Thương tiếc một “chiếc đũa thần”

Chiếc đũa thần ấy đã rời cõi tạm để yên giấc ngàn thu. Một thời gian rất dài, chiếc đũa thần này đã vung lên trước rất nhiều dàn nhạc giao hưởng lớn ở trong và ngoài nước, trở nên thần tượng của nhiều thế hệ học trò, đàn em, đàn con.

Nhắc đến những người hoạt động âm nhạc đặc sắc, nổi trội của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc, không thể không nhắc đến chiếc đũa thần Trọng Bằng. Không phải vì ông có hai khóa đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam (từ 1995-2005). Càng không phải ông từng là Đại biểu Quốc hội khóa X và được tặng Huân chương Lao động hạng 3. Cũng không phải ông giành được nhiều vinh quang trong nghề nghiệp: là Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Thương tiếc một “chiếc đũa thần” - 1

Nhạc sĩ Trọng Bằng chỉ huy dàn nhạc năm 2009. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Có vẻ cái số ông dễ dàng có được hiển vinh hơn nhiều người khác khi đạt được cả bốn danh hiệu rất vẻ vang nói trên. Ít nhất là ông có số “hên” hơn người anh ruột của mình cũng không kém cạnh trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Đó là nhạc sĩ, đại tá Trọng Loan suốt đời mặc áo lính với những ca khúc quá quen biết “Bài ca dâng Bác”, “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, “Trăng sáng trên rừng quế”… Không thể bỏ qua Trọng Bằng vì ông là một nhạc sĩ có nhiều công sức đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền âm nhạc bác học còn rất non trẻ ở nước ta. Điều này thì không ai có thể phủ nhận.

Nói đến Trọng Bằng, trước hết phải nói đến tài chỉ huy dàn nhạc. Ở lĩnh vực này, ông gặt hái được nhiều thành quả rất đáng trân trọng. Ông chính là con chim đầu đàn ở Việt Nam về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng – một công việc khó khăn, nặng nhọc, không có học hành công phu thì không thể thực hiện.

Về sau có những người vung đũa chỉ huy có thể hiện đại hơn ông – tất nhiên, theo quy luật “trò hơn thày, con hơn cha là nhà có phúc” nhưng nói đến chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, người ta luôn nghĩ đến ông đầu tiên. Ông là thầy dạy của những người chỉ huy trẻ sau này cũng khá nổi tiếng như Nguyễn Thiếu Hoa, Lê Phi Phi, Phạm Ngọc Khôi, Doãn Nguyên…

Một thời gian dài, cứ biểu diễn âm nhạc lớn phục vụ những ngày lễ, kỷ niệm long trọng mà cần có hòa nhạc giao hưởng là người ta lại nghĩ ngay đến Trọng Bằng. Những tác phẩm âm nhạc lớn ở thế giới và trong nước đều được vang lên từ những dàn nhạc hoành tráng qua bàn tay chỉ huy tài tình của ông. Có lỗ tai “thần” của người chỉ huy đã đành, ông còn có cái uy đặc biệt khiến các nhạc công ngồi trong dàn nhạc nể phục mà diễn tấu nghiêm cẩn những tác phẩm khó nhất của những nhạc sĩ thiên tài thế giới.

Về tài chỉ huy nhạc của Trọng Bằng đã có “dự báo” thú vị về tố chất này từ trước, khi mà ông chưa học chỉ huy một giờ nào, mới có một vài bài hát bước đầu và tri thức âm nhạc còn “võ vẽ”. Chuyện rằng năm 1954, sau ngày hòa bình lập lại, để chuẩn bị cho đêm biểu diễn chào mừng ngày quân ta về tiếp quản thủ đô, chàng thanh niên Trọng Bẳng khi ấy mới 23 tuổi (sinh năm 1931) đã mạnh dạn nhận trách nhiệm dàn dựng và chỉ huy dàn đồng ca, có dàn nhạc đệm rất hoành tráng.

Thương tiếc một “chiếc đũa thần” - 2

NSND Trọng Bằng (ở giữa) cùng nhạc trưởng Quang Hải, Trần Quý thời sinh viên tại Liên Xô cũ. (Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Rồi một năm sau – 1955 – ông được giao dàn dựng và chỉ huy chương trình biểu diễn của Việt Nam tại Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Thấy Trọng Bằng bộc lộ rõ tài chỉ huy dàn nhạc, sau đó, Nhà nước cử ông đi học tại Nhạc viện nổi tiếng của Liên Xô (cũ) mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga P.I. Tchaikovsky. Và năm 1963, ông là người đầu tiên ở nước ta đỗ bằng đỏ tại nhạc viện lừng danh này.

Những người dân sống ở TP Hồ Chí Minh đến bây giờ vẫn không quên một đêm hòa nhạc đồ sộ thật đặc biệt diễn ra lần đầu tiên sau ngày giải phóng dưới chính quyền mới vào ngày 1/6/1975 – đúng một tháng sau ngày đất nước ta được hoàn toàn thống nhất. Lần đó, người ta thấy một người chỉ huy nhạc là chiến sĩ cộng sản dong dỏng cao, mặc áo đuôi tôm màu đen – áo của người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng theo quy định quốc tế - vung đũa baton chỉ huy quá hoành tráng và máu lửa.

Dàn nhạc khá bề thế, gồm gần 100 nhạc công đã diễn tấu những bản nhạc hay nhất của những nhạc sĩ lớn, nổi tiếng trên thế giới như L.V. Beethoven, F.B. Mendelssohn, P.I. Tchaikovsky, F. Schubert, A. Dvorak, G. Rosonini, J. Strauss và một số nhạc sĩ quen biết của Việt Nam: Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh. Điều thật đặc biệt là người ta chỉ thấy Trọng Bằng tay vung đũa rất dẻo, mắt nhắm nghiền như thả hết tâm hồn vào từng âm thanh của các bản nhạc mà không hề có văn bản tổng phổ trước mặt. Trí nhớ của ông tuyệt vời đến mức đã thuộc hết các tác phẩm trong đầu. Quả là ở nước ta không nhiều người chỉ huy nhạc đạt được điều này.

Trọng Bằng nằm trong số những nhạc sĩ cỡ “mét” (bậc thày) ở Việt Nam.  Nói vậy không chỉ vì ông đã có trên chục năm làm giám đốc, giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam – một trung tâm đào tạo nghệ sĩ âm nhạc chính quy, lớn nhất nước ta, từng dạy dỗ, rèn đúc nên hàng trăm học trò trở thành những nhạc sĩ, những nhà chỉ huy nhạc nổi tiếng mà còn vì tài năng, học vấn, tầm cỡ trong nghề nghiệp của ông xứng bậc thày của nhiều nhạc sĩ Việt Nam hiện nay.

Có hai danh từ chỉ những người sáng tác âm nhạc: “Compositeur” (viết được khí nhạc, tức nhạc không lời) và “Chansonnier” (chỉ viết được ca khúc). Trọng Bằng là nhạc sĩ đúng nghĩa với từ compositeur chưa có nhiều ở nước ta. Nhưng ông có thành tựu khá đa diện, lĩnh vực nào cũng gặt hái được những thành quả đáng kể.

Về ca khúc, ông có những bài công chúng không quên: “Quê hương Việt Nam”, “Bài hát bên cầu phao”, “Trăng sáng trên tuyến đường”, “Bão nổi lên rồi”, “Những dũng sĩ núi Thành”, “Nhịp máy khoan”, “Chúng ta là chiến sĩ công an”… Ông cũng để lại một số tác phẩm khí nhạc đáng chú ý: 5 bản fuga viết cho đàn piano, vũ khúc cho đàn violoncelle và piano hòa tấu. Ông có 2 bản giao hưởng viết công phu: Ouverture Chào mừng và giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui.

Tư duy khí nhạc của Trọng Bằng có chiều sâu, giàu sức biểu cảm. Tuy nhiên, do liên tục làm công tác quản lý, từ phó rồi giám đốc Dàn nhạc giao hưởng, tiếp đến Giám đốc Nhạc viện Hà Nội và sau cùng là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã không có thời gian để đầu tư cho sáng tác khí nhạc nên cuối cùng lượng tác phẩm để lại đã không tương xứng với năng lực vốn có.

Với tư cách sáng tác, Trọng Bằng đã thể hiện thành công ở cả hai lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc. Ngôn ngữ âm nhạc của ông bám sâu trên mảnh đất truyền thống nhưng mới mẻ, hiện đại, trẻ trung và khá phong phú về màu sắc. Ở lĩnh vực ca khúc, tùy từng chủ đề cần biểu hiện mà ông sáng tạo nên những giai điệu có sức biểu cảm nhất.

Gồ ghề, gân  guốc, chắc nịch như “Nhịp máy khoan”. Đĩnh đạc, đàng hoàng, ở tư thế của người chiến thắng tuy từng giờ phút phải đương đầu với bom đạn hiểm nguy như “Bài hát bên cầu phao”. Lặng lẽ mà kiêu hùng, tràn đầy tự tin như “Những dũng sĩ núi Thành”. Dồn dập, khẩn trương khí thế chiến đấu và chiến thắng như “Bão nổi lên rồi” và cũng mềm mại, điệu đà như “Trăng sáng trên tuyến đường”…

Thương tiếc một “chiếc đũa thần” - 3

Nhạc sĩ Trọng Bằng

Năm 1991, Trọng Bằng được phong học hàm Giáo sư bởi những thành tựu lớn lao trong lĩnh vực đào tạo. Tuy không chính thức công bố những công trình nghiên cứu, lý luận nhưng giới nhạc mặc nhiên công nhận ông là một nhà lý luận âm nhạc bởi những bài phát biểu, tham luận, trả lời phỏng vấn tại các hội nghị và trên báo chí trong đó luôn chuyển tải những hàm lượng thông tin phong phú về nhiều kiến thức âm nhạc.

Nhưng lĩnh vực ông để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhất vẫn là chỉ huy dàn nhạc giao hưởng như đã nói, bởi cho đến hiện tại, khi đã có nhiều người chỉ huy nhạc lứa học trò đã trưởng thành và cũng không ít tài năng thì cái bóng của ông trong lĩnh vực này vẫn còn lớn, không dễ có thể vượt qua. Ngay cả những nghệ sĩ tài ba, nổi tiếng nước ngoài cũng đều quý trọng, ghi nhận trình độ uyên bác, thái độ lao động nghệ thuật hết mình khi làm việc với ông. Đó là nghệ sĩ đàn violoncelle Markus Stockes (Thụy Sĩ), cặp vợ chồng nghệ sĩ Max Olding và Panela Page (Australia), M.Nakamura, T.Suehara, S.Yamaga (Nhật Bản), M.Baxtresser (Mỹ)…

Cũng chính vì những đóng góp lớn cho sự nghiệp biểu diễn mà năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng NSND là danh hiệu cao quý nhất trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Ông cũng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực sáng tác.

Ngày 21/11/2022, NSND, GS, nhạc sĩ Trọng Bằng trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viên Hữu nghị sau nhiều năm lâm trọng bệnh, hưởng thọ 92 tuổi (sinh năm 1931). Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống đáng kể trong lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc, gây nỗi thương tiếc lớn cho đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò và công chúng hâm mộ./.

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.