Kỷ niệm 40 năm ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn đi xa: Những bài hát như tiếng lòng nhân dân, như lời non sông đất nước về anh ba Lê Duẩn
“Sen Đồng Tháp càng thêm ngát hương/ Hình ảnh Bác Ba càng lung linh tỏa sáng”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng và nhân dân ta, trong suốt cuộc đời mình đã luôn phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự thống nhất, toàn vẹn non sông. 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư Thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Ðảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Tên tuổi và sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Duẩn mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Ðảng, của dân tộc với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986).
Trong chặng đường dài cách mạng của đất nước, cùng với những vần thơ ngợi ca Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh tụ của Đảng, là những vần thơ, bài ca rất hay, đẹp như lời của lòng dân, như lời của non sông đất nước ngợi ca về Anh Ba Lê Duẩn kính mến.
Anh Ba ơi!
Tròn tuổi tám mươi
Anh vẫn sống
Một cuộc đời
Thanh cao
Sôi động
Như Trường Sơn
Mãi mãi tươi xanh
Như Biển Đông
Ào ào dậy sóng.
Đồng bào đồng chí nhớ anhNgười con của làng nghèo Chợ SãiXác xơ mấy túp lều tranhNóng bỏng cát đồi Triệu HảiBữa cháo bữa rau, đùm bọc nhau lá rách lá lànhLòng vẫn đậmTình thương và lẽ phải(Tố Hữu).
Hay của đồng chí Lê Đức Thọ viết tặng anh Ba trên đường ra trận đi chỉ đạo chiến dich Hồ Chí Minh:
Anh dặn: ra đi, thắng mới về,
Phút giây cảm động nói năng chi
Lời Anh là cả lời non nước
Ngàn dặm Trường Sơn há ngại gì.
Hay của đồng chí Nguyễn Khôi- từng công tác ở Văn phòng Quốc Hội và văn phòng Chính phủ, viết về đồng chí Lê Duẩn nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Người:
Người xứng đáng là một nhân vật lớn
Ở tầm cao thời đại Hồ Chí Minh
Ngươi quyết định cho miền Nam giải phóng
Người quyết tâm xây dựng lại cơ đồ
Người đắp đập xây nên hồ vĩ đại
Điện Hoà Bình chói lọi mãi ngàn sau
Dám ra biển khoan sâu vào lòng đất
Nên cơ ngơi dầu khí Vũng tàu
Cầu Thăng Long ôi cây cầu dài rộng
Bốn ngàn năm vươt tầm vóc cha ông
Bao nhà máy công trường làm ăn lớn
Với nhân dân người rất đỗi công bằng
Bao thế kỷ mới có người như thế
Dám chinh Tây, kình Bắc thực anh hùng
Công to lớn đã tạc vào trời bể
Cho muôn đời con cháu sống khang trang.
*
Cùng những vần thơ dạt dào tình cảm của những nhà thơ nổi tiếng, những cán bộ lão thành cách mạng, của nhân dân như cao dao hò vè… là những bài hát ngợi ca. Âm nhạc đã lên tiếng bằng những giai điệu rất đẹp, những ca khúc, hợp xướng… về Anh Ba Lê Duẩn – Tổng bí thư Lê Duẩn yêu quý. Phải ghi nhận rằng, đây đều là những bài hát viết rất hay, rất nhiệt huyết và chân thành của đội ngũ văn nghệ sỹ với Anh Ba, đúng như lời thơ của nhà thơ Châu La Việt:
Tôi đã nghe mênh mang những cánh đồng
(Đồng Tháp Mười đêm không trăng vẫn sáng...)
Tôi đã nghe dậy sóng những dòng sông
Sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông, Thạch Hãn
Bài ca về một người Cộng sản
Bài ca về một trí tuệ 200 ngọn nến soi con đường cách mạng
Bài ca về một Lãnh tụ đã thống nhất non sông
Bài ca về một trái tim yêu thương đến vô cùng...
Đó là những bài ca Đời đời khắc ghi – Bác ba Lê Duẩn (thơ Lê Khánh Hưng- Nhạc Ngọc Khuê), Nhớ về Anh (lời phỏng thơ Tố Hữu - nhạc Võ Thế Hùng), Ba Đình một sớm thu xa (thơ Lê Khánh Hưng- nhạc Quỳnh Hợp), Lời Anh dặn (thơ Lê Đức Thọ- nhạc Trần Hữu Bích), Bích La quê hương Anh (Nhuận Phú)… và nhiều bài ca khác như rừng âm thanh, như rừng như suối, như tiếng của lòng dân với Bác ba Lê Duẩn.
Những bài ca này không chỉ vang lên nơi phố phường, thôn xóm, làng bản, trường học… mà đã vang lên nơi những thánh đường nghệ thuật tôn nghiêm như Nhà hát Lớn TP HCM, trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn được tổ chức tối 9/7 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày mất của đồng chí (10/7/1986-10/7/2023.
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam (1972).
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 37 năm Ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn đi xa là dịp để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ và tri ân một nhà lãnh đạo Ðảng kiệt xuất, giúp công chúng thêm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, nhất là tình cảm của nhân dân miền nam, của quê hương Quảng Trị với đồng chí.
Chương trình bao gồm 15 bài hát xuất sắc, tạo nên những màn hát múa nhạc hài hòa giữa phong cách hiện đại và dân tộc, do các nghệ sĩ nổi tiếng trên cả nước cùng các nghệ sĩ, diễn viên của hai đơn vị nghệ thuật là Ðoàn Văn công Quân khu 7 và Ðoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trình diễn.
Qua các tác phẩm về đồng chí Lê Duẩn, ta thấy âm nhạc và thơ ca đã tái hiện phần nào cuộc đời và sự nghiệp vô cùng sôi động của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ðó là những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ, bị thực dân Pháp bắt tù đày và sau này trở về lãnh đạo quân dân Nam Bộ trên cương vị Bí thư xứ ủy Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho đến sau này trở thành người lãnh đạo cao nhất của Ðảng, lãnh đạo quân và dân ta trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đi đến ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo Ðảng kiệt xuất luôn đi sâu, đi sát với thực tế, gắn bó với đời sống chiến đấu, lao động của quân và dân ta hiện lên vô cùng cao đẹp và thiêng liêng. Bên cạnh đó là những tình cảm thương yêu của nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước với đồng chí Lê Duẩn qua những tác phẩm thơ ca và âm nhạc của các tác giả: Lê Ðức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Nguyễn Khôi, Lê Khánh Hưng, Châu La Việt... và các nhạc sĩ: Ngọc Khuê, Trần Hữu Bích, Võ Thế Hùng, Quỳnh Hợp, Ðức Tân, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Tý...
Chương trình nghệ thuật được dẫn dắt từ những hồi ức của Ðại tá Lê Hãn - con trai trưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn - kể về người cha thân yêu của mình ra đi hoạt động cách mạng từ những ngày đất nước còn rên xiết dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Những hồi ức, kỷ niệm trong ông là những đêm đen giá buốt khi người cha thoát lao tù thực dân trở về ôm con trong vòng tay, dạy cho con bài học đầu tiên về lòng yêu nước, dạy cho con bài ca của những người cộng sản "vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian"...
Bài hát ấy đã thúc giục ông Lê Hãn nối tiếp con đường của người cha để sau này trở thành một chiến sĩ suốt đời đi theo con đường cách mạng và lý tưởng cộng sản cao đẹp như ca từ trong bài hát "Người chiến binh mang tên dòng Thạch Hãn" do NSND Quốc Hưng thể hiện: “Cha dạy con tình thương, lẽ phải/ Cha cho con phía trước con đường/ Con mang trái tim cha ra trận/ Và ánh sáng của một vầng dương...” (thơ Châu La Việt, nhạc sĩ Ngọc Khuê phổ nhạc). Bài hát này đã đoược giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị.
Ðặc biệt xúc động trong chương trình là ca khúc "Ba Ðình một sớm thu xa" (thơ Lê Khánh Hưng, nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc), gợi nhớ những ngày tháng 9 năm 1969 khi Bác Hồ mất. Còn đó, ngân vang lời thề của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam) Lê Duẩn và quân dân cả nước nguyện mãi mãi đi theo con đường của Người, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: “Giơ tay thề chúng ta cùng tiếp bước/ Anh Ba khóc, triệu trái tim cùng khóc/ Triệu trái tim chung nhịp đập tim Anh”…
Cũng trong chương trình, qua giọng ca của NSƯT Hương Giang, người xem được sống lại không khí của mùa Xuân đại thắng năm 1975. Trong khí thế hào hùng cùng các cánh quân tiến về giải phóng miền nam, đồng chí Lê Ðức Thọ đã có bài thơ "Lời Anh dặn" tặng đồng chí Lê Duẩn như lời ước hẹn, động viên quân và dân cả nước bước vào chiến dịch cuối cùng, thực hiện trọn vẹn lời thề thống nhất non sông trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Ngày vui toàn thắng đón Anh vào/ Ðất nước tưng bừng hết khổ đau/ Anh gặp đồng bào, thăm chốn cũ/ Tình dân, nghĩa nước vẹn ơn sâu...”.
Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Trần Hữu Bích phổ nhạc, truyền qua sóng phát thanh và được đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ yêu thích đón nhận. Chương trình nghê thuật giàu ý nghĩa này đã được tặng thưởng Bằng khen của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đáng giá: “Đây là chương trình nghệ thuật đầu tiên về Tổng Bí thư Lê Duẩn và đã tạo được tiếng vang lớn trong dư luận với chất lượng cao về nghệ thuật và tính tư tưởng, mang đến người xem nhiều cảm xúc, giới thiệu khái quát về cuộc đời, sự nghiệp cùng những tình cảm của đồng bào, đồng chí với đồng chí Lê Duẩn. 15 tiết mục ca múa nhạc của chương trình là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc âm nhạc dân tộc đậm đà chất Nam Bộ của Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen và chất âm nhạc hiện đại của Đoàn Văn công Quân khu 7; hài hòa giữa phong cách cổ điển, bán cổ điển của các giọng hát tham gia chương trình. Với thành công và dư âm tốt đẹp của chương trình, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng bằng khen đến Ban Tổ chức Chương trình, đã xây dựng một chương trình nghệ thuật giàu ý nghĩa, được các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen ngợi và công chúng yêu thích”.
Được biết rằng, đến nay nhiều văn nghệ sỹ vẩn ấp ủ và sáng tạo thêm những tác phẩm thơ ca và âm nhạc về đồng chí Lê Duẩn ở nhiều thể loại mới, như điện ảnh, nhạc kịch… Đoàn Văn công Quân khu 7, một đoàn nghệ thuật giàu truyền thống và đẳng cấp ở phía Nam, đang chuẩn bị xây dựng một nhạc kịch lớn với tên gọi: “Đất anh hùng của thế kỷ 20” với hình tượng trung tâm là Anh Ba – Lê Duẩn và cách mang miền Nam với kịch bản của Lê Khánh Hưng - Lê Khánh Hoài, âm nhạc của Vũ Đức Tân, và Tổng đao diễn Thượng tá NSƯT Nguyễn Xuân Hùng, tác phẩm này sẽ hoàn thành trong năm 2026 tới đây.

Vào tháng tư năm 1972, Lê Thành Nghị, thành viên của tổ ba người lính thông tin đóng quân trong hang núi, cách thị trấn Đồng...
Bình luận