Đẩy mạnh tuyên truyền 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất
Tuyên truyền 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975 - 2025) đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa giá trị, nâng cao nhận thức của công chúng và khẳng định vị thế của văn học nghệ thuật Việt Nam.
Vừa qua, tại thị xã Mộc Châu (Sơn La), Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức tọa đàm “Tuyên truyền 50 năm văn học nghệ thuật đồng hành cùng dân tộc”.
Tọa đàm diễn ra dưới sự điều phối của nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; Họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La; Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng.
Chương trình có sự tham gia của một số văn nghệ sĩ là Hội viên các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La.
Tọa đàm “Tuyên truyền 50 năm văn học nghệ thuật đồng hành cùng dân tộc” do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức tại thị xã Mộc Châu (Sơn La) ngày 28/3.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Hoàng Dự cho biết, chặng đường 50 năm phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất là sự kiện quan trọng để nhìn lại những thành tựu, đóng góp và xu hướng phát triển của văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá của các cơ quan thông tấn báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
“Việc đẩy mạnh tuyên truyền 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất giúp phản ánh đậm nét về nội dung, ý nghĩa, thành tựu của văn học, nghệ thuật, khẳng định vai trò của văn nghệ sĩ, quảng bá và lan tỏa sâu rộng các tác phẩm xuất sắc của nền văn học nghệ thuật”, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật nhấn mạnh.
Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Hoàng Dự phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tại tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã bàn luận và đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết về các chủ đề như: đề tài sáng tác, lực lượng sáng tác sau năm 1975, đào tạo tài năng trẻ, truyền thông và quảng bá văn học nghệ thuật,...
Trong 50 năm qua, văn học Việt Nam đã trải qua nhiều biến đổi mạnh mẽ, phản ánh những thay đổi lớn của đất nước và con người từ những câu chuyện chiến tranh hào hùng đến những trăn trở cá nhân, từ đời sống nông thôn đến đô thị hóa, văn học đã và đang tiếp tục mở rộng để ghi dấu những biến chuyển thời đại.
Qua quan sát thực tiễn văn chương Việt Nam sau Đổi mới (1986), nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, thành tựu chủ yếu tập trung trong đề tài truyền thống là lịch sử và chiến tranh cách mạng. Bên cạnh đó, đề tài về thế sự, đời tư, giới tính cũng được nhiều nhà văn chú ý, còn các lĩnh vực sản xuất tinh thần và vật chất, về cơ bản vẫn còn là “vùng trũng”, trong đó có đề tài “tam nông”. Có thời gian, đề tài này trở nên mơ hồ, nhạt nhòa và bị lãng quên.
Tuy nhiên, theo nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, gần đây, đề tài “tam nông” đã có những tín hiệu tốt qua một số tác phẩm xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đương đại theo tâm thế và động hướng viết “thương nhớ đồng quê” như: Động rừng (2021) của Tống Ngọc Hân, Chuyện làng (tiểu thuyết 2020) và Mùa rươi (tiểu thuyết, 2022), của Phạm Quang Long, Phù sa máu (2023) của Nguyễn Trọng Tân, Gió rừng thăm thẳm (2024) của Đặng Bá Canh, Nước mắt làng quê (2023) của Hoàng Dự, Mùi rơm rạ (2025) của Đào Quốc Vịnh,...
Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ về đề tài "tam nông".
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân cũng cho rằng, văn học viết về nông thôn luôn là một mảng đề tài quan trọng trong nền văn học Việt Nam, nó phản ánh chân thực đời sống của người dân, những chuyển biến xã hội và những giá trị văn hóa truyền thống.
“Gần đây, thế hệ trẻ có xu hướng tìm hiểu về truyền thống, dân gian, mà một trong những nền tảng xuất phát của văn hóa truyền thống Việt Nam là nền văn minh lúa nước, vì vậy, đề tài nông thôn cần được chú ý khai thác nhiều hơn nữa trong văn học nghệ thuật để giúp công chúng có cái nhìn sâu sắc hơn, thu hút sự quan tâm của độc giả trẻ”, nhà văn Nguyễn Trọng Tân nói.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân cho rằng đề tài nông thôn cần được chú ý khai thác nhiều hơn.
Trong 50 năm qua, lý luận phê bình văn học Việt Nam đã trải qua nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ, trong số đó phải kể đến sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ lý luận phê bình. Theo nhà lý luận phê bình Nguyễn Bích Thu, các nhà phê bình trẻ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 đã tạo ra những điểm sáng trên bản đồ lý luận phê bình Việt Nam. Nhờ sự phát triển của công nghệ, xuất bản và dịch thuật, họ có cơ hội tiếp cận và tiếp thu nhiều lý thuyết văn học hiện đại từ phương Tây và các nền văn học khác trên thế giới.
Bên cạnh những tác động tích cực, nhà lý luận phê bình Nguyễn Bích Thu cho rằng, một số lý thuyết từ nước ngoài khi được áp dụng tại Việt Nam trở nên “sống sượng”, không phù hợp và gây khó khăn cho độc giả phổ thông. Vì vậy, cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp để lý thuyết văn học nước ngoài có sự phù hợp với thực tế văn học Việt Nam.
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Bích Thu chia sẻ về sự phát triển của lý luận phê bình văn học Việt Nam.
Chia sẻ về văn học Sơn La, ThS. Hoàng Kim Ngọc nhấn mạnh, văn học hiện đại Sơn La xứng đáng là một bộ phận không thể thiếu của văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt về đề tài chiến tranh cách mạng. Trong đó, văn học nhà tù - vũ khí đấu tranh sắc bén, kiên cường của những người tù - thi sĩ trong thời kỳ kháng chiến đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà văn, nhà thơ các dân tộc Sơn La và sự vận động của văn học hiện đại Sơn La ngày nay.
ThS. Hoàng Kim Ngọc chia sẻ về văn học Sơn La.
Còn đối với mỹ thuật Sơn La hiện đại, họa sĩ Lê Chương nhấn mạnh, mỹ thuật Sơn La là một phần quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Mường… Trải qua quá trình phát triển, mỹ thuật nơi đây không chỉ giữ gìn các giá trị truyền thống mà còn có sự đổi mới trong sáng tạo, hòa nhập với dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Sơn La có nhiều họa sĩ trẻ sáng tác theo phong cách hiện đại nhưng vẫn lấy cảm hứng từ thiên nhiên, văn hóa dân tộc với đa dạng chất liệu, đề tài sáng tác thường tập trung thể hiện cảnh quan núi rừng, con người vùng cao, lễ hội truyền thống, cuộc sống lao động…
Họa sĩ Lê Chương chia sẻ về mỹ thuật Sơn La.
Nhà văn Nguyễn Đắc Như cho rằng, văn học nghệ thuật ngoài những đề tài truyền thống mà các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước đã tạo nên những tượng đài vĩ đại của thời kỳ kháng chiến, thì trong thời đại hiện nay, đề tài sáng tác cần được mở rộng, khai thác và đào sâu vào nhiều khía cạnh khác của đời sống để văn học nghệ thuật thực sự có sự hiện diện, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển, cất cánh của đất nước. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ thời đại này phải ý thức sâu sắc sứ mệnh đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Đắc Như cho rằng các văn nghệ sĩ phải ý thức sâu sắc sứ mệnh đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc.
Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, văn học nghệ thuật Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, với nhiều tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ, giành được giải thưởng quan trọng, góp phần giới thiệu văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. Tuy nhiên, việc dịch thuật và xuất bản quốc tế vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều chiến lược quảng bá mạnh mẽ các tác phẩm văn học nghệ thuật ra thế giới.
Cùng với đó, các ý kiến khẳng định lực lượng văn nghệ sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam. Chú trọng việc đào tạo, phát triển tài năng nghệ thuật trẻ không chỉ giúp duy trì và đổi mới nền văn học nghệ thuật nước nhà mà còn góp phần nâng tầm giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Tại tọa đàm, các văn nghệ sĩ cũng gợi mở một số hoạt động nhằm tuyên truyền về thành tựu của văn học nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất mà Thời báo Văn học nghệ thuật có thể triển khai trong thời gian tới như: đưa tin chuyên sâu về các hoạt động văn học nghệ thuật; giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật quan trọng, giúp công chúng tiếp cận một cách có chiều sâu; tổ chức thành công cuộc thi sáng tác tiểu thuyết lần thứ nhất giai đoạn 2023-2025 nhằm phát hiện, bồi dưỡng các cây bút, nhất là các cây bút trẻ; kết nối nghệ sĩ và công chúng qua việc tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà văn, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ với độc giả bằng các tọa đàm về những chủ đề, vấn đề văn học nghệ thuật đương đại đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. |

Với những kết quả đạt được trong năm qua, văn học nghệ thuật tiếp tục góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng...
Bình luận