Nhà văn Châu La Việt: Kỷ niệm và ấn tượng văn chương năm Nhâm Dần 2022

Cái đời cầm súng, cầm bút của tôi, từ thuở ở chiến trường Cánh đồng Chum Lào 1970, cho đến hôm nay là cựu chiến binh, nói thật là cũng may mắn được đi dự nhiều trại viết trong và ngoài quân đội, nhất là 4 trại viết gần đây.

Năm 2018, chúng tôi được mời tham gia Trại sáng tác văn học – nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” do NXB Quân đội và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Nha trang.

Được gặp ở đây nhiều đàn anh “cao thủ”, từ Nhà văn thầy giáo Chi Phan, nhà văn Nguyễn Trọng Tân, nhà thơ – họa sỹ NSND Lê Huy Quang, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên… rồi các nhà thơ Đại tá Mai Nam Thắng, nhà văn biên kịch đại tá Nguyễn Minh Ngọc, các nhà văn nữ Trầm Hương, Trần Việt Nga…

Nhà văn Châu La Việt: Kỷ niệm và ấn tượng văn chương năm Nhâm Dần 2022 - 1

Lễ bế mạc Trại sáng tác văn học – nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”

Phải nói toàn những gương mặt văn chương sáng giá và “dữ dằn”.Trại trưởng sáng tác lại là một anh lính có gương mặt trẻ măng, thoạt nhìn hiền khô và hay tủm tỉm cười. Đó là Đại úy Nguyễn Xuân Hùng, người Tĩnh Gia Thanh Hóa, nhiều năm là lính Quân đoàn 3 Tây Nguyên, từng tốt nghiệp khóa viết văn đầu tiên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và hiện là biên tập viên phòng văn nghệ NXB Quân đội.

Đến năm 2019, Trại sáng tác văn học – nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” được tổ chức tại TP Vũng Tàu. Thành phần tham gia xem ra có phần “dữ dội” hơn (cả về tuổi đời, tuổi nghề) với nhiều “Trưởng Thượng” như Hà Đình Cẩn – 75 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; Nguyễn Ngọc Mộc – 76 tuổi đời, 20 năm quân đội, 20 năm công an, hai lần giải thưởng văn học sông Mê Kong; Trần Văn Tuấn, tuổi đời cũng ngoài 70 – Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, Giải thưởng văn học ASEAN, rồi nhà văn Nguyễn Trường, nữ nhà văn Hải Hà cũng đều xấp xỉ U70… Mùa gặt năm ấy xem ra cũng bội thu.

Kết thúc trại viết, 20 tiểu thuyết, trường ca được hoàn thành, trong đó có những tác phẩm xuất sắc được NXB Quân đội đưa vào xuất bản ngay, như Người từ chối vinh quang (Tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Mộc), Rừng hẹn (Tiểu thuyết của Hà Đình Cẩn), Dòng sông thơm hương cỏ xương Bồ (Trường ca của Châu La Việt), Cơm Bắc giặc Nam (Tiểu thuyết của Phùng Phương Quý), Vẫn là binh nhất (Tiểu thuyết của Trần Văn Tuần), Trăng cuối tháng (Tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hương)…

Năm 2020, cũng trại viết về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” do NXB Quân đội và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP hoa Đà Lạt. Bên những gương mặt nhà văn gạo cội vẫn luôn đau đáu và thiết tha viết về người người lính, có những giáo sư tiến sỹ và lý luận phê bình, có những gương mặt trẻ lần đầu tham gia trại, và những gương mặt cũng gọi khá lẫy lừng (Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Uông Thái Biểu , Phạm Vân Anh, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Ngọc Mộc, Nguyễn Duy Hiến, Nguyễn Thanh Hương)... 16 bản thảo hoàn chỉnh, trong đó có 10 tiểu thuyết, một trường ca, 2 tập bút ký và truyện ký, 3 tập nghiên cứu phê bình văn học và 2 đề cương tiểu thuyết được hoàn thành, xuất bản đến tay người lính.

Tháng 10 này, sau một năm tạm dừng vì dịch Covid, Trại viết Quân đội lại mở tại miền sông nước Nam Bộ, bên bờ sông Hậu hiền hoà. Có 15 nhà văn được mời tham dự, trong đó có những tên tuổi văn học là những người cầm bút từng trải qua các cuộc kháng chiến của đất nước: Hà Đình Cẩn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), Trần Văn Tuấn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Giải thưởng Văn học ASEAN), Cao Duy Sơn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Giải thưởng Văn học ASEAN), Hoàng Dự, Hoàng Quý, An Bình Minh, Châu La Việt, cùng một lực lượng trẻ hơn, có người vẫn mặc áo lính, là sĩ quan quân đội như  Đại tá Nguyễn Thanh Tú - cây bút tên tuổi của Văn nghệ Quân đội, Xuân Hùng - cây bút thuộc Nhà xuất bản QĐND; hay các cây bút gắn bó với miền sông nước Cửu Long: Lê Minh Nhựt, Đào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng, Hoàng Quý… và hai cây bút nữ: Quỳnh Vân, Vương Thị Thu Thủy…

Nhà văn Hà Đình Cẩn hoàn chỉnh bản thảo tiểu thuyết “Muối của đảo” và tiểu thuyết mang tên “Vùng da báo”. Nhà văn Cao Duy Sơn hoàn thành tiểu thuyết “Oán ca từ đáy thẳm” Nhà văn An Bình Minh: Với tiểu thuyết “Bi tráng Trường Sơn”, Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: là tập bản thảo bút ký viết về chân dung các danh nhân văn hoá và tướng lĩnh - những người anh hùng dân tộc mang tên “Núi rộng sông dài”và tiểu thuyết “Miền cỏ tranh”.

Nhà văn Hoàng Dự với chiến tích “Đường đời” năm xưa (tái bản đến 9 lần) ở trại viết kỳ này hoàn thành tiểu thuyết “Nước mắt quê hương” và tiểu thuyết “Nữ tử tù”. Nhà văn nữ Vương Thị Thu Thuỷ, với tiểu thuyết mang tên: “Một nửa yêu thương”. Nhà văn Quỳnh Vân, hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết về những người anh hùng phi công trong cuộc kháng chiến oanh liệt 72 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội - Đặc biệt là Nhà văn Xuân Hùng, ngoài nhiệm vụ là Trưởng trại sáng tác, anh còn đem đến trại viết công trình nghiên cứu tiểu luận phê bình mang tên “Hình tượng người lính trong tiểu thuyết viết về chiến tranh - góc nhìn của độ lùi lịch sử”.

Nhà văn Châu La Việt: Kỷ niệm và ấn tượng văn chương năm Nhâm Dần 2022 - 2

Bên cạnh đó, những nhà văn xứ sở miệt vườn Nam Bộ như: Lê Minh Nhựt, Đào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng… ngoài các tập truyện ngắn, bút ký mang hơi thở đặc sắc văn hoá miệt vườn, họ còn tập trung xây dựng và hoàn thành những tiểu thuyết mang đậm tình người Nam Bộ.

Cũng là kinh đây! Nơi nào có Hà Đình Cẩn, An Bình Minh, Hoàng Quý, Quỳnh Vân, Nguyễn Minh Ngọc, Hoàng Dự... mà chẳng vui, mà chẳng rộn rã tiếng cười. Hổ xám hổ vằn, xem ra toàn thứ hổ dữ! (Cũng tốn rượu vô cùng)

Và bây giờ chúng ta cùng khép lại năm cũ 2022, cùng  bước vào một năm mới 2023, cùng cất đi móng vuốt để xin làm một chú mèo ngoan...

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất