“Đất nước trọn niềm vui”

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ngày 30/4/1975 đã là một trong những ngày đáng nhớ nhất. Và mỗi người dân Việt Nam từng sống qua ngày này hẳn là suốt đời không thể quên một dấu son chói lọi đánh dấu sự kiện trọng đại nhất của lịch sử: Tổ quốc quét sạch bóng quân xâm lược, non sông liền một dải, đất nước được toàn vẹn. Độc lập tự do hàng ngàn năm bị mất, nay ùa về với mỗi nhà, mỗi người. Bao nhiêu gương mặt rạng rỡ! Cũng bấy nhiêu đôi mắt lưng tròng vì sung sướng, hạnh phúc đến tột đỉnh! Niềm vui dâng trào nhưng là từ những mất mát hy sinh. Lớn lao, kỳ vĩ vào bậc nhất hành tinh nhưng lại được tạo nên từ một dân tộc rất đỗi khiêm nhường, một quốc gia nhược tiểu.

Đó là cảm hứng chủ đạo của rất nhiều bài hát ra đời trong thời điểm này. Nhưng bài hát Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà đã có được một giá trị riêng. Đó là tính chất khái quát cả một tâm lý chung của mọi người và cả một tầm vóc của dân tộc. Bằng một tiết tấu nhanh diễn tả niềm vui náo nức, ngay vào đầu bài hát đã là những cảm xúc được trào ra từ bao sự dồn nén. Hàng loạt những nốt móc đơn có chấm giật tiếp đến nốt móc kép, kết hợp với những đảo phách đã diễn tả sinh động cảm xúc ấy: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay. Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng...”.

“Đất nước trọn niềm vui” - 1Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu

Đoạn A của bài hát được tác giả tô đậm thêm bằng việc hát nhắc lại ứng với lời 2. Trong đoạn này, rất tự nhiên có sự xuất hiện hai hình ảnh: Sài Gòn và Bác Hồ. Bởi Sài Gòn là tâm điểm của cuộc giải phóng miền Nam, cũng là dinh luỹ cuối cùng của kẻ thù. Nhưng trên hết, Sài Gòn gắn với những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân, bởi đó là biểu tượng của miền Nam, mà “Miền nam đi trước về sau. Miền Nam đứng mũi chịu sào vẻ vang” (Tố Hữu). Hình ảnh Bác Hồ luôn là biểu tượng cao nhất của tình cảm người Việt Nam. Không có một niềm vui, nỗi buồn nào của chúng ta lại không liên quan đến Bác trong sự nghiệp cách mạng. Cho nên trong ngày toàn thắng, ai cũng nghĩ đến Bác đầu tiên cũng là một lẽ thật tự nhiên: “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực sao hôm nay Bác vui với hội toàn dân...”.

Trước khi chuyển sang đoạn B, nhạc sĩ đã xử lý cho người hát một câu nhạc không lời (vocaliser) thật đắt, bởi nói như văn hào Gorky: “Khi nào ngôn ngữ con người bất lực thì sẽ có một ngôn ngữ khác thay thế, đó là âm nhạc”. Cảm xúc của tác giả cũng như của tất thảy mọi người Việt Nam lúc này tưởng như ở đỉnh điểm, không lời nào có thể diễn tả nên đã đượcđựơc thay thế bằng đoạn nhạc không có lời này.

Đến phần sắp chuẩn bị kết bài ở âm khu cao nhất: “Tổ quốc muôn đời trọn vẹn cả non sông thống nhất, rạng rỡ Việt Nam”, ta thấy tác giả đổ xuống một quãng 6 (đố - phà) sau khi ngân dài tiếng “hùng” ứng với nốt đồ: “Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường”.

Trong cả bài, câu này rơi vào âm khu thấp nhất. Một chút lắng lại, hồi tưởng về quá khứ đau thương, hào hùng. Nhưng lời 2 đặt dưới câu nhạc trên là “Đêm hoa đăng những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời”. Niềm vui trong đêm hoa đăng quả là một niềm vui tràn đầy xúc động trong lệ rưng xen lẫn cảm giác bâng khuâng, bùi ngùi. Đêm hôm đó, pháo hoa rực trời. Và lòng người cũng nở đầy hoa. Nhưng vị mặn của những giọt nước mắt cũng đã khiến người ta cảm thấy đêm hoa đăng ấy kỳ diệu, ngoạn mục bội phần.

“Đất nước trọn niềm vui” - 2Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng tiến vào thành phố, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Đất nước trọn niềm vui có âm hưởng hết sức hào sảng. Bài hát có thể coi như khúc khải hoàn ca kết thúc toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Tuy là âm nhạc, lại là một ca khúc ngắn gọn nhưng bài hát này dường như có hơi hướng của những Nam quốc sơn hà ( Lý Thường Kiệt), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Lại cũng phảng phất dư vị của Bạch Đằng Giang phú của cuả Trương Hán Siêu. Thật là thú vị thay.

Hôm nay, chúng ta đang sống trong hòa bình nhưng mỗi khi nghe lại bài hát này, lòng lại thấy nao nao, phơi phới như được sống lại không khí sôi động, sục sôi 48 năm về trước. Sự kiện long trời lở đất ngày ấy đã được tái hiện trong âm nhạc mà “Đất nước trọn niềm vui” là một trong những ca khúc hoành tráng, tiêu biểu nhất./.

Y Hoa

Âm vang 30/4
Âm vang 30/4

Gắn với những kỷ niệm trọng đại của lịch sử, âm nhạc tỏ ra có ưu thế trong việc phản ánh nhanh nhạy và biểu hiện...

Tin liên quan

Tin mới nhất