Nhớ một kỉ niệm với nhạc sĩ Trần Tiến

1. Hạ tuần tháng mười ta, nhạc sĩ Trần Tiến thình lình điện ra: “Tớ phải ra Hà Nội vài hôm. Nhớ mùa đông, nhớ các cậu quá!”. Cũng tưởng y nói rồi quên như thói ngẫu hứng của y. Ai dè, vào sáng trời rét căm căm. Người Hà Nội nói ra khói, người to xù ra vì đắp đủ thứ áo. Tin nhắn ập đến: “Đến 27 Trần Hưng Đạo ngay. Già rồi, lại lạnh. Cấm đi xe máy. Leo lên tắc xi. Tớ trả tiền”.

Cửa hàng cà phê đầu non nửa phố Trần Hưng Đạo là quán sang trọng với cấu trúc châu Âu. Khách ngồi ở đâu, quay bất kì phía nào cũng nhìn thấy đủ loại đồng hồ. Tất cả đều không chạy, mỗi đồng hồ lại chỉ một giờ khác nhau. Ngoài kia gió bấc rít lên. Khiến khách cứ ngỡ thời gian mùa đông ngừng lại, đóng băng.

Nhớ một kỉ niệm với nhạc sĩ Trần Tiến - 1

Nhạc sĩ Trần Tiến trong buổi gặp gỡ bạn bè tại Hà Nội

Quán cà phê đáp ứng đủ mọi yêu cầu của khách. Từ uống đến ăn. Mọi món đắt, rẻ được đáp ứng. Trần Tiến nghếch cái mũ bê - rê màu sữa từng làm nên thương hiệu của gã nhạc sĩ du ca. Nhếch cặp môi dầy từng nhả ra bao bài ca lúc biểu diễn và lúc nhẩm giai điệu đang hình thành của mình, gã bảo:

- Kệ bọn bay. Hôm nay tớ muốn chúng mình ăn món nhớ.

 “Tưởng gì. Đúng là gã Hà Nội xa quê có khác” - Tội trộm nghĩ, rồi lẳng lặng nhìn đĩa bánh cuốn đúng gu Thanh Trì mỏng tang, trong suốt dọn ra. Đĩa kinh giới mỏng manh, xanh nhạt. Bát nước mắm vừa xuống.

Trần Tiến tay xua, miệng hỏi:

- Cho anh nước mắm cốt Vạn Vân nhà Đoàn Chuẩn nhé.

Cô chủ hàng giọng ngọt như mơ:

- Có ngay!

Trần Tiến nhìn bát nước mắm trong veo mầu cánh gián, hơi lắc đầu:

- Chắc không Đoàn Chuẩn lắm đâu. Nhưng ta cứ coi như vậy.

Nói xong, y nghiêng mình, lôi từ trong chiếc túi xách ra một gói báo nhỏ. Y thận trọng gượng nhẹ mở từng lớp giấy. Tôi chưa nhận ra điều gì thì túi ni lông trong cùng vừa hé mở, ai đâu đây kêu lên khe khẽ :

- Trời! Mùi cà cuống.

Tôi định xuýt xoa phụ họa, thế rồi lặng đi. Nhìn những con cà cuống đã không còn ngọ nguậy nằm chồng lên nhau im lìm, hương cà cuống ngát lên bao phủ, không hiểu sao tôi chợt nhắm mắt lại. Những ngày thơ bé quê tôi, làng Chèm ven sông quay về giữa mấy lão già ở tuổi ngoại thất thập đang ngồi tránh gió bấc.

Nhớ một kỉ niệm với nhạc sĩ Trần Tiến - 2

Nhạc sĩ Trần Tiến 

2. Hồi tôi lên sáu, lên bẩy, học cấp một. Thuở đó chúng tôi chỉ học một buổi chứ không như bây giờ. Trò mẫu giáo cũng phải học thêm huống hồ các lớp trên. Tiết học chật cứng, trẻ không có thời gian chơi. Chẳng bù hồi chúng tôi. Học sáng, chiều trẻ nhà nông nghiệp thì đi chăn bò, còn trẻ phi nông nghiệp như tôi thì cắp nan đan vừa tham gia đủ thứ trò chơi mà đứa trẻ có thể nghĩ ra.

Cũng xin nói một chút về nghề đan nan. Nghề này cổ truyền ở làng Bãi Hoa - Giờ làng này đã biến mất sau khi cầu Thăng Long dựng lên - Tôi không biết nghề đan có từ bao giờ, nhưng người cao tuổi làng tôi và mấy làng xung quanh bảo chí ít nó có từ hồi người Pháp đến, tức là vào nửa cuối thế kỉ XIX.

Cây giang từ trên rừng đóng bè theo sông về xuôi, đến làng Bãi Hoa thì đa phần dừng lại. Dân Bãi Hoa mua giang đóng từng bó lên, về cạo hết vỏ. Xong luộc kĩ như luộc bánh chưng, bỏ ra phơi vài nắng cho khỏi mốc. Khi nào dùng thì ngâm ao, ngâm sông, lấy lên rửa sạch rêu, bùn bám vào. Dùng dao sắc lột mỏng như tờ giấy, hấp diêm sinh cho trắng. Sau đó tước ra đan thành dây rồi giao cho thợ may máy thành mũ, túi xách phục vụ Tây đầm một thời. Đến thời ta thì những chiếc mũ nan, túi xách đó phần thường dùng trong nước, phần đẹp, chất lượng cao xuất khẩu.

Bọn trẻ con thường xuống làng Bãi Hoa nhận nan đan thuê. Làng Bãi Hoa cách làng tôi khoảng ba cây số. Cách Bãi Hoa chừng một cây số thì ven đường đất dẫn vào làng là những đầm nước cạn. Mọc đầy cỏ lác.

Chúng tôi lội bì bùm dọc ven hồ để nghịch và nhất là để tìm trứng cà cuống và bắt những con vật thơm lừng, ngon lành này. Cà cuống vào mùa hạ, mùa sinh nở của chúng thường ngoi lên mặt nước, đẻ trứng bám vào lá cỏ lác. Lũ trẻ chúng tôi khom lưng, căng mắt để phát hiện ra những chùm trứng cà cuống trong veo, thoáng màu xanh ngọc.

Khi phát hiện bọc trứng cà cuống, lũ trẻ chúng tôi đưa tay búng nhẹ vào mặt nước xung quanh nơi trứng bám. Thấy động, cà cuống có lần cả đôi dìu nhau, có lần mình con cái ngoi lên giữ trứng. Thế là cả trứng và những con cà cuống tội nghiệp bị bắt. Cho vào miệng nhằn trứng cà cuống dẻo dai, nổ lép bép, hương cà cuống nhè nhẹ thoảng lên. Đám trẻ quỷ sứ chúng tôi sau khi chén trứng liền nổi lửa đốt những bụi dứa khô ven đường, nướng cà cuống. Những bộ mặt trẻ con hoen than vì ăn cà cuống nướng cùng mùi cà cuống thơm ngát mà sau này khi lớn lên tôi mới nhận ra đó là mùi thơm chắt từ tự nhiên tinh hoa trời đất mà sao kiêu xa, bản sắc đến vậy.

Đồng làng tôi một thuở cũng ràn rạt cà cuống. Đoàn cải lương Chuông Vàng về diễn Kiều ở sân kho. Cà cuống thấy đèn sáng bay về đậu cả trên trâm cài của chị em Thúy Kiều, trên mũ tướng Từ Hải.

Thế mà ba, bốn mươi năm nay chả cứ đồng làng tôi, vài mảnh đầm của làng Bãi Hoa còn sót lại quanh mố cầu Thăng Long, mà cả vùng nông thôn trù phú của đồng bằng Bắc Bộ hình như cũng khó tìm nổi cà cuống tự nhiên. Hình như con côn trùng mang mùi thơm nồng nàn, say đắm của một gia vị tạo nên cốt cách đặc trưng của miếng ngon Hà Thành đã gần như tuyệt chủng.

Bởi nguyên nhân nào nhỉ? Thuốc sâu, thuốc diệt cỏ vãi bừa bãi xuống đồng? Hay sự  xàm xỡ, xem nhẹ, ăn xổi đến mức thiếu tôn trọng môi trường?

Năm 1991, tôi đi thực tế trên tàu viễn dương. Khi tàu đỗ ở cảng Công Pông xom, vào đúng đêm giỗ bố tôi. Tôi lên boong tầu bắt được chục con cà cuống đặt lên đĩa cúng bố. Không biết bố tôi - người đàn ông Hà Nội nơi thượng giới chắc vẫn nhớ vị thơm quen mà lạ của cà cuống.

Chỉ tay vào mấy con cà cuống đã chết lạnh, Trần Tiến từ phương Nam mang ra y bảo: “Đây là cà cuống bên Lào, bên ấy quý tớ vì ca khúc “Cô gái Xầm Nưa” thỉnh thoảng lại gửi cho tớ, nếu có nhiều tớ sẽ gửi ra cho cậu. Đừng vì thích hương cà cuống mà mua tinh dầu vị cà cuông mà ăn. Độc đấy!”

Nghe gã bạn nổi tiếng thì thào dặn, tôi tự nhiên chạnh buồn buột kêu lên khe khẽ “cà cuống, cà cuống - Hương vị một thời ấu thơ của ta -  giờ sao em không ở đồng ta nữa?”.

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất