Chuyện O Thoa
Làng Ngãi nằm sát bờ sông Bưởi. Lối xuống bến làng Ngãi có một cái trại. Trại theo cách gọi của dân vùng tôi là một cái làng của các cụ miền Nam tập kết.
Mãi tận sau này vô nghề báo, tôi mới biết được tại sao lại có cái làng tập kết như thế? Xin trưng ra một văn bản mà tôi tầm được. Nó như này (Xin trích):
Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1956
Số: 13-NĐ
Nghị định Thành lập Trại An Dưỡng trực thuộc Bộ Cứu tế Xã hội
… Căn cứ tình hình hiện nay, trong số anh chị em miền Nam ra tập kết, có một số các cụ của gia đình cán bộ, gia đình liệt sĩ và một số cán bộ đã già yếu hay mất sức lao động không thể tham gia công tác được nữa.
Các cụ, cán bộ nói trên là những người ít nhiều có công với cách mạng. Vì vậy tổ chức Khu An Dưỡng để chăm sóc về vật chất tinh thần, làm cho các cụ, anh chị em yên tâm nghỉ ngơi an dưỡng, đồng thời cũng để động viên các cán bộ miền Nam ra tập kết công tác nhất là những cán bộ có cha mẹ, anh chị em ở Khu An Dưỡng càng yên tâm phấn khởi hơn và thấy rõ sự săn sóc ân cần của Đảng và Chính phủ.
Kèm theo là một lô xích xông các điều khoản quy chế, cách thức tổ chức, chế độ mà các thành viên của Trại được hưởng.
v.v…
Làng tập kết gồm sáu dãy nhà xây theo kiểu cấp 4. Nhưng chỉ tranh tre nứa lá. Mỗi dãy như thế có mười phòng tức là mười gian. Mỗi gian chừng hai chục mét vuông. Mỗi cụ một gian. Nhưng ở không hết. Chỉ chừng năm, sáu cụ mỗi dãy. Khoảng cách giữa các dãy là khoảng đất trống. Chẳng bao lâu đã rậm rịt xanh rì rau màu, chuối na các cụ trồng.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi.
Kêu là các cụ, nhưng người cao tuổi nhất là bác Sáu Lèo, người Mỹ Tho hồi đó 55 tuổi. Còn lại tầm trên 50. Nhưng hầu hết ốm yếu, tong teo. Người nào cũng đeo vài thứ bệnh. Nhưng chỉ là thứ bệnh nhẹ, những ca nặng thì đi các khu an dưỡng ngoài Hà Nội Hải Phòng hoặc Sầm Sơn để điều trị.
Quây tụ đến đây là người của các đơn vị bộ đội dân chính miền Nam tập kết. Thoạt đầu có nhiều cụ người Bình Trị Thiên, Khu V… Nhưng sau đó cả khu trại rộng thênh này chỉ còn các cụ người Nam Bộ. Mãi sau này mới biết cái duyên do là tuổi già thường khó tánh. Người Nam Bộ ở với nhau hạp hơn?
Mãi sau này, cái câu không biết tác giả là ai “Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già tới rồi…” cứ ám vào tôi mỗi khi nghĩ đến cái làng Tập Kết? “Việc đi mãi” là thời gian cứ vùn vụt trôi. Mà chuyện Tổng tuyển cử cứ vời vợi, thăm thẳm. Trong số các cụ, chắc ai cũng có động thái khi từ biệt người thân trong thời điểm tập kết ấy đều giơ hai ngón tay ra. Hai ngón tay là hai năm. Chỉ hai năm thôi là đến thời điểm tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hai năm đã qua lâu rồi. Lại tiếp nhiều năm qua nữa. Cái làng Tập Kết ấy vốn u tịch lại thêm quạnh quẽ. Bên nghĩa địa làng Ngãi, người ta đã có một khu đất riêng sát chân núi. Hồi tôi rời quê đi việc mới có mấy năm đã có vài nấm mộ mới. Mộ của người làng Tập Kết!
*
Gần làng Tập Kết là nhà o Thoa. O lấy chồng người làng Ngãi. Làng Ngãi cách làng tôi chỉ hơn 2 cây số. O Thoa người con cón nhỏ nhắn. Tính tình lại mau mắn xởi lởi nên khi lấy chồng, o vốn thân thiết với lũ trẻ con khắp làng nên đứa mô cũng mến nhớ O. O Thoa lấy chồng đâu chỉ được hơn một tuần thì hượng Thân, chồng o Thoa vô bộ đội rồi lên đường đi B.
Thỉnh thoảng, tôi và đám bạn cùng trật tuổi vẫn rủ nhau qua nhà o.
Nhà o ở thèo đảnh mé đồi nhưng gọn gàng sạch sẽ. May có thằng Sơn em trai dượng Thân cùng tuổi với tôi ông bà cho ra ở cùng. Sơn học lớp 6 rất khá toán nhưng kém văn. O nài nỉ biểu tôi thỉnh thoảng qua nhà kèm thêm cho nó.
Có bữa qua nhà, không thấy Sơn đâu, hỏi thì o thốt như rên “Trời ơi, hễ sểnh ra lại tót sang làng các cụ rồi!”
Làng các cụ gần như là giang sơn riêng của đám trẻ con làng Ngãi. Rồi tôi cũng được nhập bọn.
Ngó ngoài thì làng các cụ cũng tươm tươm bắt mắt. Nhưng khi theo Sơn đi vào làng vào từng nhà thì cái cảnh tuềnh toàng tạm bợ, ăn xó mó niêu của những người già độc thân.
Nhưng nào có hề chi! Thân thiết với Sơn là một cụ chừng hơn 50 một chút mà Sơn kêu là bác Năm Sánh. Bác Năm người Nam Bộ, dáng gày gò nhưng lanh lẹ, rất quý đám trẻ.
Khu trại của các cụ hấp dẫn bọn tôi lắm. Đầu tiên là cái ăn. Có bao nhiêu là cách để lấp cái dạ dày của lũ trai thau tháu luôn háu đói?
Bây giờ hơi bàng hoàng cái nỗi, những từ như “nướng trui, nướng mọi” là mãi sau này chường mặt lẫn chai mặt việc ăn nhậu Phương Nam mới hay mới nhiễm. Nhưng từ những năm xa những năm đương còn là hai miền chia cắt, bọn tôi đã tường, đã rành.
Cái thứ cóc là cậu ông Giời ai mà dám ăn? Thoạt tiên hãi lắm khi thấy bác Năm móc đất sét phủ kín con cóc còn sống rồi ném vào đống củi than đương rừng rực. Không phải một mà mấy chục con như bác biểu là nướng mọi. Tôi phải ngoảnh vội đi. Nhưng dần dà mùi thơm khủng khiếp của thứ nướng mọi đó lập tức triệu hồi các dạ dày lại.
Bọn tôi châu tuần quanh mấy tàu lá chuối tươi. Bác Năm cùng vài bác nữa cùng động thái đập nhẹ những mảnh đất sét bọc ngoài giờ đã sắt lại như sành cho tã ra. Động thái đập nó cẩn trọng lắm. Bác Năm bảo phải nhẹ phải cẩn thận vì cái gan cóc vỡ ra ăn phải thì có mà trời cứu.
Cóc chỉ lấy hai cái đùi chấm muối. Ngon không thể tả. Ngoài cóc, có thứ nướng trui, nướng mọi là thằn lằn. Chao ôi những con thằn lằn màu xanh đen ở quê tôi thuở ấy sao mà lắm!
Khó bắt. Nhưng bác Năm đã có cách. Bác khéo léo dùng nứa đan thành những cái lồng con con. Rồi bác cột mấy con châu chấu vào trong lồng. Để qua đêm. Sáng ra, lồng trĩu vài con béo lẳn. Sau này từng được nếm nhiều thứ cao lương mỹ vị nhưng cái món thằn lằn bọc đất sét nướng trui ấy cứ ám mãi?
Một dạo vùng tôi không hiểu sao phát sinh ra lắm ốc sên. Sáng ra thấy lển nghển đầy sân, vườn. Dân làng bắt bỏ vào vại nước tiểu cho thối dùng tưới rau.
Lại cũng bác Năm bày cho lấy nước vôi loãng bỏ ốc sên vào cho nhả bớt nhớt. Luộc chỉ lấy miệng ốc. Lại bóp nước vôi loãng và lá bứa cho cho sạch nhớt. Tốn công một tý nhưng xào với khế. Thứ ấy đụng miệng hơi khó dừng!
Và nhái.
Đương mùa mưa. Ếch hơi khó kiếm nhưng nhái có mà ràn rạt. Thuở ấy chưa nhiều những thứ thuốc trừ sâu như DDT, 666. Môi trường hắng còn trong veo. Một lần cùng Sơn qua trại thấy các cụ làm chả nhái. Lột da. Băm nhỏ với rau thơm với ớt. Viên bằng quả mận đem rán.
Không chỉ thơm suông mà còn đậm miệng vô cùng.
Rồi cái quả ổi xanh? Làm chi? Làm chả. Ổi xanh phải chịu khó gọt vỏ giã cho nhuyễn. Không có thịt thì thay bằng ếch nhái băm nhỏ trộn đều. Có tí bột mỳ thì tuyệt. Đem rán lên. Cả một khu trại dậy lên mùi thơm khó tả.
Bây giờ môi sinh bị tàn phá cấm có thấy cái con niềng niễng. Cuối thu đầu đông, khu đồng chiêm mênh mông làng tôi chia khoảng phân vùng cho những ai đơm trúm đó để lấy tép.
Tép thì ít nhưng có lắm lắm niềng niễng. Tả ra thì khó. Nhỉnh hơn ngón tay cái. Đen bóng. Chắc lẳn. Béo mầm. Hình như nó cùng loài với cà cuống giờ đâm tiệt chủng?
Nghe chúng tôi nói tới cái giống niềng niễng ấy, bác Năm mắt sáng lên. Rồi bác bày cho cái cách nướng niễng hoặc đem rang lên mùi thơm bay xa hàng cây số. Bùi và đậm miệng.
Mùa bọ vừng là cả một sự hân hoan.
Cữ cuối tháng 4 âm lịch. Vừng sắp thu hoạch thì ở đâu cơ man nào là giống bọ vừng nần nẫn nhỉnh hơn đầu đũa túa về bám đen đặc, lúc lỉu trên những nhánh vừng.
Đêm xuống. Lũ chúng tôi theo chân bác Năm lần nhẹ ra ruộng. Khẽ lấy tay tuốt nhẹ. Cứ là hàng vốc. Đem rang cái thứ trời cho ấy lên. Ai đã từng nếm hẳn giờ lại than bao giờ cho đến ngày xưa? Mà lạ giống ấy giờ cùng bặt hẳn?
Một thứ nữa cùng tiệt nòi là cái con đam mồi. Đam mồi, tiếng vùng tôi chỉ cái giống cua nhỏ hơn cua biển, to gấp đôi gấp ba cua đồng. Giống ấy màu trắng hoặc sắc đỏ. Cứ mùa mưa lại thấy lấp ló ở các cống rãnh.
Người vùng tôi kỵ bảo bẩn không ăn. Nhưng thấy các cụ ở làng miền Nam tập kết nướng hoặc hấp (đồ) lên ngó rất bổ béo bắt mắt thì nhiều người cũng bắt chước.
Bác Năm tháo vát khéo tay không chỉ mang lại niềm vui bất ngờ cho lũ chúng tôi khỏa lấp cái dạ dày trống rỗng, háu đói kinh niên.
Vùng tôi có thứ thuốc lá Sóc Sơn sợi vàng nổi tiếng. Hồi kháng chiến chống Pháp không biết nghe ai và theo đường dây nào, Ủy ban huyện đã gửi một bọc mấy ki lô gam thuốc sợi vàng ra tận chiến khu Việt Bắc để biếu Hồ Chủ tịch!
Bác Năm tỷ mẩn lấy giống thuốc lá sợi vàng ấy gieo trồng ra một thửa riêng. Bác chăm sóc trồng tỉa thu hái theo cái cách của bác. Vừa làm bác vừa rủ rỉ kể cho chúng tôi nghe hay cho O Thoa, chả biết? Rằng bác quê tận ở Sa Đéc. Miệt ấy có giống thuốc lá sợi vàng gọi là Xiêm mẳn trồng trên đất giồng phù sa của sông Tiền sông Hậu. Bác nói do chưa biết cách bón phân, cách ủ chế thuốc nên giống thuốc lá Sóc Sơn vốn nổi danh cũng chưa ngon đượm bằng thuốc Xiêm mẳn Sa Đéc.
Nghe vậy thì biết vậy.
Tôi ngoái sang o Thoa đương hờ hững khi nghe bác Năm hào hứng. Đã hơn 5 năm dượng Thân biền biệt đi B chả có tin tức gì. O Thoa người ốm tong teo, da dẻ sạm lại…
Nhưng việc thâm canh và chế biến giống thuốc lá sợi vàng Sóc Sơn theo cái cách của bác Năm Sánh đã bất ngờ giúp nhà o Thoa có thêm thu nhập. Bác Năm Sánh lại có mối cất thuốc của đám thương lái mà hồi ấy gọi là mua, bán chui.
*
Cả làng Ngãi rồi loang đến làng tôi cái tin o Thoa có mang. Không có cuộc họp hành truy tầm tác giả cái thai ấy là ai như lệ làng trước nay. Chỉ những sầm sì truyền miệng của các bà đi chợ về cái tin o Thoa ở cữ.
“Thằng cu rõ khéo khéo là…”
Rồi mọi sự cũng qua và bặt hẳn khi tin dượng Thân báo tử. Và tôi không mấy ngạc nhiên khi cha của thằng cu “rõ khéo” chính là bác Năm Sánh hào sảng của chúng tôi!
Tôi vô đại học thì thằng Sơn cũng đi bộ đội. Mấy tháng sau Sài Gòn giải phóng, về làng thì đang dậy lên cái tin bác Năm khăn gói vuột Nam. Chắc bác bỏ lại mẹ con o Thoa rồi!
Nhưng khi ấy dân làng đâu có biết, vợ chồng bác đã bàn soạn. Bác Năm vào trước xem binh tình thế nào rồi sẽ ra đón hai mẹ con.
Tôi ngó o Thoa ôm thằng cu Thái khi ấy đã gần 6 tuổi vào lòng. Không hiểu sao cặp mắt o cứ trống rỗng như ngày nào? Lại thêm cái tin thằng Sơn vô bộ đội, đi B, ít lâu rồi hy sinh.
Một dạo rõ lâu, tôi về làng thì được tin bác Năm đã ra đón mẹ con o Thoa vào. Ly kỳ hơn, lại được biết thêm trước khi tập kết bác Năm đã có vợ có con ở Sa Đéc.
May cả hai mẹ con lại lành lặn cả!
Kể cũng tài… Không hiểu bác Năm thu xếp ra sao mà hai mẹ con đã đồng ý cho chồng ra Bắc đón hai mẹ con o Thoa về Sa Đéc.
Lần ấy về quê tôi tạt qua chỗ làng Ngãi. Đã bình địa từ lâu ngôi làng Tập Kết trơ trọi khuất ở mé đồi. Những ngôi mộ của người bất đắc dĩ phải gửi nắm xương tàn nơi đất Bắc cũng đã được di dời đâu đó, chắc về quê?
…Tôi ngó lại những dòng trong cái Nghị định mà mình đã sưu tầm được.
“… Cán bộ, đồng bào miền Nam bị chết thì phải được chôn cất chu đáo. Tiêu chuẩn chôn cất gồm: 1 áo quan, 6 mét vải liệm, hương, nến, 1 vòng hoa, 1 tấm bia đá, tiền thuê người hoặc thuê xe tang (nếu ở thành phố) và một số các chi tiêu cần thiết khác.
Những khoản chi tiêu nói trên nếu anh chị em ở trong biên chế ở cơ quan xí nghiệp, công trường v.v... thì do ngân sách các nơi ấy đài thọ; nếu anh chị em tự túc ở địa phương thì do ngân sách Tỉnh, Thành phố đài thọ (mức tiêu về cứu tế xã hội).
Tài sản của cán bộ, đồng bào miền Nam chết để lại thì giao cho anh em hoặc bà con thân thuộc nhận. Nếu không có người nhận thì những vật không để lâu được như quần áo, chăn màn v.v... bán lấy tiền, còn những vật để lâu được như đồng hồ, bút máy, di chúc, vàng, nhẫn v.v... thì cùng với số tiền bạc gửi về cho Ban quan hệ Bắc - Nam trung ương quản lý để sau này giao lại cho gia đình người chết khi có hoàn cảnh.
Mồ mả của anh chị em ở địa phương nào thì do chính quyền địa phương ấy sửa sang và trông nom”
*
Tình cờ nhờ một người quen ở làng Ngãi mà tôi biết được tin tức cùng địa chỉ của bác Năm Sa Đéc.
Bao thứ mưu sinh bộn bề choán lấp. Quên thì chưa. Nhưng có phải bỗng chốc mà vuột đi được?
…Nhưng rồi tôi cũng có dịp ngồi trong một căn nhà xây cất khá khang trang ở một làng quê miệt cù lao của sông Tiền sông Hậu. Thằng cu Thái ngày nào nay đã gần 60 vậm vạp, tóc muối tiêu, chủ nhân của một vườn nhãn rộng mấy công. Thứ nhãn tiêu da bò đặc sản mỗi vụ thu khá bộn bạc. Cái gen khéo tay lam làm của bác Năm truyền cho thằng con không gây tiếp giống thuốc lá sợi vàng Xiêm mẳn nổi danh một thời mà là giống nhãn nổi tiếng của xứ Sa Đéc - Đồng Tháp.
Tôi nhẹ lòng khi thằng Thái cho hay, mấy năm trước nó đã đưa vợ cùng sắp nhỏ (3 đứa) về thăm chơi làng Ngãi.
…Theo những sải bước của ông chủ, chúng tôi cùng khựng lại trước hai ngôi mộ xây cất bề thế có mái che theo tập tục của dân Nam Bộ.
Hai ông bà theo nhau mà đi. Bác Năm Sánh mất năm 1987. O Thoa mất năm 1997.
Bác Năm, o Thoa ơi!
Tôi biết Trịnh Minh Hiếu có lẽ cũng sấp xỉ hai mươi năm, quãng thời gian đủ để hiểu một đường văn. Trong hai năm liên...
Bình luận