Nhạc sĩ An Hiếu: "Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu"

“Tôi có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhiều với học viên trẻ tuổi. Chính họ đã truyền cho tôi năng lượng, cách nghĩ và cách làm chỉ có ở tuổi trẻ. Phần nào những tác phẩm của tôi đã thể hiện điều đó, sự “già” trong âm nhạc cũng đến chậm hơn so với người cùng thế hệ...”

Lựa chọn yêu âm nhạc với tấm gương của cha

Là con trai của cố nhạc sĩ nổi tiếng An Thuyên (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội), nhưng nhạc sĩ An Hiếu có con đường đi riêng, không bị sức ép từ “chiếc bóng” quá lớn của cha mình. Cũng thật thú vị là dù bố mẹ đều theo nghệ thuật nhưng họ lại một mực động viên người con trai theo nghề khác.

Nhạc sĩ An Hiếu kể, ngày còn học phổ thông trung học, gia đình muốn anh học ngoại ngữ ở bậc đại học với môn chính là tiếng Anh bởi đơn giản họ nghĩ rằng đi theo nghệ thuật là vất vả. Nhưng rồi anh nhận ra rằng mình mê âm nhạc dù trước đó không hề bộc lộ năng khiếu hay học bất kỳ loại nhạc cụ nào.

“Tôi nghĩ mình tự lựa chọn yêu âm nhạc với tấm gương của cha. Tới nay tôi vẫn nghĩ đó là sự lựa chọn đúng đắn, nếu có quay trở lại thời trai trẻ tôi vẫn không từ bỏ”, An Hiếu bộc bạch.

Nhạc sĩ An Hiếu: "Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu" - 1

Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu (tên đầy đủ là Nguyễn An Hiếu) sinh năm 1975, quê gốc tại Nghệ An. Ảnh: Phạm Hằng

Với anh, cố nhạc sĩ An Thuyên vừa là cấp trên, vừa là đồng nghiệp và hơn hết là người thầy trong âm nhạc. Anh được trau dồi chuyên môn, được hỏi ý kiến những về những tác phẩm của mình, cho đến những công việc quản lý, giảng dạy. Ông không đơn thuần chỉ dạy cho anh những kinh nghiệm chuyên môn mà cả lối sống, cách nghĩ đến những điều tích cực.

“Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu. Qua thời gian, tôi tích lũy được chuyên môn tốt hơn, dần dần tạo cho mình con đường riêng để đi, ngày càng chững chạc hơn. Nên tôi nghĩ, đôi khi biết đâu theo thời gian, những áp lực đó lại thành những động lực tích cực để mình phấn đấu mỗi ngày, có những cái đích để mình hướng tới”, nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.

Nhạc sĩ An Hiếu: "Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu" - 2

Nhạc sĩ An Thuyên - cha của nhạc sĩ An Hiếu.

Gần 30 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ An Hiếu đã có nhiều sáng tác về Bác Hồ, người lính và thanh niên để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Trong các tác phẩm của mình, anh không “lên gân”, luôn sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tuổi trẻ, âm nhạc mới mẻ, hiện đại để tiếp cận người nghe.

Đặc biệt, anh tự nhận mình có duyên với sáng tác dành cho thanh niên, một phần bởi anh theo gương người cha khi 63 tuổi vẫn tham gia sáng tác ca khúc Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam.

“Cha tôi viết Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam tại Đại hội thanh niên khóa X, khoảng ba năm trước khi ông từ giã cõi đời. Tôi khi ấy chính là người làm chương trình nghệ thuật mừng đại hội thành công, tôi cảm nhận rất rõ năng lượng của ông dù khi đó ông đã ở tuổi 63. Ông viết bài hát cho Đoàn với giai điệu trẻ trung, ca từ rất mới mẻ. Tôi nhìn thấy ở cha rất nhiều điều đáng học hỏi. Dù ở tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn rất quan tâm tới các bạn trẻ, tới phong trào thanh niên. Chính sự yêu mến đó tạo nên cái duyên giúp tôi sau này khi viết ca khúc về thanh niên không quá khó khăn”.

Nhạc sĩ An Hiếu: "Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu" - 3

AnHieu Studio - căn phòng nhỏ tại một khu tập thể nằm trong con ngõ 376 đường Bưởi là nơi nhạc sĩ An Hiếu vẫn hằng ngày miệt mài sáng tác. Ảnh: Phạm Hằng

Ngoài nguồn cảm hứng được truyền lại từ người cha tài năng đáng kính, thì những vốn sống và trải nghiệm khi tham gia làm cán bộ Đoàn cũng giúp nhạc sĩ An Hiếu tìm được nhiều góc cạnh khác nhau trong đề tài này. Anh từng là cán bộ đoàn trường, từng được vinh danh là một trong “10 gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quân”, được trao giải thưởng "Sao tháng Giêng" nhờ thành tích học tập, cộng thêm biết bao chuyến đi biểu diễn ở những nơi khó khăn nhất từ biên giới tới hải đảo.

Sau bao cố gắng, nỗ lực của An Hiếu trên hành trình sống, trải nghiệm và sáng tác, thành quả đạt được là giải A với ca khúc Sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong trong cuộc vận động sáng tác nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam; giải A với ca khúc Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng trong cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Anh còn là tác giả của 2 ca khúc Vâng lời Bác dạy và Làm theo lời Bác - các bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vào các năm 2019, 2021.

Âm nhạc được truyền lửa từ năng lượng tuổi trẻ 

Sáng tác ca khúc về thanh niên thường có ý tưởng chung và rất kinh điển về tâm trong trí sáng, hoài bão ước mơ xây nghiệp lớn, làm theo lời Bác... Vậy làm thế nào nhạc sĩ An Hiếu tạo cho những ca khúc của mình có được dấu ấn riêng?

Là bởi anh quan niệm, đối với người sáng tác, khi viết đề tài mình từng có nhiều tác phẩm, mỗi tác phẩm sẽ mang cách nhìn khác nhau. Nếu may mắn sẽ có được một, hai bài để lại dấu ấn. Muốn như vậy đòi hỏi người sáng tác không ngừng tìm tòi, cần có sự đọc hiểu, trau dồi và tự thu lượm trong cuộc sống. Có như vậy các ca từ mới dễ đọng lại.

Bí quyết lớn nhất với anh, chính là việc đọc nhiều, nhất là đọc thơ, biết quan sát, yêu thương cuộc sống, càng đi nhiều càng quan sát cuộc sống kỹ càng hơn. Anh cho rằng, sống cởi mở mới có thể cảm nhận và rung động được, ca từ đúng thôi chưa đủ, âm nhạc không có cảm xúc không thể thuyết phục người nghe.

Nhạc sĩ An Hiếu: "Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu" - 4

"Ca từ đúng thôi chưa đủ, âm nhạc không có cảm xúc không thể thuyết phục người nghe". Ảnh: Phạm Hằng

“Cha thường dặn tôi phải nghe thật nhiều, chừng nào mình nghĩ âm nhạc của mình hay mà đóng cửa không nghe nữa là thua. Nghe ở đây là đọc và học cái hay chứ không phải nghe để sao chép. Nghe những giai điệu hay một cách tích cực để ngấm những giai điệu mới mẻ, khi viết ca khúc mới sẽ có cách nhìn riêng. Nếu cảm xúc không đủ, tự mình nghe lại không thấy hay tôi sẽ không cố, bởi thiếu vắng cảm xúc thì ca từ chỉ như lời hô khẩu hiệu suông, khó lòng thuyết phục người khác”, nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.

Giờ đây, khi đang ở độ tuổi sung sức và nhiệt tình với công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ, tình yêu với nghệ thuật vẫn như ngọn lửa luôn bừng cháy trong anh. Nhạc sĩ An Hiếu vẫn miệt mài sáng tác bằng tất cả tấm lòng mình, tiếp tục ấp ủ từng lời thơ, câu hát. Gần như với anh, ở bất cứ thời điểm nào cũng như đang trong trạng thái hưng phấn sáng tác để bừng lên các giai điệu âm nhạc...

Nhạc sĩ An Hiếu: "Áp lực là con trai của nhạc sĩ An Thuyên chính là động lực, là chút áp lực dễ chịu" - 5

Nhạc sĩ An Hiếu hiện là Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Ảnh: NVCC

“Tôi có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhiều với học viên trẻ tuổi. Chính họ đã truyền cho tôi năng lượng, cách nghĩ và cách làm chỉ có ở tuổi trẻ. Phần nào những tác phẩm của tôi đã thể hiện điều đó, sự “già” trong âm nhạc cũng đến chậm hơn so với người cùng thế hệ...”, anh cho biết.

Nhạc sĩ An Hiếu luôn tâm niệm rằng, âm nhạc, nghệ thuật có tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Một ca khúc hay đôi lúc còn có sức kêu gọi, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ đến quần chúng hơn nhiều phương thức tuyên truyền khác. Do vậy, anh luôn ưu tiên viết những điều tích cực, hướng đến mục tiêu tốt đẹp về lối sống, cách nghĩ dành cho giới trẻ bởi họ chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Ngoài năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, họ cần có thêm hành trang là tâm hồn đẹp, biết trân trọng giá trị văn hóa để hoàn thiện bản thân mình.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phiên bản đặc biệt của cuốn sách lịch sử nhân loại bán chạy hàng đầu thế giới

Phiên bản đặc biệt của cuốn sách lịch sử nhân loại bán chạy hàng đầu thế giới

Cuốn sách “Sapiens - lược sử loài người" đã được xuất bản bằng tiếng Do Thái lần đầu vào năm 2011 và sau đó bằng tiếng Anh vào năm 2014. Sau 10 năm xuất bản chính thức bằng tiếng Anh, “Sapiens - lược sử loài người" đã được dịch ra trên 64 ngôn ngữ và được phát hành trên toàn thế giới với hơn 21 triệu bản in, liên tục xuất hiện trong mọi danh mục sách bán chạy trên toàn cầu, đư