Nhà văn Mỹ Lady Borton: Tôi là người Việt Nam!

Bà là quý nhân của tình hữu nghị giữa hai quốc gia: Việt Nam và Mỹ.

Tôi đang ngồi ăn phở tại sân bay Nội Bài, thoáng nhìn thấy một phụ nữ người nước ngoài đã cao tuổi, tóc bạch kim, khoác áo măng tô vàng, tay bưng bát phở, bà nhận ra tôi trước và niềm nở chào:

- Chào ông Đáng, ông cũng đi chuyến bay này à?

- Vâng, xin chào bà Lady Borton (thực ra bà rất thích gọi bằng chị hay là em cũng được, bà kém tôi hai tuổi, tuổi Nhâm Ngọ (1942), cùng tuổi với ông Hữu Thỉnh). Tôi được mời vào dự lễ kỷ niệm thành lập Trung tâm nhân đạo Quê Hương tại tỉnh Bình Dương, rất hân hạnh được đi cùng bà trong chuyến bay này.

- Trung tâm nhân đạo Quê Hương, chỗ cô Huỳnh Tiểu Hương hả?

- Bà cũng biết cô Huỳnh Tiểu Hương làm giám đốc à?

- Biết chứ! Ông nên nhớ tôi là người Việt Nam mà. Tôi đến làm việc ở Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ.

Người đàn bà người Mỹ ấy đã có mặt ở Việt Nam từ khi còn trẻ, mới 26 tuổi (1968 - 1969), hoạt động trong tổ chức Quaker (Trung tâm Phục hồi chức năng cho các thường dân bị tàn tật ở Quảng Ngãi). Năm 1969 - 1971 là nhà văn tự do và phóng viên ảnh (1972). Đầu năm 1975 bà đưa phái đoàn giáo dục Mỹ đầu tiên tới Hà Nội với chức danh Giám đốc điều hành tổ chức Careline. Năm 1990 - 1991 làm giám đốc lâm thời của tổ chức Quaker tại Hà Nội. Bà còn là Trưởng đại diện của Ủy ban những người bạn Mỹ ở Việt Nam; vừa là biên tập viên chính của tạp chí tiếng Anh Cửa sổ văn hóa Việt Nam. Có lẽ đây cũng là cơ hội để bà tiếp cận với nhà văn hóa Hữu Ngọc và hai người này rất khâm phục nhau. Nhà văn hóa Hữu Ngọc mỗi khi ra sách lại thấy có lời giới thiệu hoặc lời tựa, lời bạt của Lady Borton. Bà Lady Borton được nhiều người Việt Nam biết đến bởi bà từng là khách mời quen thuộc trong chương trình Người đương thời của VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Tôi là người Việt Nam! - 1

Những người cầm bút và hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam biết đến bà với tư cách là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà hoạt động từ thiện đã từng đến sống và hoạt động ở Việt Nam trên nửa thế kỷ. Người phụ nữ Mỹ ấy nói rất sõi tiếng Việt và viết bằng chữ Việt cũng rất sành sỏi và tinh tế như người Việt Nam hiểu biết về đất nước mình. Bà đã viết ba cuốn sách về Việt Nam như Những người thuyền nhân (1984) viết về những người di sản ở Việt Nam qua đường biển và Tiếp sau nỗi buồn (1995) viết về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và cùng với tác giả David Thomas viết cuốn Hồ Chí Minh - Một chân dung. Năm 2007 bà viết tiếp Hồ Chí Minh, một hành trình. Từ đấy tên tuổi của bà cũng đã rất nổi tiếng thế giới rồi.

Bà còn dịch nhiều cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh như Đặng Thùy Trâm, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử; Võ Nguyên Giáp thời trẻ của tác giả - Trung tướng Hồng Cư.

Ăn phở xong, đang uống cà phê, tôi hỏi:

- Bà đã đọc cuốn hồi ký nổi tiếng của bà Nguyễn Thị Bình mang tên Gia đình, bạn bè và đất nước chưa?

- Ô, không những đã đọc khi mới xuất bản, tôi đã dịch sang tiếng Anh và có bổ sung thêm ảnh. Nhà xuất bản Thế Giới do ông Hữu Ngọc làm Giám đốc đã cho in và phát hành đối ngoại. Tôi rất tin cuốn sách này được phát hành ra thế giới độc giả nước ngoài họ sẽ hâm mộ lắm đấy!

Tôi nhìn bà trực diện, cảm phục và thừa nhận: 

- Bà quả thực là siêu nhân!

Bà phá lên cười và nói rằng:

- Ông Đáng khen tôi hơi quá đấy!

- Không đâu, đây là sự thật chứ không hề xã giao, bà Lady Borton quý mến ạ. Hiện bà đang viết cuốn sách mới hay dịch thêm tác phẩm nào?

- Tôi đang xem bản thảo một cuốn sách ảnh chụp về tướng Giáp và nhận viết lời tựa cho cuốn sách ấy. Nhìn lại một thế kỷ, Võ Nguyên Giáp tràn ngập những kỳ tích. Ông là một thầy giáo và nhà báo có năng khiếu, một luật sư giỏi và là một nhà ngoại giao có tài; trước khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Pháp đã đẩy ông vào binh nghiệp và làm cho ông cực nổi tiếng, nhưng lại rất khiêm tốn. Ông nói rằng: “Ông chỉ là người thực hành và Hồ Chí Minh mới là người chỉ đạo về chiến lược”. Dĩ nhiên, theo tôi hiểu: những thành công to lớn gắn với tên tuổi của hai vĩ nhân này thường giành được khi họ ở bên nhau. Nói đúng hơn, thành công của Việt Nam xây dựng trên cơ sở của sự kết hợp tài năng của hai vị lãnh tụ vĩ đại này với Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu (1954) và “ Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972 tại Hà Nội. Đó là chiến thắng 1975 của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, đem lại thống nhất và độc lập cho nước Việt Nam. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới - nơi những người lính, người dân, bên cạnh niềm kính yêu và trọng vọng gọi Người có công lập nước là “Bác”, gọi Tổng tư lệnh của mình là “Anh cả”.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Tôi là người Việt Nam! - 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy nhiệm cho Võ Nguyên Giáp trọng trách Tổng tư lệnh vào năm 1945 và phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp năm 1948, trước khi toàn thế giới đồng nhất thời hiện đại. Cho dù tướng Giáp rất nổi tiếng nhưng không mấy người được thưởng thức những tấm ảnh đời thường của ông. Cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc bình dị của đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng giới thiệu một Võ Nguyên Giáp khi đã rời cương vị lãnh đạo tầm quốc gia và chúng ta lại được gặp một Nhà sử học, Nhà văn hóa, Nhân sĩ, Người làm vườn, Người chơi piano và Người cha, Người ông của gia đình, dòng họ Võ. Chúng ta cũng được chứng kiến ông Giáp gặp những người cách mạng thuộc các dân tộc thiểu số, từng cùng ông gây dựng phong trào cách mạng ở Cao Bằng hơn nửa thế kỷ, ông vẫn nhớ tên từng đồng bào, đồng chí năm xưa, nói với họ bằng các thứ tiếng dân tộc Việt Bắc.

Ngừng bút, bà nhìn tôi và nói: 

- Tôi viết như thế đấy!

- Theo tôi, cuốn Tướng Giáp thời trẻ của Trung tướng Hồng Cư cũng như cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc bình dị sẽ được nhiều người nước ngoài quan tâm đến như một biểu tượng cho Việt Nam trong cụm từ: “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ”.

Tôi có dịp may được ông Hữu Thỉnh mời đi cùng với Đoàn nhà văn, nhà thơ Mỹ từ Hà Nội vào Khe Sanh, Lao Bảo, đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị - Nơi tôi đã 3 lần đến đây đều gặp những cơn mưa lớn như trút nước. Sau khi đoàn đứng viếng các anh hùng liệt sĩ là phải vào trong lòng tháp Kỳ Đài trú mưa.

Đoàn nhà văn, nhà thơ, cựu chiến binh Mỹ này đã từng tham chiến ở Việt Nam như: Kevin Bowen, Brace Weigl, Yusey Komuiakaa, Sam Hamill, Fred Marchant, Carolyn Forché, Larry Heinemann, Lady Borton, Martha Collins, George Evans, Nguyễn Bá Chung (nhà văn Việt Nam trên đất Mỹ). Phía Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh làm trưởng đoàn, các nhà thơ: Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Hàn…. (Hà Nội), nhà văn Tô Nhuận Vỹ (Thừa Thiên - Huế). Mỗi người một chỗ tranh thủ xem hình ảnh, hiện vật. Bà Lady Borton lom khom xem trong hộp kính là những hiện vật gồm súng tiểu liên AK, lựu đạn, súng chống xe tăng, mũ tai bèo, tăng võng được trang bị cho một chiến sĩ thành cổ. Họ đã bám trụ trong thành cổ 81 ngày đêm hứng chịu mưa bom bão đạn và đánh bật hàng trăm đợt xông lên quyết tái chiếm của lính Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Máu của chiến sĩ thành cổ đã thấm đẫm mặt đất mà lính ta vẫn bị phóng viên Đoàn Công Tính “thu hình” phát trên Báo Quân đội nhân dân để thế giới biết quyết tâm bảo vệ và cuộc chiến của các chiến sĩ quân giải phóng trong thành cổ họ dũng cảm vì Tổ quốc, họ vẫn lạc quan yêu đời và hiên ngang như thế đấy!

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Tôi là người Việt Nam! - 3

Nhìn nét mặt và ánh mắt của bà Lady Borton xúc động thật khó tả. Từ đây tôi ngước nhìn lên ống thông hơi lên trời thấy hình một con mắt. Mưa vẫn trút nước. Một con mắt vẫn đang chớp chớp. Nước mưa đọng thành giọt di động, lại nhòe đi, tiếp theo là những giọt khác hình thành. Tức thì tôi chĩa ống kính lên để giữ lại hình ảnh đó. Tôi nghĩ ngay đó là những con mắt của những người mẹ, người vợ, nước mắt đang tràn my và tôi đặt cho một cái tên: Mắt thiêng thành cổ. Con mắt ấy vẫn quanh quẩn, dõi theo và ẩn hiện nhìn các âm hồn tử sỹ của những người mẹ, người vợ, người chị, người em vẫn hiện hữu bên các anh.

Tôi định sau chuyến đi này về nhà sẽ phóng to ảnh đó lên treo và khi gặp bà Lady Borton sẽ cho bà xem và kể lại câu chuyện chụp tấm ảnh đó.

Bà -Lady Borton với cụ Hữu Ngọc và lời giới thiệu sách Cảo thơm lần giở

Gặp bà Lady Borton, đã có lần bà tự giới thiệu: “Là bạn lâu năm và cộng tác viên gần gũi của ông Hữu Ngọc, tôi có dịp theo dõi hoạt động của nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa ấy. Hoạt động văn hóa của ông có tiếng vang trong và ngoài nước Việt Nam”.

Theo cụ Hữu Ngọc, Lady Borton là con ông John Carter Borton, một cán bộ phòng thương mại Hoa Kỳ và mẹ là nhà văn Mỹ Newlin Borton. Lady Borton sinh ngày 8 tháng 9 năm 1942 tại Thủ đô Washington. Lady Borton “học thật”, học rất nhiều trường Đại học: Hawaii (1962); Đại học Mount Holyoke (1964); Pennsylvania (1964 - 1955); Templ (1967); Ohio (1972- 1975- 1979); Goddard (1979) và sau đó dạy Toán tại thành phố Westtown (1964 - 1967); Dạy lịch sử tại Philadelphia (1967 - 1968); Lái xe cho trường thiểu năng trí tuệ Beicon (1972), làm Giám đốc lâm thời tổ chức Quaker tại Hà Nội trong hai năm 1990 - 1991...

Lady Borton sau khi cộng sự làm việc, bà rất am hiểu và khâm phục tài năng của Hữu Ngọc. Bà viết khá nhiều lời giới thiệu, lời tựa, lời bạt cho sách của Hữu Ngọc. Hai cuốn sách khổ lớn, đồ sộ của Hữu Ngọc viết năm 2018, hoàn thành và xuất bản năm 2022 do NXB Kim Đồng xuất bản theo hợp đồng sử dụng tác phẩm giữa tác giả và NXB Kim Đồng 2019. Nhưng bà Lady Borton chỉ giới thiệu với bạn đọc như thế này:

“Vào tuổi 100, Hữu Ngọc muốn nhìn lại và suy ngẫm về đời mình, cuộc đời và xã hội qua lăng kính tư duy của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới. Ông giới thiệu cuộc đời tư duy của hơn 180 danh nhân Đông - Tây, từ xưa đến nay, thuộc các lĩnh vực: Tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức học, xã hội học, sử học, tâm lý học, chính trị học...

Bức phác họa hoành tráng ấy nêu lên những tư tưởng, học thuyết và khuynh hướng chủ yếu của các nền văn hóa thế giới qua những đại diện tiêu biểu bao gồm: những giáo chủ như Phật Thích Ca, Chúa Jésus, Tiên tri Muhammad, những triết gia như Khổng Tử, Sokrates, Hegel, Sartre... Những nhà khoa học như Darwin, Einstein, những nhà văn, nhà thơ như Shakespeare, Cervantes, Dante, Goethe, Dostoyevsky, Lỗ Tấn, Tagor, Molière... Những nhà chiến lược quân sự như Tôn Tử, Machiavelli... Những nghệ sĩ như Leonardo de Vinci, Picasso, Guitry... Những chính khách như Kennedy, Mandela, Ôbama.

Về phần Việt Nam, có ba vị được tổ chức thế giới Unesco công nhận: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh.

Mỗi danh nhân được giới thiệu dưới hai góc độ: cuộc đời và những danh ngôn thể hiện tư tưởng của nhân vật. Các vị được xếp theo thứ tự A B C, khiến cho cuốn sách mang dáng dấp một từ điển. Thực ra đây không phải là một từ điển theo đúng quy tắc, vì nó không mang tính khách quan khoa học của một tác phẩm kinh điển. Có thể coi đó là một tập ký đậm mầu sắc cá nhân. Trước hết, tuy lựa chọn các nhân vật là những danh nhân tiêu biểu, nhưng do sở thích cá nhân và do thời gian nghiên cứu hạn chế của tác giả, một số vị quan trọng đã vắng mặt. Tác giả hy vọng, đến lần tái bản sẽ bổ sung một số vị quan trọng này. Tùy hứng chi phối độ dài ngắn của mỗi chân dung. Hàng nghìn danh ngôn được trích, đề cập đến những quan niệm khác nhau về thế giới quan và nhân sinh quan.

Để kết thúc, xin mời bạn đọc cùng Hữu Ngọc thực hiện một chuyến lãng du văn hóa qua thời gian và không gian, để tìm con người muôn thuở”.

Chỉ trên dưới bốn trăm từ, tác giả đã giúp bạn đọc hiểu được nội dung tác phẩm một cách cặn kẽ. Để viết được một nội dung ngắn gọn và súc tích này, lẽ dĩ nhiên bà Lady Borton phải đọc hết không dưới hai lần trước khi cầm bút. Bà hạ bút kết thúc vào mùa thu 2019 tại Hà Nội. Cụ Hữu Ngọc cũng kết thúc tác phẩm lớn này ở tuổi 102.

Tạm biệt bà Lady Borton với câu nói nổi tiếng: “Tôi là người Việt Nam”. Còn tôi nghĩ rằng: Bà là quý nhân của tình hữu nghị giữa hai quốc gia: Việt Nam và Mỹ.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất