Chuyện bên lề Hội nghị Paris

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris, tôi được NXB Văn hóa thông tin phân công sưu tầm biên soạn cuốn sách ảnh Hội nghị Paris về Việt Nam để xuất bản. Nhờ vậy, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều tài liệu vể hội nghị này. Đồng thời tôi cũng có một số bạn bè, nhà báo theo dõi, tác nghiệp tại hội nghị, mà họ trực tiếp chứng kiến, hoặc nghe qua các đồng chí trong đòan đàm phán. Những câu chuyện họ kể hoặc tôi sưu tầm được đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ.

Đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (gọi tắt Đoàn Việt Nam) gồm 37 thành viên, nên gọi là Đoàn 37, do Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn và ông Lê Đức Thọ làm cố vấn.

Khi đoàn đặt chân đến Paris, ông Mai Văn Bộ, Tổng Đại diện Việt Nam tại Pháp cho rằng đây là phái đoàn rất quan trọng, có tính quyết định vận mệnh quốc gia, nên ông muốn bố trí đoàn ở một nơi đàng hoàng, sang trọng để mọi người biết “mình là ai”. Ông đưa đoàn đến ở khách sạn 5 sao Lutétia, số 45 đại lộ Raspail, trung tâm Paris. Ông còn bắt khách sạn treo cờ đỏ sao vàng trước cửa để đón đoàn.

Ở được vài ba hôm, nhân viên khách sạn đưa cho Trưởng nhóm lễ tân của đoàn là bà Vũ Thị Đạt tờ hoá đơn thanh toán. Nhìn thấy số tiền ghi trên hoá đơn, bà Đạt toát mồ hôi! Cuối cùng đoàn quyết định chuyển chỗ ở và nhờ Đảng Cộng sản Pháp giúp.

Đảng Cộng sản Pháp cử hai đồng chí Gasto Plissonnier (Bí thư Trung ương Đảng) và Elie Mignot giúp đoàn ta. Sau khi bàn bạc, đồng chí Gaston bố trí đoàn ở Trường Đảng của Đảng Cộng sản Pháp, còn gọi “Trường Đảng Maurice Thorez”. Nơi đây là một địa điểm lý tưởng, có đầy đủ tiện nghi cho đoàn ăn ở và làm việc. Trong đó có một căn nhà, trước đây Tổng Bí thư Maurice Thorez sinh thời đã ở, nay để Bộ trưởng Xuân Thuỷ và Cố vấn Lê Đức Thọ sử dụng.

Chuyện bên lề Hội nghị Paris - 1

Hội nghị Paris khai mạc 

Để Đoàn Việt Nam ở đây, Đảng Cộng sản Pháp phải chuyển Trường Đảng tới một địa điểm khác ở Paris. Đến ngày Hội nghi kết thúc, nước bạn đã không lấy đoàn ta bất kỳ chi phí nào bao gồm cả tiền thuê nhà, số cán bộ bạn cử đến phục vụ đoàn Việt Nam và đoàn Mặt trận, cũng như công việc bảo vệ, lái xe, cấp dưỡng, giặt là áo quần… đều tự nguyện, không hưởng lương trong 4 năm ròng rã.

Sau khi Đoàn Việt Nam và Mỹ nhất trí ngồi vào đàm phán, thì vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết là họp ở đâu? Tất nhiên không phải ở Washington DC, Hà Nội hay Sài Gòn. Cả hai đoàn và một số nước đưa ra 8 địa điểm, nhưng bên này đồng ý địa điểm này thì bên kia không nhất trí.

Ngày 4/4/1968, Đại sứ quán Mỹ ở Vientiane Lào thông báo cho sứ quán Việt Nam rằng Washington đề nghị hội nghị diễn ra ở Genève, Thuỵ Sỹ, nhưng Việt Nam đề nghị lấy Phnôm Pênh (Campuchia), Mỹ không chấp nhận. Mỹ lại đưa ra 4 đề nghị khác: New Delhi (Ấn Độ), Jakarta (Indonésia) Vientiane (Lào) và Rangoon (Myanmar). Hà Nội không đồng ý và đề nghị lấy Warsaw (Ba Lan) làm nơi hội họp. Ban đầu Washington chấp nhận, nhưng sau đó họ đã thay đổi và đưa ra một danh sách gồm 10 địa điểm: Kabul (Afghanistan), Colombo (Sri Lanka), Kathmandu (Nepal), Kuala Lampur (Malaysia), Rawalpindi (Pakistan), Tokyo (Nhật Bản), Brusselles (Bỉ), Helsinki (Phần Lan), Vien (Áo) và Rome (Italia). Cuộc trao đổi của hai phía về địa điểm hội nghị đã kéo dài hơn một tháng trời, vẫn chưa đi vào đâu. Cuối cùng, ngày 02/5/1968, Việt Nam đề nghị lấy Paris (Pháp) làm nơi đàm phán và được phía Mỹ chấp thuận.

Điều mọi người thắc mắc, tại sao Việt Nam lại đề nghị đàm phán ở Paris? Theo một nhà ngoại giao có tên tuổi cho biết:

Vì Paris là thủ đô của một nước lớn không chỉ ở châu Âu mà của cả thế giới, một trung tâm truyền thông toàn cầu. Một sự kiện xảy ra, một tin tức được phát đi từ Paris thì ngay lập tức toàn nhân loại đều biết. Việt Nam muốn khơi dậy lương tri loài người yêu chuộng hoà bình và công lý và Việt Nam cũng muốn lập trường đó được công khai truyền đi cho dư luận thế giới hiểu và đồng tình ủng hộ.

Paris nơi có phong trào nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình và công lý, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp, các tổ chức hữu nghị luôn luôn lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ, đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.

Hơn nữa, Paris nơi có phong trào Việt kiều yêu nước phát triển mạnh với số lượng nhiều nhất trên thế giới. Phong trào yêu nước của Việt kiều ở Pháp có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ và do chính Bác Hồ xây dựng trong những năm tháng Bác hoạt động ở Pháp.

Chuyện bên lề Hội nghị Paris - 2

Sau 5 năm kiên trì đàm phán và Hiệp định Paris được kí kết

Mặt khác, chính quyền Pháp lúc bấy giờ cũng không đồng tình với sự xâm lược Việt Nam của Mỹ.

Pháp vui mừng vì được Việt Nam và Mỹ chấp nhận họp ở Paris và nếu hội nghị thành công, Pháp có phần vinh dự. Chình vì vậy, Chính phủ Pháp tiếp đón phái đoàn ta từ khi đặt chân lên Paris và bảo vệ an ninh cho tất cả các hoạt động của Đoàn Việt Nam trong suốt 4 năm đàm phán. Phía Pháp chuẩn bị chu đáo phòng họp riêng với bàn ghế được thiết kế riêng phù hợp, để phục vụ hội nghị.

Khi hội nghị kết thúc thắng lợi, Chính phủ Pháp thông báo cho đoàn ta “miễn phí”  toàn bộ cảc chi tiêu phục vụ hội nghị. Và sau đó ít lâu, Pháp và Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao từ Tổng Đại diện lên hàng Đại sứ.

Hội nghi Paris gồm hai hội nghị: Hội nghị hai bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, họp từ 13/5/1968 đến 1/11/1968 và Hội nghị bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, họp từ ngày 25/01/1969 đến 27/01/1973.

Chuyện bên lề Hội nghị Paris - 3

Bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris, 27/1/1973 

Hội nghị hai bên: Trưởng đoàn Việt Nam là Bộ trưởng Xuân Thuỷ, Trưởng đoàn Mỹ là nhà ngoại giao Averell Hariman. Trong thời gian hội nghị hai bên kéo dài suốt 5 tháng, Đoàn Việt Nam chỉ đề nghị bàn một nội dung duy nhất: “Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc”, rồi sau đó mới  bàn sang vấn đề khác. Trong lúc đó Mỹ yêu cầu bàn cùng một lúc cả hai vấn đề: quân sự và chính trị. Phía Việt Nam kiên quyết không thảo luận bất cứ vấn đề nào khác, nếu Mỹ còn tiếp tục ném bom miền Bắc.

Nhiều nhà ngoại giao khen “Ông Xuân Thuỷ tài thật”, suốt 5 tháng trời, trong các bài phát biểu của mình dài 4, 5 trang vào thứ 5 hàng tuần họp tại Kleber, chỉ nhắc đi nhắc lại một yêu cầu: “Mỹ chấm dứt hoàn toàn và vô điều kiện ném bom miền Bắc Việt Nam”, nhưng Mỹ không chịu. Các nhà báo đã phải thốt lên: “Đây là cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Còn người phát ngôn của Đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Thành Lê viết: “Con kiến mà leo cành đào, leo phải cành cụt, leo ra leo vào”.

Cuối cùng ngày 30/10/1968, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải tuyên bố: “Chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam hoàn toàn vô điều kiện”. Từ đó hai đoàn bắt đầu thảo luận về hội nghị tiếp theo để giải quyết các vấn đề khác ở miền Nam Việt Nam.

Chuyện bên lề Hội nghị Paris - 4

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Paris, 27/1/1973

Đầu năm 1969, cuộc đàm phán bước vào giai đoạn mới: Đó là giải quyết vấn đề quân sự, chính trị ở miền Nam Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, cả hai bên nhất trí rằng: Phải có mặt các bên ở miền Nam Việt Nam. Đoàn Việt Nam đề nghị có đại diện Mặt trân, phía Mỹ có đại diện Việt Nam Cộng hòa. Hội nghị hai bên, giờ đây trở thành hội nghị bốn bên. Nhưng đoàn Việt Nam không công nhận Việt Nam Cộng hòa và Mỹ không công nhận Mặt trận. Từ đó nảy sinh hình dáng chiếc bàn hội nghị: tròn, vuông, chữ nhật hay oval... Chiếc bàn giờ đây không còn là khái niệm hình học mà là vấn đề chính trị. Cuộc cãi vã về hình thù cái bàn kéo dài đến 2 tháng (từ 01/11/1968 - 25/01/1969). Cuối cùng hai bên nhất trí chiếc bàn hội nghị 4 bên hình tròn, kê hai đầu bàn tròn là hai bàn hình chữ nhật, làm bàn thư ký hội  nghị và từ đây cuộc họp 4 bên bắt đầu diễn ra.

Về Cố vấn Lê Đức Thọ cũng có nhiều chuyện để kể: Báo chí phương Tây hồi đó săm soi nhất cử nhất động của đoàn ta và Mỹ, đặc biệt các cuộc đàm phán riêng giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger họp trong phòng, mà vẫn có phóng viên thuê nhà bên cạnh, dỡ cả mái ngói để trèo lên dùng máy ảnh ông kính chụp xa chĩa sang để chụp hai ông cố vấn họp xong ra cửa có bắt tay nhau không, có cười không, mặt lạnh như tiền hay cười rạng rỡ...

Có lần cuộc họp giữa hai ông rất căng thẳng, quyết liệt, kết quả chưa ngã ngũ, nhưng không hiểu sao, các báo đồng loạt đưa tin “hình như đàm phán có tiến triển”. Thì ra do họ chụp được Cố vấn Lê Đức Thọ đang cười (tuy chưa rõ ông cười vì cái gì). Ở Hà Nội theo dõi tin, thấy vậy gọi sang hỏi tình hình, sao đồng chí Lê Đức Thọ cười, Cố vấn Lê Đức Thọ mới lộ ra rằng: “Tôi không cười thì khóc à? Bởi Kissinger bắt tay tôi chặt đau quá!”.

Một lần khác, Cố vấn Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thuỷ lên xe của một đồng chí người Pháp đi cổng sau chạy thắng tới nơi họp. Trong lúc đó, đoàn xe chính thức của đoàn (loại xe xịn, khi đi kéo kính lên nhìn vào bên trong không nhìn thấy) chạy ra cổng chính, bảo vệ mở cửa, lính gác bồng súng chào như bình thường, thế là cánh nhà báo thi nhau lên xe máy chạy bám theo. Đi được một lúc, ngó nghiêng mãi, bỗng các tay săn ảnh mới phát hiện ra họ bị “bé cái nhầm”. Bắt đầu quay đầu xe. Trong lúc xe hở hai ông đã đến nơi họp được giữ kín.

Do phía Mỹ lật lọng, những gì hai bên đã thoả thuận, khiến Hiệp định thay vì được ký ngày 20/10/1972, nhưng không ký được. Nhưng do thất bại thảm hại tại trận “Điện Biên Phủ trên không”, ngày 8/01/1973 buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán 4 bên.

Trở lại Paris lần này với cách người chiến thắng, Cố vấn Lê Đức Thọ đề nghị cả đoàn không ra đón Đoàn Mỹ như thông lệ. Tại cuộc họp bốn bên, Cố vấn Lê Đức Thọ nổi nóng, trút hàng loạt từ xấu xa như: lừa dối, tráo trở, lật lọng, ngu xuẩn... lên đầu Cố vấn Kissinger, khiến ông ta không hé được nửa lời. Mãi về sau Kissinger mới nhỏ nhẹ đề nghị Cố vấn Lê Đức Thọ nói khẽ, không các nhà báo ở ngoài nghe  thấy, lại đưa tin “Ông đã mắng người Mỹ”. Nhưng Lê Đức Thọ vẫn không buông tha “Đó là tôi chỉ nói một phần, chứ còn các nhà báo họ còn dùng nhiều từ nặng hơn nữa kia”.

Trong một dịp khác, Kissinger lại hỏi “Ông Cố vấn đàm phán với tôi, nói như mắng mỏ tôi. Thế sau này kết thúc đàm phán, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình, thì ông Cố vấn mắng ai? Ngài có mắng cán bộ của mình như mắng tôi không?”.

Cố vấn Lê Đức Thọ điềm nhiên: “Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ tôi có quay quắt, lật lọng, tráo trở đâu mà tôi phải mắng” .

Thành công của Hội nghị Paris là kết quả của đấu tranh không khoan nhượng, kết hợp chặt chẽ của 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Và có thể nói không có Hiệp định Paris thì không thể có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hội nghị Paris đã qua nửa thế kỷ, là bài học quý báu về đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng ta có “lúc cương lúc nhu”, nhưng dù trong hoàn cảnh nào vẫn phải luôn luôn giữ vững lập trường: Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa xã hội.

Trần Mạnh Thường (sưu tầm)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ