Âm vang những bài ca Điện Biên Phủ

Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, có lẽ không ai không biết bài hát “Hành quân xa” và chắc ít người biết ca khúc này ra đời rất mau lẹ, được tác giả hoàn thành trong vòng chỉ một tiếng đồng hồ.

Dạo ấy là chiến dịch Đông - Xuân (1953 - 1954). Trước đòi hỏi của bộ đội, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ lâu đã ấp ủ ý định sáng tác một bài thể hành khúc cho chiến sĩ vừa hành quân vừa hát. Nhưng dự định mãi vẫn chưa viết ra được. Trong một khóa học chính trị, được gặp Bác Hồ, Đỗ Nhuận bày tỏ băn khoăn với Bác về việc sáng tác hành khúc. Người trao đổi với nhạc sĩ: “Thế bấy nay chú viết ra sao? Theo Bác thì chú cứ sáng tác thế nào cho đông đảo cán bộ chiến sĩ và nhân dân thích là được”.

Câu nói hết sức giản dị của Bác đã có sức gợi mở lớn đối với Đỗ Nhuận. Một lần, ông cùng tốp cán bộ hành quân đi bộ từ Đại Từ (Thái Nguyên) qua đèo Khế, đến Thượng Bằng La (Yên Bái). Đi vậy chứ thực sự mấy anh em cũng không biết sẽ tập kết ở đâu. Họ cùng nhau bàn luận, phán đoán ý đồ tác chiến của cấp trên. Bỗng một người trong tốp nói: “Thôi, khỏi cần biết, đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi mà”. Thế là câu nói tình cờ ấy trở thành cái tứ văn học để Đỗ Nhuận phát triển thành bài hát “Hành Quân xa”.

Và bài hành khúc nổi tiếng này đã xoáy vào ý đó, đã tập trung làm nổi rõ chủ đề tư tưởng “đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Có thể nói đây là một sáng tác mẫu mực cho thể hành khúc. Bài hát được viết ở thể 1 đoạn gồm 4 câu nhạc rất cân đối, vuông vức. Âm vực toàn bài được khống chế trong vòng một quãng 8 là lý tưởng đối với quảng đại quần chúng vì dễ hát.

Tuy vậy, do cách sắp đặt các vòng hòa âm và giai điệu có sự biến động ít nhiều về tiết tấu mà bài hát giản dị nhưng vẫn phong phú về màu sắc, không bị đơn điệu. Khác với “Du kích ca” trước đó, Đỗ Nhuận đã xử lý “Hành quân xa” hoàn toàn dựa trên cấu trúc của âm nhạc dân tộc. Nó xứng đáng là một bài hành khúc tiêu biểu của bộ đội Việt Nam với đặc điểm là đại bộ phận chiến sĩ đều xuất thân từ ruộng đồng, là những người nông dân mặc áo lính.

Âm vang những bài ca Điện Biên Phủ - 1

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trận Him Lam là trận thắng đầu tiên của quân ta. Lúc ấy, Đỗ Nhuận cùng Trần Ngọc Xương, Nguyễn Văn Tiến có mặt trong tổ sáng tác. Đứng trên bờ chiến hào, các anh vừa đàn, vừa hát cho các chiến sĩ đang hành quân ở dưới. Trong đoàn quân có một chiến sĩ nói với các nhạc sĩ: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé. Khi về, bọn mình sẽ có quà cho văn công”.

Người chiến sĩ nói câu ấy không bao giờ trở về nữa vì anh chính là liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận Him Lam (sau này Đỗ Nhuận mới biết rõ). Và một bài hát đã được ông sáng tác ngay tại trận địa, giữa bề bộn ngổn ngang xác xe pháo, mùi khói khét lẹt của đạn bom và xác giặc: Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào đột phá tiêm đạo tiến đánh vào... Đó là bài “Trên đồi Him Lam” - một ca khúc hừng hực thế chiến đấu, sôi sục lòng căm thù giặc, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước và tình đồng đội.

Bài hát cũng được tác giả cấu trúc ở thể một đoạn gồm 4 câu nhạc nhưng mỗi câu đều được mở rộng khá dài vì đây là bài ông nhằm viết cho đơn ca. Đến nay, mỗi khi nghe “Trên đồi Him Lam”, ta như được sống lại bối cảnh hào hùng, quyết liệt của những ngày đầu tiên, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nếu ai đã có dịp chiến đấu ở Điện Biên Phủ sẽ không thể quên một công việc rất đỗi nặng nhọc nhưng sôi nổi, hào hứng. Đó là kéo pháo vào trận địa. Lúc ấy, để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, chúng ta chủ trương dùng sức người để kéo pháo. Hơn ở đâu, công việc này đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ, sự đồng tâm nhất trí cao độ. “Hai ba nào! Hai ba nào!”. Những tiếng hô vang - tín hiệu của sức mạnh và niềm tin.

Nhạc sĩ Hoàng Vân có mặt ở Điện Biên Phủ và đã từng tham gia kéo pháo cùng các chiến sĩ. Ông đã mục kích sự hy sinh anh hùng của Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn để cứu pháo. Nhạc sĩ suy nghĩ về một bài hát tập thể, đang được bộ đội hát nhiều lúc ấy: Hò dô ta, lặng mà nghe, mà nghe câu hò nhưng cảm thấy âm điệu rất cổ, gợi lên dáng dấp sinh hoạt của một thời xa xưa. Và thế là một bài hò hiện đại đang được nhạc sĩ hình thành.

Ông kể là đã ngồi ghi nhạc trong một lán nhỏ, phải trùm khăn kín chân vì muỗi vàng đốt như ong châm. Cảnh kéo pháo vô cùng nặng nhọc giữa núi rừng hùng vĩ, hiểm trở được tác giả ghi bằng những âm điệu gãy khúc và nhảy quãng liên tục. Chưa bao giờ đối với ông, những hợp âm 3 bị lãng quên, vậy mà ở đây, lần này, trong ông không hề vang lên âm điệu những hòa âm quãng 3.

“Hò kéo pháo” đã ra đời mang dáng dấp một bài hò hiện đại, vừa có xướng, vừa có xô, rất phù hợp với không khí kéo pháo sôi động, gian khổ, vất vả, nhưng thoải mái, hân hoan: Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm. Vực nào sâu bằng chí căm thù...

“Hò kéo pháo” có miêu tả, kể lể nhưng vẫn thiên về biểu hiện cảm xúc của người lao động là chính; và với sự phát triển, nới rộng một cách phóng túng các tiết nhạc, câu nhạc, bài hò đã mang tính chất hiện đại và nó chỉ cất lên được ở những người biết “tin chắc thắng, ta tin tưởng ở trên”.

Toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ được khép lại bằng một tấm màn nhung rực rỡ, chói lọi của máu và hoa chiến thắng. 56 ngày đêm vẫn mãi mãi là cơn ác mộng khủng khiếp đối với quân thù. Biểu hiện chiến thắng này - như một sự kế tiếp của Chương Dương, Hàm Tử, Đống Đa trước đây - Đỗ Nhuận đã tìm được một ngôn ngữ âm nhạc giàu hình tượng và có hiệu quả nhất. Sự pha trộn giữa chất liệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo “sắp qua cầu” của dân ca đồng bằng Bắc Bộ là một dụng ý của tác giả. Đó là cuộc chiến đấu ở Điện Biên là cuộc chiến tranh nhân dân, đã có sự hiện diện của rất nhiều dân tộc trên đất nước ta, người miền núi cũng như người miền xuôi.

Với một tiết tấu vui nhộn nhưng gần với chất xòe Thái, bài hát “Chiến thắng Điện Biên” được mở đầu như một tiếng reo vui sảng khoái, nô nức: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui. Hàng loạt những nối móc đơn chấm nối tiếp sang móc kép và các nốt luyến láy liên tiếp tạo cho giai điệu có không khí tưng bừng như một ngày hội. Đây là một bài hát hay. Sự pha trộn nhiều chất liệu dân ca rất khác nhau trong một bài, nhưng vẫn không bị méo mó, khiên cưỡng, nghe vẫn ngọt ngào, nhuần nhuyễn. Ở “Chiến thắng Điện Biên”, Đỗ Nhuận đã tỏ rõ sở trường trong việc dựng những bức tranh sinh động bằng âm thanh, mang tính đại chúng rộng rãi.

Thời gian trôi qua đã khá lâu. Giờ đây, nghe lại những sáng tác ra đời trước và trong chiến dịch Điện Biên, chúng ta như được sống lại cả một quá khứ hào hùng. Những chi tiết, thậm chí những sự kiện lịch sử, đến một lúc nào đó, người ta có thể quên, nhưng những bài ca hay, thấm sâu vào lòng người sẽ khiến các thế hệ truyền tụng và nhớ mãi. Đó là vinh quang cao quý nhất thuộc về những người sáng tác.

Thôn Ca

“Đất nước trọn niềm vui”
“Đất nước trọn niềm vui”

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ngày 30/4/1975 đã là một trong những ngày đáng nhớ nhất. Và mỗi người dân Việt Nam từng...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.