Người hát hay nhất bài hát “Vết chân tròn trên cát”

Anh Ngân “sầu đời” tuy lớn hơn chúng tôi tới 5-7 tuổi, nhưng lại cùng nhập ngũ một ngày, cùng đeo quân hàm binh nhì. Thật ra thì anh như mọi người lính chúng tôi, chẳng có gì là sầu đời cả, thậm chí còn vui tơn tớn là khác, nhưng không hiểu sao rồi cái biệt hiệu sầu đời cứ nhằng nhẵng theo anh.

Người hát hay nhất bài hát “Vết chân tròn trên cát” - 1

Nhạc sĩ Trần Tiến - Người sáng tác bài hát "Vết chân tròn trên cát"

Số là hồi chúng tôi mới về đóng quân ở Gia Viễn, có buổi giao lưu dân vận giữa chi đoàn các cô gái của xóm với đơn vị. Cánh lính trẻ thằng nào cũng nói cười rôm rả, tán tỉnh các em đến rách cả mép, nhưng bác Ngân lại cứ ngồi thần ra, mặt buồn rười rượi. Thì hóa ra biết bác đã có ba mặt con, các cô gái trẻ cũng ngại tiếp cận, nên bác dù có muốn ham vui cũng chẳng ma nào thèm.

Chúng nó “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chỉ bỡn cợt, nô đùa với cánh lính trẻ trai tân hơ hớ mà thôi, nên bác ngồi một mình trông rất hoàn cảnh. Thấy đôi mắt bác cứ buồn rười rượi, thằng Thắng khịt mới tương một câu sau thành biệt danh cho bác: “Nhìn kìa, ông anh sầu đời quá”…

Hành quân sang đất Lào, tôi và anh lại được phân về một trung đội, tôi khẩu đội 1 và anh khẩu đội 3, công sự cũng kề nhau. Rồi một trận chiến đấu, khẩu đội tôi có hai pháo thủ hy sinh, khẩu đội anh thì bom cưa mất nòng pháo, thế là đại đội dồn hết pháo thủ các anh sang khẩu đội tôi, vị chi 7 anh em chia nhau chiến đấu trên một mâm pháo.

Đêm đêm tôi hay trực cùng anh. Trực đêm chỉ cần hai pháo thủ, nói thật chỉ là để “chính là dọa, hú họa thì trúng” lũ máy bay của địch đi ăn đêm. Anh nhanh và linh hoạt lắm. Chỉ cần nghe tiếng máy bay, đôi mắt anh như nhìn xuyên bóng đêm, một tay anh xoay mâm pháo, một tay anh nhấn điểm xạ, từng chùm đạn bay lên hướng về phía tiếng máy bay. Chẳng hiểu có trúng mục tiêu không, nhưng nhiều lần tôi thấy sau những loạt đạn ấy, tiếng máy bay im bặt. Có lẽ chúng hoảng quá mà…phắn!

Cũng chính những đêm trực đêm ấy, tôi được nghe nhiều tâm sự đời anh. Học xong lớp 7, anh lên thị xã học trường 7+3 của tỉnh, rồi về trường quê làm một thầy giáo dạy văn cấp 2. Chẳng hiểu ông cụ thân sinh của anh đi mãi tận Phố Lạng xem tướng số cho anh thế nào, mà ông thầy phán ngay phải cho nó lấy vợ, mà vợ phải là thân tý thìn hơn anh 4 tuổi, thì cuộc sống mới có thể thế này thế kia.

Ông bố anh gật gù sái cổ, đi làm lại khai sinh cho anh thêm 2 tuổi cho tròn 20, rồi nhờ người sang làng bên hỏi một chị hơn anh 4 tuổi. Bản tính hiền hòa, nề nếp gia phong, cha mẹ bảo gì con nghe nấy, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, anh cứ nghe lời bố răm rắp, cưới xin ăn ở với chị kia rất thuận hòa, và liền ba năm đẻ tì tì ba thằng cu đều đen nhem nhẻm, mới chỉ bằng nắm đấm mà đã nghịch ngợm nổi tiếng trong xóm.

Nhẽ ra là một ông thầy giỏi như anh Ngân, lại cũng đã có ba con bìu ríu, thì chẳng ai gọi lên đường nhập ngũ làm gì. Nhưng cái lần ấy cần vét người nhập ngũ, xã bổ chỉ tiêu về trường cấp một cấp hai mỗi trường đóng góp một thầy, ông hiệu trưởng đã đưa vào danh sách thầy Huấn.Thầy này còn trẻ, mới tốt nghiệp trường 10+2 của tỉ- Tôi xin nhà trường và thầy Hiệu trưởng cân nhắc. Tôi với anh Huấn đây không có họ hàng bà con gì, cũng chỉ là mới biết nhau trên tình đồng nghiệp. Nhưng tôi biết anh Huấn là con độc đinh, ông nội anh ấy là độc đinh, đến bố anh ấy cũng là độc đinh, rồi đến đời anh ấy cũng lại là độc đinh…

Giờ cả gia đình, cả dòng họ đều chỉ còn trông mong vào mỗi anh ấy, mà chúng ta đều biết nhập ngũ bây giờ đương nhiên là đi mặt trận, là vào nơi sống chết, chẳng ai biết trước mình sẽ thế nào. Nhà tôi thì tiếng là đông con, nhưng nói thật cũng chỉ mình tôi là trai. Nhưng may tôi lại sớm có ba thằng nối dõi, cho nên ngẫm nghĩ mãi tôi mới quyết định tình nguyện đi thay cho cậu Huấn…

Cả ông hiệu trưởng Ân, cả hội đồng giáo viên đều há hốc mồm nhìn Ngân. Chẳng ai nghĩ đến tình huống này. Mọi người bỗng phát hiện ra ở người thầy giáo này một tầm vóc nhân văn hiếm thấy, có thể đưa lên Đài truyền thanh của tỉnh để ngợi ca. Đến ngày tiễn Ngân lên đường, ông bố của Huấn tóc đã bạc trắng cứ dập dầu xuống đất, nước mắt tràn trề mà tế sống Ngân để bày tỏ lòng biết ơn…

…Nói thật những ngày chúng tôi ở chân đèo Đăm, ác liệt quá, lính tráng hy sinh nhiều lắm. Thế rồi trong một trận chiến đấu, khi này anh Ngân đã là khẩu đội trưởng, đang đứng trên bờ công sự phất cờ ra lệnh bắn, đạn bom nổ ầm ầm quanh mình, một mảnh bom đã cứa vào người anh làm anh đổ gục.

Thái và tôi là hai thằng lao lên trước hết ôm lấy anh, bế anh vào công sự. Máu ra nhiều quá. Mắt anh đã dại đi. Anh Giang y tá từ hầm đại đội lao xuống băng bó cho anh. Còn chúng tôi lại nhảy lên mâm pháo tiếp tục chiến đấu đến chiều tối. Khi dứt trận đánh, mới hay Giang y tá và cậu Ngậy liên lạc đã võng anh Ngân đi cấp cứu ở trạm xá tiểu đòan, rồi lại võng ngay lên quân y viện tiền phương.

Khi về đại đội gặp tôi, Giang gục vào vai tôi: “Tao sợ anh ấy không qua khỏi mày ạ”. Nước mắt tôi cũng dào ra. Nhưng cứ cố nén, không để anh em khác nhìn thấy, dễ ảnh hưởng tinh thần chiến đấu chung….

Anh Ngân xa chúng tôi từ ấy. Chiến trường mịt mùng bom đạn, chúng tôi không hay biết gì hơn về anh. Cũng thầm nghĩ như bao người lính, cũng có thể các anh đã không còn nữa. Nhưng dù vậy, ngày chiến thắng về nước, tôi vẫn nhất quyết đi tìm anh, như đi thăm, đi tìm nhiều anh em đồng đội khác. Với tên làng tên xóm của anh tôi đã nhập tâm từ những đêm tâm sự với anh trên mâm pháo, tôi quyết phải đạp xe đi tìm anh bằng được, nếu anh còn thì tốt, nếu không thì cũng đến nhà anh xin phép bố mẹ và vợ con anh thắp nén nhang tưởng nhớ anh…

Phải nói tìm được nhà anh Ngân Sầu đời, quả thật là không đơn giản. Tôi đạp xe mướt mồ hôi, từ sáng sớm cho tới sẩm chiều mới tới xã nhà anh, một miền đất trung du sỏi đá bạc màu thuộc tỉnh Bắc giang. Đến đầu làng, tôi vào một quán nước hỏi thăm về bố mẹ anh. Bà hàng nước xởi lởi:

- Ồ, ông cụ Thống. Ông ở xóm trong. Ông bà ấy hiền lành lắm. Chỉ không may có anh con trai độc nhất đi lính ra mặt trận…

Tim tôi nhói lên, dập dồn hỏi:

- Anh con trai làm sao hả bà? Anh ấy hy sinh hả bà? Nước mắt đã chực dào ra trên mắt tôi.

- Không không không. Bà xua tay làm tôi thở phào.

- Anh ấy trở về, chỉ không may là chống đôi nạng chở về thôi.

- Anh Ngân phải không ạ?

- Đúng rồi. Anh Ngân thầy giáo Ngân. Giờ anh ấy dậy ở trường cấp hai kia kìa. Nếu chú có quen thì vào đấy mà tìm…

- Ôi mừng quá. Cháu gửi bà cái xe đạp ở đây, cháu vào tìm anh ấy đã bà nhé. Cháu với anh ấy ngày trước là lính cùng mặt trận…

Tôi chạy như ma đuổi vào trường học, mong sớm gặp lại anh Ngân. Từ một lớp học, vọng ra ì một tiếng hát, se sẽ thôi nhưng lay động:

Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi.

Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương.

Trời ơi, cả bài ca, cả tiếng hát thân quen làm sao. Tôi nhớ những đêm trên chốt, những khi văn nghệ giữa cánh rừng, anh Ngân thường hay hát lắm những bài hát về người lính như thế này. Và bây giờ anh hát cho các em học sinh:

Bài hát có đồng lúa, mênh mang câu hò.

Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm.

Cho hôm nay những gót chân son

Vui quanh dấu chân tròn.

… Tôi lao về phiá tiếng hát ấy, cho đến lúc đứng sững lại nơi cánh cửa. Bên trong, một người lính trong bộ quân phục bạc màu, đang ngồi ôm một cây ghi ta cũng đã cũ, long hết nước sơn say sưa hát. Và bên cạnh là một cây nạng gỗ.

Anh Ngân. Anh như bước ra từ chính bài hát

… Tôi đã không kìm nổi xúc động ,thốt lên:

Anh Ngân!

Tiếng hát anh dừng lại. Anh sững sờ nhận ra tôi, lập cập chống nạng đứng lên, rồi tiến tới ôm chầm lấy tôi.

Hoài…

Nước mắt tôi đẫm ngực áo anh. Bấy giờ tôi mới được khóc, thay vì ngày nào đạn cắm đầy người anh. Lũ học sinh tròn xoe mắt nhìn thầy giáo và người đồng đội của thầy...

"Bài hát có trận đánh không quên bên đồi.

Bài hát có người lính biên cương thương mẹ.

Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn.

Để lại một bài ca, trên cát trắng...

Bao la…"

Người hát hay nhất bài hát “Vết chân tròn trên cát” - 2

Nhạc sỹ Trần Tiến

Tôi đoán chắc với các bạn rằng, Anh Ngân – người lính ân tình và giản dị của chúng tôi, nếu không là nguyên mẫu cho nhạc sỹ Trần Tiến viết  "Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi", thì chắc chắn cũng là người hát hay nhất bài ca này, thưa anh Trần Tiến…

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.