Vàng vượt 101 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư tiếc nuối vì lỡ sóng tăng

Trước đà tăng mạnh của giá vàng từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư tiếc nuối khi bỏ lỡ sóng tăng của kim loại quý này.

Nhà đầu tư tiếc nuối khi lỡ sóng tăng của vàng

Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, trong sáng ngày 31/3, giá vàng trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 101 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 99,2 - 101,5 triệu đồng, tăng 800.000 đồng một lượng so với cuối tuần. Với vàng nhẫn trơn, SJC niêm yết 99,3 - 101,6 triệu đồng một lượng, cao hơn 400.000-600.000 đồng một lượng so với cuối tuần.

Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng tăng mạnh giá vàng trong sáng 31/3, trong đó Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nâng giá vàng nhẫn lên 99,2 - 101,5 triệu đồng. Còn tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn trơn lên 99,3 - 101,6 triệu đồng.

So với đầu năm, mỗi lượng vàng tăng khoảng 16 triệu đồng, tương đương hiệu suất sinh lời gần 19%. Đà tăng mạnh của giá vàng từ đầu năm đến nay giúp nhiều nhà đầu tư lãi lớn. Tuy nhiên, cũng không ít người tiếc nuối khi bỏ lỡ sóng tăng của kim loại quý này.

Chị Thanh Nhàn – Hà Đông, Hà Nội chia sẻ nhìn đà tăng mạnh của giá vàng từ đầu năm đến nay bản thân có chút tiếc nuối khi không quyết đoán xuống tiền mua vàng.

Chị Nhàn cho biết đầu năm 2025 có khoản tiền nhàn rỗi hơn 200 triệu đồng, cũng loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư để sinh lời. Bà mẹ 8X cho biết thời điểm đó giá vàng đang giao dịch quanh ngưỡng 86-87 triệu đồng/lượng (giá bán ra), tuy nhiên do e ngại giá vàng sẽ biến động mạnh sau khi đã tăng nóng trong thời gian trước đó nên chị bỏ qua mua vàng và quyết định xuống tiền mua lô đất nền tại Hòa Bình với giá 150 triệu đồng, còn 50 triệu đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi suất 3,5%/năm.

Vàng vượt 101 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư tiếc nuối vì lỡ sóng tăng - 1

Chị Nhàn cho biết vẫn ám ảnh với 2 lần mua vàng và đều bị lỗ trong quá khứ

Theo chị Nhàn, một trong những lý do khiến bản thân không đầu tư vào vàng thời gian qua một phần là do những ám ảnh bởi những lần thua lỗ khi mua vàng trước đó.

Bà mẹ 8X cho biết, trước đây đã hai lần mua vàng tích lũy và đầu tư nhưng cả hai lần đều lỗ. Trong đó, lần đầu mua vàng tích lũy là vào năm 2012 khi giá quanh ngưỡng 41-42 triệu đồng/lượng, tuy nhiên sang năm 2015 khi cần tiền trả nợ mua đất làm nhà 2 lượng vàng chị mua trước đó chỉ bán được với giá 32 triệu đồng/lượng.

Tháng 8/2022, một lần nữa chị vay ngân hàng 150 triệu đồng mua vàng nhẫn quanh mức giá 56-57 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên hơn nửa năm sau đó cần tiền trả nợ cũng bán vàng lỗ nhẹ ở vùng giá 55-56 triệu đồng/lượng.

“Giá vàng tăng mạnh thời gian qua cũng có chút tiếc nuối vì đã bỏ lỡ sóng tăng mạnh của kim loại quý này. Tuy nhiên, sau hai lần đầu tư vàng đều bị lỗ nên hình thành tâm lý e ngại. Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng lô đất nền ở tỉnh của mình có thể tăng giá trong dài hạn. Đây coi như một khoản tích lũy về lâu dài”, chị Nhàn chia sẻ.

Tương tự, chị Thúy Mai (Thanh Xuân – Hà Nội), cũng đang tiếc nuối khi bỏ lỡ sóng tăng của vàng từ đầu năm 2025 đến nay. Chị chia sẻ: “Tôi tích lũy được hơn 200 triệu đồng sau nhiều năm, giờ vàng tăng lên cả trăm triệu đồng mỗi lượng, mua vào sợ không còn tăng nhiều, vàng lại không sinh lãi. Bất động sản thì khó với tới, còn gửi ngân hàng thì lãi cũng chẳng bao nhiêu”.

Nhiều rủi ro khi đầu tư vào vàng

Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước thời gian gần đây tăng nóng một phần do giá vàng thế giới tăng, nhưng phần khác do nguồn cung hạn chế làm nóng thêm sức cầu và tăng giá mạnh.

Trước việc giá vàng vượt mốc 100 triệu đồng/lượng, nhiều chuyên gia nhận định đầu tư vàng thời điểm này đối diện nhiều rủi ro.

Vàng vượt 101 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư tiếc nuối vì lỡ sóng tăng - 2

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên chỉ nên đầu tư vàng với một tỷ lệ nhỏ trong danh mục

Dù là kênh đầu tư truyền thống nhưng vàng đang dần suy giảm sức hút do giá tăng quá nhanh trong năm 2024 và đầu năm 2025. Sau khi tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2025, các dự báo cho thấy giá vàng có thể chững lại hoặc có những đợt điều chỉnh nếu căng thẳng địa chính trị suy giảm. Lựa chọn đầu tư vàng có thể không sinh lời cao. Đây được xem là tài sản phòng thủ, với một tỷ lệ nhỏ trong danh mục đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu cho biết tâm lý của người dân luôn xem vàng như là một loại tiết kiệm tích lũy trong mọi thời kỳ.

Đối với rất nhiều người, họ không có bảo hiểm nhân thọ và xem vàng như một loại tự bảo hiểm, tích lũy vàng phòng khi đau ốm, bệnh tật hoặc muốn để lại tài sản thừa kế cho con cái… Do đó, những người mua tích lũy trước đây hiện đang có mức lãi từ vàng rất tốt.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đánh giá thị trường vàng trong nước hiện nay rất rủi ro và nhiều biến động. Do đó, việc đầu tư theo kiểu ăn xổi lướt sóng rất nguy hiểm vì thị trường vàng biến động khó lường. Khi giá vàng lên cao sẽ có hiện tượng các nhà đầu tư bán vàng ra chốt lời và từ đó đẩy giá vàng xuống.

Và đặc biệt không nên vay tiền để đầu tư vàng vì dễ bị thiệt hại về tài sản. Bởi đầu tư vào vàng một cách an toàn cần phải theo dõi thị trường vàng thường xuyên, cả thị trường vàng trong nước cũng như thị trường thế giới.

Nam Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ghi chép đọc thành vần

Ghi chép đọc thành vần

Trong đời, chắc hẳn với mỗi chúng ta đều có những chuyến đi đáng nhớ. Nhưng với riêng tôi, chuyến thăm Trường Sa không dễ gì có đã trở thành một kỷ niệm mang ấn tượng đặc biệt mãi mãi không phai. Từ trang sổ tay ghi chép hàng ngày, xin nhớ lại những gì mình từng được may mắn trải nghiệm nhân tiết Xuân về nơi đảo xa.

Khởi động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản 2025

Khởi động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản 2025

Nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, cuộc sống con người Việt Nam, đặc biệt là các di sản của Việt Nam đã được quốc tế công nhận, tạp chí Heritage của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục tổ chức “Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản 2025”.