Nhật ký Côn Đảo

Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Côn Đảo cuối tháng 5 này thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Chương trình của chuyến đi thực tế trong 3 ngày. Đoàn gồm 9 thành viên. 8h Chủ nhật ngày 24.5 tại Cầu Đá - biển Bãi Trước Vũng Tàu, tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 rời cầu tàu hướng ra Côn Đảo tăng dần tốc độ, vượt 97 hải lý (tương đương 178 km trên biển), lúc 12h kém 15 phút tàu cập cầu Bến Đầm - Côn Đảo an toàn.

Vì có hợp đồng trước, nên khi đoàn bước lên bờ đã có hướng dẫn viên du lịch thuộc Công ty biển Côn Đảo - Lê Văn Khánh đón lên xe 15 chỗ ngồi. Từ cảng Bến Đầm về trung tâm Côn Đảo khoảng 12km, đường đổ bê tông nhựa phẳng lì, mềm mại chạy men theo sự uốn lượn của biển và núi. Dọc đường có các loại xe ngược xuôi vui mắt. Tranh thủ thời gian ngồi trên xe, Khánh cho chúng tôi biết ngày giờ đi đến các điểm tham quan và giới thiệu sơ lược các di tích nổi bật trên đảo.

Xe đến trung tâm Côn Đảo thấy nhà cửa, khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu, cửa hàng, chợ búa đông đúc hơn chục năm về trước. Khách du lịch tấp nập.

Nhật ký Côn Đảo - 1

Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Côn Đảo cuối tháng 5/2024

Chiều ngày hôm đó, chúng tôi đến thắp hương ở An Sơn Miếu là nơi thờ bà Phi Yến (tên thật là Lê Thị Răm) – thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Theo truyền thuyết, trên đường trốn chạy quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã ra Côn Đảo vào khoảng cuối năm 1783. Để cầu viện binh Pháp, Nguyễn Ánh có ý đưa Hoàng tử Cải con mình đi cùng linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin. Bà Phi Yến biết chuyện nên đã khuyên can, vì đây là hành động cõng rắn cắn gà nhà. Nguyễn Ánh nổi giận, cho rằng bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên giam bà vào một hang đá trên một hòn đảo hoang gọi là Hòn Bà. Trong hang chỉ có ít bánh nếp và một chum nước lạnh. Nghe tin quân Tây Sơn sắp đuổi đến nơi, Nguyễn Ánh hốt hoảng xuống thuyền chạy về Phú Quốc. Hoàng tử Cải không thấy mẹ đâu, mới hay mẹ bị giam cầm nên khóc lóc thảm thiết, xin cha cho mẹ theo cùng, hoặc ở lại sống cùng mẹ. Nguyễn Ánh tức giận túm đầu đứa con, nói: “Mi muốn ở lại để trọn lòng hiếu thảo với mẹ mi, ta cho mi toại nguyện”. Vừa dứt lời là ném Hoàng tử Cải xuống biển... Số phận đã an bài cho bà Phi Yến nằm xuống tại làng An Hải, vì thế dân làng Cỏ Ống để thi hài bà lại cho dân làng An Hải lo việc an táng và lập miếu thờ, hàng năm cúng bái có sự tham gia của dân làng Cỏ Ống. Từ đó đến nay nhân dân Côn Đảo hàng năm đều tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến vào ngày 18/10 âm lịch rất long trọng.

Ngay đêm đầu tiên, chúng tôi ra nghĩa trang Hàng Dương đến khu B thắp hương cho mộ phần nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Xung quanh hàng ngàn ngôi mộ mờ ảo. Mỗi ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương được thắp sáng một ngọn đèn nhỏ bằng năng lượng mặt trời. Hàng vạn ngôi mộ là hàng vạn ngọn đèn, đêm xuống tạo nên mênh mang sao sáng trên mặt đất. Mộ Cô Sáu rất đông người mang hoa quả, xôi gà đến viếng. Càng về khuya càng đông. Ngư phủ Côn Đảo trước khi ra biển cũng đến thắp hương Cô Sáu để được phù hộ. Điều kỳ lạ ở mộ Cô Sáu hiện giờ có đến ba tấm bia. Sống cũng như chết, cô Sáu luôn làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhưng đối với người dân và các chiến sĩ cách mạng lại rất đỗi gần gũi. Tấm bia thứ nhất còn sót lại do các chiến sĩ trong lao tù dựng lên. Tấm bia mộ thứ hai do thiếu tá Tăng Tư, tỉnh trưởng trong chế độ cũ ra đảo năm 1966 lập nên. Chứng kiến Cô Sáu trừng phạt những kẻ dám đập phá bia mộ mình, Tăng Tư đã khắc tấm bia đá cẩm thạch tên Cô Sáu và đặt trang trọng đầu ngôi mộ. Đây là tấm bia đẹp nhất và tồn tại lâu nhất thời Mỹ - Ngụy. Còn tấm bia thứ ba, được đặt ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất, ấy là tấm bia của cách mạng ghi nhớ công ơn nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu sau ngày thống nhất đất nước.

Chúng tôi thắp hương mộ chí ở Nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương rộng gần 20ha, gồm 4 khu: A, B, C, D. Trong suốt 113 năm (từ 1862 đến 1975), thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đã xây dựng tại hòn đảo thơ mộng này một hệ thống 8 trại tù, 2 khu biệt lập chuồng cọp và 1 khu biệt lập chuồng bò để giam cầm những chiến sĩ cách mạng. Trải qua hơn một thế kỷ đô hộ đã có khoảng 20.000 chiến sĩ hy sinh, 200.000 người bị giam cầm. Từ 1969 đến 1975 có trên 12.000 người bị giam cầm. Cầu tàu 914 là nơi có ít nhất 914 người tù đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ núi Chúa ra để xây dựng cầu tàu.

Cầu Ma Thiên Lãnh mới xây được hai mố cầu mà đã có ít nhất 356 người tù bỏ mạng vì đói rét và tai nạn. Cầu Ma Thiên Lãnh là do tù nhân lấy tên ngọn núi hiểm trở ở Triều Tiên đặt tên... để đến hôm nay, chiếc vẫn còn trơ hai mố cầu làm nhân chứng tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược. Những Banh 1, Banh 2, Hòn Cau, Phú Hội, chuồng cọp, chuồng bò... với những công cụ tra tấn dã man hơn cả thời trung cổ; nơi có hàng vạn người, hàng vạn chiến sĩ yêu nước bị giam cầm, tra tấn, hành hạ, trong đó có những nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hồ Thanh Tòng, Tô Hiệu… Hiện nay Nghĩa trang Hàng Dương tìm được 1.913 phần mộ trong 2 vạn người. Trong 1.913 phần mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của bọn đế quốc thực dân xâm lược.

Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi ca nô ra thăm hòn Bảy Cạnh, được sự đón tiếp chu đáo đầy tình nghĩa của lãnh đạo Trạm Kiểm lâm - anh Lê Đức Du và anh em trong đơn vị. Anh Lê Đức Du cho biết, hòn Bảy Cạnh nằm về phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là bãi Cát Lớn. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới hải đảo, về động vật hoang dã phân bố các đặc hữu, quý, hiếm. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô. Không gian biển hòn Bảy Cạnh được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. 

Nhật ký Côn Đảo - 2

Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Buổi chiều chúng tôi thắp hương chùa Núi Một (hay gọi là Vân Sơn Tự)  Những năm tháng khói lửa chiến tranh, chùa Núi Một đã trải qua bao sóng gió và được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, chùa không chỉ là công trình văn hóa, danh thắng, di tích lịch sử. Chùa có kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, chủ yếu thờ Phật và các chư vị bồ tát. Tuy không gian chùa không lớn, nhưng vị trí tọa lạc được xem vào hàng đẹp nhất ở nước ta. Lưng tựa vững vào núi Một, các mặt còn lại đều có “view” ngắm cảnh rất tuyệt vời. Chùa nổi bật nhất vẫn là tượng Quan Âm Bồ Tát cao 2m đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lồ, trước khuôn viên và kiến trúc điêu khắc được chạm trổ tinh tế, những cột gỗ to lớn, bề thế một người ôm không xuể.Người dân địa phương hay khách trong đất liền ra, bước lên 200 bậc thang dốc núi để thành tâm đứng trước cửa Phật thắp hương cầu nguyện.Trải qua những năm tháng khói lửa với nhiều lần trùng tu, hiện nay Chùa Núi Một là một công trình đặc biệt về văn hóa, danh thắng, là di tích lịch sử của Côn Đảo. Chùa là nơi để người dân trên đảo và du khách cầu nguyện, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo.

Sáng ngày cuối cùng chúng tôi thăm Bảo tàng Côn Đảo, được xây gần khu chuồng cọp Pháp, trong khuôn viên rộng hơn 2ha, diện tích xây dựng 3.570m2, diện tích trưng bày 1.700m2. Ở đây trưng bày những hình ảnh, hiện vật tố cáo tội ác dã man qua hai chế độ cai trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng với chính quyền tay sai. Thăm Nhà chúa đảo hay còn gọi là dinh Tỉnh trưởng, dinh Ông Lớn. Tọa lạc ở trung tâm Côn Đảo. Đây là nơi sống và làm việc của 53 đời Chúa đảo trong suốt 113 năm. Chuồng cọp Pháp, kết cấu để nuôi thú dữ, gồm hai dãy 60 chuồng, mỗi chuồng dài 1,8m; rộng 2,5m; cao 1,75m. Xung quanh xây kính, phía trên là những thanh sắt lớn, có hành lang đi lại để gác ngục dễ kiểm soát mọi hành vi của người tù. Chuồng cọp Mỹ gồm 4 khu chia làm hai dãy. Mỗi khu có 48 xà lim riêng biệt, người tù phải nằm dưới sàn xi măng ẩm thấp vì không có bệ cao. Mùa hè nắng trên mái tôn dội xuống nên nóng như chảo rang, mùa đông thì lạnh cóng, nơi đây giam tù chính trị chống ly khai. Thăm hầm phân bò, sâu 3m chia 2 ngăn, có hệ thống cống ngầm cho phân từ chuồng nuôi heo và chuồng nuôi bò dẫn sang. Địch dùng hầm phân bò này để ngâm tù nhân xuống đó, bí mật tra tấn hành hạ rất dã man.

Ngày thứ ba, lúc 13h30 tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 đưa chúng tôi trở về Vũng Tàu lúc 17h kém 15 phút. Dù “về nguồn” chỉ vài ngày nhưng chúng tôi cũng đã tham quan những địa danh nổi tiếng đã ghi vào trang sử vàng nước nhà. Qua hình ảnh, hiện vật chứng kiến sự ngoan cường, anh dũng, một lòng theo Đảng; xiềng xích, tra tấn, đòn roi không làm khuất phục hàng vạn người con ưu tú để cho đất nước kết trái tự do, nở hoa độc lập. Ngày nay sống trong cảnh hòa bình, ấm no, hạnh phúc chúng ta mãi không quên xương máu của các thế hệ ông cha đã đổ xuống trên khắp hình hài đất nước, trong đó có mảnh đất Côn Đảo anh hùng.

Côn Đảo ơi, xin chào nhé và hẹn gặp lại…

Nguyễn Xuân Sang

Huế thương
Huế thương

Khoảng đầu hè năm 1980, tôi được đơn vị cử vào Phú Bài, Huế học lớp nghiệp vụ thư viện ngắn hạn. Lớp học dành...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.