Đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội lớn cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong 2 ngày 10 và 11/9/2023 là mốc son về lịch sử trong quan hệ hai nước. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (sau 10 năm là đối tác toàn diện) vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững, hai bên cùng có lợi theo cấu trúc mới để hai quốc gia hoạch định mục tiêu dài hạn mang tầm vóc thời đại. Sự kiện trọng đại này phù hợp với đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Nhân dân hai nước…

Thiết lập đối tác chiến lược toàn diện

Sau 18 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2013), năm 2013 trong quan hệ đối ngoại Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác toàn diện. Kết quả đó từ chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7 năm 2013. Trong cam kết, thỏa thuận Hoa Kỳ và Việt Nam thống nhất với 9 nội dung hợp tác và ưu tiên: Chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, môi trường – y tế, văn hoá – thể thao, giao lưu Nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh và quyền con người.

Đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội lớn cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ - 1

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong 2 ngày 10 và 11/9/2023 là mốc son về lịch sử trong quan hệ hai nước. (Ảnh minh họa) Nguồn ảnh: Báo Điện tử VOV

Trong 10 năm (2013-2023), Chính phủ hai nước đã triển khai nhiều chương trình hợp tác có hiệu quả trên hầu hết các nội dung đề ra, riêng về kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 6 lần so với hơn 10 năm trước đó. Lần này, xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên nền tảng tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo sự ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu Nhân dân. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước, nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học - công nghệ,v.v...   

Sau chiến tranh lạnh, trong quan hệ quốc tế hình thành nhiều hình thế mới. Các quốc gia với thể chế chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau đã tìm ra các phương cách mới và áp dụng một cách linh hoạt để thúc đẩy quan hệ với nhau cùng chung mục tiêu, mục đích vì hoà bình, lợi ích giữa các bên. Khái niệm đối tác chiến lược được biết đến đầu tiên là quan hệ Hoa Kỳ - Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1992. Từ đó, như một trào lưu diễn ra chủ yếu trong các nước lớn. 

Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài về thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh - quốc phòng (trong các bối cảnh liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quân sự “chiến lược” để bảo vệ chung), nghệ thuật sử dụng nguồn lực, kết hợp với các giá trị về đạo đức để đạt các mục tiêu, không giới hạn không gian, thời gian, không hạn chế đối tượng áp dụng. Đồng thời, đối tác chiến lược là một dạng quan hệ hợp tác toàn diện nhưng tuỳ thuộc vào sáng kiến của mỗi bên. Trên cơ sở tin cậy lòng tin, các đối tác cam kết không tấn công lẫn nhau, không liên minh chống lại các nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và phải có lòng tin vào nhau. Đối tác chiến lược toàn diện là hai bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ nhau và thúc đẩy hợp tác sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi. Đối với Hoa Kỳ, đối tác chiến lược toàn diện là bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh,v.v...

Cho đến nay, Hoa Kỳ thiết lập 24 đối tác chiến lược (hoặc tương đương), trong đó có 10 quốc gia (Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện), 2 nước quan hệ đặc biệt là Anh và Israel, 2 quan hệ đồng minh ngoài NATO, 8 quan hệ đồng minh khác.  Trung Quốc là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược nhiều nhất với khoảng 60 nước và khu vực (khối). Nga quan hệ đối tác chiến lược với 40 nước tại các châu lục. Pháp quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia. Anh và Ấn Độ, mỗi nước có 12 đối tác chiến lược,v.v…

Việt Nam quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tính đến năm 2023 Việt Nam mới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với 19 quốc gia, bao gồm: Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013), Malaysia và Philippines (2015), Úc (2018), New Zealand (2020), Hoa Kỳ (2023). Trong đó có 6 nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Nhật Bản (2017), Hàn Quốc (2022) và Hoa Kỳ (2023). Riêng Hoa Kỳ xác lập thẳng từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam còn có mối quan hệ là đối tác toàn diện với 13 nước, bao gồm: Nam Phi (2004), Chi lê, Brazil và Venezuela (2007), Argentina (2010), Ucraina (2011), Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013), Myanma và Canada (2017), Hungari (2018), Brunei và Hà Lan (2019). Trong đó, có 2 nước Hà Lan và Đan Mạch là đối tác chiến lược lĩnh vực.

Ngoài xác lập đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với ba nước: Lào, Campuchia và Cuba. 

Tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Đường lối đối ngoại của Việt Nam nhất quán là độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và thực hiện đường lối quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội lớn cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Hải Nguyễn (Nguồn ảnh: Báo Lao Động)

Sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện, hai bên đặc biệt quan tâm vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ, đóng góp tích cực vào hoà bình, an ninh, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, thực hiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC), sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước, tạo ra “hành lang rộng mở” cho hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực mạnh để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại, Hoa Kỳ nhất trí thực hiện đột phá khoa học công nghệ ở Việt Nam. Trong đó có công nghệ điện tử, sản xuất chip bán dẫn, thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, sản xuất xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,v.v… để Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới.

Như vậy là, mong ước của Chủ tịch Hồ chí Minh gần 80 năm về trước, đặt nền móng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đường lối phát triển bền vững trở thành nước công nghiệp vào năm 2030, nước phát triển vào năm 2045 sẽ sớm trở thành hiện thực. 

Chiến lược An ninh - Phát triển- Thịnh vượng, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế có tầm cao mới!

Kim Quốc Hoa

Một lần đến Mỹ
Một lần đến Mỹ

Tôi vừa có dịp sống trên đất Mỹ 10 ngày. Một quốc gia có diện tích rộng thứ 3 trên thế giới thì thời gian chừng ấy...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn