Phấn hoa và trải nghiệm sáng tạo thơ của một cá nhân

Đã 40 năm trôi qua khi bài thơ "Phấn hoa bay" được viết, 25 năm tập thơ trùng trên được xuất bản và 15 năm được trao giải thưởng. Nhân dịp Xuân mới, phấn hoa bay vàng óng và thơm lành khắp mọi miền Tổ quốc, tôi mong được bạn đọc san sẻ niềm vui.

Phấn hoa, cái đẹp của thiên nhiên

Phấn hoa có một thế giới của riêng minh. Một cây ngô có thể có đến 50 triệu hạt phấn hoa. Cây An-brô-zi thuộc họ cúc, có thể tung ra 50 ki-lô-gam hạt phấn trên diện tích đất đến 1000 mét vuông. Chỉ riêng loại cây này, hằng năm đã rải xuống Bắc Mỹ tới hơn một triệu tấn hạt phấn.

Phấn hoa có chứa nhiều loại a-xít a-min cần thiết, mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Phấn hoa rất giàu các muối khoáng và nguyên tố vi lượng. Bằng phương pháp quang phổ, người ta đã xác định được 28 nguyên tố trong phấn hoa. Chúng có chức năng tham gia cấu tạo tế bào và tổ chức, duy trì thăng bằng áp lực thẩm thấu giữa trong và ngoài tế bào, duy trì thăng bằng toan và kiềm trong cơ thể, làm cho độ toan của dịch thể luôn luôn ở mức bình thường.

Phấn hoa và trải nghiệm sáng tạo thơ của một cá nhân - 1

Ảnh minh họa

Phấn hoa chứa nhiều các chất men hòa tan, chính sự tiêu hóa thức ăn tiến hành được là nhờ những dịch tiêu hóa có chứa các men này. Đặc biệt, nguồn vitamin trong phấn hoa rất phong phú, chúng là những hợp chất hữu cơ có tác dụng đề phòng các quá trình bệnh lý do thiếu vitamin, chúng còn tham gia quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, bảo đảm sự hoạt động điều hòa của các cơ quan nội tạng, làm cho cơ thể phát triển bình thường, chóng khôi phục sức khỏe khi khỏi bệnh, tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật.

Nhiều nước đã dùng phấn hoa làm thức ăn cho vận động viên, trẻ em và người già. Giá trị dinh dưỡng của phấn hoa cao hơn bất kỳ một loại thực phẩm nào. Lượng vitamin trong phấn hoa nhiều hơn trong cà-rốt 20 lần. Nhiều nước đã gọi phấn hoa là “loại thực phẩm quý như vàng”. Từ lâu, giới y học đã dùng phấn hoa để làm thuốc chữa bệnh. Phấn hoa có thể chữa được các bệnh: huyết áp, thần kinh, tim, v.v.

Phân hoa giàu chất ru-tin, được coi là vitamin của tuổi trẻ, nó rất quan trọng đối với động mạch não và ngăn ngừa chảy máu não, tình trạng thường xảy ra ở những người cao tuổi. Hiện nay phấn hoa nổi tiếng khắp thế giới, nó là vật liệu tăng sức mạnh cho già hoặc trẻ.. Ở nhiều nước phương Tây, người ta sử dụng rộng rãi phấn hoa trong phòng bệnh và trị bệnh.

Phấn hoa có tác dụng tiêu độc, nó được dùng làm thuốc chống táo bón đột xuất và táo bón mạn tính. Đặc biệt, phấn hoa còn có tác dụng tốt đối viêm tuyến tiền liệt, một bệnh rất hay xảy ra ở lứa tuổi từ 50 trở lên. Ăn uống phấn hoa liên tục chỉ vài ba tháng thôi thì hồng cầu sẽ tăng từ 25 đến 30%. Dùng phấn hoa chữa bệnh thiếu máu cho trẻ em đạt kết quả rất tốt. Phấn hoa còn được dùng cho trẻ em còi xương, chậm lớn.

Còn phụ nữ muốn có làn da luôn luôn hồng tươi, mịn màng thì nên thường xuyên dùng phấn hoa bằng cách trong uống, ngoài xoa. Ở nhiều nước, người ta đã dùng dịch chiết từ phấn hoa chế kem xoa mặt rất đẹp.

Ở nước ta mấy chục năm trước, phấn hoa tồn tại dưới dạng hạt nho nhỏ, màu vàng xuộm, có được bày bán, như là một dược phẩm bổ dưỡng. Tác giả bài viết này đã sử dụng liên tục đến chục năm. Những năm gần đây, không hiểu vì sao, không thấy phấn hoa được bán rộng rãi nữa.

Trải nghiệm sáng tạo thơ từ phấn hoa

Trên thế giới đã xuất hiện ngành khoa học nghiên cứu hạt phấn và ngành phân tích bào tử phấn hoa để hiểu về thời xa xưa. Người ta lấy những mẫu đá có chứa phấn hoa đã được bảo tồn qua hàng triệu năm để phân tích. Nhờ phấn hoa, các nhà khoa học đã tìm hiểu được lịch sử địa chất của trái đất. 

Phấn hoa và trải nghiệm sáng tạo thơ của một cá nhân - 2

Tập thơ "Phấn hoa bay"

Cho đến nay, tôi đã viết được khoảng trăm bài thơ về hoa, phần lớn là thơ 4 câu. Riêng về phấn hoa, tôi tìm hiểu, nghiên cứu đã lâu. Đến năm 1985, có bài thơ Phấn hoa bay, in vào tập thơ cùng tên, nhà xuất bản Lao động công bố năm 2000. Tác phẩm (sách thơ) ấy được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B năm 2010 về đề tài Công nhân và Công đoàn giai đoạn 1999 - 2009. Dưới đây là trọn vẹn bài thơ Phấn hoa bay.

Đá bao nhiêu tuổi thì mòn

Thời gian bỗng chốc dập dồn chảy qua 

Còn nguyên bào tử phấn hoa

Triệu năm xưa gửi dành ta ngóng chờ.

Soi trong quá khứ không ngờ

Thấy phấn hoa đến bây giờ ngọt say

Xưa chưa có giống cây này

Sao trên mẫu đá đậu đầy phấn thơm?

Sắc hương bề bộn rộn vườn

Phấn hoa bay giữa nắng sương nghìn đời

Thì ra trời đất xuân rồi

Phấn hoa phả ngược về thời hồng hoang.

Mải vui một thuở mơ màng

Xuân xưa bất chợt bước sang xuân này.

1985

Mặt trái của cái đẹp

Phấn hoa cũng có mặt trái của nó. Ở nhiều nước phương Tây, tỷ lệ người mắc bệnh vì phần hoa khá cao, như ở Mỹ tới ba phần trăm dân số.

Hàng chục vạn loài cây cỏ có phấn hoa, nhưng người ta nhận thấy chỉ khoảng mấy chục loại phấn hoa có khả năng gây bệnh, thường gặp nhất là: liễu, thông, hồng, cúc, sồi, ngải, bạch dương, bồ đề, tử đinh hương, tulipe, cỏ đuôi mèo, cỏ đuôi trâu, ambrosia, primula, v.v. Phấn hoa các loài cây ấy có chứa Protein lạ đối với cơ thể, cho nên khi lọt vào đường hô hấp, sẽ gây bệnh.

Bệnh phát sinh vào mùa hoa nở. Những trường hợp nhẹ, bệnh rất dễ nhầm với viêm mũi dị ứng, cảm cúm, vì cũng gây hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu... Bệnh nặng thì mỏi mệt, hoa mắt, ăn không thấy ngon, bị sốt, khó thở, nổi mày đay, hen phế quản, v.v.

Đã 40 năm trôi qua khi bài thơ Phấn hoa bay được viết, 25 năm tập thơ trùng trên được xuất bản và 15 năm được trao giải thưởng. Nhân dịp Xuân mới, phấn hoa bay vàng óng và thơm lành khắp mọi miền Tổ quốc, tôi mong được bạn đọc san sẻ niềm vui.

Tác giả trân trọng cảm ơn.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất