50 năm “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”: Tôi nghe bài hát “Hà Nội Điên Biên Phủ” khi đang ở chiến trường Mỹ Tho
Tháng 12 năm 1972, tôi đang cùng đoàn công tác Binh vận ở chiến trường ven Lộ Bốn thuộc Cai Lậy - Mỹ Tho. Giữa những ngày chống càn, ban ngày bộ đội Quân giải phóng đánh giặc, chúng tôi tạm lánh, ở sát vùng chiến sự, đêm xuống, khi trận đánh đã ngừng, chúng tôi trở lại địa bàn, lặn lội về xóm dân trụ bám, về địa hình là những khu vườn bỏ hoang của bà con.
Dạo đó đã gần Noel, đêm ở vùng Cai Lậy đã bắt đầu có gió chướng thổi lao rao trên ngọn cây bờ trâm bầu. Chúng tôi cứ lầm lũi lúc lội nước, lúc đi trên đường bờ ruộng tới nhà bà con. Vào một đêm như thế, khi anh bạn cùng đoàn công tác mở radio Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi chợt nghe tin tức về máy bay B-52 Mỹ ném bom Hà Nội. Chỉ nghe như thế, tôi lặng người, rồi tự nhiên nước mắt ùa ra. Tôi biết B-52, vì đã không ít lần nếm mùi “B-52 rải thảm” từ hồi còn ở chiến khu.
Lúc xuống chiến trường, thỉnh thoảng vẫn có B-52 với đội hình 3 chiếc, bay và thả bom theo một vệt. Nhưng B-52 thả bom Hà Nội? Tôi không thể tưởng tượng, độ tàn phá khi bom B-52 rơi trong thành phố sẽ thế nào. Tôi đã khóc vì lo cho Hà Nội, nơi gia đình tôi đã sống nhiều năm, khóc vì thương thầy má mình không biết có kịp sơ tán hay chưa. Khi tôi vào chiến trường, thầy má tôi vẫn ở Trại Tằm Trung ương thuộc xã Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, ngay bên dưới bờ đê sông Hồng. Tâm trạng tôi lúc ấy, quả thật rối bời.
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN. (Ảnh minh họa)
Nhưng rồi, tôi nghe tiếp Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau bản tin, vút cao lên một bài hát do nghệ sĩ Trần Khánh và dàn đồng ca của Đài thể hiện. Bài hát “Hà Nội Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tôi nghe phần lĩnh xướng của danh ca Trần Khánh vang lên trầm tĩnh kỳ lạ, và dàn đồng ca phất cao những dòng âm thanh-ánh sáng, quyết liệt và tự hào, đau thương nhưng không gục ngã:
“B52 tan xác cháy sáng bầu trời.
Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời.
Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu.
Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù.
Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng.
Hà Nội ơi! Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội.
Hà Nội của chúng ta!
Trong trận Điện Biên mới oai hùng
Sáng rực hào quang chiến thắng.
Hà Nội ơi, dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương.
Ta bước trên đầu thù
Tự hào thay dáng đứng Việt Nam...
Một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi...
*****
Nhân dân ta tay súng giữ lấy cuộc đời.
Dù mấy gian lao vẫn tươi nụ cười.
Niềm tin ta sắt đá bom Mỹ đâu lay được ý chí.
Giữ vững thành đồng Miền Nam rền vang tiếng súng giệt thù.
Hiệp đồng trận hôm nay sáng cả trời Bắc Nam.
Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?
Đâu chỉ vì non nước riêng này
Phất ngọn cờ sao chính nghĩa.
Hà Nội ơi, trong bom đạn vẫn ngời ánh sáng tương lai.
Ghi chiến công tuyệt vời
Một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi...
Một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi...”
Tôi nghe bài hát, và một luồng năng lượng bỗng chạy suốt châu thân tôi, mạnh mẽ, ấm áp, khiến tôi vượt qua phút yếu lòng. Âm nhạc Phạm Tuyên lúc ấy trở thành người bạn đáng tin cậy, trầm tĩnh, tự tin, lan tỏa lòng can đảm, khiến người nghe như bừng tỉnh. Tôi hiểu, bản thân mình đã chuyển qua một trạng thái khác. Bấy giờ, tôi như người lính của khẩu đội tên lửa bình tĩnh đối mặt quân thù, không một chút do dự hay yếu lòng.
Dù lúc ấy tôi đang ở vùng ven lộ Bốn, trong đêm đen, lầm lũi lội nước, tìm về những ngọn đèn dầu nhỏ bé ở các nhà dân. Thì nhân dân mình đâu chẳng giống nhau, dù nhân dân ở Hà Nội, hay nhân dân ở vùng ven lộ Bốn Cai Lậy, Mỹ Tho. Tôi may mắn được sống nhiều năm với nhân dân Hà Nội, và mấy tháng cuối năm 1972 được sống với nhân dân Mỹ Tho, Nam Bộ. Ở đâu rồi cũng đội bom B-52. Bom Mỹ đã rơi trên toàn cõi Việt Nam, và bom B-52 lúc ấy rơi trên Thủ đô Hà Nội, có lẽ là nơi cuối cùng chịu đựng loại vũ khí tối tân này của không quân Mỹ.
Bản nhạc “Hà Nội - Điện Biên Phủ”- Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong đêm 27-12-1972 tại Hà Nội khi không quân Mỹ đang đánh phá ác liệt Thủ đô. (Ảnh chụp HV).
Từ năm 1965, khi Mỹ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu, đối phó với B-52, vì Bác đã tiên đoán: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Lời tiên đoán của Bác Hồ đã thành lời tiên tri.
Và bấy giờ, Hà Nội đã vang lên bài hát về cuộc chiến đấu cuối cùng với B-52 Mỹ. Phải cảm ơn âm nhạc Cách mạng Việt Nam, âm nhạc đã đồng hành cùng Cách mạng Việt Nam từ nhiều chục năm. Cho tới tháng 12 năm 1972, tới Điện Biên Phủ trên không. Đó là âm nhạc của một dân tộc không bao giờ khuất phục.
Mãi sau này, khi gặp và chơi như tình anh em với nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã kể tôi nghe xuất xứ bài hát Hà Nội- Điện Biên Phủ mà ông sáng tác ngay dưới tầm ném bom của B-52.
Khi B-52 thả bom nhằm “dập tắt” Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng do tên lửa ta bắn mạnh quá, bom chỉ rơi gần Đài 58 Quán Sứ. Vào đúng lúc đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang trực tại Đài. Và bài hát đã vang lên trong đầu ông sau những đợt bom B-52, sau khi một chiếc B-52 bị tên lửa bộ đội Việt Nam bắn hạ rơi ngay xuống hồ Ngọc Hà-nơi trồng hoa danh tiếng của Hà Nội từ xưa.
Bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ra đời ngay trong cuộc chiến đấu ấy, và đã được ban đồng ca Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng ngay, lên sóng ngay rất nhanh trong 12 ngày đêm B-52 tàn phá Hà Nội. Âm nhạc chiến đấu của Phạm Tuyên đã giúp tôi giữ vững niềm tin: Hà Nội mình sẽ chiến thắng.
Nếu bây giờ người ta gọi đó là “Nhạc Đỏ”, thì Nhạc Đỏ là như thế.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022), Hội Liên hiệp...
Bình luận