Bức hàng, bức rút bốt Cầu Đình

Sự việc xảy ra tại chiến trường miền Tây Nam bộ, thuộc địa bàn xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, hai năm trước khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Vì qua 2 cái Tết nên tác giả nói gọn là 2 năm, tính tháng ra thì chỉ hơn 1 năm (12/1973 – 30/04/1975).

Với quyết tâm của lãnh đạo huyện Châu Thành, lãnh đạo xã An Phước và du kích xã, bằng mọi giá phải bức hàng, bức rút bốt Cầu Đình trước Tết Quý Sửu (1973) - một căn cứ nguy hiểm của địch cắm sâu trong vùng giải phóng thuộc địa phận ấp 2, gây cho ta báo khó khăn, tổn thất. 

Sau Tết Mậu Thân (1968), địch phản công ác liệt chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Để bảo toàn lực lượng, cấp trên quyết định tất cả căn cứ bám trụ của các Cụm tình báo chiến lược ở 2 khu vực trên "Tùy nghi  di chuyển" tới địa bàn an toàn hơn, có thể là miền Trung và Tây Nam bộ để đánh lạc hướng theo dõi của địch. Địa bàn hoạt động chủ yếu vẫn là Sài Gòn - thủ phủ của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Thời điểm đó, quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn sức bảo vệ Sài Gòn nên chiến trường miền Trung  và Tây Nam bộ "dễ thở" hơn.

Cụm tình báo chiến lược H67 chúng tôi thuộc Đoàn tình báo J22 quyết định chọn địa bàn xây dựng căn cứ bám trụ tại xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Có hai yếu, tố cơ bản để chúng tôi chọn căn cứ tại An Phước: thứ nhất, thuận lợi cho giao thông; thứ nhì, rừng dừa An Phước là vùng giải phóng của ta. 

Là một cụm tình báo chiến lược có quá trình 7 năm căn cứ bám trụ tại chảo lửa mật khu Bời Lời thuộc Trảng Bàng, Tây Ninh. Nhiều đơn vị đã phải dời "mật khu". Duy nhất còn Cụm H67 chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ, chịu đựng hàng chục trận càn của địch, tiêu diệt gần hai trăm lính Mỹ và lính Sài Gòn, phá hủy hơn 10 xe tăng và xe bọc thép của địch, trở thành đơn vị có thành tích chiến đấu xuất sắc nhất  của  Đoàn J22. Bởi vậy, khi nghe chúng tôi báo cáo về đặc điểm tình hình xã An Phước, Cụm trưởng Bảy Vĩnh ưng ý liền. Ông khẽ cười: “Ngon rồi! Không cần kiếm tìm nữa. Ta về đó sẽ góp tay cùng du kích địa phương củng cố thêm thế mạnh của địa bàn bám trụ”.

Chúng tôi  về  An Phước, mang theo giấy giới thiệu của Tỉnh đội trường Ba Đào với tên ngụy  trang là Đoàn Nghiên cứu địa hình của tỉnh, được cấp ủy và chính quyền xã nhiệt tình giúp đỡ. Về địa bàn mới, chúng tôi được lãnh đạo J22 trang bị vũ khí vượt yêu cầu: súng  AK báng dài, báng gấp, B40, mìn định hướng… Ngoài  bộ đàm 15W để liên lạc về Trung tâm, còn được trang bị " đặc cách" một máy PRC25 chính hiệu USA để theo dõi hoạt động của địch. Sắm vai là một đơn vị của tỉnh nên tất cả trang thiết bị trên đều phải giữ bí mật. Chỉ công khai một khẩu AK, hai súng trường bá đỏ một súng Carbine. 

Sau khi ổn định xây dựng căn cứ, cấp ủy địa phương đã bố trí cho chúng tôi làm việc với Ban Chỉ huy xã đội, bàn công tác phối hợp phòng ngự chống địch khi càn vào địa bàn. Anh em địa phương rất phấn khởi. Xã đội trường Ba Xước nắm chặt tay tôi nói: "Các đồng chí ở cấp tỉnh zề có khác, chủ động bàn ziệc giữ đất với địa phương thiệt tuyệt zời!".

Từ chiến trường miền Đông đầy khó khăn, ác liệt về với chiến trường sông nước miền Tây, được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là được thường xuyên tiếp xúc với  bà con, cô  bác miệt vườn, được thấu hiểu tình cảm người dân đối với  Cách mạng. Thời điểm đó, cả xã An Phước chỉ có một bốt địch cấp Đại đội, gọi là "bốt Đại đội” địch xây dựng tại ngã ba lộ 17 và đầu lộ Ông Kế thuộc địa phận Ấp 2.

Địch không còn kiểm tra gắt gao như giai đoạn đầu nên nhiều gia đình đã bí mật bỏ khu gom trở về ven đồng dựng lán ở tạm để tăng gia sản xuất và trở về vườn cũ thu hoạch cây trái. Cán bộ và du kích địa phương cùng chúng tôi, cứ mỗi cuối chiều là nhanh chóng ra ven đồng giúp bà con dựng lán, xây dựng hầm đề phòng pháo của địch. Những ngày đó vui như mùa hội. Đó là cơ hội  để “nở” thêm mối bang giao, sau này thành kết nghĩa giữa Đoàn thanh niên đơn vị chúng tôi với Đoàn thanh niên địa phương, chủ yếu là nữ đoàn viên sống ngoài khu gom dân, còn nam đoàn viên đều tham gia đội du kích xã. Thật không ngờ chỉ hơn 5 năm bám trụ ở quê dừa An Phước (từ cuối năm 1969 tới ngày giải phóng miền Nam) đã có 5 nữ đoàn viên thanh niên An Phước trở thành nàng dâu của H67 chúng tôi.

Bức hàng, bức rút bốt Cầu Đình - 1

Tác giả Khổng Minh Dụ trở lại An Phước thăm các gia đình cơ sở bí mật của Cách mạng.

Lại cũng không ngờ “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ hơn một năm sau, tình hình trở nên căng thẳng.  Địch mở cuộc càn cấp Tiểu đoàn nhằm tiêu diệt du kích  An Phước. Trận càn  đó, chúng lọt vào tuyến phòng ngự của H67 chúng tôi, không phải dùng súng, chỉ bằng một trái nổ gài trên bờ mương và một trái mìn định hướng Claymo đã tiêu diệt hơn mười tên địch. Cay cú, chúng mở trận càn quy mô lớn chỉ sau mấy tháng, tập trung vào ấp 2 bằng việc phong tỏa lộ Ông Kế. Đó là con đường đất dài hơn một cây số  từ lộ 17 ra tới sông Ba Lai. Trừ bốt Đại đội ở đầu lộ, chúng xây thêm 2 bốt mới trong vùng giải phóng của ta nhằm chia cắt An Phước. Điểm giáp ranh giữa  vườn và đồng ruộng cắm một bốt.  Bốt thứ 2 cắm ngay bên bờ sông Ba Lai trên nền đất của ngôi đình cũ gọi là bốt Cầu Đình gây cho ta nhiều tổn thất.

Trước tình hình đó, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc họp liên cơ (Các cơ quan bám trụ tại An Phước) bàn kế hoạch tấn công “nhổ” bằng được 2 bốt trên. Bốt giữa lộ quy mô cấp tiểu đội, chỉ sau mấy tháng bao vây, bắn tỉa, chúng đã âm thầm rút bỏ. Riêng bốt Cầu Đình quy mô cấp trung đội, được xây dựng kiên cố hơn, chúng quyết tâm cố thủ.

Trước Tết Quý Sửu (1973), lãnh đạo địa phương lại tổ chức họp liên cơ, có sự tham gia của tất cả các bộ phận, chức năng  địa phương. Ngoài xã đội, còn có an ninh, binh vận, dân vận với nội dung "bức hàng, bức rút bốt Cầu Đình; phá khu gom dân đưa bà con trở về ven đồng sinh sống". 

Với lực lượng và trang bị của một đội du kích cấp xã, không thể tấn công trực diện mục tiêu, vẫn phải  thực hiện theo phương án bao vây, bắn tỉa, nâng cấp hơn là dùng dàn thun (súng cao su) bắn lựu đạn vô  nhằm chống phát hiện tiếng nổ đầu nòng súng. Phải mai phục nhiều ngày mới diệt được một tên địch, khó gây áp lực để chúng phải rút. Cái khó ló cái khôn. Bốt Cầu Đình có lính tử vong hoặc bị thương Chi khu Trúc Giang phải điều quân vô lấy xác, chuyển thương.

Phương án 2 được triển khai đó là mai phục, tấn công tiêu diệt quân tiếp viện khi chúng chuyển thương từ bốt ra tới khoảng giữa lộ Ông Kế. Bằng một trái mìn định hướng DH10, "mẻ" đầu tiên  đã tiêu diệt  thêm 6 tên. Thế là chỉ trong vòng hơn một tháng với bốn lần tiếp viện chuyển thương, địch đã bị tiêu diệt trên hai chục tên lớn hơn số lính biên chế tại bốt Cầu Đình. Chịu không nổi buộc chúng phải âm thầm rút quân, bỏ bốt.

Cái tin bốt Cầu Đình bỏ chạy đã tác động tâm lý lính bốt Đại đội và bọn tề xã. Lợi dụng tình hình trên chúng ta tiến hành bước 2 phá khu gom dân, đưa bà con trở về ven đồng sinh sống. Đơn vị chúng tôi được giao trách nhiệm phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương xây dựng một cái lán rộng cả trăm mét  trên nền nhà cũ của dân tại ấp một trong vườn dừa, cách ven đồng chừng năm chục mét, cưa những cây dừa khô xếp trên các bờ mương làm ghế ngồi để đón bà con về nghe lãnh đạo địa phương thông báo tình hình và chúc Tết. 

Chương trình thứ 2 là xem biểu diễn văn nghệ do đơn vị chúng tôi đảm nhiệm với đa dạng tiết mục: đơn ca, song ca, đồng ca, múa trống… với các nhạc phẩm thịnh hành thời đó như: Xuân chiến khu, Qua sông,  Bài ca may áo, Vàm Cỏ Đông… đặc biệt là song ca nam nữ bài Trước ngày hội bắn. Anh em hóa trang y hệt một đôi trai gái người H’mông với váy xoè, khèn bè, ô xòe với sắc màu sặc sỡ. Pháo tay nổi lên khi hai "diễn viên" ra cúi chào khán giả.  Rồi tiếng vỗ tay, tiếng cười rộ lên vang vọng trong rừng dừa sau lời hát của cô gái: “Kìa ai như bóng anh chàng, ngày mai thi bắn xuống làng làm chi…” thì ra tới lúc đó mới phát hiện cô gái kia là con trai đóng giả. Cuộc liên hoan văn nghệ kéo dài tới giao thừa mà vẫn chưa hết tiết mục.

Bà con ra về với bao lời trầm trồ khen ngợi “Đã quá… lần đầu tiên được coi văn công giải phóng. Thiệt tuyệt zời! Tuyệt zời!...”.

Đêm xuân năm ấy trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với tôi tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khổng Minh Dụ

Chuyện O Thoa
Chuyện O Thoa

Làng Ngãi nằm sát bờ sông Bưởi. Lối xuống bến làng Ngãi có một cái trại. Trại theo cách gọi của dân vùng tôi là một...

Tin liên quan

Tin mới nhất