Nhà thơ Phạm Hổ: Người đồng hành với thiếu nhi và các cây bút trẻ

Nhà thơ Phạm Hổ tuổi hổ, sinh năm 1926 tại xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông bắt đầu viết văn, làm thơ từ thuở nhỏ. Tác phẩm đầu tay của ông được in khi ấy không phải là thơ mà là truyện ngắn “Học trò nghèo” ở báo Đồng Tháp, tiếp đó là truyện “Người ăn trộm bánh chưng” gửi cho báo Đông Dương tạp chí, bài này không đăng nhưng lại bị trả bản thảo, lý do là gửi muộn, tuy chuyện rất có hương vị Tết, nhưng báo Tết đã lên khuôn.

Cách mạng tháng tám bùng nổ, đang làm công nhật thư ký toà xứ Quy Nhơn, nhà thơ Phạm Hổ tham gia kháng chiến chống Pháp, làm việc ở Chi hội Văn nghệ cứu quốc Bình Định và được gặp nhà thơ, nhà cách mạng Trần Mai Ninh - người phụ trách Chi hội giúp đỡ về nghiệp văn. Từ đấy Phạm Hổ đi sâu vào sáng tác. Thời kỳ đầu ông viết cho người lớn, chủ yếu là truyện ngắn, được bạn đọc chú ý ngay từ tập thơ “Những ngày xưa thân ái” (NXB Hội Nhà văn, 1958). Nhưng đóng góp lớn nhất của ông là sáng tác cho trẻ em, về trẻ em.

Có thể khẳng định Phạm Hổ là một trong những cây đại thụ của văn học thiếu nhi ở cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Ông không đơn điệu dùng một hay hai thể loại thơ hay văn xuôi mà còn viết kịch bản phim hoạt hình, truyện đồng thoại, cổ tích, đồng dao, vẽ tranh. Về thơ, ông thường sử dụng thể ba chữ, bốn chữ, năm chữ để các cháu dễ đọc, dễ nhớ. Sự thông minh và năng khiếu thơ văn của ông đã bộc lộ ngay từ bài thơ viết về hoa hồng hồi học lớp ba:

Sáng nay em ngắt đóa hoa hồng

Làm hoa rơi mất giọt sương trong

Thấy hoa đâu mất, thầy tôi hỏi

Tôi và hoa chạy trốn vô phòng.

Ngắt hoa vào buổi sáng khi giọt sương còn đậu trên cánh hoa. Bị người cha phát hiện hoa và tác giả cùng chạy trốn, ở đây hoa đã được nhân hoá chạy cùng người. Bài thơ dừng ở trong đầu tác giả trên bốn mươi năm mới biến thành một bài thơ cho thiếu nhi dựa trên cái tứ: giọt sương đậu trên hoa hồng năm xưa ấy.

- Chị ơi! Vì sao

Hoa hồng lại khóc?

- Không phải đâu em

Đấy là hạt ngọc

Người gọi là sương

Sao đêm gửi xuống

Tặng cô hoa hồng

Có lẽ Phạm Hổ sinh ra để làm thơ cho các em, ông viết:

Suốt đời tôi chỉ mơ

Được làm thơ cho các em

Những bài thơ nho nhỏ

Như những hòn bi xanh đỏ các em chơi

Như những quả quýt, quả cam

Các em tay bóc vỏ, miệng cười

Như những chú gà con chạy lon ton bên mẹ

Nhà thơ Phạm Hổ: Người đồng hành với thiếu nhi và các cây bút trẻ - 1

Nhà thơ Phạm Hổ 

Không chỉ thuần tuý viết cho các em, nhà thơ Phạm Hổ còn là người rất chăm lo tới phong trào chăm sóc, bồi dưỡng những mầm non văn học. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tuy đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn thường đạp xe hàng mấy cây số từ khu tập thể Bách Khoa tới Nhà văn hoá Thiếu nhi Hà Nội để nói chuyện, hướng dẫn các cháu ở lớp năng khiếu văn học. Những năm Phạm Hổ làm Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi ông thường mở trại sáng tác viết cho thiếu nhi.

Tôi nhớ năm 1991, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi của cả nước - riêng phía Nam có hơn mười trại viên ra Hà Nội dự. Ông thường lui tới gặp trực tiếp các tác giả để góp ý cho từng bản thảo. Với cương vị là người phụ trách trại và là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, ông đề nghị với Hội Nhà văn thuê xe cho các trại viên đi tham quan một số di tích lịch sử văn hoá ở Hà Nội.

Đối với anh em ở miền Bắc thì Hà Nội đã quá quen thuộc, nhưng đối với anh em miền Nam thì đây là một dịp hiếm. Ông còn trực tiếp liên hệ với Nhà hát Múa rối Việt Nam để các trại viên được đi xem múa rối vào một buổi tối. Ông nói với chúng tôi: “Múa rối là môn nghệ thuật dân tộc, các em thiếu nhi xem rất thích thì người viết cho thiếu nhi, về thiếu nhi lẽ nào lại bỏ qua!”.

Trong anh em chúng tôi dự lần ấy, ai cũng khoẻ chân, mạnh tay. Chỉ có Nguyễn Ngọc Ký và Hoàng Tá bị dị tật, đi lại rất khó khăn, nhà thơ Phạm Hổ nhắc nhở chúng tôi phải thay nhau giúp đỡ hai anh đi lại trong sinh hoạt. Lần ấy Nguyễn Ngọc Ký có cả vợ đi cùng hộ tống suốt 15 ngày ở trại. Có thể nói, nếu ở trại viết lần ấy không có nhà thơ Phạm Hổ nâng đỡ, dìu dắt những mầm măng văn học mới nảy nở, được ông chăm sóc, vun đắp, để rồi có một thế hệ nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi như chúng tôi.

Với nhà thơ Phạm Hổ, tôi còn có những kỷ niệm không thể nào quên. Một lần, vào thu năm 1989, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1988. Ông gửi giấy mời tôi lên Hà Nội lĩnh giải, do nhà thơ Chính Hữu Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam ký. Sợ tôi không nhận được, ông lại gọi điện về Hội Văn nghệ Hải Hưng (cũ), tìm cách liên lạc xem tôi đã nhận được giấy mời chưa.

Nhận được giấy mời, tôi và con gái tôi là Lê Hồng Nguyên đến trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (khi ấy ở 65 Nguyễn Du) để dự lễ trao giải. Do ở xa, sợ nhỡ xe, tôi đến trước một ngày. Chiều hôm trước, cha con tôi đến gặp nhà thơ Phạm Hổ, ông vui vẻ tiếp hai bố con tôi. Thấy ông vui tính, chuyện trò hóm hỉnh, thân mật, con gái tôi lúc ấy đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Văn hoá, không e ngại hỏi:

- Thưa bác, giải thưởng của bố cháu có được nhiều không ạ?

Nhà thơ Phạm Hổ tủm tỉm cười, nhìn cháu bảo:

- Phải bí mật chứ cháu, bí mật mới hồi hộp, thú vị... Ngày mai sau lễ phát giải bố con cháu sẽ biết ngay mà.

Chia tay nhà thơ Phạm Hổ, hai bố con tôi bước xuống lòng đường Nguyễn Du, cô con gái tôi bảo:

- Bố ơi, bác Phạm Hổ hóm nhỉ? Tên bác dữ mà tính như “thỏ”.

Tôi nói:

- Bác ấy vui, hóm như thế mới làm được thơ thiếu nhi chứ.

- Tên là Hổ mà bác ấy cứ hiền khô bố nhỉ?

- Con biết không, tên là Hổ vì bác ấy “cầm tinh” con hổ mà.

Trên đoạn đường dài, con gái tôi cứ muốn tôi kể thật nhiều chuyện về ông. Tôi hiểu, con gái tôi vốn từ nhỏ đã rất mê đọc những tập thơ thiếu nhi của ông. Nay được gặp ông, nó càng hiểu được vì sao những tác phẩm của ông lại gần gũi và được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi yêu mến đến thế.

Nhà văn Vũ Tú Nam - nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và cũng là người có nhiều năm công tác với nhà thơ Phạm Hổ đã có nhận xét: “Trên nửa thế kỷ, kể từ tập thơ “Lúa non” xuất bản năm 1950 ở Liên khu V, Phạm Hổ đã miệt mài sáng tác thơ văn cho thiếu nhi và cho người lớn. Việc nhà thơ nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt I năm 2001 đã khẳng định tài năng và sự nghiệp sáng tác của anh”.

Lê Lam Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất