Thái Lan bị tấn công mạng nhiều nhất Đông Nam Á, gấp 4 lần Việt Nam
Hơn nửa triệu cuộc tấn công mạng nhắm vào các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á trong một năm qua.
Theo dữ liệu mới nhất của công ty an ninh mạng Kaspersky, từ tháng 1 - 12/2024, Kaspersky đã ghi nhận và ngăn chặn tổng cộng 534.759 vụ lừa đảo tài chính nhằm vào các doanh nghiệp ở Đông Nam Á. Các vụ tấn công này, với mục tiêu từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, được thực hiện chủ yếu qua email, trang web giả mạo, ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và nhiều hình thức khác.
Trong đó, Thái Lan ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính nhắm vào doanh nghiệp cao nhất trong khu vực với 247.560 vụ, tiếp theo là Indonesia với 85.908 vụ và Malaysia với 64.779 vụ. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải đối mặt với 59.450 vụ tấn công (ít hơn khoảng 4 lần so với Thái Lan), trong khi Singapore và Philippines ghi nhận số vụ ít hơn, với gần 38.000 trường hợp.
Hơn nửa triệu cuộc tấn công mạng nhắm vào các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á trong 1 năm.
Lừa đảo tài chính (Financial Phishing) là hình thức tấn công nhắm trực tiếp vào các ngân hàng, hệ thống thanh toán và nhà bán lẻ trực tuyến. Qua đó, kẻ tấn công thiết kế trang web giả mạo với giao diện mô phỏng các nền tảng thanh toán uy tín, nhằm mục đích dẫn dụ người dùng tiết lộ thông tin tài chính.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận định: “Dựa trên số lượng các vụ tấn công vào thiết bị doanh nghiệp được giải pháp của Kaspersky phát hiện, chúng tôi nhận thấy tình hình an ninh mạng tại khu vực Đông Nam Á đang ở mức đáng báo động. Với kinh tế số dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, khu vực này sẽ trở thành “điểm nóng” để tội phạm mạng tận dụng tối đa tốc độ chuyển đổi số và thực hiện các hoạt động phi pháp”.
“Sự tiến bộ vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang bị tội phạm mạng khai thác triệt để tạo ra nhiều trang web giả mạo tinh vi hơn bao giờ hết. Với số lượng lớn trang web giả mạo, nguy cơ người dùng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trở nên cao hơn, trong khi việc sử dụng AI để nhận diện và ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo vẫn gặp nhiều hạn chế”, ông Yeo cho biết thêm.
Những khuyến nghị giữ an toàn trên không gian mạng:
- Chỉ mở email và nhấp vào đường liên kết từ người gửi đáng tin cậy.
- Nếu nhận được email từ một địa chỉ hợp lệ nhưng nội dung có dấu hiệu đáng ngờ, hãy liên hệ với người gửi qua phương thức liên lạc khác để xác minh.
- Kiểm tra kỹ chính tả trong URL của trang web nếu nghi ngờ đó là trang lừa đảo. Kẻ lừa đảo thường sử dụng các ký tự gây nhầm lẫn, chẳng hạn như thay số "1" cho chữ "I" hoặc số "0" cho chữ "O".
- Sử dụng các uy tín khi truy cập Internet. Các giải pháp này có khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu toàn cầu về các mối đe dọa, giúp phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các chiến dịch lừa đảo và thư rác.
Bình luận