Bước nhảy vào xuân

Mùa xuân khiến bao người say đắm. Nhiều người ví mùa xuân như một bức tranh sơn dầu với rất nhiều màu sắc. Cuộc sống, con người và thiên nhiên đã tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống.

Vẻ đẹp và hệ thống biểu tượng phong phú của mùa xuân khi trở thành chủ đề yêu thích của hoạ sĩ trong suốt dòng chảy lịch sử và các nền văn hoá nghệ thuật. Mùa xuân mang vô vàn ý nghĩa phong phú trong thế giới nghệ thuật: sự đổi mới, tái sinh, màu mỡ, sự thuần khiết, tuổi trẻ, cái đẹp, tình yêu…

Nhưng không ai vẽ nhiều tranh mùa xuân như Monet. Ông miệt mài với cảnh sắc mùa xuân đến độ bất kỳ góc nhỏ nào của ngôi nhà và khu vườn đáng yêu của gia đình ông tại Giverny cũng đi vào tranh, rồi cả cuộc sống rộng lớn, mênh mông xung quanh đều được ông dùng cọ và màu để thể hiện. Camille Pissarro lại hứng thú với không gian mùa xuân của đại lộ Montmartre ở Paris. Ở đó, ông đã tạo nên những Montmartre bất tử với những hàng cây đã xanh lá và đám đông dạo chơi trong tiết trời ấm áp…

Bước nhảy vào xuân - 1

Bước nhảy vào xuân - Tranh của Nguyễn Hữu Song

Ngay với Vincent van Gogh, dù cuộc đời với ông bi thương là vậy nhưng ông không thể cầm lòng trước cảnh sắc mùa xuân. Không chỉ có bức Mùa xuân bên sông, những bức vẽ hoa của ông cũng tràn ngập tình yêu và hy vọng vào sự cứu rỗi khi mùa xuân đến.

Mùa xuân của Pierre Auguste Cot (họa sĩ Pháp thế kỷ XIX, theo khuynh hướng cổ điển) là một khúc ca lộng lẫy của tình yêu với đôi lứa trong cảnh sắc của thiên thai. Còn với Giuseppe Arcimboldo, họa sĩ Ý thế kỷ XVI chuyên vẽ những chân dung kết bằng hoa trái thì bức Mùa xuân của ông quả là một biểu tượng của cái đẹp vĩnh cửu.

Trong số các bức tranh vẽ mùa xuân của các tác giả Việt Nam, có lẽ tác phẩm Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của Nguyễn Gia Trí là hoành tráng và tiêu biểu nhất, đặc biệt nhất vì là một bức tranh với chất liệu sơn mài truyền thống. Loạt tranh Múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm cũng tràn ngập không khí lễ hội mùa xuân đất Bắc. Hoạ sĩ Lê Phổ với hàng trăm bức vẽ hoa xuân. Rồi hoa xuân của Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân… Riêng với hoạ sĩ Nguyễn Hữu Song (Thế Hà, 1945) thì không thể thiếu cảnh sắc bước nhảy vào xuân. Chỉ với hình thể chấm phá đã đủ cho thấy hội hoạ xuân của tác giả thật đa nghĩa, mơ mộng, đam mê. Thấp thoáng đâu đó, có cả phong vị ký ức đã vời xa, nhưng được đánh thức sưởi ấm tâm hồn mỗi con người.

Bước nhảy vào xuân - 2

Vọng mãi lời ru - Tranh của Nguyễn Hữu Song

Với hình hài đẹp, màu sắc sôi động tươi mới, nội dung truyền cảm hứng từ mùa xuân làm mạch nguồn tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Hữu Song (Thế Hà) mang tới sự khác biệt, có sức lôi cuốn riêng cho những nỗ lực của ông, nhiều cảm xúc với sự hòa quyện giữa phong cách và nghệ thuật. 

Hạnh phúc ngọt ngào cũng bắt đầu từ đây. Không khí xuân tràn về khiến mọi vật xung quanh và tư duy của nghệ sĩ như bừng tỉnh. Tác giả không bỏ qua cơ hội được đi dạo trên những con phố, miền quê với sắc hoa tràn ngập khắp lối trên những tác phẩm mang hơi thở của mùa xuân về. Dẫu bao mùa xuân đã qua, mảnh đất Quảng Trị đã trải qua nhiều thay đổi thì cảm xúc mùa xuân và cảm hứng hội hoạ Nguyễn Hữu Song (Thế Hà) vẫn vẹn nguyên. Những tác phẩm của ông chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới, tươi tắn, rạng ngời, xao xuyến.

Cảm hứng xuân của tác giả chủ trương thoát khỏi sự ràng buộc của hình hài, tự do biểu đạt ý niệm, giải phóng tư tưởng. Thực ra yếu tố trừu tượng trong tác phẩm của ông phân thành nhiều khuynh hướng, đôi lúc không còn tồn tại các hình thức kiểu chủ nghĩa hiện thực, mà xuất hiện phong cách cá nhân vô cùng đa dạng. Các tác phẩm nghệ thuật đương đại của ông cũng thách thức sự cảm thụ thẩm mỹ của nhiều người xem. Nó đòi hỏi người xem phải có một trình độ văn hóa, hiểu biết và kinh nghiệm nhất định.

Bước nhảy vào xuân - 3

Cung đàn mùa xuân - Tranh của Nguyễn Hữu Song

Quan niệm về nghệ thuật cũng như cái đẹp của hoạ sĩ đã thay đổi nhiều, mục đích của ông không chỉ đơn thuần là mô tả và ca ngợi cái đẹp, mà nghệ thuật cần quên đi ham muốn phân tích, biện luận, để cho tâm trí được thả lỏng, tự do, giống người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, họ phải tập trung cao độ, không để tâm đến những điều khác, dù chỉ là thoáng qua, nếu không sẽ mất thăng bằng và ngã xuống đất. Vì vậy, vô thức là nguồn gốc của ý thức và nghệ thuật. 

Hội hoạ Nguyễn Hữu Song (Thế Hà) bao giờ cũng phải bắt đầu bằng một cái gì đó. Bước nhảy vào xuân, Vọng mãi lời ru… có hình dung hay không có hình dung? Mọi thứ đều hiện ra dưới hình thức của một hình dạng nào đó. Ngay cả những ý tưởng siêu hình cũng có thể được diễn tả bằng những hình dạng có tính biểu trưng. Điệu nhảy vui nhộn như chuyển giao mùa thật lạ lùng. Chẳng biết từ bao giờ, cái khoảnh khắc giao mùa ấy, một chút trong trẻo, một chút bâng khuâng, một chút xao xuyến và một chút nuối tiếc mỗi khi đi qua mùa cũ. 

Bước nhảy vào xuân - 4

Xao xuyến sắc hoa - Tranh của Nguyễn Hữu Song

Cảm hứng xuân Nguyễn Hữu Song không phải là một hình thức xa lạ mà trái lại, rất gần gũi với con người. Quan niệm về cái đẹp của ông cũng rất gần với nghệ thuật phương Đông. Tranh của ông giống như một bản giao hưởng mà tất cả phải phối hợp làm một, tạo nên âm hưởng chung.

Biểu đạt mùa xuân chỉ là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng. Sáng tác có lúc như trong mơ, người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Vì thế, ngoài sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật cộng với sự thăng hoa, sáng tạo của tư tưởng, thì sự thành công của tác phẩm nhiều khi nằm ngoài sự mong muốn và cố gắng của tác giả.

Điều gì tạo nên giá trị của tác phẩm nghệ thuật? 

Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng, đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm. Bằng những sự trải nghiệm của một đời cầm cọ, ông cũng thấm thía nghệ thuật không phải chỉ là tư tưởng đơn thuần mà phải được thấm đẫm trong tình cảm của người vẽ, tư tưởng ấy phải được chuyển tải bằng tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ. Bởi xét đến cùng, thiên chức cao cả của nghệ thuật là hướng tới phục vụ đời sống con người. Hoạ sĩ khi sáng tác cảnh sắc trước xuân không thể không bộc lộ tư tưởng của riêng mình, chủ kiến của riêng mình trước những vấn đề của cuộc sống. Làm sao hội hoạ có thể thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng của mình là bồi đắp, làm giàu đời sống tinh thần của con người, nếu như người nghệ sĩ không gửi được vào tác phẩm của mình tư tưởng nào đó về cuộc sống mang hơi thở của mùa xuân?

Trịnh Hoàng Tân

Tin liên quan

Tin mới nhất