Nhớ nhà văn Mạc Phi

Mạc Phi dám từ bỏ phố phường Hà Nội phồn hoa lên miền Tây Bắc vời vợi nghìn trùng, học tiếng Thái, lấy một cô gái Thái, làm cho độc giả cả nước biết đến dân tộc Thái có những áng thơ tuyệt diệu như “Xống chụ xon xao” và khẳng định vị trí sừng sững trên văn đàn của mình bằng “Rừng động”.

Chưa bao giờ tôi có dịp hỏi vì sao ông lại lấy bút danh là Mạc Phi. Có lần, trong lúc cao hứng, anh em Hội Văn nghệ Sơn La chúng tôi ngồi đoán mò ý nghĩa bút danh của nhà văn. Ông gốc người Hoa, nên bút danh ấy ắt hẳn phải là từ Hán Việt. Trong từ vựng Hán Việt có 25 chữ Mạc và 45 chữ Phi, cùng âm đọc nhưng ý nghĩa rất khác nhau, không biết ông chọn chữ nào để đặt bút danh. Chúng tôi chọn mò xem chữ nào hợp với ông hơn.

Nhớ nhà văn Mạc Phi - 1

Nhà văn Mạc Phi 

Mạc Phi, hai từ đều có nghĩa là “không”, “đừng”, “chớ” hoặc “chẳng”... Phải chăng ông lấy tên Mạc Phi (không không) bắt nguồn từ quan niệm "sắc sắc không không" của nhà Phật? Nhà thơ Xuân Đài lúc ấy đã dịch đùa tên ông thành “chẳng chẳng”.

Trong tiếng Hán còn có từ “Mạc” nữa, mang ý nghĩa mênh mông (sa mạc - bãi cát mênh mông). Còn một từ “Phi” nghĩa là “bay”. Mạc Phi là bay giữa mênh mông chăng? Có lẽ không phải. “Mạc mạc” lại là “im lặng”... Phải chăng Mạc Phi muốn ví mình là người “lặng im không nói”? Có lẽ “không không” và “lặng im không nói” phù hợp với tính cách của ông hơn. Sinh thời, ông nói nhiều bằng ánh mắt. Ánh mắt tinh nghịch, hóm hỉnh và nhân hậu. Trước mắt tôi, giờ đây, ông hiện lên với vóc dáng cao gầy, lịch lãm, hào hoa, nét miệng luôn cười tủm tỉm, giọng nói điềm đạm, nhẹ nhàng. Dưới cằm ông có một nốt ruồi to, đen. Chúng tôi vẫn bảo nhau đó là nốt ruồi “Mao Trạch Đông”.

Đọc bài thơ cuối cùng ông viết trước khi từ giã cõi đời 7 ngày (viết ngày 12/5/1996), càng thấy suy luận của chúng tôi ngày ấy về bút danh của ông là có lý:

Nghiệp chướng theo nhau mãi mãi rồi

Tử sinh cùng một nhẽ đó thôi

Sắc sắc đó mà không không đó

Đầy trời hoa nở, lá thơm rơi

(Vô đề)

Cuộc đời Mạc Phi là một chiếc “Lá Thơm”. Nhà văn Sơn Tùng bảo “Lá Thơm rơi về cội. Hương Mạc Phi vẫn còn thơm mãi ở Cây Đời”.

Tôi ít được gặp gỡ nhà văn Mạc Phi. Nhà ông ở tận thị xã Lai Châu, tôi ở Sơn La. Lúc gặp ông, ông đã ngoài 50 và là nhà văn đã lừng danh. Còn tôi, mới chỉ là anh chàng sinh viên mới ra trường, in được vài bài thơ và đang tập tọng viết văn xuôi. Tôi coi ông như một người thầy. Tình yêu văn học dân gian Thái trong tôi được hình thành có phần đóng góp vô hình qua bản dịch Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) tuyệt vời của ông. 

Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, khi dạy chương Văn học miền núi, tôi tự chọn Xống chụ xon xao để giảng. Tôi học tiếng Thái qua bản dịch của ông, đối chiếu với bản tiếng Thái La tinh (cũng do ông phiên âm) với niềm say mê hứng khởi. Rừng động của ông, tôi cũng đọc với tâm thế say mê ấy. Văn ông viết như thơ. Không sống thấm đẫm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng vùng Tây Bắc, trong những đêm sinh hoạt dân ca Thái và H’Mông, không am hiểu tường tận ngôn ngữ, tâm hồn, tính cách người miền núi, không thể có Rừng động tuyệt vời đến thế.

Yêu và lấy một cô gái Thái, ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời với núi rừng Tây Bắc. Có lần ông kể với tôi, khi viết thư cho người yêu (bà Nhụt - vợ ông), ông đã viết bằng chữ Thái. Sau Tiễn dặn người yêu (1961), ông còn dịch các truyện thơ và dân ca Thái như Chàng Lú và Nàng Uả (1964), Dân ca Thái (1979), dịch và giới thiệu truyện thơ dân tộc H’Mông Tiếng hát làm dâu (1963)…

Nhớ nhà văn Mạc Phi - 2

Tranh minh họa tác phẩm "Tiễn dặn người yêu". Nguồn ảnh: Internet

Tháng 3/1984, tôi lên công tác Lai Châu, Phương Liên Hà Dũng Tiến dẫn tôi đến thăm ông. Hình như giữa ông và chúng tôi không hề có sự cách biệt, mặc dù ông là nhà văn tên tuổi. Ông trò chuyện thân tình, giản dị, khiêm nhường. Khi hoàn thành đợt nghiên cứu văn học dân gian dân tộc Mảng ở huyện Sìn Hồ trở về, tôi lại ghé thăm ông lần nữa, đưa cho ông mấy bài thơ vừa viết trong chuyến đi thực tế. Ông tiễn tôi ra tận bến xe thị xã. Tháng 3, gió Lào nóng bỏng. Bến xe nhếch nhác, người ta xếp hàng rồng rắn, chen huých nhau mua vé. Tôi có giấy ưu tiên, mua được ngay. Một chị phụ nữ bế con nằm chầu chực đã hai ngày ở trên ghế gỗ ngoài bến, vẫn không mua được. Nỗi bực tức chị trút hết vào đứa trẻ. Chị đánh con. Đứa bé khóc váng cả bến xe. Rồi chị cũng khóc, kể lể nỗi niềm. Đang trò chuyện với tôi, chợt ông im lặng, mắt đau đáu nỗi buồn. Ánh mắt của một người nhìn thập loại chúng sinh đau khổ, mà bất lực không thể nào cứu giúp. Cho đến giờ, ánh mắt ấy còn ám ảnh mãi trong tôi…

Từ Lai Châu, ông gửi cho tôi số Tạp chí Văn nghệ mới nhất có in hai bài thơ của tôi kèm theo một lá thư. Ông bảo bài Trận đấu không khán giả của tôi, ông đã cắt đi một chỗ thừa. Bị cắt thơ, không những tôi không bực, mà còn chắp tay bái phục ông. Mạc Phi khen thơ tôi cấu tứ chặt chẽ, chất tình nồng hậu. Ông nhắc tôi thường xuyên gửi bài cho Văn nghệ Lai Châu. Việc trao đổi thư từ với các cộng tác viên thường do anh em trong ban biên tập, trị sự đảm nhiệm. Một nhà văn lớn như ông dành thời giờ viết thư động viên khiến tôi phấn khởi vì sự ưu ái của ông. 

Cuối năm 1984, với cương vị Chủ tịch Hội Văn nghệ Lai Châu, ông dẫn đoàn đại biểu xuống dự Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Sơn La. Chuyến đi ấy, niềm vui của ông được nhân đôi. Đại hội vừa khai mạc thì tiểu thuyết Rừng động của ông được tái bản. Quốc doanh phát hành sách Sơn La mang sách đến bán ngay trước Hội trường Tỉnh ủy phục vụ Đại hội. Nhà văn bỏ tiền ra mua đứa con tinh thần của mình. Đứng chọn sách cùng ông, tôi thấy ánh mắt ông ánh lên niềm vui, khó diễn tả thành lời. Buổi tối, trong nhà khách của Ủy ban nhân dân tỉnh, bọn trẻ chúng tôi quây quần nghe ông tâm sự quá trình thai nghén Rừng động của mình. Đề tài đã ấp ủ từ lâu, nhưng về Hà Nội đã bốn năm, không thể nào viết nổi, ông lại xin Hội Nhà văn cho trở về Tây Bắc (1972). Được tắm mình trong cảnh vật, con người, quê hương ruột thịt thứ hai của mình, ông đã hoàn thành Rừng động. Đó là đứa con tinh thần lớn nhất, chứa đựng tất cả sức lực, tinh hoa của đời ông. Ông kể một cách giản dị, không một lời giáo huấn về nghề nhưng để lại trong tôi niềm cảm phục một nhà văn sinh tử vì nghề, tất cả phụng sự cho nghệ thuật. Mạc Phi dám từ bỏ phố phường Hà Nội phồn hoa lên miền Tây Bắc vời vợi nghìn trùng, học tiếng Thái, lấy một cô gái Thái, làm cho độc giả cả nước biết đến dân tộc Thái có những áng thơ tuyệt diệu và khẳng định vị trí sừng sững trên văn đàn của mình bằng Rừng động. Mỗi nhà văn phải có một quê hương. Quê hương ấy sẽ nuôi dưỡng tâm hồn anh, vun đắp tài năng của anh. Bài học ấy tôi không đọc được từ trong sách, mà bằng chính cuộc đời sống động của Mạc Phi. 

Mạc Phi còn truyền cho chúng tôi nhiều bài học trong chuyện bếp núc của văn chương. Khi Hội Nhà văn Việt Nam mở trại sáng tác cho anh em viết sáu tỉnh biên giới phía Bắc đầu năm 1985 tại Mộc Châu, ông và nhà văn Hoàng Thao đứng ra phụ trách. Cùng với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn Nguyễn Thành Long, nhà thơ Hữu Thỉnh, Ngô Văn Phú... ông tham gia giảng bài và trực tiếp giúp chúng tôi hoàn thành bản thảo. Tình yêu của Vạt là truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng trên báo Văn nghệ tháng 8-1985, thấm đẫm chất thơ, cũng bởi nhờ nghiên cứu văn học dân gian Thái, và cũng bởi ảnh hưởng chất văn của hai người thầy mà tôi hằng ngưỡng mộ: Mạc Phi và Nguyễn Thành Long. Lúc ấy, tôi đã mơ mình sẽ trở thành Mạc Phi thứ hai của núi rừng Tây Bắc.

***

Sau Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Sơn La, tôi theo nhà văn Mạc Phi cùng các nhà thơ Cầm Biêu, Lò Văn Cậy, Vương Trung về bản Bon Phặng (Thuận Châu) dự lễ cưới của đôi vợ chồng người Thái. Bố mẹ họ là những người quen thân của các ông ngày trước. Đi theo các bậc trưởng lão của làng văn Tây Bắc, tôi, chàng trai trẻ, nghiễm nhiên được xếp vào vị trí danh dự.

Tiệc cưới đã bước vào Hát đối. Tôi không biết hát, chỉ ngồi nghe. Mà nghe cũng chưa thủng lắm. Một người đàn ông từ mâm rượu giữa sàn bước đến hát "chào khách". Cánh nhà văn thoáng giật mình. Mạc Phi nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, biết tôi chưa hiểu, ông liền dịch nhỏ:

Họ hát thế này:

Bấy lâu chẳng thấy rồng đến chơi nhà

Chẳng biết nên chào hay nên trốn?

Chào không được, trốn cũng không xong.

Tôi thắc mắc:

- Sao họ hát "ác" thế?

- Họ hát trách đấy. Nhưng trách yêu thôi. Ông bảo - trong dân ca Thái có loại hát gọi là Tản chụ xiết xương. Dịch là Tiếng hát tâm tình cũng chưa lột tả hết được. "Xiết" nghĩa là nói móc, nói cạnh khóe... "Xiết xương": vừa yêu thương, vừa cạnh khóe trách móc. Họ trách chúng tôi đã quên họ. Hồi chiến tranh chống Mỹ, các cơ quan của Khu tự trị sơ tán về đây. Họ cùng chúng tôi chia ngọt sẻ bùi, cùng ăn củ mài, măng đắng. Hòa bình đã hơn chục năm rồi. Vậy mà...

Ông bỏ giữa chừng câu nói. Nhưng tôi hiểu. Cuộc sống hàng ngày có bao nhiêu việc cuốn hút ta. Có lúc nào ta chợt nhớ tới người quen cũ? Hay bớt chút thời gian trở lại thăm những người đã từng cưu mang đùm bọc ta thời gian khổ? Ta nợ ơn nợ nghĩa trong đời nhiều lắm, biết bao giờ trả được?

Hát trách thế thôi. Đồng bào Thái hồn nhiên, hiếu khách. Họ có đòi đền ơn đâu. Khách đến chơi nhà, mừng lắm, hát "ác" làm gì? Hát trách, tỏ vẻ giận hờn tí chút để bộc lộ yêu thương, nhớ nhung. Với tài ứng đối lão luyện, nhà thơ Cầm Biêu, Lò Văn Cậy đã chinh phục mọi người bằng lời "khắp" (hát). Họ ôn lại những ngày cùng nhau gian khổ, đằm thắm nghĩa tình. Mọi người trong tiệc cưới cùng hát đệm "Hà ôi...". vào cuối những lời ca của nhà thơ Lò Văn Cậy, Cầm Biêu. Rồi chủ khách cùng nâng chén uống rượu mừng nhau. 

Mạc Phi không hát. Ông chỉ ngồi nghe. Tưởng như ông đang chìm đắm vào một cõi xa xôi nào đó. Cũng có thể lúc ấy ông thả hồn theo lời hát, hay suy tưởng về những ngày trai trẻ đi sưu tầm dân ca Thái bên bếp lửa nhà sàn. Không có những buổi sinh hoạt "hát thơ", có lẽ đời sống văn hóa tinh thần của người miền núi sẽ nghèo nàn, buồn tẻ biết bao.

Rồi tôi mời ông rẽ vào trường Cao đẳng Sư phạm của tôi nghỉ lại, lấy sức mai vượt dãy Pha Đin. Nào ông có được nghỉ ngơi. Nghe tin ông đến, anh em trong tổ Văn của tôi kéo đến tiếp ông. Khách đến nhà, dứt khoát phải mở tiệc rượu đón mừng. Mấy ngày ròng rã dự hội nghị, lại rượu trong tiệc cưới, vậy mà ông vẫn khỏe khoắn, tỉnh táo trò chuyện với anh em giáo viên văn trường tôi tới tận khuya. Ông uống không nhiều. Chúng tôi cũng không dám ép như cánh trẻ vẫn chuốc nhau. Ông uống chầm chậm như để thưởng thức mùi hương dìu dịu của rượu nếp, thứ rượu mà nhà tôi thường tự tay nấu lấy để tiếp khách

Ông biết dụng người tài, cá tính của từng người, ông chấp nhận. Các anh Nam Sơn, Tri Tâm, Cảnh Luận, Thạch Linh, Phương Liên... may mắn hơn tôi, được ở gần ông, được chỉ bảo từ chuyện viết lách, đến công tác biên tập, in ấn, phát hành... Phương Liên ngông nghênh ở đâu không biết, chứ với Mạc Phi, lúc nào cũng kính cẩn thưa thầy. Không phải chỉ vì ông có công "cứu nguy" cho Phương Liên, mà là vì thực sự ông là thầy của chúng tôi cả nghề văn, cả về nhân cách. Đã đến lúc có thể khẳng định, ông là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại.

* * *

Trước khi sang Nga du học, tôi tìm đến xóm Hồng, xã Khương Đình thăm ông. Năm 1988, ông đã về Hà Nội, Gia đình ông đã có được ngôi nhà xây có gác hai nho nhỏ, nhưng chắc đời sống vẫn còn chật vật. Bác gái vẫn phải quấn thuốc lá để thêm thu nhập. Tôi có thủ theo người một bao Bông Sen định để mời ông, thì ông lại mời tôi thuốc cuốn, ông bảo đậm hơn. Ông quen hút loại thuốc "của nhà trồng được". Tôi nhớ hồi ở Tây Bắc, những lần đi công tác, trong túi ông luôn có loại thuốc này. Hút điếu nào quấn điếu ấy, có cái thú riêng khi vê vê điếu thuốc. Giữa chiều hè Hà Nội, chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm Tây Bắc. Nơi ấy ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời. Còn tôi cũng đã gửi cả tuổi thanh xuân của mình.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện, bác gái lặng lẽ đun nước pha trà, xong rồi lại lặng lẽ ngồi quấn thuốc. Đó là nếp quen điển hình của người phụ nữ dân tộc Thái: Kính trọng chồng, lặng lẽ phục vụ chồng và khách của chồng. Nhìn bác gái, trong tôi dấy lên niềm thương cảm: Liệu bác có quen được đời sống thị thành? Ngay như tôi là người miền xuôi, lên công tác Tây Bắc, mỗi năm về phép một lần, xe cứ về đến thị xã Hà Đông là đã thấy bức bối trong người bởi tiếng ồn xe cộ, bởi phố phường chật chội. Còn bác gái, cả đời quen với núi rừng yên tĩnh, sống với ban mai sông suối trong lành, gần gũi họ hàng ruột thịt nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, giờ về Hà Nội, chắc là khó hợp. Có lẽ vì thế mà nhà văn chọn xóm Hồng, gần đồng ruộng để làm nhà, tránh cho bà khỏi sự căng thẳng náo động của đời sống thị thành.

Người đàn bà ấy suốt đời chăm chút cho nhà văn dồn tâm huyết làm nghệ thuật. Những trang thơ trữ tình Xống chụ xon xao chắc rằng có phần công sức không nhỏ của bà, giúp ông hiểu cặn kẽ những sắc thái uyển chuyển, sâu sắc của câu thơ. Tôi gọi bà bằng "Ếm pả" (bác gái), thỉnh thoảng quay sang hỏi chuyện bà bằng tiếng Thái, để gợi nhớ về quê hương Tây Bắc.

Đọc báo Văn nghệ từ trong nước gửi sang, tôi biết ông đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi ân hận chưa thực hiện được ước mơ trở thành Mạc Phi thứ hai của núi rừng Tây Bắc. Số phận đã đưa tôi sang bước ngoặt. Xa đất nước, những công trình nghiên cứu văn học dân gian Thái của tôi còn bỏ dở. Cuốn tiểu thuyết về mảnh đất con người Tây Bắc mới chỉ dừng trong ý tưởng. Nhưng cuộc đời hi sinh vì nghệ thuật, lòng nhân ái cao thượng của người thầy sẽ mãi mãi là tấm gương cho tôi trong cuộc đời cầm bút. 

Nhà văn Mạc Phi (18/8/2028 – 19/5/1996) tên thật là Lưu Huy Hòa.Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 với các tác phẩm tập Truyện bản Mường và tiểu thuyết Rừng động 2 tập. 

Châu Hồng Thủy

Chuyện O Thoa
Chuyện O Thoa

Làng Ngãi nằm sát bờ sông Bưởi. Lối xuống bến làng Ngãi có một cái trại. Trại theo cách gọi của dân vùng tôi là một...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ghi chép đọc thành vần

Ghi chép đọc thành vần

Trong đời, chắc hẳn với mỗi chúng ta đều có những chuyến đi đáng nhớ. Nhưng với riêng tôi, chuyến thăm Trường Sa không dễ gì có đã trở thành một kỷ niệm mang ấn tượng đặc biệt mãi mãi không phai. Từ trang sổ tay ghi chép hàng ngày, xin nhớ lại những gì mình từng được may mắn trải nghiệm nhân tiết Xuân về nơi đảo xa.

Khởi động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản 2025

Khởi động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản 2025

Nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, cuộc sống con người Việt Nam, đặc biệt là các di sản của Việt Nam đã được quốc tế công nhận, tạp chí Heritage của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục tổ chức “Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình Di sản 2025”.