Tượng đài Bác Hồ được dựng tại nhiều nước trên thế giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kính yêu của Nhân dân Việt Nam mà còn là người anh hùng giải phóng dân tộc được nhân dân thế giới ngưỡng mộ. Tượng đài Bác Hồ được dựng tại nhiều nước trên thế giới.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/1990), Đại Hội đồng UNESCO tại khóa họp lần thứ 24 ở Paris, Pháp từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 đã khẳng định Người là “Một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc, vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội” và là “hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Đồng thời Nghị quyết tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.
Từ đó, nhiều nước trên thế giới từ Á sang Âu, từ Phi châu đến Mỹ La Tinh đã tôn vinh Người ngoài việc đặt tên Người cho đường phố, trường học, công viên, quảng trường, khu tưởng niệm..., đặc biệt dựng tượng để đời đời tưởng nhớ Người, một chiến sỹ quốc tế kiên cường suốt đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Trước tiên phải nói đến trên bức tượng Những danh nhân làm nên thế kỷ XX, rộng 880m2, tại Paris, Pháp in chân dung 447 danh nhân thế giới của thế kỷ XX, trong đó có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài Bác Hồ ở London, Anh
Tại đất nước Triệu Voi, nơi Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín - Hồ Chí Minh, trong những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, năm 1928, từ Thái Lan Người đã đến hoạt động tại tỉnh Khăm Muộn, Lào. Để tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Lào đã quyết định xây dựng tại bản Xiểng Vang, huyện Nọong Bốc, Khăm Muộn, bên bờ sông Mê Kông thơ mộng một khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên diện tích 1,5 ha, được khánh thành vào năm 2012, với nhiều hạng mục như: đền thờ, nhà lưu niệm, khuôn viên cây xanh. Bên trong đền thờ, ngay chính giữa nơi trang trọng nhất đặt bức tượng chân dung Bác Hồ, bằng đồng.
Ở Ấn Độ, bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng được đặt tại công viên rộng trên 4.700m2, ở trung tâm khu Ngoại giao đoàn, thủ đô New Delhi.
Tượng đài Bác Hồ ở Calcutta, Ấn Độ
Cũng tại Ấn Độ, một bức tượng bằng đồng khác đặt trên bệ đá hoa cương màu nâu tại một công viên đẹp của thành phố Kolkata, được khánh thành năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Tại Mông Cổ, tượng Bác Hồ đúc bằng đồng, cao 1.7m, đặt trên một bệ cao 3.33m, ở Trường Trung học Phổ thông mang tên Hồ Chí Minh, thủ đô Ulan Bator.
Ngày 21/11/2011, chính quyền thành phố Mimasaka, tỉnh Okayama, Nhật Bản đã long trọng tổ chức lễ khánh thành dựng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đọc báo đặt tại trung tâm Không gian Việt Nam – Hồ Chí Minh, có diện tích 70m2, phía sau là hình ảnh nhà sàn của Bác làm phông nền.
Tượng đài Bác Hồ ở vùng Sakuto, Nhật
Là một nước Đông Nam Á, Philippines, đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh dựng tại Trường Đại học Bách khoa Laguna, thủ đô Manila, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Người. Và tại công viên ASEAN, thuộc khu phố cổ Intramuros, Manila cũng dựng tượng Bác Hồ nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Philippines - Việt Nam.
Tại Công viên Bảo tàng Văn minh châu Á, toạ lạc bên bên bờ sông Singapore của Đảo quốc Sư Tử, bức tượng Bác Hồ lừng lững giữa trời xanh, được khánh thành vào tháng 5/2008, nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Người và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Singapore - Việt Nam.
Ngày 25/11/2013, nhân dân Sri Lanka đã long trọng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt tại Thư viện thủ đô Colombo, thể hiện tinh thần hữu nghị giữa nhân dân hai nước Sri Lanka - Việt Nam, như các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Sri Lanka đã nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam mà còn là lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Tượng đài Bác Hồ ở CH Diminicana
Khi Thái Lan bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1976, chính quyền Thái Lan đã chủ động công khai hoá đền thờ và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nachok (bản Mạy), tỉnh Nakhon Phanom. Đồng thời trưng bày trang trọng tượng sáp Bác Hồ bên cạnh các nhân vật nổi tiếng của Thái Lan và thế giới trong Công viên Tượng sáp Siam, Thái Lan, trên một khu đất rộng thuộc huyện Bangphae, tỉnh Ratchaburi, cách thủ đô Bangkok 110km về phía Tây.
Tại Trung Quốc, nơi Bác Hồ hoạt động trong nhiều năm, ngoài các khu lưu niệm về Người, nhân dân Trung Quốc còn dựng tượng người ở Sùng Tả, Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây.
Sau gần 3 năm đi đây đi đó, tháng 5/1913, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến xứ sở sương mù, làm việc tại khách sạn Carlton (khách sạn này đã bị máy bay Đức ném bom phá huỷ năm 1940. Trên nền cũ, người ta xây ngôi nhà New Zealand House), để tưởng nhớ đến Bác Hồ, nhân dân London đã gắn tấm biển màu xanh lơ, ghi dòng chữ: “Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam ngày nay, đã từng làm việc ở đây”. Cũng tại London, bức tượng Bác (ngôi ghế trúc) đặt cạnh tấm bia “Kỷ niệm 100 năm Hồ Chí Minh đến Anh” được dựng tại Công viên London.
Để kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam thống nhất (30/4/1976), Thành phố Zalaegerszeg, Hungarie, đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bệ đá hoa cương, tại công viên thành phố Zalaegerszeg, cách Budapest 220km về phía Nam. Tượng này do nhà điêu khắc nổi tiếng của Hungary Marton László sáng tác, được giải thưởng của Bộ Văn hoá Hungary năm 1977.
Tượng Bác Hồ ở công viên Tp. Zalaegerszey, Budapest, Hungaria
Tại Liên Xô, Đảng và Nhà nước Xô Viết tối cao Liên Xô đã quyết định dựng tượng Bác tại nơi giao nhau giữa hai phố Dmitri Ulyanov (anh trai Lenine) và phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười”, Matxcơva. Một tượng đài khác của Bác được đặt ở quận thành phố Ulyanovsk, quê hương của Lenine, nằm bên bờ sông Volga, cách Matxcơva 893 km về phía Đông. Tại Tp. St. Petersburg, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, chính quyền thành phố đã tổ chức khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg. Tại vườn hoa Borisenko, Tp. Vladivostok (Liên bang Nga) khánh thành tượng Người vào năm 2019.
Để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1985, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định tạc tượng đài Bác Hồ bằng đồng điếu, dựng tại Quảng trường Hồ Chí Minh, quận Akademichesky, Matxcova, khánh thành ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Phù điêu Bác Hồ ở Matxcova.
Ngày 19/5/2005, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền Tp. Montreuil, Pháp tổ chức khánh thành tượng đài của Người trong “Không gian Hồ Chí Minh” thuộc Bảo tàng Lịch sử thành phố (cách Paris 15km về phía Đông), là nơi lưu giữ những kỷ vật của Bác trong thời kỳ sống tại Pháp.
Tại lục địa đen, tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “Anh hùng giải phóng dân tộc bị áp bức”, chính phủ và nhân dân Madagascar đã long trọng dựng tượng Bác Hồ tại Công viên mang tên Hồ Chí Minh ở thủ đô Antananarivo, tượng bằng đồng đặt trên bệ đá hoa cương cao 3,4m. Phía dưới ghi câu nói nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cũng tại thủ đô Antananarivo còn có một đại lộ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài Bác Hồ ở Buenos Aires, Argentina
Và bên kia bán cầu, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 2012), Chính phủ và nhân dân Argentina đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ tại thủ đô Buenos Aires. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Môi trường và Không gian Công cộng Ngài Diego Santilli bày tỏ sự khâm phục của nhân dân thế giới nói chung và nhân dân Argentina nói riêng đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 6/7/2014, nhân dân Santiago, Chile đã làm lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên mang tên Người, ở khu phố Hermandad De la Victoria, thủ đô Santiago, Chile. Tại công viên này còn có một bức tranh Bác Hồ và một số câu thơ trong tập Ngục trung nhật ký của Bác, được ghép bằng những mảnh gốm sứ.
Chính phủ Cộng hòa Dominica đã khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người ở thủ đô Santo Domingo vào ngày 13/9/2012.
Tại Cu Ba, tượng đài của Bác do kiến trúc sư Joel Diaz thiết kế được dựng vào năm 2003 nhân dịp 113 năm sinh nhật của Người, ở Công viên Hòa Bình, một trong những công viên đẹp nhất ở trung tâm thủ đô La Habana.
Tượng đài Bác Hồ ở La Havana, Cuba
Ở đất nước Mexico xinh đẹp, bức tượng Bác Hồ ngồi ghế mây, đằng sau phía trên khắc dòng chữ mạ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (bằng tiếng Tây Ban Nha) với chữ ký của Người, được khánh thành vào ngày 16/01/2009, tại Công viên “Tự do cho các dân tộc”, thủ đô Mexico City. Tại miền Nam Mexico, thuộc thành phố Acapulco, Guerrero, một tượng đài khác của Bác Hồ được đặt đối diện với tượng đài người anh hùng dân tộc Mỹ La Tinh Simon Bolivar. Hồ Chí Minh còn là tên giảng đường Trường Đại học UNAM, một trong 10 trường danh giá nhất thế giới.
Tượng Bác Hồ ở Mexico
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được dựng ở khu vực đặt tượng các danh nhân thế giới như Mahatma Gandhi, Khổng Tử… ở đất nước Panama.
Tại Venezuela, bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trên bệ đá hoa cương cao 2m, cạnh bức tượng là cột cờ với lá quốc kỳ Việt Nam phấp phới bay, nằm trên đại lộ Simon Bolivar, thủ đô Caracas.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay số tượng và tượng đài tưởng niệm Bác Hồ có mặt tại 23 nước trên thế giới từ Á sang Âu, từ Phi châu đến Mỹ La Tinh.
Sáng 14/11, trong chương trình công tác tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã ra thăm, khảo sát...
Bình luận