tiếng chó sủa râm ran từng hồi náo nức, thúc giục.

Hôm qua tôi uống hơi nhiều, vậy mà sáng ra không thấy đau đầu, người sảng khoái hơn bình thường, bụng bảo dạ: rượu cần ủ bằng khoai mì với men lá rừng để lâu năm ngon thật. Ăn vội dĩa cơm độn bắp với gia đình xong, theo chân Y Leng đến nhà buôn trưởng khi dãy núi Krông Jin ở phía đông mới đội chiếc khăn mây màu hồng, điểm thêm mấy dải mây trắng mỏng như làn khói vây quanh.

Mời thầy!

Buôn trưởng thấy tôi, vội bước xuống mời lên sàn rồi nói:

- Hôm nay đi săn ở rừng phía bắc suối Ea Pin hơi xa, thầy cố gắng đi nhé!

- Dạ!

- Thôi, ta đi!

Đội quân đi săn phải đến gần năm chục người; người mang súng, người mang xà gạc, người mang mác, người đeo toòng teng trên ngực chiếc tù và, có người còn mang cả chiêng nhỏ đi theo; trên vai ai cũng có một chiếc gùi lớn, rầm rập bước đi như ra trận. Theo chân họ, những chú chó tinh khôn vội vã phóng lên phía trước. Trên đầu nhà sàn dài, cánh phụ nữ tập trung đứng nhìn theo, giơ tay vẫy vẫy… Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Y Leng, sao nhiều người đi thế?

- Tất cả đàn ông trong buôn đều được đi mà. Đông người mới săn được thú chứ, chốc nữa thầy sẽ biết.

Chúng tôi đi bộ gần hai tiếng mới tới bãi săn. Buôn trưởng – người chỉ huy đội quân đi săn khoảng gần sáu chục tuổi, da đen như màu chiêng; đứng trên đống mối bên đường chờ mọi người đến bên cạnh mới cất tiếng:

Ma Đoan, ma H’Rin, Y Đốt, Y Kô đến bên bờ suối Ea Tyh gần gốc cây xoài nhé. Còn lại đi từ phía cây gạo bên sình, đuổi ngược lên đồi. Mình với ma H’Nhất, ma H’Uyên và Y Sen phục ở trên yên ngựa. Riêng thầy giáo đi với mình hay ra gốc cây xoài phục để bắn con thú chạy ra; còn không thì đi theo mọi người đuổi thú.

Y Leng đứng bên cạnh, giật áo tôi nói nhỏ:

- Thầy ơi đi lùa, đi đuổi thú cho vui.

- Tôi đi lùa!

- Vậy cũng được. Xuất phát!

Mấy người có súng chia làm hai tốp men theo sườn đồi tiến lên, số còn lại đứng nhìn theo một lúc, tranh thủ uống nước, hút thuốc – những chiếc tẩu đen sì thi nhau nhả khói. Bầy chó nhảy chồm chồm lên, hết ôm chân người này đến ôm chân người kia, miệng rên ư ử, đuôi ngoáy tít.

Chó muốn đi đấy!

Y Leng giải thích, tôi gật đầu ra vẻ hiểu. Đoàn người đi lùa dàn thành hàng ngang, mỗi người cách nhau khoảng năm mét phía cuối sình; còn mấy người đi trên hai bên sườn đồi im lặng hút thuốc và chờ đợi. Tôi hỏi Y Leng:

- Mấy người có súng đi đâu hết rồi, còn toàn dao rựa, giáo mác thế này sao săn được?

- Mình với thầy giáo đi lùa mà, ta lùa cho thú chạy ra ngược lên trên cho họ bắn.

Một hồi tù và ngân dài, vang vọng cả núi rừng. Bầy chó đang rên ư ử, bỗng lặng ngắt, lao vút về phía trước. Lúc này đoàn người mới bắt đầu làm việc. Thôi thì tiếng “ô hầy”, “ô hầy” từ người này qua người khác nối tiếp nhau như làn sóng âm thanh, xáo động cả không gian, vọng vào núi rồi trả lại: “hầy” “hầy”… ngân dài.

 Đoàn người cứ thế ngược suối, đi qua cả đám lau sậy, cây cối rậm rạp tiến lên, miệng hòa la không ngớt. Chim chóc, gà rừng bay loạn xạ, cất tiếng kêu thảng thốt. Mặc, đoàn người cứ dàn hàng ngang tiến bước. Tôi cùng Y Leng đi song song với đoàn người nhưng trên sườn đồi, nơi cỏ gianh đã bị đốt sạch, chỉ còn trơ lại đất màu đen do tro phủ.

Gâu, gâu, gâu!

Tiếng một con chó bất chợt cất lên như báo hiệu cho mọi người: đã tìm thấy con mồi. Chỉ mấy giây sau, cả đàn thi nhau gào lên ngay dưới đám sậy phía trước mặt. Lập tức đoàn người như được tiếp thêm sức mạnh cùng gầm lên: “huầy, huầy”; tiếng tù và, tiếng chiêng cùng lúc ngân lên như cổ vũ cho bầy chó. Mọi mệt nhọc hình như tan biến cả, tôi vội lao lên phía trước. Y Leng kêu lên:

- Thầy ơi đi từ từ thôi để lùa cho con thú chạy về phía trước.

- Sao không chạy lại chỗ chó kêu?

- Không phải thế, người đi lùa phải kêu to cho con thú sợ, không đánh nhau với chó mà chạy thẳng lên chỗ người có súng đang đợi chúng.

Y Leng vừa nói, vừa thong thả bước đi, tiến về phía trước. Tất cả vẫn đều bước, mặt đỏ gay, mồ hôi chảy thành dòng, miệng luôn hò reo ra vẻ thích thú.

Lần đầu đi săn - 1

Minh họa Lê Huy Quang 

***

Bỗng vạt cây trước mặt, nơi chó sủa rung lên ào ào như có trận cuồng phong, cây cối gãy, đổ răng rắc. Y leng nhảy cẫng lên, miệng reo:

Ô hầy, ô hầy, nó chạy đấy!

Cùng lúc đoàn người nối tiếp nhau kêu lên: “Nó chạy đ… ấy! Nó chạy đ… ấy! Nó chạy đ… ấy…!”. Bầy chó đuổi theo hướng con thú chạy, tiếng sủa gay gắt nối tiếp nhau theo một đường dài ngược lên phía đỉnh đèo. Y Leng reo lên:

Nó chạy theo đúng hướng Buôn trưởng đợi rồi.

Y Leng dứt lời, một tiếng nổ khô khốc vọng đến. Mọi người như được lệnh đều ngưng bặt tiếng hô, không thổi tù và cũng không đánh chiêng nữa. Tất cả đều ngưng lại, ngay cả bầy chó cũng thôi không sủa. Một lát, tiếng chó lại vọng đến; lần này không phải tiếng kêu: “đâu, đâu” nữa mà tiếng: “gàu, gàu…”. Lúc này mọi người mới vui vẻ trò chuyện và leo lên sườn đồi đi về phía tiếng súng vừa nổ. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao không hò la đuổi tiếp nữa?

- Bắn được rồi, còn gì nữa mà đuổi ạ.

Y Leng tươi cười trả lời tôi và nói thêm:

Tiếng chó đang gặm con mồi bị bắn chết rồi đấy, thầy không nghe được à?

Ngay sau đó từ phía tiếng súng nổ, một tiếng hú cất lên rất lớn, ngân dài vọng vào núi như không chịu dừng. Người đàn ông đi bên cạnh vỗ vào vai tôi, nói:

- Hôm nay thầy đi săn gặp hên rồi, con thịt này lớn lắm.

- Sao bác biết săn được con thú lớn?

- Tiếng hú của Y Sen đó, tiếng hú dài như vậy chắc chắn được con to rồi.

Những khuôn mặt đỏ bừng vì nóng rát của ánh mặt trời mùa khô dội xuống, thấm đẫm mồ hôi không che lấp được nụ cười trên môi và ánh mắt ai cũng tươi vui phấn khởi, rảo bước leo ngược lên phía trước, quên luôn thời tiết khắc nghiệt.

***

Khi tôi lên đến chỗ con thú bị hạ, mọi người đang chăm chú lắng nghe Buôn trưởng chia công việc. Khuôn mặt ông xạm đen, trán lấm tấm mồ hôi; đôi mắt nghiêm nghị nhìn thẳng vào người đối diện, vẻ uy nghi buộc người khác phải chấp hành.

Tôi bước lại gần vòng người đang đứng, nhìn con thú bị hạ. Ôi, một con heo dài hơn sải tay, phía ngực nở ra trông như một con sư tử đực châu Phi. Trên lưng có bộ lông bờm dài, đã chuyển qua màu bạch kim kéo dài từ gáy đến nửa lưng. Cái đầu trông thật dữ tợn, đôi mắt trợn ngược vằn lên những tia máu đỏ. Hai cái nanh bên mép cong vút dài cả gang tay. Môi dưới không có một sợi lông, to như chiếc giày, hơi trễ xuống một chút. Một mùi khai nồng nặc tỏa ra. Ai đó đã cắt một miếng da bụng của con heo chia cho bầy chó ăn.

Tôi ngạc nhiên hỏi Y Leng:

- Sao lại chia thịt cho chó trước thế?

- Không phải thịt đâu thầy, đó là bộ phận sinh dục của con heo đực, bắn xong phải cắt ngay cho đỡ hôi đó.

- À, ra vậy!

Mấy người đi vơ lau, lách khô về chất xung quanh xác con heo rồi châm lửa đốt. Ba thanh niên bước đến khều cho ngọn lửa cháy đều lên lớp lông con heo rồi dùng dao cạo bay từng đám lông cháy đen để lộ ra màu da xém vàng.

Khoảng gần nửa giờ, con heo được thui xong. Hai thanh niên cắt chiếc thủ heo to đùng, khiêng ra để lên hòn đá bên cạnh, mũi heo hướng lên trời. Người được nhận nó không phải là ông Buôn trưởng, cũng không phải ma H’Doanh cao tuổi nhất trong đám người đi săn mà… là Y Sen đến nhận. Tất cả những người đi săn không ai phản đối quyết định đó của ông Buôn trưởng. Tôi ngạc nhiên, hỏi nhỏ Y Leng:

- Sao Y Sen được chia cái đầu thế?

- Vì anh ta nổ súng bắn trước, đúng con heo.

Y Leng giải thích thêm:

- Theo tục lệ của buôn, ai nổ súng đầu tiên trúng con thú, người đó được nhận cái đầu và đuôi con thú ngoài phần được chia như mọi người. Con chó nào cất tiếng sủa đầu tiên phát hiện ra con mồi được chia bốn cái chân. Dĩ nhiên khi nghe tiếng chó sủa người ta biết ngay là con chó đó của nhà nào rồi. Trái tim phần cho người được kính trọng nhất, phần thịt còn lại chia đều cho mọi người tham gia buổi săn; còn bộ lòng chia đều cho cả bầy chó.

- À, thì ra vậy. Cái luật chia phần đi săn của buôn em xem ra cũng công bằng đấy.

Tôi nói chưa hết câu, Y Leng đã giật giật vạt áo tôi, nói:

Buôn trưởng gọi thầy kìa!

Trong cảnh ồn ào, náo nhiệt những người vây quanh con heo vội né đường cho tôi đi lại bên tảng đá, nơi Buôn trưởng đang đứng. Thấy tôi đến, ông ta nói:

Hôm nay buôn ta có một người mới tham gia đi săn, một khách quý của buôn, người mang cái chữ của Bác Hồ đến cho con em chúng ta. Xin trao trái tim con heo này cho thầy.

Ông bê quả tim to đùng, chắc phải đến hai ký đưa cho tôi. Tôi lúng túng chưa biết phải làm thế nào; Y Leng nhanh nhẩu chạy đến, chìa cái gùi của mình ra nhận dùm. Mọi người đều đồng thanh hú lên một tiếng vui vẻ, tỏ ý đồng tình.

Chia thịt xong, mọi người lại xếp thành một hàng dài, Buôn trưởng đi trước, rồi đến người cao tuổi tiếp theo, rồng rắn trở về. Bầy chó lon ton chạy trước. Nắm tay tôi, Y Leng hỏi:

- Thầy có mệt không?

- Mệt, nhưng vui.

- Hôm nay bắn được con heo một này đỡ được mối lo của người dân ở đây nhiều lắm. Nhiều mùa rẫy rồi, nó thường xuyên dẫn bầy tới quậy phá lúa bắp, hoa màu của cả vùng mà không ai làm gì được. Cái bụng nó ăn không biết bao nhiêu lúa, khoai trong đó rồi đấy. Đáng đời nó – ngưng một chút, Y Leng nói thêm:

- Thầy thích đi săn thế này không?

Tôi cười trừ. Mặt trời đang nghiêng nghiêng về hướng Tây, đường về buôn còn một đoạn xa nữa mới tới.

- Thầy thấy trong người thế nào?

- Dễ chịu hơn rồi em.

***

Y Leng, cậu học trò dẫn tôi lần đầu tiên đi săn hơn bốn mươi năm trước, giờ đã là Phó giám đốc bệnh viên khu vực đến thăm; đôi mắt nâu đen của cậu học trò bao năm rồi vẫn thế. Nhìn đôi mắt ấy tôi cảm thấy ấm lòng hơn dù mảnh quả đạn M79 cách đây hơn ba mươi năm cắm vào đầu chưa lấy ra được. Năm 1979, một tai nạn khủng khiếp khi tôi đưa học sinh đi khai hoang trồng mì, chống đói. Học sinh cuốc phải quả đạn còn sót lại trong chiến tranh; đạn phát nổ, mười ba học sinh và tôi đã gục xuống...

Một thời là thế, nay rừng đã hết, những cánh đồng mía, cà phê, tiêu và keo làm nguyên liệu giấy nối nhau chạy dài lên tận núi cao, đuổi rừng cùng lũ thú đi xa hết cả. Rừng, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm mà thôi.

Truyện ngắn của Hồng Chiến

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước