Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác truyện Kiều
(VHNT) - Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du (1765 - 1820) là một tác gia lớn, với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao.
Trước hết đó là ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (34 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) in rất đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân của một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với Văn tế thập loại chúng sinh, 184 câu song thất lục bát, dồn chứa một cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh.
Trước đó là hai tác phẩm ngắn ở tuổi hoa niên: Thác lời trai phường nón và Sinh tế Trường Lưu nhị nữ… Nếu chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách một tác gia tiêu biểu, ở hàng đầu của văn chương Việt trung đại như nhiều tên tuổi khác trước và sau ông. Thế nhưng Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều; và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt.
Với tầm vóc đó, rất dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới như Đantê (1265-1321) với Thần khúc của Ý; như Xecvăngtet (1547 - 1616) với Đông ki sốt của Tây Ban Nha; như Gớt (1749-1832) với Phaux của Đức; như Puskin (1799-1837) với Épghênhi Ônêghin của Nga…
Có nghĩa là, cũng như Thần khúc, Đông ki sốt, Phaux, Épghênhi Ônêghin, Truyện Kiều là kết quả một thăng hoa đột xuất của Nguyễn Du, khiến cho chỉ cần nói đến Truyện Kiều là đủ để nói Nguyễn Du - người đã đem lại một giá trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt…
Với trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua, và vẫn còn đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm.
Truyện Kiều có sự sống bền vững như thế nào thì đã có một lịch sử ngót 200 năm minh chứng, với bao nhiêu bộ tuyển hàng nghìn trang bình và luận do nhiều trăm tác giả thành danh viết ra, nếu tính từ bài viết đầu tiên, năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời, của Mộng Liên Đường chủ nhân: “… nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác truyện Kiều200 năm không lúc nào nhân dân ta ngừng nghỉ việc đọc Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, xướng hoạ về Kiều, dựng sân khấu Kiều, qua đó tạo nên một văn hoá Kiều rất độc đáo trong gương mặt văn chương Việt, văn hoá Việt. Và bói Kiều.
3254 câu Kiều, đó là bộ bách khoa thư của đời sống Việt trong hơn 200 năm qua. 3254 câu, câu nào cũng có thể in sâu vào bộ nhớ con người, để cho những bà mẹ mù chữ có thể thuộc lòng hàng trăm câu, hoặc đọc ngược từng đoạn mà vận vào mọi tình huống sống của đời mình; để cùng với cadao, dâncakhắpcácvùng miền màtạo nên hồn cốt Việt, tâm linh Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt…
** *
Như vậy, nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để nói về đóng góp của Nguyễn Du và giá trị của kiệt tác Truyện Kiều. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của ngôn ngữ Việt, của tiếng Việt.
Một tiếng Việt đến từ các truyền thuyết giữ nước và dựng nước của cha ông từ chiều sâu bốn nghìn năm lịch sử, nhờ đó mà lưu giữ được cho muôn đời sau truyện con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, các vua Hùng, nó là biểu trưng và kết tinh cho sự chống chọi với âm mưu xâm lược và đồng hóa của phương Bắc trong hàng nghìn năm. Một tiếng Việt trong 254 bài của Quốc âm thi tập, có giá trị không thua Bình Ngô đại cáo của cùng một danh nhân Nguyễn Trãi, thế kỷ XV.
Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại trong 3254 câu thơ Kiều, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ” (Phan Thạch Sơ), là một khúc “Nam âm tuyệt xướng” (Đào Nguyên Phổ); 3254 câu với 22778 chữ gần như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi như thế mà có ở khắp cửa miệng mọi người dân Việt suốt hơn 200 năm qua; mà in sâu vào bộ nhớ của bất cứ ai sinh ra trên dải đất mang hình chữ S này.
Một tiếng Việt của Truyện Kiều, của Nguyễn Du là một tiếng Việt dành cho muôn đời. Một tiếng Việt có nguồn cội từ nhiều nghìn năm, trong đó ở đỉnh cao, luôn cập được các bến bờ thời sự, đó là tiếng Việt của Nguyễn Du, được kết tinh trong Truyện Kiều; để, với Truyện Kiều, nói như học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Hoặc nhà thơ Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”.
Để thấy Truyện Kiều là truyện cho muôn người, cho mọi nhà, và cho mọi thời. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với con người hiện nay, người bây giờ. Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm 1965 hoặc 2015 - nhân Kỷ niệm 200 năm và 250 năm sinh Nguyễn Du, hoặc 2020 - nhân Lễ giỗ 200 năm ngày mất của Đại thi hào. Cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi “bất tri tam bách..” của Nguyễn Du, mà là nghìn năm - “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du”, như khẳng định của Tố Hữu.
** *
Thời điểm hôm nay, sau Kỷ niệm 250 năm sinh vào năm 2015 đón nhận sự vinh danh của UNESCO sẽ là Lễ giỗ 200 năm mất của Đại thi hào vào tháng 9 - 2020. Đây là thời điểm, là cơ hội cho tất cả chúng ta - những công dân Việt tiếp tục mở rộng và đi sâu vào các giá trị tinh thần gần như vô tận mà Nguyễn Du và Truyện Kiều đã để lại.Đó sẽ là các công trình khoa học nhằm tiếp tục phát hiện các giá trị mới ở Nguyễn Du trong tương ứng với thời đại, và trên các cách tiếp cận mới của các giới học giả hàng đầu của dân tộc.
Là sự mở rộng các phương thức quảng bá giá trị Truyện Kiều trên tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại như âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, múa, múa rối, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình…
Là các phương thức đưa Truyện Kiều và Nguyễn Du vào tất cả các bậc học của nền giáo dục Phổ thông và Đại học bằng những bài giảng, những cuộc thi, những giải thưởng; bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những tấm gương trẻ em hiếu học trên mọi miền đất nước.
Rộng ra, vào bất cứ lúc nào, việc khai thác và phổ cập các tri thức đầy đủ, mới mẻ gắn với niềm tự hào về những gì liên quan đến Nguyễn Du như là một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc - đó được xem là nhiệm vụ, là mục tiêu cuối cùng của một Hội nghề nghiệp mang tên Hội Kiều học Việt Nam, chính thức được Nhà nước cho phép thành lập năm 2011 để góp phần vào công việc vinh danh Đại thi hào qua hai thời điểm thiêng liêng là 2015 và 2020.
GS.Phong Lê NoneBình luận