Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ

Ngày 13/5/1955 đánh dấu thời khắc lịch sử: Những tên lính Pháp cuối cùng rời gót, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Từ một thành phố cảng từng oằn mình trong khói lửa chiến tranh, Hải Phòng đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế động lực quan trọng của miền Bắc và cả nước. 70 năm nhìn lại, đó không chỉ là hành trình của tái thiết và phát triển, mà còn là minh chứng sống động cho bản lĩnh, ý chí và khát vọng vươn lên của một đô thị biển giàu truyền thống cách mạng, luôn đổi mới vì tương lai.

Vững bước từ lịch sử

Ngày 13/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng, thành phố Cảng chính thức được giải phóng. Từ đó, Hải Phòng bước vào giai đoạn mới: tái thiết hạ tầng, khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Hải Phòng đi trước về sau” và cuộc chiến đấu 300 ngày trước khi giải phóng đã trở thành biểu tượng về bản lĩnh, sự linh hoạt và khéo léo của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng.

Lịch sử Hải Phòng thời kỳ hiện đại là sự tiếp nối của những trang sử hào hùng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến mang tính chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Từ các chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng: năm 938 dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, năm 981 dưới tay Lê Hoàn đẩy lùi quân Tống, và năm 1288 với chiến công của Trần Hưng Đạo đánh bại quân Nguyên Mông – vùng đất Hải Phòng đã sớm trở thành địa linh nhân kiệt, gắn với những chiến công lẫy lừng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ - 1

Bước sang thời kỳ cận - hiện đại, Hải Phòng trở thành "cửa ngõ quốc tế" của Bắc Kỳ, phát triển thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, và đặc biệt là cái nôi phong trào công nhân – nơi đón nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin từ rất sớm. Năm 1929, tổ chức cộng sản đầu tiên tại Hải Phòng được thành lập. Đến tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng ra đời – là một trong những tổ chức Đảng địa phương đầu tiên của cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của công nhân – nông dân Hải Phòng phát triển mạnh mẽ qua các thời kỳ 1930–1931, 1936–1939 và đặc biệt là giai đoạn 1939–1945. Đỉnh cao là cao trào kháng Nhật cứu nước, nơi tiếng trống khởi nghĩa từ Kim Sơn (Kiến Thụy) ngày 12/7/1945 đã vang lên như lời hiệu triệu, mở màn cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Chỉ trong 10 ngày từ 15 đến 25/8/1945, chính quyền cách mạng đã được thiết lập tại Hải Phòng – Kiến An.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước bước vào một chặng đường đấu tranh đầy gian khổ. Ngày 20/11/1946, quân dân Hải Phòng đã nổ súng những phát súng mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hải Phòng trở thành địa bàn chiến đấu quyết liệt, tiêu biểu với các phong trào: “Đường 5 anh dũng”, “Đường 10 quật khởi”, “Cát Bi rực lửa”. Mặc dù là vùng tạm chiếm, nhưng quân dân Hải Phòng đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân ngay trong lòng địch, góp phần làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ vang dội.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ - 2

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, quy định quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc. Hải Phòng là khu vực cuối cùng trong thời hạn "300 ngày tập kết". Cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng đầy cam go kéo dài từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1955 đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Với các hình thức đấu tranh chính trị, ngoại giao khéo léo và sự kiên trì vận động quần chúng, Hải Phòng đã buộc quân Pháp rút lui trong hòa bình vào ngày 13/5/1955, mở ra thời kỳ mới: toàn miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động chia sẻ niềm vui lớn lao với đồng bào trên Báo Nhân dân số ra ngày 18/5/1955: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa Xuân. Hàng vạn đồng bào già trẻ gái trai, đủ các tầng lớp, tủa ra hoan nghênh bộ đội, cán bộ. Nét mặt mọi người sung sướng vui mừng như mùa Xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu, đã kết quả vẻ vang: Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Hải Phòng đã giải phóng hoàn toàn”. Và cũng trong bài viết này, Người không quên căn dặn:“Mọi người, mọi ngành phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để khôi phục kinh tế miền Bắc và giúp đỡ đồng bào miền Nam đấu tranh… Mọi người phải giúp sức vào việc củng cố quốc phòng; mọi người không được thoả mãn, tự kiêu, mà phải tỉnh táo ngăn ngừa kẻ địch phá hoại”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, Hải Phòng khẩn trương khôi phục sản xuất, cải tạo xã hội chủ nghĩa và từng bước xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Trong giai đoạn 1955–1965, thành phố tập trung khôi phục các nhà máy, xí nghiệp, hệ thống giao thông và các công trình dân sinh; Cảng Hải Phòng trở thành cửa ngõ quan trọng kết nối miền Bắc với thế giới. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, quân và dân Hải Phòng kiên cường bám trụ, bảo vệ sản xuất, hỗ trợ sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Thành phố đã bắn rơi 317 máy bay Mỹ, tháo gỡ hàng trăm quả bom mìn, thủy lôi, giữ vững luồng cảng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Kết thúc chiến tranh, Hải Phòng tiếp tục đối mặt với cấm vận và khó khăn do cơ chế bao cấp. Với tinh thần dân chủ, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã khởi xướng nhiều mô hình đổi mới từ thực tiễn như “khoán mới”, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Những tư duy đột phá ấy không chỉ giúp thành phố vượt qua thử thách mà còn góp phần đặt nền móng cho đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta sau này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Hải Phòng là một trong những địa phương khởi phát mạnh mẽ cho sự đổi mới tư duy lãnh đạo – một dấu ấn tự hào trong hành trình phát triển”.

Từ những chiến công hào hùng của lịch sử xa xưa đến bản lĩnh đấu tranh hiện đại, Hải Phòng đã thực sự khẳng định vị thế là vùng đất "trung dũng – quyết thắng", là nơi hội tụ của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng độc lập dân tộc. Những giá trị ấy chính là nền móng vững chắc để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới trong công cuộc đổi mới và hội nhập.

Bứt phá vì tương lai

Bước vào công cuộc đổi mới từ năm 1986, Hải Phòng đã từng bước chuyển mình, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về cải cách tư duy và phương thức phát triển. Là nơi khởi phát của nhiều mô hình kinh tế mới, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và tinh thần “dân vận khéo” đã làm nên sức mạnh nội sinh, đưa Hải Phòng ra khỏi bao cấp trì trệ và từng bước vươn lên mạnh mẽ.

Trong hơn 40 năm đổi mới, Hải Phòng đã có những bước đột phá về kinh tế, hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Giai đoạn 2021–2024, tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình đạt 11,53%/năm – gấp 1,63 lần giai đoạn 2011–2015 và cao hơn gần 1,5 lần mức trung bình cả nước. Năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 109.387 tỷ đồng – gấp 6,5 lần năm 2010. Năng suất lao động đạt 392,1 triệu đồng/người – đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Ninh.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ - 3

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng hiện đại hóa. Công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng chủ đạo, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt 43,86% GRDP; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm 66%. Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn với 853 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 24,5 tỷ USD. Huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021–2024 đạt 759.263 tỷ đồng – gấp 3,73 lần giai đoạn 2011–2015.

Song song với phát triển kinh tế, Hải Phòng không ngừng đầu tư cho các lĩnh vực xã hội – giáo dục – y tế – văn hóa. Đến năm 2024, toàn thành phố có 565 di tích được xếp hạng, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 1 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ; các lễ hội truyền thống như Lễ hội Hoa phượng đỏ, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn… trở thành những điểm nhấn đặc sắc trong đời sống tinh thần đô thị.

Chất lượng giáo dục tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu toàn quốc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39%. Thành phố chú trọng đầu tư các trường chất lượng cao, phát triển giáo dục nghề nghiệp và đại học theo hướng phục vụ trực tiếp cho chuyển đổi số, kinh tế biển và công nghệ cao.

Ngành y tế ghi dấu ấn với hệ thống bệnh viện hiện đại, 95% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2024, thành phố thực hiện thành công 2 ca ghép thận và 2 ca ghép giác mạc, đánh dấu bước tiến lớn về y học. Tuổi thọ trung bình cao hơn mức chung toàn quốc, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,1%.

Không chỉ phát triển về kinh tế - xã hội, Hải Phòng còn đi đầu trong thực hiện chính sách an sinh: thu nhập bình quân đầu người đạt 8.665 USD năm 2024 – tăng gần 5 lần so với năm 2010; mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 55.000 lao động; triển khai hơn 11 dự án nhà ở xã hội với 20.941 căn hộ, chỉnh trang đô thị toàn diện, cải thiện chất lượng sống rõ nét.

Với những kết quả đó, Hải Phòng không chỉ là điểm sáng của vùng Duyên hải Bắc Bộ mà còn là động lực phát triển quan trọng của cả nước, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng hành cùng dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước kỷ nguyên mới, Hải Phòng đứng trước những thời cơ lớn lao và cả những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Hải Phòng không chỉ là tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà là phát triển bền vững, bao trùm và có chiều sâu, gắn với kỷ nguyên số và chuyển đổi xanh.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hải Phòng trong thời kỳ mới là tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu phát triển của vùng Duyên hải Bắc Bộ, trở thành đô thị trung tâm quốc gia và cửa ngõ quốc tế của Việt Nam. Để làm được điều đó, thành phố xác định rõ định hướng chiến lược: phát triển công nghiệp công nghệ cao; cảng biển và logistics hiện đại; đô thị xanh, thông minh và đáng sống; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nền văn hóa Hải Phòng đậm đà bản sắc, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ - 4

Theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững; là động lực phát triển của cả nước, có trình độ phát triển tương đương các thành phố hàng đầu khu vực ASEAN. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 12–14%/năm; GDP bình quân đầu người đạt trên 14.000 USD vào năm 2030. Hải Phòng cũng đặt mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành trung tâm logistics – công nghiệp tầm khu vực, và hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao trong lĩnh vực kinh tế biển, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ số.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Hải Phòng chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý đô thị, sản xuất và dịch vụ công. Thành phố triển khai mạnh mẽ đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu là đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, xây dựng thành công nền hành chính phục vụ, minh bạch, hiện đại.

Để đồng hành cùng dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới, Hải Phòng xác định yếu tố con người là trung tâm. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe toàn diện, bảo đảm an sinh xã hội là những trụ cột không thể thiếu. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa mới, phát huy vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong phát triển bền vững.

Với truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng”, với khát vọng vươn xa và tinh thần đổi mới không ngừng, Hải Phòng đang từng bước khẳng định vị thế là hình mẫu của một thành phố công nghiệp, cảng biển hiện đại trong thời đại số. Những giá trị lịch sử hào hùng, những thành tựu vững chắc và tầm nhìn chiến lược hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc để Hải Phòng tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, vươn mình mạnh mẽ trong hành trình kiến tạo tương lai.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, Hải Phòng không chỉ tự hào nhìn lại quá khứ mà còn hướng tới tương lai với quyết tâm và khát vọng mới. Dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam, với truyền thống lịch sử vẻ vang và khát vọng lớn lao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Hải Phòng thành một thành phố kiểu mẫu, văn minh, hiện đại, tiếp tục vươn xa hơn nữa trong tương lai, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước về một thành phố anh hùng, thành phố Trung dũng - Quyết thắng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Đặng Thị Thúy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng – góc nhìn từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng – góc nhìn từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng có vai trò quan trọng trong tái hiện lịch sử, tôn vinh truyền thống đấu tranh của dân tộc và giáo dục lòng yêu nước. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ lưu giữ những tác phẩm có giá trị, mà còn góp phần thúc đẩy sáng tác thông qua các hoạt động triển lãm, sưu tầm và vận động nghệ thuật. Tuy nhiên, hoạt động sáng