Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại

Với danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606 - 1661), đúng là một cơ duyên khi nhóm nghiên cứu chúng tôi ban đầu gồm Giáo sư Ngụy Hữu Tâm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân theo lời mời của doanh nhân Lưu Viết Dũng quê ở Quất Động, Thường Tín, Hà Nội đã đến với vùng đất của ông Tổ nghề thêu - Thượng thư Bộ Công thời Lê - Trịnh.

Qua các lần điền dã hệ thống đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, lăng mộ thờ cúng cụ Lê Công Hành, chúng tôi ai nấy đều bồi hồi xúc động, khâm phục và kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ trước bậc tài danh với trí tuệ và công lao to lớn phò vua giúp nước, an dân hộ quốc, bằng tài hoa của mình đã làm rạng danh nước Việt trong thế bang giao ứng xử với Trung Quốc khi đi sứ, và nhất là tạo dựng, dẫn dắt, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - nghề thêu trở thành ngành nghề nổi tiếng, giúp hệ thống làng nghề, các đời nối tiếp vừa có công ăn việc làm ổn định vừa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nhiều vùng đất, nhất là các vùng đất chung quanh kinh đô Tràng An tới tận hôm nay.

Từ các nguồn tài liệu chính thống và truyền tụng trong dân gian, chúng ta có thể khẳng định Thượng thư Bộ Công Lê Công Hành - ông Tổ nghề thêu có một vị trí rất quan trọng không chỉ với nghề thêu mà còn có vai trò, vị trí, ảnh hưởng về văn hóa - lịch sử thời Lê - Trịnh với những biến động dữ dội, phức tạp. Danh nhân Lê Công Hành trong bối cảnh thời cuộc - thời đại - giai thoại của mình đã để lại những dấu ấn sâu sắc, nhiều bài học có giá trị về xuất sử, hành trạng nhập cuộc, thái độ kẻ sĩ trước thời cuộc, sự dấn thân và cống hiến, trí tuệ mẫn tiệp và sự thực hành cương quyết, khéo léo của vị quan lớn triều đình Lê - Trịnh trong toàn bộ cuộc đời ông. Danh nhân Lê Công Hành đã có đền thờ và phối thờ ở nhiều nơi, nhất là trên chính quê hương ông - xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội càng cho thấy nhân dân không bao giờ quên ơn những người có công với dân, với nước. Đây cũng là một trong những vẻ đẹp nhất của con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử.

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại - 1

Quang cảnh Hội thảo Lê Công Hành.

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành - Con người - thời cuộc

Theo các nguồn tư liệu đáng tin cậy mới nhất gần đây, ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành có nguồn gốc họ Mạc. Trong Lý lịch di tích đền Ngũ Xã, xã Quất Động, huyện thường Tín, thành phố Hà Nội đã được thống nhất qua Hội thảo khoa học khẳng định: “Cụ Lê Công Hành vốn là người họ Mạc. Năm 1546, Mạc Phúc Hải mất, con là Mạc Phúc Nguyên mới 2 tuổi lên ngôi. Bấy giờ, triều đình có ông Phạm Tử Nghi định đưa Mạc Chính Trung lên ngôi, nhưng không được các quan trong triều đồng ý, Mạc Chính Trung bèn làm loạn. Lúc ấy, để đảm bảo tính mạng, bà Bùi Thị Ban (thứ phi của Mạc Phúc Hải) đưa Mạc Phúc Đăng về lánh nạn ở làng Quất Động. Tại đây, Mạc Phúc Đăng sinh con là Mạc Phúc Đề. Năm 1592, nhà Lê khôi phục lại chính quyền ở Thăng Long, để tránh mọi điều phiền nhiễu, con cháu họ Mạc ở Quất Động đổi sang họ Trần là họ bên ngoại”.

Vẫn theo nguồn sử liệu trên đã khẳng định: “Cụ Lê Công Hành tên thật là Trần Quốc Khái, sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606) tại làng Quất Động. Cụ đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (1637). Năm 40 tuổi, triều đình cử đi sứ Trung Quốc. Tại đây, cụ đã học được nghề thêu của người Trung Hoa rồi về nước dạy cho dân làng Quất Động, Đào Xá, Ngũ Xã, Thắng Lợi, Dũng Tiến và một số làng khác ở Mỹ Đức, Hoài Đức. Làm quan dưới triều nhà Lê, do lập được nhiều công trạng nên cụ được vua ban quốc tính họ Lê, kể từ đó cụ có tên là Lê Công Hành. Cụ mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661), thọ 56 tuổi, được triều đình phong tặng Công bộ Thượng thư, tước Thái Bảo Quận công. 5 xã mang công ơn đã suy tôn cụ làm Tổ nghề, hàng năm hưởng thừa cúng tế”.

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại - 2

Đoàn chủ tịch Hội thảo Lê Công Hành

Từ sự khẳng định trên, đối chiếu với các nguồn sử liệu chính thống khác đều thấy rõ, danh nhân Lê Công Hành là một nhân vật lịch sử có thật, trong bối cảnh chính trị - xã hội Lê - Trịnh - Mạc hết sức phức tạp đã phải tùy theo tình hình thay đổi hành trạng, kể cả việc đổi họ để thực hiện được ý chí giúp nước và tài năng phò trợ vương triều đương thời của mình. Điều này cho thấy con người Lê Công Hành dù mang bất cứ danh tính hoặc tộc họ nào thì chí hướng và hoài bão của ông đều không thay đổi. Ông đã hiểu rất rõ thời cuộc khi đó và đã bước qua những tiểu tiết, những giáo điều tầm thường để tiến tới mục tiêu cao cả, chính đáng không chỉ của riêng ông, đó là giúp dân, giúp nước.

Lê Công Hành thi đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (1637) khi ông đã 31 tuổi với cái tên Trần Quốc Khái đã cho thấy ý chí phi thường của ông. Ông được cử đi sứ Trung Quốc (1646) khi mà thế trận bang giao của triều đình Lê - Trịnh với Trung Quốc; triều đình nhà Mạc với Trung Quốc hết sức phức tạp đã cho thấy tài năng hơn người, nhất là sự tin tưởng tuyệt đối của vua Lê, chúa Trịnh khi đó với Lê Công Hành.

Khi đi sứ Trung Quốc, ông đã vượt qua nhiều thử thách ngặt nghèo, có những thử thách đã trở thành giai thoại dân gian được các đời sau truyền tụng càng cho thấy vai trò quan trọng và nhất là đức độ, tài năng của ông, những đóng góp xuất sắc của ông với triều đình, với nhân dân và Tổ quốc. Đây cũng là điểm đặc biệt của danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Trong bối cảnh thời cuộc lúc bấy giờ, một vị quan đại thần như Lê Công Hành nhất cử nhất động đều hết sức khó khăn. Chính thể Lê - Trịnh với sự phức tạp và những “ranh giới” của nó luôn là thử thách ngặt nghèo với mỗi đại quan triều đình, nhất là các đại thần phò trợ vua Lê như Lê Công Hành. Chỉ riêng việc ông được ban quốc tính và dũng cảm nhận quốc tính đã cho thấy bản lĩnh hơn người của Lê Công Hành. Nếu là một người khác, với sự thống thuộc quyền lực tuyệt đối của các chúa Trịnh, chắc chắn sẽ rất e dè, sợ hãi, thậm chí là tìm cách thoái thác.

Chúng ta cũng thấy một điều rằng, tuy các đời chúa Trịnh đều ôm mộng bá vương, nắm giữ quyền lực tuyệt đối điều hành đất nước nhưng các vị chúa đó đều khao khát hiền tài, luôn biết cách trọng dụng và sử dụng hiền tài bất kể các bậc hiền tài ấy làm quan trong cung vua hay phủ chúa thì trước tiên và trước hết đều phải phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong bối cảnh đó, Lê Công Hành đã vừa khéo léo vừa cương quyết thực hiện đúng phận sự của mình, nhận được sự tin cậy đặc biệt của cả vua Lê và chúa Trịnh là bằng chứng là việc ông được cử đi sứ thực hiện sứ mệnh bang giao với Trung Quốc (cuối triều Minh, đầu triều Thanh) bấy giờ. Từ các hành trạng và nhất là công trạng, sự tin cậy đặc biệt của vua Lê, chúa Trịnh đối với Lê Công Hành đã cho thấy con người thời cuộc của ông rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về chính mình, về thời cuộc mình đang sống để từ đó xuất xử và hành xử đúng đắn nhất, thể hiện được tài hoa và hoài bão toàn diện nhất.

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành - Thời đại - giai thoại

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại - 3

Lãnh đạo huyện Thường Tín tặng sách các Nhà khoa học 

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành với những cống hiến xuất sắc trong thời đại của mình trong đó nhiều cống hiến đã đi vào giai thoại chính là điểm đặc sắc cũng là đặc biệt về ông. Tại sao lại như vậy? Sau này, nhiều nhà sử học đã tỏ ra băn khoăn về việc có hay không sự khác nhau giữa các nhân vật Lê Công Hành, Trần Quốc Khái, Bùi Trần Khái... và đã có một khoảng thời gian dài chúng ta chưa thể thống nhất về danh nhân Lê Công Hành. Đây cũng là điều tất yếu nhất là với một vị danh nhân có nguồn gốc họ Mạc lại gánh vác trọng trách vai vế đại thần triều Lê - Trịnh đã khiến đời sau phải tốn nhiều giấy mực.

Các nhà sử học từng có sự phân vân, thiếu thống nhất cũng là lẽ bình thường. Điểm căn cốt có thể là xuất thân họ Mạc của Lê Công Hành. Ông đỗ Tiến sĩ với danh tính Trần Quốc Khái đã là một việc khác thường. Họ Bùi - Trần mà các đời sau ghi chép lại lại là một việc khác thường nữa. Rồi quốc tính họ Lê khi ông đã quan cao lộc hậu cũng là một sự khác biệt rất lớn. Có lẽ nào các chúa Trịnh vốn nổi tiếng gian hùng trong khống chế triều chính, đặc biệt cảnh giác với sự cài cắm của Mạc triều vào trong hàng ngũ quan lại Lê triều lại khinh suất đến mức không tìm hiểu rõ ngọn nguồn gốc gác của Lê Công Hành? Và cả hậu nhân các đời sau của bốn dòng họ Mạc, Bùi, Trần, Lê cứ mãi để cụ Tổ nghề thêu trong màn sương khói phủ? Huân công đã đến nhường ấy. Tài hoa đã đến bậc Tổ nghề. Trí tuệ đã dư sức bang giao với người Trung Quốc ắt hẳn một người hiền tài đức độ như Lê Công Hành sẽ rất biết cách để hậu thế có điều kiện, cơ sở khoa học tường minh về ông sao ngài vẫn ẩn mình trong giai thoại?

Trong Lý lịch di tích đền Ngũ Xã, xã Quất Động, huyện thường Tín, thành phố Hà Nội, ở phần văn tế ngài có đoạn: “Tiên sinh tài cao xuất chúng, trí vượt tiên tri, là vầng trăng sáng Nam Triều, là ngôi sao lành đất Bắc. Lòng tựa gấm, miệng tựa thêu, đã lấy văn chương soi sáng đời thịnh trị, mũi kim, sợi chỉ, lại truyền tinh xảo đến phương Nam. Tài khéo sáng tỏ, ngắm sao Bắc Đẩu, Thái Sơn. Có công thì thờ tự, dù dâu biển cũng chẳng hề quên. Gặp lúc xuân tiết, kính dâng lễ mọn, nguyện soi xét lòng son, ban cho ơn phước lớn. Kính mong thượng hưởng”.

Tại phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội còn có ngôi đình Tú Thị (của dân làng Quất Động) thờ vọng cụ Lê Công Hành. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ nghề, những người dân làng Quất Động ở Thăng Long đều phải về quê tham dự lễ hội. Sau đó, người làng Quất Động lại được mời lên Thăng Long dự lễ. Lệ này đến nay vẫn được duy trì đều đặn như muốn nhắc nhở con cháu dù đi đâu nhưng vẫn phải luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội, nhớ ơn những người đã dạy và truyền nghề cho họ.

Quả thực về danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành - con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại luôn liên hoàn đan cài không dứt và dư sức hấp dẫn từ khi ông sinh ra, thi đỗ Tiến sĩ, đảm đương các chức vụ quan trọng trong triều đình Lê - Trịnh, mất đi và được nhân dân thờ phụng tới hôm nay.

Khi nghiên cứu về danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành, chúng tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với danh nhân văn hóa - lịch sử - Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cụ cũng nhiều lần đi sứ Trung Quốc, có công rất lớn với triều đình Lê - Trịnh và cũng có vô số giai thoại dân gian trong suốt cuộc đời làm quan, hộ quốc, an dân của mình. Đây vừa là điểm tương đồng vừa là điểm đặc sắc của các danh nhân văn hóa - lịch sử được nhân dân suy tôn, kính ngưỡng.

Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại - 4

Tác giả bài viết phát biểu tại Hội thảo.

Viết đến đây, chúng tôi chợt ngộ ra một điều rằng, chỉ có nhân dân muôn đời vẫn vô cùng bao dung, tinh tường và giang rộng vòng tay đón nhận và nâng đỡ kể cả từ minh quân thánh chúa tới các danh tướng, danh thần, danh nhân có công với nước. Nhân dân chưa nhầm lẫn bao giờ, càng chưa bao giờ đánh giá sai công trạng của ai, dù trong hoàn cảnh rối ren phức tạp đến mấy thì nhân dân, nhất là hậu nhân các đời sau vẫn biết cách đánh giá công bằng với các bậc tiền nhân. Đây chính là sự công bằng của lịch sử đối với mỗi con người, trong bối cảnh thời đại, thời cuộc mà người đó sinh ra và cống hiến.

Buổi sáng mùa thu trời cao xanh vời vợi. Đoàn nghiên cứu chúng tôi trước khu mộ hết sức đơn sơ, khiêm tốn, vắng lặng xung quanh là cây cỏ thanh bình của cụ Tổ nghề thêu - danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành càng cảm thấy nhân dân nơi quê hương bản quán đã dành cho đức ngài một sự kính ngưỡng vô biên. Đơn sơ và thanh bình giữa muôn trùng cỏ cây hoa lá, lắng nghe những mạch đập đan cài của đời sống nhân dân trong buổi đất nước hòa bình chính là tâm nguyện cũng là sự thanh thoát của đức ngài - danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành. Lớp hậu sinh chúng tôi cùng nhau kính ngưỡng và sẽ gắng sức làm nhiều điều hữu ích cho dân, cho nước như những gì đức ngài đã tâm truyền với các thế hệ sau.

Phùng Văn Khai

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.