Bị chồng ép phải dọn khỏi nhà vì phí khám thai tốn kém, sau sinh người vợ đưa ra quyết định bất ngờ
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là câu chuyện có thật mà cư dân mạng đang truyền tay nhau trên trang 163.
Nhân vật chính là cô Tiểu Linh (28 tuổi, sống tại Thành Đô) – người phụ nữ mang thai trong nỗi cô đơn, tủi nhục khi bị chính chồng mình “đuổi khéo” khỏi nhà chỉ vì… phí khám thai quá tốn kém.
Tiểu Linh và chồng là anh Lý đã kết hôn được 3 năm. Ban đầu, hai người đều đồng thuận chưa sinh con vì lo ngại chưa vững kinh tế. Nhưng “tránh trời không khỏi nắng”, dù đã dùng biện pháp kế hoạch, Tiểu Linh vẫn có thai ngoài ý muốn. Trái ngược với niềm vui rạng rỡ của cô vợ, anh chồng lại nhăn nhó như vừa nhận tin sét đánh ngang tai. Thay vì cùng nhau chuẩn bị chào đón con, anh Lý quay ngoắt trách vợ “không cẩn thận” khiến mọi kế hoạch đảo lộn.
Chị Tiểu Linh chia sẻ về câu chuyện của mình.
Tiểu Linh kể, những tháng đầu thai kỳ, cô không bị nghén mà còn ăn uống khá ngon miệng. Thế nhưng vì lương tháng có hạn, cô rất tiết kiệm, không dám tiêu xài hoang phí. Mỗi lần đi khám thai, Tiểu Linh đều dè dặt hỏi chồng hỗ trợ chi phí siêu âm, xét nghiệm – nhưng đổi lại là thái độ khó chịu, cau có thấy rõ.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi thai đã được 6 tháng, Tiểu Linh ngỏ lời rủ chồng cùng đi khám thai. Câu trả lời nhận lại là cái lắc đầu dứt khoát. Hai vợ chồng cãi nhau to. Và rồi, trong cơn nóng giận, anh Lý tuyên bố “cắt hết chi phí khám thai”, đồng thời... đuổi vợ về nhà ngoại, không muốn liên quan gì nữa.
Anh Lý tuyên bố “cắt hết chi phí khám thai cho vợ.
Không còn lựa chọn nào khác, Tiểu Linh ôm bụng bầu nặng nề về nhà mẹ đẻ, vừa tủi thân vừa lo lắng. Cô một mình vượt qua những tháng cuối thai kỳ mà không có bóng dáng chồng bên cạnh, cũng chẳng một lời hỏi han.
Sinh con xong được một tháng, anh Lý bất ngờ quay lại xin lỗi, mong được đón vợ con về nhà. Nhưng vết thương lòng của Tiểu Linh đã quá sâu, cô thẳng thừng đưa tờ đơn ly hôn. Với cô, sự tổn thương trong lúc yếu ớt nhất đời người là điều không thể tha thứ.
Sau khi câu chuyện được chia sẻ, cư dân mạng chia thành hai luồng ý kiến. Một số người khuyên Tiểu Linh nên tha thứ vì con. Nhưng phần đông lại cho rằng người đàn ông đến cả lúc vợ mang bầu còn không ở bên, thì liệu có đáng để quay lại?
Chị Linh về nhà mẹ đẻ ở vì chồng quá vô tâm.
Thực tế, thời gian mang thai là giai đoạn vất vả nhất đối với phụ nữ. Cơ thể thay đổi, cảm xúc thất thường, áp lực đủ bề. Nếu không có người chồng bên cạnh động viên, sẻ chia, người vợ sẽ rơi vào cảm giác cô đơn đến nghẹt thở. Một đứa trẻ ra đời là kết tinh tình yêu của cả hai – nhưng đôi khi, chỉ có mẹ là người gồng gánh tất cả.
Cũng giống như chính mình, một mẹ bỉm từng chia sẻ: "Hồi mang thai, em không tin là tâm trạng mẹ ảnh hưởng đến con. Cứ thấy chồng về muộn là em khó chịu, nổi nóng. Tới lúc sinh con rồi, em mới ân hận. Con chào đời 1 tháng không cười lấy một lần, mặt lúc nào cũng cau có. Sau này đứa bạn mang bầu, em cứ dặn nó: phải vui vẻ, phải lạc quan, đừng như em để rồi con sinh ra mặt cứ nhăn nhó y chang”.
Trên thực tế, sự quan tâm của người chồng dành cho vợ trong thời kỳ mang thai đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp mẹ bầu cảm thấy an tâm và hạnh phúc mà còn góp phần tích cực đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Làm thế nào để người chồng trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ trong thai kỳ?
Để trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ trong suốt thai kỳ, người chồng cần thể hiện sự thấu hiểu, yêu thương và đồng hành cùng vợ cả về tinh thần lẫn thể chất. Dưới đây là một số điều quan trọng mà người chồng có thể làm:
- Lắng nghe và chia sẻ: Thai kỳ là giai đoạn nhiều thay đổi cả về tâm lý lẫn cơ thể đối với người vợ. Chỉ cần chồng chịu khó lắng nghe, trò chuyện nhẹ nhàng và không phán xét, đã là một nguồn an ủi rất lớn.
- Chủ động tìm hiểu kiến thức về thai kỳ: Việc người chồng chủ động đọc sách, tìm hiểu các giai đoạn mang thai, dấu hiệu bất thường hay cách chăm sóc mẹ bầu sẽ giúp vợ cảm thấy được quan tâm và tin tưởng hơn.
- Sát cánh trong những cột mốc quan trọng: Cùng vợ đi khám thai, tham gia các lớp tiền sản hoặc cùng chuẩn bị đồ dùng cho em bé là cách tuyệt vời để tạo cảm giác “có anh bên em”.
- Chia sẻ việc nhà: Việc nhà đơn giản nhưng lại thể hiện sự chia sẻ thiết thực. Một người chồng biết đỡ đần, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ sẽ giúp vợ giảm bớt mệt mỏi và lo lắng.
- Luôn quan tâm đến cảm xúc của vợ: Phụ nữ mang thai thường nhạy cảm và dễ tủi thân. Hãy dành cho cô ấy những lời động viên, khen ngợi và những cử chỉ yêu thương nhỏ mỗi ngày.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần lẫn thể chất cho vợ: Nhắc nhở vợ ăn uống đủ chất, vận động nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc và đưa cô ấy đi kiểm tra định kỳ đúng lịch. Đồng thời, giúp vợ giữ tinh thần tích cực cũng là điều không thể thiếu.
Khi người chồng trở thành điểm tựa vững vàng, người vợ sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều trong hành trình làm mẹ – từ đó giúp thai kỳ diễn ra suôn sẻ, trọn vẹn hơn cả về sức khỏe lẫn hạnh phúc.
Xem thêm video sau đây:
Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống
Bình luận