Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ

Bố mẹ nên giáo dục trẻ về tầm quan trọng của việc nhận lỗi khi làm sai và tính trách nhiệm.

Trong quá trình phát triển, trẻ thường thể hiện những hành vi và thói quen nhất định. Một trong những biểu hiện phổ biến là thói quen đổ lỗi cho người khác khi gặp phải tình huống khó khăn hoặc sai lầm.

Những câu nói như "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" hay "Con chỉ làm theo những gì mọi người bảo!" phản ánh một cách rõ ràng thói quen này. Việc hiểu rõ nguyên nhân và ảnh hưởng của hành vi này rất quan trọng, nhằm giúp trẻ cải thiện tính cách tốt hơn.

Trẻ thường chưa hiểu rõ về khái niệm trách nhiệm và hậu quả. Khi mắc lỗi, thay vì nhận lỗi,có xu hướng đổ lỗi cho người khác để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác tội lỗi. Hay khi bố mẹ hoặc người lớn trong gia đình thường xuyên đổ lỗi cho nhau, trẻ sẽ học theo cách cư xử này. 

Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ - 1

Ảnh minh họa.

Trường hợp khác, trẻ sợ hãi khi phải đối mặt với sự chỉ trích hoặc phê bình. Để tránh phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực, trẻ thường chọn cách đổ lỗi cho người khác.

Thói quen đổ lỗi có thể dẫn đến xung đột trong các mối quan hệ, từ bạn bè cho đến gia đình. Những người xung quanh có thể cảm thấy không thoải mái hoặc bị tổn thương khi bị đổ lỗi.

Vì vậy, bố mẹ nên hiểu rõ nguyên nhân và ảnh hưởng của hành vi này, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận trách nhiệm và đồng cảm.Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ - 2

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.

Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ - 3

Biểu hiện rõ trẻ thường nói "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" "Con chỉ làm theo những gì mọi người bảo!" "Tại vì bạn ấy không cho con mượn đồ". Thưa chuyên gia, hành vi đổ lỗi này có phản ánh những nỗi sợ hãi hoặc lo lắng nào trong tâm lý của trẻ không?

Một số phụ huynh có cách nuôi dạy hoặc phương pháp kỷ luật quá khắc nghiệt, khiến trẻ sợ hãi. Vì vậy, trẻ sinh ra tâm lý bảo vệ bản thân khỏi nỗi sợ, cụ thể là không dễ nhận lỗi. Tuy nhiên, hành vi này thường đến khi trẻ trải qua quá trình tập nhiễm. Ví dụ, trẻ bắt chước theo (chị gái, anh trai, bạn bè...) cho rằng nếu vấn đề xảy ra, là do xuất phát từ người khác.

Trường hợp khác là trẻ có trải nghiệm trước đó thuận lợi cho việc đổ lỗi, ví dụ trẻ đổi lỗi vấn đề nào đó cho em trai/em gái, kết quả là nhận được lòng tin của bố mẹ, và các em bị trách phạt chứ không phải trẻ. Vì vậy, trẻ vô thức nghĩ rằng, chỉ cần đổ lỗi là sẽ giải quyết vấn đề, không cần chịu trách nhiệm.

Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ - 4

Trẻ có thói quen đổ lỗi có phải học từ văn hóa gia đình hay từ bố mẹ không?

Văn hóa gia đình hay cách bố mẹ nuôi dạy là một phần khiến trẻ hình thành tính cách thích đổ lỗi. Đặc biệt, khi bố mẹ thường xuyên bộc lộ hành vi này (Ví dụ: Do bố con làm đấy, do mẹ con hết đấy...) trẻ sống trong môi trường này vô thức học theo.

Trường hợp khác, bố mẹ không dạy con cẩn thận về hành vi phải tự chịu trách nhiệm về việc mình làm. Vì vậy, khi trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài như trường học và bạn bè, thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác khi xảy ra bất kỳ tình huống khó khăn nào. 

Khi trẻ không được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết, có thể dễ dàng cảm thấy bị áp lực trong các tình huống giao tiếp với bạn bè. Chẳng hạn, nếu trẻ mắc lỗi trong một trò chơi hoặc bị chỉ trích vì hành vi không đúng, thay vì nhận trách nhiệm, trẻ sẽ nhanh chóng tìm cách đổ lỗi cho bạn bè hoặc hoàn cảnh.

Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ - 5

Làm thế nào để bố mẹ làm gương trong việc nhận lỗi và chịu trách nhiệm để trẻ học theo?

Ví dụ, văn hóa người Việt thường hạn chế việc người lớn xin lỗi trẻ con. Tuy nhiên, đôi khi người lớn cũng mắc sai lầm, nhưng nếu bố mẹ không xin lỗi, trẻ dễ học theo thói quen này: "Bố mẹ có bao giờ xin lỗi con đâu!" hay "Mẹ làm sai mà…". Khi trẻ lớn lên trong một môi trường mà việc nhận lỗi không được coi trọng, dễ hình thành suy nghĩ rằng việc đổ lỗi cho người khác là chấp nhận được. 

Trẻ dưới 8 tuổi rất nhạy cảm với việc quan sát và học theo hành vi của người lớn xung quanh. Trẻ thường bắt chước những gì thấy và nghe. Vì vậy, cách tốt nhất để điều chỉnh thói quen đổ lỗi là bố mẹ cần thực sự làm gương. Hãy rèn luyện thói quen xin lỗi khi cần thiết, như khi mẹ vô tình làm vỡ một cái cốc và nói: "À! Do mẹ lỡ tay làm vỡ cốc đấy!" Hoặc khi bạn quên hứa mua gấu bông cho trẻ, hãy thẳng thắn thừa nhận: "Hôm qua bố hứa mua gấu bông cho con nhưng lại quên, đây là lỗi của bố." 

Thực tế, hành vi nhận lỗi không phải là sự xấu hổ; ngược lại, điều này thể hiện sự trưởng thành và tự tin. Khi trẻ thấy bố mẹ dám thừa nhận sai lầm, sẽ cảm thấy an tâm hơn để làm điều tương tự. Điều này cũng giúp trẻ hiểu rằng nhận lỗi không có gì đáng xấu hổ, mà là một cách để cải thiện bản thân và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. Trẻ đổ thừa "Không phải lỗi của con, tại bạn ấy làm!" có thể là do học từ bố mẹ - 6

Có thể sử dụng những câu chuyện hoặc tình huống nào để dạy trẻ về việc nhận lỗi và học từ sai lầm?

Trong quá trình nuôi dạy con, những tình huống trong xã hội và gia đình đều có thể trở thành bài học. Chẳng hạn, khi bố mẹ cùng trẻ chơi trò chơi và phát hiện ra nước đi sai dẫn đến việc thua, trẻ có thể khóc hoặc không chịu nhận thua. Bố mẹ nên giải thích rằng thắng thua là điều bình thường.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên chú trọng hơn đến việc dạy con trong môi trường gia đình. Một trong những nguyên tắc quan trọng là không la mắng trẻ trước mặt người khác, đặc biệt là bạn bè hoặc họ hàng. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được tôn trọng, tạo ra không khí tích cực để trẻ học hỏi và phát triển mà không bị áp lực hay xấu hổ. 

Khi trẻ ra ngoài xã hội, việc hành xử có trách nhiệm trở thành một phần không thể thiếu trong sự trưởng thành. Nếu trẻ biết cách thể hiện trách nhiệm trong các tình huống hàng ngày, sẽ dễ dàng hòa nhập và xây dựng được các mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn.

Nếu bố mẹ phát hiện ra trẻ có thói quen đổ lỗi cho người khác, hãy thẳng thắn trò chuyện. Chẳng hạn, có thể nói: "Mẹ quan sát thấy chuyện này, con đang đổ lỗi cho em." Hãy tạo cơ hội để trẻ bày tỏ cảm xúc của mình bằng cách hỏi: "Mẹ thấy con đang chống chế cho hành vi sai của mình. Nói mẹ nghe vì sao con làm vậy?" Qua đó, bố mẹ chỉ ra hành vi sai, tạo điều kiện để trẻ tự nhận thức được hành động của mình.

Sau khi lắng nghe trẻ, bố mẹ nên hướng dẫn cách làm đúng. Có thể đề xuất những cách giải quyết khác nhau hoặc đưa ra những tình huống tương tự mà trẻ có thể gặp phải trong tương lai.

Thi Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất