Khăn rằn, nét văn hóa của người miền Tây Nam Bộ
Chiếc khăn rằn với người miền Tây là một vật dụng không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày, bất kể nơi đâu. Nó gần như một “vật bất ly thân” với nhiều người, bởi công dụng của nó thì không sao kể hết. Nó phù hợp và đồng hành không chỉ với người Việt mà với người Khơ Me, và người Hoa, người Chà “cộng đồng người Chăm”. Những bà những cô, ai cũng có chiếc khăn rằn bên mình.
Khăn rằn Nam Bộ là sản phẩm gồm có ba màu, phổ biến là trắng đen, trắng xanh và trắng đỏ, những màu chủ đạo này tạo ra những họa tiết ô vuông xen kẽ theo chiều dọc, ngang trên bề mặt của khăn, bề dài mét hai, bề ngang tám tấc. Chính những họa tiết, hoa văn này đã tạo nên danh xưng là “khăn rằn” Công dụng cùng lợi ích của nó là vạn năng hữu hiệu, ngoài việc đội đầu hay choàng cổ gọi là “khăn choàng”, cũng có nơi còn gọi tên khác; hay người miền Tây còn gọi trại là “khăn chàng” cũng có vùng theo địa phương còn gọi tên khác nữa. Mặc dù nhiều tên gọi khác nhau, nhưng “khăn rằn Nam Bộ” vẫn là cái tên phổ biến nhất, với nó còn như vật trang điểm nhiệm màu. Nó có thể chấp chới bay bay giữa phố, cũng có khi phần phật giữa sông sâu, hay thấp thoáng giữa ruộng lúa, luống cày, đồng lau, bãi lác. Nhưng có lúc nó cũng trang trọng dưới ánh đèn mầu, nơi sang trọng của những cuộc thi, về nét đẹp duyên dáng!
Có dịp ghé qua nơi bến Ninh Kiều - Thành phố Cần Thơ, ta mới thấy chiếc khăn rằn hiện hữu ở khắp nơi, trên chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, cô gái đang dìu người khách xuống ghe để kịp tour đi dạo một vòng chân cầu Cần Thơ; ngồi trên mặt sông dập dềnh sóng nước, nhìn lên mới thấy hết tầm cao vời vợi, cùng sự hoành tráng của cây cầu cùng chuỗi dây văng mềm mại, nhưng cứng cáp, hiện đại đến chừng nào! Với những dòng xe luôn hối hả nối đuôi nhau qua lại. Chiếc khăn rằn trên cổ cô gái phía trước, phía sau chấp chới bay bay, theo làn gió sông chiều. một hình ảnh đầy chất văn thơ của nét đẹp chiếc khăn rằn trên vùng sông nước.
Sáng vô Chợ Nổi xuồng ghe tấp nập, mới thấy những hình ảnh sống động của ngày mới, nhộn nhịp ở bến sông. Anh lái ghe dừa, ném dừa từ dưới ghe lên bờ như biểu diễn xiếc cùng bạn hàng trên bờ đón xếp lên xe, thỉnh thoảng lại lấy chiếc khăn rằn quấn trên đầu quẹt dòng mồ hôi nhễ nhại. Cô bán sầu riêng trùm khăn rằn kín mặt, chỉ hở ra cặp mắt đen huyền, sợ cái nắng non nhuộm mất làn trắng mịn màng của da. Mấy bà bán bún, hủ tíu vừa cặm cụi tay đẩy củi vô bếp tay kia kéo khăn chặm mép, bởi nước bã trầu ướt đỏ cả hai bên. Chiếc ghe củi cùng than đước, được nhóm người vận chuyển lên dựa, trên đầu ai cũng quấn chiếc khăn rằn, để quệt mồ hôi, che cái nắng. Bên cạnh xưởng đóng xuồng ghe, các bác thợ lại thắt ngang lưng, chỉ một thoáng nơi đây đã thấy sự lan tỏa của chiếc khăn rằn đã trở nên gần gũi hơn với người lao động, ngày càng được sử dụng phổ biến ở mọi lĩnh vực, mọi lúc mọi nơi.
Ảnh minh họa.
Với những công dụng rất đỗi đời thường, cấu trúc đơn giản của những sợi vải dệt in ô vuông đen trắng, có độ dài vừa phải trùm đầu quàng vai, thấm nhanh và cũng nhanh khô, có thể xuống sông rạch thì làm khăn tắm, lên bờ rồi, quấn quanh người làm phòng thay đồ kín đáo tựa chiếc “xà rông”. Người nam giới thường quấn khăn rằn quanh trán, để khi làm việc cản mồ hôi rơi xuống mắt, người phụ nữ lại hay quàng vào cổ hai tà trước ngực để lau mồ hôi, đôi khi tà trước tà sau, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên dáng của cư dân Nam Bộ.
Vì vậy chiếc khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện ích cùng thân thiết với mọi người mọi giới. Được thể hiện trong lao động, trong chiến đấu cùng sinh hoạt hàng ngày. Trên tấm hình của hai bà nữ tướng họ nguyễn gặp nhau, bà Nguyễn Thị Bình, và bà Nguyễn Thị Định, được thể hiện rõ nét; trên cổ hai bà là chiếc khăn rằn. Trong phong trào Đồng Khởi đội quân tóc dài với chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn, đã bao phen gây khiếp đảm cho kẻ thù “áo bà ba khăn rằn tay không bắt giặc” khăn là “đồng đội” được sử dụng như một ám hiệu trong chiến đấu “phe mình”. Là kỷ vật thân thiết nhất mà đồng đội gửi trao nhau. Nó đã tôn nên vẻ đẹp, sự gần gũi thân thương, cùng nét duyên dáng trong công tác, cũng như trong chiến đấu, luôn mang theo chiếc khăn rằn, để che ánh nắng mặt trời, thấm dòng mồ hôi, chắn cơn gió lốc. Cũng có khi phải lau khô dòng nước mắt, rồi có lúc dấu nụ cười duyên… Chiếc khăn rằn đã bao hàm tất cả nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa.
Chiếc khăn rằn đã đi vào thơ ca nhạc họa, làm cảm tác cho những nhà văn, nhà thơ hoặc những câu ca dao. “Anh nhận ra rồi đây cô du kích/ Đưa đoàn quân giải phóng qua sông/ Thuyền em nhẹ lướt trong đêm tối…/ Dù rất muốn nhưng làm sao tìm được/ Nên trong anh nỗi thương nhớ khôn cùng./ Bỗng hôm nay cuộc hội ngộ vui chung/ Anh gặp lại chiếc khăn rằn thương nhớ/ Phải em không cô giao liên một thuở/ Nét duyên xưa vẫn xinh xắn dịu dàng/ Vẫn chiếc khăn rằn trên cổ vắt ngang/ Mặc cho gió cứ đùa vui thỏa thích/ Ôi cái nét vẫn hồn nhiên tinh nghịch/ Để bao người tim xao xuyến chênh chao”…
Chiếc khăn rằn cũng làm cho người mẹ rung động tâm hồn, đã dùng những câu từ mộc mạc “Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái/ Đầu thì hớt tóc tém bảy ba/ Mặc áo bà ba khăn rằn quàng cổ/ Thấy cô con gái Ba Xuyên ngồ ngộ/ Nên muốn cùng ai thổ lộ đôi lời/ Cấy cầy cực lắm em ơi/ Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no” hay “Bước lên xe đầu đội khăn rằn/ Dáng đi yểu điệu ngồi gần say mê”, “Tay bắt tay hai ngả/ Anh đưa khăn rằn cánh trả cho em nằm/ Mai sau anh về trển/ Em lót đầu nằm cho bớt nhớ thương”.
Một thứ tình cảm từ chiếc khăn rằn thân thương mộc mạc. Nhưng chứa đựng tràn trề xúc cảm riêng tư, quấn quyện cái nghĩa cái tình muốn sẻ chia gửi gắm, thay lời muốn nói hết tận tâm can. Chia tay nhau tặng khăn rằn quàng cổ. Để lúc xa thương nhớ sờ lên cổ nhớ người tặng khăn rằn.
Có bữa cơm mỗi khi nhớ lại, lại có bóng khăn rằn. Khách tới nhà chủ đon đả mời ngồi uống nước, rồi quàng khăn lên đầu xách giỏ với cần câu ra ruộng lúa sau nhà nhắp cá rô, gần tiếng đồng hồ sau xách giỏ về, tạt qua vườn hái rau đắng đất, cải trời, cùng dấp cá một nắm to. Cô con gái chèo ghe về bến, bước lên sao giống tựa thước phim đã được dàn dựng theo kịch bản. Nhễ nhại mồ hôi cùng tay trái ôm bọc bông điên điển vàng ươm, được gói trong chiếc khăn rằn quàng cổ, tay phải bó bông súng nở bông đỏ, xanh lọn trải dài óng mượt. Một bữa cơm chiều cá kho lạt, cá nấu chua, hai chén nước chấm lại khác nhau, một chén nước mắm trong nổi những lát ớt đỏ tươi chấm cá nấu bông súng bông điên điển, một chén nước cá kho chấm rau sống, nồi cơm trắng nấu khô để tỏ lòng mến khách. Ly rượu đế mềm môi để rồi lại chia tay xa cách, nhưng mỗi lần nhớ về người bạn, nhớ bữa cơm chiều. Thì lại thấy hình ảnh chiếc khăn rằn luôn hiện hữu khắp chốn vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Côn Đảo cuối tháng 5 này thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Chương...
Bình luận