Miền đất danh hương

Đã từ lâu người ta gọi huyện Thường Tín - Hà Nội là miền đất Danh Hương. Cái tên Danh Hương được khởi nguồn từ thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, Chu Thần Cao Bá Quát có làm một bài thơ tiễn người bạn thân tên là Trúc Khê đi nhậm chức ở phủ Thường Tín trong đó có câu “Văn nhã danh hương cổ hữu vân”, nghĩa là đã từ lâu đây là một mảnh đất văn vật có tiếng.

Viết như thế thi sĩ họ Cao không hề nhằm mục đích động viên bạn mà sự thực từ xa xưa Thường Tín đã là mảnh đất sinh ra khá nhiều những nhà khoa bảng, những văn nhân nổi tiếng. Nếu tính từ ông Dương Chính thi đỗ Thái học sinh khoa Mậu Thìn, 1213, thời Lý, có thể coi là người Thường Tín đầu tiên thi đỗ đại khoa thì người đỗ đại khoa sau cùng là Phó bảng Từ Thiệp và Tiến sĩ Từ Đạm đỗ khoa Ất Mùi, 1895, niên hiệu Thành Thái thứ 7, thì tổng cộng Thường Tín có 68 vị đỗ đại khoa, trong đó có những vị tài năng và công trạng thuộc hàng xuất chúng được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới như Nguyễn Trãi. Dù đất nước trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, bao nhiêu biến thiên, tao loạn, vật đổi sao dời, đói cơm rách áo, có thời kỳ những đền đài thờ phụng họ tưởng như đã thành phế tích, nhưng không thể xóa nhòa tên tuổi và công trạng của họ trong tâm trí của mỗi người dân nước Việt.

Gia tộc Nguyễn Trãi có quê gốc ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tin vào sự chỉ dẫn của thầy phong thủy, từ đời ông nội Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Loan đã chuyển gia đình và mồ mả người quá cố đến Thường Tín sinh sống. 

Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, xuống lệnh dùng những người có văn học. Nguyễn Ứng Long, phụ thân của Nguyễn Trãi đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh để ra làm quan với triều Hồ. Nguyễn Phi Khanh được Hồ Hán Thương phong chức Đại tự khanh, kiêm Trung thư thị lang, Hàn lâm viện học sĩ, sau lĩnh chức Tư nghiệp Quốc Tử giám. Các con của ông cũng được nhận các chức quan.

Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta, nhà Hồ chống lại được hơn một năm thì bại trận vì không thể địch nổi hơn chục vạn binh của nhà Minh. Nước mất, cha con Hồ Quý Lý cùng các đại thần phụ tá đều bị bắt sống. Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt giam. Đến khi giặc bắt được Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, bèn giải vua tôi nhà Hồ, trong đó có Nguyễn Phi Khanh về Kiêm Lăng (Nam Kinh). Khi ấy tuổi Nguyễn Phi Khanh đã cao. Đến Ải Nam Quan, ngoảnh lại, thấy hai con là Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng chạy theo sau, Nguyễn Phi Khanh liền vẫy Nguyễn Trãi lại, dặn: “Ta già rồi, chết cũng không ân hận gì nữa, vậy hãy để một mình em con đi theo ta, nếu ta chết, nó sẽ nhặt lấy xương mang về cố hương chôn cất. Còn con, ta khuyên con nên trở về. Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới chính là đạo hiếu. Tại sao cứ phải đi theo cha, khóc lóc mới coi là có hiếu?”.

Nguyễn Trãi nghe lời cha, tạ từ quay về. Nguyễn Phi Khanh sang Kiêm Lăng một thời gian ngắn rồi qua đời. Ít năm sau, Phi Hùng gom xương cốt cha mang về táng ở núi Bái Vọng. Nguyễn Phi Khanh rất yêu quê hương Nhị Khê nên lấy hiệu là “Nhị Khê tiên sinh”; tuyển tập văn - thơ chữ Hán của ông lấy tên là Nhị Khê tập. Về văn học, Nguyễn Phi Khanh ở vị trí khiêm tốn nhưng đức độ và dũng khí của ông đã dung dưỡng Nguyễn Trãi trở thành một thiên tài cho đất nước. Thị trấn Thường Tín hôm nay có một con đường mang tên ông. Năm 2023, cán bộ và Nhân dân Thường Tín đã hoàn thành tượng Nguyễn Phi Khanh bằng gỗ, sơn son thếp vàng đặt tại gian Tả Vu, Văn Từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội, xã Văn Bình.

Về Nguyễn Trãi, người ta viết rất nhiều về ông cho nên trong bài bút ký này xin không nhắc lại nữa. Tôi chỉ xin nói thêm cái điểm căn cốt để ông trở thành người anh hùng dân tộc, rồi đến năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm sinh của ông, UNESCO công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sau đó là 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, người anh hùng Lê Lợi giữ vai trò là “chủ tướng”, nói theo ngôn ngữ bây giờ nghĩa là vị Tổng tư lệnh của quân khởi nghĩa, thì Nguyễn Trãi giữ vị trí quân sư, đồng thời bằng những áng văn Bình Ngô sách, Đại cáo Bình Ngô và rất nhiều bài văn dụ giặc đầu hàng thì vị trí của ông chẳng khác một vị Chính uỷ mặt trận theo ngôn ngữ bây giờ, đấy là chưa kể hàng trăm tác phẩm thơ được xếp vào hàng kiệt tác trong kho tàng văn học Việt Nam.

Miền đất danh hương - 1

Tháp Chí Nghĩa thuộc khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế giới - Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Tháng 7 năm 2020, cán bộ và Nhân dân Thường Tín đã làm một việc rất đáng ngợi ca: họ phối hợp với Hội Phật giáo huyện tổ chức lễ cầu siêu giải oan cho Nguyễn Trãi và ba họ của ông. Tu bổ lại ngôi đền cũ thờ ông, đồng thời tổ chức lễ động thổ Dự án khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trên khu đất 2,7 ha, có ao Khuê, trại Ổi xưa thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Khu lưu niệm sẽ được hoàn thành trong năm 2025.

Lý Tử Tấn là bạn đồng khoa với Nguyễn Trãi, khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn, đỗ Đệ nhị giáp khoa. Khi Lê Lợi lên ngôi, Lý Tử Tấn được giao giữ chức Hành khiển Bắc đạo, sau về kinh giữ chức Thừa chỉ, coi việc làm chiếu, cáo, thăng đến chức Hàn lâm viện học sĩ, Tư nghiệp Quốc Tử giám, Nhập thị kinh diên. Lý Tử Tấn còn được vua Lê Thái Tông giao cho làm Thông Luận, nghĩa là làm cho mọi sự ý nghĩa được sáng tỏ. Lý Tử Tấn sáng tác khá nhiều thơ, nhưng hiện chỉ còn hơn 70 bài nằm rải rác trong các sách: Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển

Đọc thơ ông chúng ta bắt gặp một tâm hồn thanh thản, ung dung, cao khiết, một thiên nhiên tươi mát với hương vị của hoa trái, ruộng đồng… Tên tuổi Lý Tử Tấn gắn liền với bài “Phú Xương Giang”, ca ngợi trận thắng của nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt 7 vạn quân Minh và bắt sống mấy trăm tướng lĩnh giặc tại thành Xương Giang, trong đó có Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Qua bài phú này, người đọc không chỉ thấy ở Lý Tử Tấn, một trái tim yêu nước thiết tha, một tinh thần tự hào dân tộc mà ông còn là nhà tư tưởng chính trị sâu sắc khi ông nói về sự thành bại trong việc giữ nước. Cùng với Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn là hai trong số 100 nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Năm 2023, huyện Thường Tín đã hoàn thành tượng gỗ sơn son thếp vàng quan Tư nghiệp Quốc Tử giám Lý Tử Tấn ngồi trên chòi cao của quan coi thi ở gian chính giữa nhà Tả vu, Văn từ Thượng Phúc (thôn Văn Hội, xã Văn Bình). Tên ông cũng được đặt cho một ngôi trường trung học phổ thông giáp sông Nhuệ và một con đường trục giao thông lớn giữa thị trấn Thường Tín.

Cũng được thờ trong Văn từ Thượng Phúc với Lý Tử Tấn còn có danh nhân Dương Trực Nguyên. Dương Trực Nguyên thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân rồi làm quan dưới thời Hồng Đức, là thành viên trong “Tao đàn nhị thập bát tú”, được dự họa thơ “Quỳnh uyển cửu ca” của vua Lê Thánh Tông. Ông trải qua khá nhiều cương vị. Trước khi đi xứ nhà Minh, ông giữ cương vị Tả thị lang Bộ Hộ; khi đi xứ về ông được thăng Ngự sử đài Đô ngự sử. Ông chính là người tâu với vua và trực tiếp chỉ huy đắp đê sông Tô Lịch từ xã Trát Kiều đến xã Cống Xuyên và đào mương từ xã An Phúc đến xã Thượng Phúc để phòng lụt và lấy nước tưới ruộng. Khi mất ông được Nhân dân sở tại tôn vinh Phúc Thần và làm đền thờ. Năm 2023, huyện Thường Tín dựng tượng ông bằng gỗ sơn son thếp vàng, thờ trong Văn từ Thượng Phúc. Tên ông được gắn với một con đường trong thị trấn Thường Tín.

Miền đất danh hương - 2

Công trình Văn hóa Văn từ Thượng Phúc ban đêm.

Ngoài ra, huyện Thường Tín còn sinh ra nhiều con người tài danh khác, như Tiến sĩ Nguyễn Như Đổ thi đỗ và ra làm quan thời vua Lê Thái Tông. Ba lần ông được triều đình cử đi sứ nhà Minh, làm quan trải qua 8 đời vua Lê, được thăng đến chực Lại bộ Thượng thư, kiêm Tế tửu Quốc Tử giám, hàm Thiếu bảo. Tác phẩm của ông hiện chỉ tìm thấy 6 bài thơ trong Toàn tập thi tập. Ông cũng đã được huyện Thường Tín đúc tượng đá năm 2023, đặt tại phía trước nhà Tả vu công trình văn hóa Văn từ Thượng Phúc.

Hoặc như Lương Văn Can, người thôn Nhị Khê, mặc dù chỉ đỗ Cử nhân, nhưng khi nhìn đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, ông đã học theo sách của những nhà yêu nước, tiến bộ của phương Đông và phương Tây như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Voltaire, Montesquieu… nhằm tìm con đường canh tân đất nước. Khi thấy cuộc cải cách Minh Trị thành công trên đất Nhật Bản, học theo người Nhật, ông cùng bạn bè tìm cách thành lập trường học theo kiểu trường Khánh Ưng Nghĩa Thục của Phúc Trạch ở Nhật với mục đích làm cuộc cách mạng văn hóa, giáo dục, tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp trong nhân dân. Với mục đích đó, năm 1907, ông chủ trương sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở số 10 Hàng Đào. Từ ngôi trường này, phong trào lan rất nhanh xuống các tỉnh Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam… khiến thực dân Pháp lo sợ, chúng khủng bố trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bắt giam Lương Văn Can, nhưng không đủ chứng cứ kết tội, đành phải thả.

Năm 1914, nhân vụ ném tạc đạn ở Hà Nội Hotel, Lương Văn Can bị kết án 10 năm biệt xứ, lưu đày sang Campuchia. Hết hạn tù Lương Văn Can trở về Hà Nội mở trường dạy học và chuyên soạn sách. Ông là tác giả của 11 cuốn sách, trong đó có hai cuốn thuộc loại Kim cổ cách ngônThương học châm ngôn viết về kinh tế, kinh doanh. Vì thế Lương Văn Can được xem như người thầy của giới kinh doanh Việt Nam. Trong số những người con trai của ông có Lương Ngọc Quyến đã cùng với Đội Cấn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên vào đêm 30/8/1917. Tuy bị giặc Pháp đàn áp, cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng tên tuổi họ vẫn sống mãi trong lịch sử. Lương Văn Can được gắn tên cho một con đường gần Hồ Hoàn Kiếm. Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn cũng được gắn tên cho những đường phố của thủ đô Hà Nội.

Cách triều vua Lê Thánh Tông ít năm, huyện Thường Tín xuất hiện một nhân vật khá đặc sắc, đó là Tiến sĩ Lê Công Hành, sinh ra ở làng Quất Động. Con nhà nghèo, nhưng thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là người thông minh và có tình yêu quê hương, cố quận. Ông thi đỗ Tiến sĩ, được vua Lê Thần Tông tin dùng, phong Tả Thị lang Bộ Công, sau hoàn thành xuất sắc trọng nhiệm được ban tước Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thanh lương hầu, khi mất được phong Thượng Thư, hàm Thái bảo Lương quận công. Nhưng người dân Thường Tín luôn nhớ đến ông, biết ơn ông lại là việc ông gây dựng cho họ một cái nghề. Ông được triều đình cử đi sứ nhà Minh, sang đến đất Trung Hoa, quan nhà Minh không để cho đoàn sứ bộ của ta đi đường chính mà dẫn theo đường tắt, đến một vùng rừng núi âm u hiểm trở thì hết cả lương ăn. Lê Công Hành bèn cho chặt tre đan thành những cái dậm, cái dũi, rồi sai quân lính xuống suối bắt cá, lên rừng tìm trái cây ăn. Do vậy, đoàn sứ bộ vẫn đủ sức khỏe đi đến kinh đô.

Sau khi Lê Công Hành hoàn thành công việc ngoại giao một cách xuất sắc, vua nhà Minh muốn thử trí thông minh của sứ thần Việt Nam, bèn sai dựng một cái lầu cao, mời Lê Công Hành lên đó chơi. Khi ông lên lầu thì bên dưới lính nhà Minh rút thang cất đi. Không thể xuống được, Lê Công Hành đành ở lại trên lầu. Đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy hai pho tượng sơn son thếp vàng và một chum nước, cùng với hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ “Phật tại tâm”. Trên lầu còn có hai cây tre tươi và một con dao. Mấy ngày trôi qua vẫn chỉ có một mình trên lầu vắng, bụng đói mà không có gì ăn. Lê Công Hành quay ra ngắm bức nghi môn rồi lẩm nhẩm “Phật tại tâm” nghĩa là Phật ở trong tâm. Ông hiểu ra thâm ý, liền bẻ tay pho tượng ăn, thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam.

Từ hôm đó cứ đến bữa ông lại ăn tiếp pho tượng, múc nước ở chum uống. Nhìn bức nghi môn thêu chỉ màu và hai cái lọng rất đẹp, ông bèn dùng con dao chẻ hai cây tre tươi ra bắt chước làm lọng. Sau đó ông hạ bức nghi môn xuống tháo chỉ ra xem cách thêu, rồi ông thêu lại như cũ. Khi ăn hết hai pho tượng và uống hết chum nước, Lê Công Hành đã ghi trong trí nhớ cách làm lọng và cách thêu trên vải. Nhìn thấy những con dơi xòe cánh bay liệng, ông tự nhủ: “Sao mình không dùng hai cái lọng kia mà bay xuống đất nhỉ?” và ông đã làm được điều đó.

Về nước, Lê Công Hành vẫn làm quan trong triều, nhưng ông xin vua cho về làng Quất Động quê ông ít ngày để dạy nhân dân biết cách làm lọng và thêu trên vải. Triều đình phong kiến Việt Nam có nhiều nhu cầu về áo mão triều phục, cân đai, màn che, trướng gấm, nhu cầu về đồ thêu trong gia đình giới quan lại cũng không nhỏ. Đền, chùa, đình, miếu cũng thường có nhu cầu về đồ thêu và lọng che. Người dân Quất Động - Thường Tín đã mang nghề thêu, nghề làm lọng ra phố thị. Nghề làm lọng hình thành hẳn một con phố có tên Hàng Lọng. Nghề đó mang ra Yên Thái, Tây Hồ, lan đến Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định. Trong sách An nam túc sự, tác giả Trần Phu đã viết: “Về phẩm hàm của các quan Đại Việt, ai cao thấp cứ nhìn vào lọng mà phân biệt, hễ là khanh tướng thì ba cây lọng xanh, bậc thấp hơn thì đi hai lọng hay một lọng, còn như lọng tía thì chỉ có những người trong hoàng tộc mới được dùng”.

Như vậy, trước thế kỷ XVIII, người Việt cũng đã biết nghề thêu và làm lọng, nhưng còn rất đơn sơ. Chỉ khi Lê Công Hành đi sứ về, hai nghề này mới được nâng lên tầm cao mới. Vào triều Nguyễn, nhiều thợ thêu, thợ làm lọng giỏi giang từ Quất Động đã được triệu vào kinh đô Huế, thiết kế triều phục cho vua quan, hoàng hậu, công chúa, cung tần mĩ nữ trong cung đình, làm lọng cho vua quan, những nơi thờ tự linh thiêng. Cụ Bùi Lê Kính, thợ thêu làng Quất Động đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, Quất Động có rất nhiều xưởng thợ, có xưởng quy tụ từ 200 đến 500 tay kim thêu.

Bước vào kinh tế thị trường các làng nghề quất Động có chao đảo, nhưng rồi họ thích nghi rất nhanh nên nghề thêu, nghề làm lọng không bị mai một. Ngày nay từ làng thêu Quất Động đã phát triển sang nhiều làng xã khác ở Thường Tín. Tất cả những làng ấy đều thờ chung một ông tổ nghề là cụ Lê Công Hành. Các sản phẩm thêu ở Thường Tín hôm nay thật là phong phú; tất cả những hình ảnh trong thiên nhiên và trong cuộc sống mà có giá trị thẩm mỹ, đều có thể là đề tài của tranh thêu, vì thế tranh thêu Quất Động đã có mặt tại hơn 20 nước, ưa chuộng nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ… Gần đây cụ Thái Văn Bôn được phong tặng nghệ nhân nhân dân. Cụ nổi tiếng với những bức thêu chân dung các nguyên thủ quốc gia. Trong đó, bức chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá rất cao.

Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã liệt kê một số địa phương ở Thường Tín sớm chế biến được rượu ngon: “Bình Vọng có rượu sen, rượu nếp cúc… các thứ ấy đều dâng tiến để tế lễ bốn mùa…”. Sau thời Nguyễn Trãi các làng nghề khác cũng hình thành theo thời gian: làng nghề thêu, làm lọng Quất Động; làng tiện xã Nhị Khê, làng đan song, mây, tre xã Ninh Sở; bánh dầy làng Thượng Đình, nghề làm lược sừng Thụy Ứng xã Hòa Bình; làng mộc cao cấp xã Vạn Điểm, Sơn mài làng Hạ Thái xã Duyên Thái (cụ tổ nghề làm sơn cũng là một Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất, đời vua Lê Hiển Tông); làng điêu khắc Nhân Hiền xã Hiền Giang; làng nghề Bông len Trát Cầu xã Tiến Phong (ông tổ nghề là cụ Bạch Nhữ, một viên quan trong triều, phụng mệnh nhà vua về dạy nghề cho dân); làng nghề bút lông Bạch Liên xã Liên Phương; nghề mộc xã Nguyễn Trãi; nghề nề xã Nghiêm Xuyên… Có nghề phát triển sớm, có nghề phát triển muộn, nhưng phần lớn những người “tổ nghề” đều thuộc giới có tri thức hoặc có năng khiếu.

Miền đất danh hương - 3

Toàn cảnh công trình Văn hóa Văn từ Thượng Phúc.

Nhiều sản phẩm từ các làng nghề ấy được mang lên kinh kỳ Thăng Long mở cửa hàng bán. Hàng tiện được bán ở phố Tô Tịch, Hàng Trống; các hàng thêu được bán ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào; lọng bán ở phố Hàng Lọng; nghề hát ca trù ở thông Đồng Duyên, xã Tô Hiệu; làng hát trống quân ở xã Khánh Hà.v.v. Người Tràng An lại sành tiêu dùng, sành chơi những mặt hàng bền, đẹp, mang tính mỹ nghệ cao, đặc tính ấy càng kích thích cho những người thợ Thường Tín không ngừng sáng tạo, vì thế, từ miền đất này xuất hiện càng ngày càng nhiều thợ giỏi, thợ lành nghề, luôn biết sáng tạo, cải tiến mẫu mã sao cho độc đáo, phù hợp với thị hiếu người dùng. Chẳng hạn như nghề tiện ngày nay không chỉ tiện bằng gỗ như xưa mà nhiều mặt hàng đã làm từ sừng trâu, bò, ốc trai. Nó rất ứng với lời của tiền nhân Nguyễn Trãi: “Nên thợ nên thầy vì có học/ no ăn no mặc bởi hay làm”.

Như vậy, Cao Bá Quát gọi Thường Tín là đất Danh Hương, theo chỗ tôi hiểu, “Danh” ở đây là danh giá, danh vị, bởi có nhiều người đỗ đạt, khoa bảng, làm nên nghiệp lớn; còn “Hương” nghĩa là tỏa hương, trong “hương” ấy thì có những thành quả từ trí óc và bàn tay con người làm ra những giá trị dâng hiến cho đời.

Những năm gần đây, đi họp hành, mỗi khi người điều hành giới thiệu tên các vị lãnh đạo, không quên giới thiệu bằng cấp của họ, tôi không mấy xúc động, bởi trong số ấy có những người dùng bằng cấp để “làm màu” nhiều hơn là áp dụng thực thi công việc, chưa kể có những bằng cấp không thực chất cho lắm. Bởi vậy, trong một cuộc họp gần đây, tôi được nghe người điều hành giới thiệu “Tiến sĩ Nguyễn Tiến Minh, Bí thư huyện ủy huyện Thường Tín” tôi cũng mang cảm giác ấy. Nhưng khi biết và chứng kiến những gì mà Nguyễn Tiến Minh lãnh đạo nhân dân ứng xử với nền văn hiến và phát triển kinh tế của địa phương thì tôi thấy anh rất xứng đáng là người cầm trịch cái miền quê mang hai chữ “Danh Hương” này.

Bút ký của Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II vinh danh 69 tác phẩm

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II vinh danh 69 tác phẩm

Ngày 30/3, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II và Gặp mặt văn nghệ sĩ xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm biểu dương những kết quả đã đạt được của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh; động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá tr

Giá vàng tăng như lên đồng: Cơn sốt vàng vẫn chưa hạ nhiệt?

Giá vàng tăng như lên đồng: Cơn sốt vàng vẫn chưa hạ nhiệt?

Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục mới khi các yếu tố như thuế quan, lạm phát và rủi ro địa chính trị thúc đẩy nhu cầu tìm đến tài sản an toàn. Dù có những lo ngại về việc giá vàng đã tăng quá đà, các chuyên gia vẫn lạc quan về đà tăng trưởng của kim loại quý này.

Bước nhảy vào xuân

Bước nhảy vào xuân

Mùa xuân khiến bao người say đắm. Nhiều người ví mùa xuân như một bức tranh sơn dầu với rất nhiều màu sắc. Cuộc sống, con người và thiên nhiên đã tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống.